Truyền thông – quảng cáo đang phá hoại cuộc sống của chúng ta như thế nào?

Cái vòng tròn luẩn quẩn: người dùng cần sản phẩm, các công ty sản phẩm cần tiền từ người dùng (Ảnh Steve Cutts)
Bạn biết quảng cáo nghĩa là gì không? Là như thế này: “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ…”

Còn gì tuyệt hơn trong một buổi sáng ẩm ướt, nghe những ca khúc về mưa, nhâm nhi ly cafe nóng và hít hà mùi thơm béo ngậy của chiếc bánh bông lan nhân nho ngọt ngào. Không khí tuyệt vời đến nỗi chú chó con cũng nằm im lim dim cùng tôi hòa vào bản nhạc… Quả thật là một buổi sáng tuyệt vời và tôi không mong gì thêm nữa…

Đó, đó chính xác là quảng cáo, là nghệ thuật marketing, là truyền thông, là chính trị. Bất cứ khi nào người ta chỉ nói thứ cần nói, nói một phần của câu chuyện để đạt mục đích riêng, đó chính là truyền thông, là chính trị. Và tôi ghét cả hai thứ đó. Bởi vì chúng giấu đi toàn bộ sự thật để đạt được lợi ích cho một ai đó, một nhóm người nào đó. Chính trị thì để đạt lợi ích cho những người cầm quyền còn truyền thông thì nhằm kiếm lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Sự thật thì thế này. Trời đang mưa, không khí vô cùng ẩm ướt khó chịu vì là mùa mưa bão. Và điều này khiến đa phần mọi người đều chán nản vì mùa mưa cũng là mùa buôn bán ế ẩm nhất năm, chưa tính tới vụ tháng cô hồn nữa. Tôi lại còn buồn hơn vì mới tối qua tôi nhận được một tin không vui. Tin này do khách quan và đã khiến cho một kế hoạch tôi mong chờ trở nên tan nát. Ngoài ra sự thực là ly cafe tôi đang uống đã nguội ngắt chẳng còn vị gì và chiếc bánh ngọt thì dở kinh lên được vì quá dư đường… Mọi thứ, sự thực về mọi thứ khi không được nói hết đều trở nên đẹp đẽ lộng lẫy. Đó là lý do tôi ghét truyền thông và quảng cáo.

Có lẽ phải xin lỗi trước những người bạn của tôi đang làm trong ngành này (khá nhiều), xin lỗi vì nói những thứ khiến các bạn không vui. Nhưng đối với tôi, quảng cáo (hay gọi chung là truyền thông) là những thứ bịp bợm, dối trá và phá hỏng cuộc sống này về mọi mặt.

– Trẻ em không uống sữa bò thì không thể cao lớn thông minh sao?
– Gia đình không nấu ăn bằng bột nêm gia vị thì sẽ không hạnh phúc được à?
– Tết nhất biếu ông bà thùng nước ngọt là đại gia đình mãn nguyện ư?
– Thanh niên uống lon nước tăng lực là đủ sức đánh nhau với mọi người cứu gái đẹp?
– Phụ nữ chỉ cần làn da trắng là có người yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên?
– Quan tâm cha mẹ chỉ cần biếu họ hộp sữa?
– Một chiếc xe đẹp là đủ để đưa 1 người đi tới thành công?
Các thương hiệu đã và đang “tẩy não” người tiêu dùng như thế nào? (Ảnh Steve Cutts)

Một mùi thơm đủ nói lên bản lĩnh đàn ông?

– Một ly cafe là đủ cho hoạt động sáng tạo? Uống một lon nước là sẽ có mọi bữa ăn ngon? ăn một cây kem là đủ để tỏa sáng?

Nhảm nhí, tất cả đều là nhảm nhí. Nhảm nhí đến phát rồ.

Quảng cáo ném thông tin vào tai mọi người, thật ra là ném rác – những thứ vô nghĩa, không giúp gì cho bạn chính là rác, rác tâm hồn thì lại càng nguy hiểm. Sao người ta không thể chịu nổi khi bị người khác ném rác vào mình nhưng lại thoải mái để cho truyền thông ném rác vào tâm trí bạn như vậy? Bạn không thấy nó đang phá hỏng mọi nếp sống, suy nghĩ của tất cả mọi người hay sao? Bạn không thấy nó đang phá hủy những giá trị cốt lõi và thậm chí phá hủy cả trái đất hay sao?

– Truyền thông nói sữa là cần thiết, bột giặt là cần thiết, mỳ tôm cần thiết, tóc mượt là cần thiết… tất cả mọi thứ đều cần đến chỉ có thế bạn mới có thể hạnh phúc. Sao truyền thông không nói thêm rằng phá rừng là cần thiết, bơm thuốc vào rau quả thịt là cần thiết, béo phì là cần thiết, cái vỏ bọc bên ngoài là cần thiết hơn cả nội tâm, giả dối là cần thiết và tranh đấu thi thố là cần thiết hơn cả?

– Không sách vở nào dạy người ta xấu cho bằng quảng cáo. Nó khiến người ta tin rằng cái vẻ ngoài là đủ để chinh phục mọi thứ, rằng những thứ hàng hóa mới là thứ định nghĩa con người, rằng người ta phải cao hơn nhau, phải trắng hơn nhau, phải hạnh phúc hơn nhau, phải xinh đẹp hơn nhau…

– Bạn có thấy phim quảng cáo cực thu hút trẻ em không? Vì chỉ có trẻ em mới tin được quảng cáo, ấy thế mà không ít người lớn hiện nay cũng chẳng khác gì trẻ nhỏ, họ quá bị quảng cáo thu hút, quá tin vào nó và góp phần tạo nên một chủ nghĩa toàn cầu: chủ nghĩa tiêu dùng- thứ chủ nghĩa hủy hoại môi trường, phá hỏng mọi giá trị về tinh thần mà chỉ hướng người ta đến với vật chất.

– Bạn thường xuyên để con bạn tiếp xúc với phim quảng cáo, thì đừng ngạc nhiên khi chúng đòi hỏi thứ này, xin xỏ thứ nọ, thậm chí là những thứ không cần thiết. Đừng ngạc nhiên nếu chúng tủi thân khi thua kém bạn bè một cái điện thoại, một cái đồng hồ hay có khi là một bịch bánh snack (nếu con bạn còn nhỏ). Đừng ngạc nhiên khi chúng bắt đầu quá quan tâm tới lớp vỏ bọc hơn là thực chất. Đừng ngạc nhiên khi chúng thấy bản thân không cần cố gắng điều gì ngoài việc cố gắng có tiền để mua sắm, mua sắm chiếc xe mang lại cho chúng bản lĩnh, mua sắm lọ nước hoa mang lại cho chúng vẻ nam tính, mua sắm một chai bia để mang lại cho chúng “đẳng cấp”… Đừng ngạc nhiên khi bọn trẻ bắt đầu trở nên sống như phim quảng cáo.

– Quảng cáo, hay truyền thông đang định nghĩa lại mọi sự hiểu biết của con người, không phải dựa trên kiến thức khoa học, mà chỉ dựa trên lợi nhuận. Nó nói rằng nên uống cái này, nên ăn cái kia, nên mua cái nọ… vì những thứ đó mang lại cho bạn cuộc sống như mong đợi. Không đâu nhé, tôi dám khẳng định với bạn không đứa trẻ nào tự tin hơn khi mặc chiếc áo trắng hơn, với những đứa trẻ ngây thơ mọi màu trắng là như nhau, cảm xúc mới là quan trọng nhưng phụ huynh lại khác, họ lại cho rằng áo con họ trắng hơn thì cảm xúc mới tốt hơn. Tôi dám cá không có một loại nước uống nào lại cho bạn sức mạnh để làm việc tốt này, cứu người nọ, đánh người xấu kia. Cũng như không có một loại hạt nêm thần kì nào biến bữa ăn của bạn thành kiểu mẫu, biến bạn thành một người vợ người mẹ hoàn hảo được. Liệu có loại dầu gội sữa tắm nào khiến bạn được người khác yêu ngay từ cái hít đầu tiên, cái nhìn đầu tiên? Trên đời có loại sữa nào biến con bạn thành siêu nhân trừ gian diệt ác, biến nó thành to lớn và thông minh ngời ngời? Có loại sữa nào thật sự giúp bạn đẻ con đẹp xinh và thông minh từ trong bụng? Có loại thuốc nào giúp giảm cân nhanh chóng mà không cần thể dục hay ăn uống hợp lý? Tôi hứa với bạn chẳng có loại sản phẩm nào thần thông như thế cả. Ít nhất trên phương diện khoa học điều đó là không thể.
Nhiều doanh nghiệp, tổ chức luôn khoe khoang rằng người lao động mới là cốt lõi, thế nhưng thực tế câu chuyện đâu có như vậy, tình trạng bóc lột xảy ra khắp mọi nơi. (Ảnh Steve Cutts)

– Bạn biết tại sao những người làm truyền thông, quảng cáo lại được lương thưởng rất hậu không? Vì họ giúp doanh nghiệp bán được những thứ vô nghĩa. Hãy tưởng tượng về nước uống, Nước mưa nước suối nước ao hồ… luôn có sẵn cho mọi người đun lên uống. Nhưng quảng cáo nói rằng bạn phải uống nước tinh khiết đóng trong chai để khỏe mạnh. Thế rồi hàng vạn người bỏ tiền ra mua nước để uống và doanh nghiệp chỉ cần mang máy móc ra ao hồ, lấy nước có sẵn, bỏ dô một đống hóa chất và đóng chai bán cho bạn. Họ giàu to thì dĩ nhiên người giúp họ giàu to cũng sẽ được trả công rất hậu. Những người làm quảng cáo thường giàu vì họ có khả năng nói dối, có khả năng bẻ cong sự thật cho hợp với thị hiếu mọi người. Đó là điều không phải ai cũng làm được. Nên những người càng cao tay ngành quảng cáo thì có lẽ, khả năng nói dối, nói lách của họ càng cao siêu.

– Tôi từng học ngành quảng cáo, tôi theo khóa chuyên viên quảng cáo nhưng đã bỏ dở giữa chừng vì quá chán nản và vì không chịu nổi những thuật ngữ cao siêu “tâm lý khách hàng” “khách hàng mục tiêu” “khách hàng tiềm năng” “thị trường xanh thị trường đỏ” “sự thật ngầm hiểu” vân vân Có thể nói tôi quá mệt mỏi với việc được dạy phải đào sâu vào tâm tư suy nghĩ của người khác không phải để giúp họ điều gì mà là giúp doanh nghiệp bán hàng, giúp công ty tăng lợi nhuận. Hết! Tôi đã cố gắng học lại 2 lần nhưng vẫn không hoàn thành nổi khóa học chuyên viên QC chỉ kéo dài 3 tháng. Lúc đó tôi còn tự nghĩ rằng bản thân kém cỏi, thậm chí có lúc còn thất vọng vì không còn hứng thú với môn học mình từng thích nhất. Nhưng giờ thì mọi sự đã rõ ràng, sự quan tâm của tôi không phải là chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa tiêu dùng. Nếu như mọi người đều như thế, tôi sẽ không như thế. Tôi không thể giống mọi người và cũng chẳng việc gì tôi phải giống mọi người. Đó chính là một cánh cửa dẫn tôi tới cuôc sống tự do – điều mà mọi người đều mong mỏi. Qua câu nói của Osho hãy nghĩ về điều này “Để đánh giá một người tiến hóa đến đâu, hãy nhìn xem thứ họ quan tâm nhất là gì: vật chất, tinh thần, tâm linh”. Tôi không dám nhận mình là người tiến hóa xa hơn ai, nhưng với đa phần mọi người quay cuồng mua sắm thì e đúng là như vậy.

– Khi mọi người đi làm, tôi đi chơi, du lịch đây đó, mẹ tôi mắng tôi là kẻ ham chơi. Khi mọi người đi học lên cao tôi âm thầm đi làm những gì mình thích và họ nghĩ tôi là kẻ thất bại. Khi mọi người học ra và quay cuồng kiếm việc thì tôi lại sống nhởn nhơ với những cv tự mình tạo ra. Khi mọi người ao ước những cv tôi đang có thì tôi lại không còn hứng thú với chúng nữa. Khi mọi người hứng thú với vật chất thì tôi lại hứng thú với tâm linh và về những sứ mệnh cuộc đời. Khi bạn bè rủ đi hát hò tôi thích đọc sách hay ở một mình còn hơn. Khi họ lấy chồng sinh con và nhắc nhở tôi cũng nên như vậy tôi lại thấy điều đó quá là không cần thiết trong đời mình… Tôi chẳng bao giờ sống cùng nhịp điệu với đa phần mọi người ngoài kia, họ cho rằng tôi đang lạc điệu còn tôi thì thấy cả thế giới thật sai lầm.

– Tôi nhìn mọi đoạn phim quảng cáo với sự bực bội. Tôi đọc mọi bài viết nhảm nhí sống nhờ quảng cáo mà mệt mỏi. May mắn ở chỗ tôi hiểu và tôi không quan tâm còn đa phần mọi người rất quan tâm nhưng lại không hiểu và vì thế cuộc sống của họ bị rối loạn. Bạn thấy không vấn đề khi nhìn một cái sân khấu chi chít những thương hiệu, nhãn hàng. Bạn không ngứa mắt sao? Sao có thể nghe nhạc trong sự tra tấn mắt như thế? Bạn không thấy những chiếc ly in logo đang đồng loạt quay mặt về màn hình trong những cảnh giám khảo nhận xét các cuộc thi? Bạn không thấy chán nản mệt mỏi khi đọc tin tức toàn cướp-hiếp-giết – những tin tức được dùng để lôi kéo tiền quảng cáo vì lôi kéo được sự quan tâm ngớ ngẩn của bạn? Tôi nói với bạn, bỏ tin tức đi, không đọc gì trong 1 tuần thôi và dùng thời gian để làm những việc thật sự quan trọng, và rồi mỗi ngày của bạn sẽ hạnh phúc lên trông thấy. Hãy thử đi.
Đằng sau những sản phẩm đắt tiền thu hút nhiều người dùng là sự bóc lột nặng nề với người lao động. (Ảnh Steve Cutts)

– Bạn trách xã hội đánh giá bạn qua vẻ bề ngoài. Bạn trách cuộc sống thiên vị khi cho những người khác được mọi thứ còn bạn thì không? Bạn chán nản khi cuộc sống không cho bạn những gì xã hội muốn? Trách mọi thứ ngày càng trở nên giả dối và trách những thứ vật chất đang ngày càng tạo nên bản tính xấu xí của con người? Đừng trách gì ai hết một khi bạn còn là tín đồ của chủ nghĩa tiêu dùng và con nghiện truyền thông. Chính bạn đang nuôi dưỡng cái chủ nghĩa đó thì hãy cam chịu sự thống trị của nó.

– Ngành truyền thông, bao gồm quảng cáo chính là tay sai của chủ nghĩa tiêu dùng đang điều khiển bạn, không chỉ điều khiển hành động mà còn điều khiển cả tâm trí, nhận thức và tư duy nữa.

Như mọi thứ chủ nghĩa đang tồn tại, tôi ghét mọi thứ chủ nghĩa đang tồn tại và ghét hơn nữa bọn tay sai của chúng!

Nguồn: phituyet.com
Xem thêm: Chủ nghĩa tiêu dùng: “Người tiêu dùng chỉ là một lũ đần độn”10 Cuốn sách về nghệ thuật quảng cáo: Trở thành phù thủy quảng cáo bán hàng đỉnh cao

"Tôi từng theo học chuyên ngành marketing rồi sau đó học tiếp lên Chuyên viên quảng cáo nhưng không thể hoàn thành khóa học vì không còn chút hứng thú với những môn học ấy, nếu như không muốn nói là chán nản và thất vọng.

Lý do à? Chúng tôi được dạy những cách thức để đi sâu vào trong tâm trí của người tiêu dùng, vào từng ngóc ngách tư duy, suy nghĩ, quan điểm, thói quen của họ chỉ nhằm một mục đích: bán hàng, nghĩa là thu về lợi nhuận cho đám người giàu có đang phung phí tài nguyên trái đất một cách vô tội vạ không cần thiết và lợi nhuận ấy thu từ đâu? Từ túi người tiêu dùng, nói toẹt ra theo cách phổ thông nhất: lấy tiền trong túi đám đông nhét vào ví các công ty tập đoàn giàu có…


Quảng cáo, truyền thông, PR, marketing… những thứ ấy, tất cả chỉ đều là công cụ của chủ nghĩa tiêu dùng – thứ chủ nghĩa vô hình nhưng tác động mạnh mẽ nhất và phá huỷ đời sống nhân loại nhiều nhất."



Ai quan tâm đến trái đất này chứ? Bởi không thể dừng việc thu lợi nhuận lại được! Vậy sao phải bảo vệ nó? (Ảnh Steve Cutts)

Previous Post
Next Post