Krishnamurti: Có hai câu hỏi được đặt ra trong câu vừa nêu, vì thế, chúng ta hãy khảo sát câu hỏi thứ nhất: Khi một sự thật được lặp lại, nhắc lại thì làm thế nào sự thật ấy lại trở thành một sự dối láo? Điều chúng ta lặp lại nhắc lại là điều gì? Bạn có thể lặp lại một sự hiểu biết? Tôi có thể diễn đạt điều ấy thành ngôn từ, tôi có thể truyền đạt điều ấy, nhưng kinh nghiệm vẫn không phải là điều được lặp lại, chắc chắn là thế? Chúng ta bị vướng kẹt trong ngôn từ và đánh mất ý nghĩa của kinh nghiệm. Nếu bạn trải qua một kinh nghiệm nào đó bạn có thể lặp lại kinh nghiệm ấy?
Bạn có thể muốn lặp lại kinh nghiệm ấy, bạn có thể đã trải qua một kinh nghiệm nào đó, nhưng kinh nghiệm ấy đã xong rồi kinh nghiệm ấy không thể nào lặp lại được. Điều có thể lặp lại được là cảm giác và ngôn từ tương đương để làm sống lại cảm giác ấy. Nhưng một điều đáng buồn đối với nhiều người là chúng ta chỉ là những kẻ tuyên truyền, chúng ta bị vướng kẹt trong sự lặp đi nhắc lại những tiếng, lời, chữ, vì thế chúng ta chỉ sống bằng ngôn từ, và chân lý đã bị phủ nhận.
Chúng ta hãy lấy thí dụ về cảm giác thương yêu, chẳng hạn. Bạn có thể lặp lại cảm giác ấy? Khi bạn nghe lời dạy như ‘hãy thương yêu kẻ láng giềng của ngươi’, đó có phải là một sự thật đối với bạn? Đó chỉ là sự thật khi nào bạn yêu thương kẻ láng giềng của bạn, và tình thương ấy không thể lặp lại, nhắc lại được, mà chỉ có ngôn từ là được nhắc lại thôi.
Tuy nhiên phần đông chúng ta đều cảm thấy hạnh phúc, mãn nguyện với lời lặp lại ‘Hãy thương yêu kẻ láng giềng của ngươi’ hoặc ‘Đừng gian tham’ vì thế chân lý, sự thật của một người khác, hoặc kinh nghiệm thực tế mà bạn đã có được nhờ sự lặp lại thì không trở thành một thực tại được. Trái lại, sự lặp lại ngăn chặn lại thực tại. Chỉ lặp lại một số ý tưởng không phải là thực tại.
Điều khó khăn là hiểu được vấn đề mà không phải suy tư qua phạm trù đối nghịch tương phản. Một sự láo khoét không phải là một cái gì đối nghịch lại với chân lý. Mình có thể thấy được sự thật về những gì đã trình bày mà không phải thấy một cách tương phản hoặc đối nghịch như giữa một sự láo khoét hoặc với một sự thật; nhưng chúng ta hãy nhìn thôi cũng tự thấy rằng phần đông chúng ta chỉ lặp lại mà không hiểu gì cả.
Chẳng hạn, chúng ta đã thảo luận về sự gọi tên, đặt tên, và về sự không nên đặt tên cho một cảm giác vân vân. Nhiều người sẽ lặp lại điều ấy, tôi chắc chắn thế, họ lặp lại và nghĩ rằng đó là ‘sự thật’, ‘chân lý’. Bạn không bao giờ có thể lặp lại một kinh nghiệm nếu đó là một kinh nghiệm trực tiếp. Bạn có thể truyền đạt kinh nghiệm ấy nhưng khi đó là một kinh nghiệm thực sự thì những cảm giác nằm sau kinh nghiệm ấy đã tiêu mất, nội dung xúc cảm đằng sau ngôn từ đã hoàn toàn phân tán hết rồi.
Chẳng hạn, lấy thí dụ về việc thực thể tư duy và tư duy là một. Điều này có thể là một sự thật đối với bạn, bởi vì bạn đã trực tiếp thể nghiệm nó. Nếu tôi lặp lại điều ấy thì sự thật không còn nữa, phải thế không? Sự thật ở đây không phải là đối nghịch lại với sự sai lầm, xin bạn đừng lầm điểm này. Điều tôi lặp lại không thực, không sát với thực tế, đó chỉ là một sự lặp lại và không có ý nghĩa gì đáng kể. Các bạn thấy rằng khi lặp lại một điều gì đó thì chúng ta đã tạo ra một tín điều, chúng ta xây dựng một nhà thờ và chúng ta tìm trú ẩn trong ấy. Không phải sự thật nữa, mà chính ngôn từ trở thành ‘sự thật’.
Ngôn từ không phải là sự thể. Đối với chúng ta, sự thể là ngôn từ; đó là lý do tại sao mình cần phải vô cùng cẩn thận trong việc tránh lặp lại bất cứ điều gì mình không thực sự hiểu được. Nếu bạn hiểu một điều gì đó, bạn có thể truyền đạt điều ấy nhưng ngôn từ và ký ức đã mất đi tính cách quan trọng về mặt xúc cảm. Vì vậy nếu mình hiểu được điều ấy trong sự đàm thoại thông thường ở đời sống, quan điểm của mình, dụng ngữ của mình thay đổi hẳn.
Vì chúng ta tìm kiếm chân lý qua sự tự tri chứ không phải chỉ là những kẻ tuyên truyền hô đi lặp lại những khẩu hiệu, do đó hiểu được điều vừa nêu là việc quan trọng. Khi lặp đi lặp lại một lời nói nào đó, mình chỉ tự thôi miên mình bằng những tiếng hoặc bằng những cảm giác. Mình bị vướng kẹt trong những ảo ảnh. Muốn thoát khỏi điều ấy mình hãy triệt để thể nghiệm sự việc một cách trực tiếp, và muốn thể nghiệm một cách trực tiếp, mình phải ý thức trực tiếp về mình trong tiến trình của sự lặp lại, của những thói quen hoặc của những tiếng của những cảm giác. Sự trực thức ấy đem đến cho mình một sự tự do phi thường, để cho sự mới lạ, sự hiện nghiệm thường xuyên, sự phục hồi có thể phát hiện được.
Câu hỏi khác đã được đặt ra là: ‘Thực ra sự láo khoét là gì? Tại sao nói dối là bậy? Đây có phải là một vấn đề sâu sắc và tế nhị trong mọi cấp độ của đời sống chúng ta?’
Sự láo khoét là gì? Phải chăng đó là một sự mâu thuẫn? Một sự tự mâu thuẫn? Một cách ý thức hoặc một cách vô thức, mình có thể mâu thuẫn với mình; sự mâu thuẫn ấy có thể là cố ý hoặc vô ý; sự mâu thuẫn ấy có thể là vô cùng tế nhị hoặc lộ liễu dễ nhận. Khi hố phân ly nơi sự mâu thuẫn quá lớn lao, lúc ấy mình trở nên bất quân bình hoặc mình ý thức được sự phân tán ấy và cố gắng vá víu lấp đầy nó.
Muốn hiểu được vấn đề này, hiểu được bản chất của sự láo khoét và lý do của sự láo khoét, mình phải đi sâu vào vấn đề mà đừng suy tư theo phạm trù đối nghịch tương phản. Chúng ta có thể nào nhìn vấn đề mâu thuẫn trong bản thân mà không phải cố gắng tránh mâu thuẫn? Sự khó khăn của chúng ta khi khảo sát vấn đề là: chúng ta luôn luôn chực chờ lên án sự láo khoét, nhưng muốn hiểu sự láo khoét chúng ta có thể nào nghĩ về nó không qua phạm trù đối đãi của sự thật và sự láo khoét mà nghĩ về bản chất của sự mâu thuẫn?
Tại sao chúng ta hay mâu thuẫn? Tại sao có sự mâu thuẫn trong bản thân chúng ta?
Phải chăng chúng ta luôn luôn cố gắng sống theo một tiêu chuẩn nào đó, một khuôn mẫu nào đó – một sự xê dịch thường xuyên của bản thân để tiến đến một mẫu mực nào đó, một sự nỗ lực hằng cửu trong việc muốn là một cái gì đó đối với cặp mắt của một người nào khác hoặc đối với chính cặp mắt của mình? Mình luôn luôn khao khát, có phải thế không? Khao khát muốn ăn rập theo một khuôn khổ nào đó; khi mình không sống đúng theo khuôn khổ ấy, mình cảm thấy sự mâu thuẫn xuất hiện.
Tại sao chúng ta lại có một khuôn khổ, một tiêu chuẩn, một đường lối đối trị, một ý tưởng để rồi chúng ta phải cố gắng sống đúng theo đó? Tại sao? Tất nhiên là vì muốn được an ninh, được an toàn, được nổi danh, được mọi người biết đến, được một ý kiến tốt đẹp về chính bản thân, vân vân. Đó chính là mầm móng của sự mâu thuẫn. Khi mà chúng ta còn xoay trở bản thân hướng đến một cái gì đó, cố gắng là cái gì đó thì nhất định phải có mâu thuẫn; do đó, mới có sự phân rẽ giữa điều sai lầm và điều đúng thực. Tôi nghĩ rằng đây là một điều quan trọng, nếu bạn khảo sát đi vào vấn đề một cách trầm lặng.
Không phải là không có điều sai và điếu đúng; nhưng tại sao lại có sự mâu thuẫn trong bản thân chúng ta? Phải chăng bởi vì chúng ta cố gắng là một cái gì đó – là người quí phái, nhân đức, thiện tâm, sáng tạo, hạnh phúc, vân vân? Ngay trong sự khao khát muốn là một cái gì đó thì đã chứa đựng một sự mâu thuẫn rồi – nghĩa là không muốn là một cái khác điều mình muốn. Sự mâu thuẫn này có tính cách phá hoại. Nếu mình có khả năng đồng hóa hoàn toàn với một sự thể nào đó, với cái này hoặc với cái kia thì lúc ấy sự mâu thuẫn chấm dứt; khi mình tự đồng hóa hoàn toàn với một sự thể nào đó, lúc ấy phát hiện lên sự rào nhốt bản thân, sự chống chõi, và sự chống trả này tạo ra sự bất quân bình – đây là điều quá hiển nhiên.
Tại sao có sự mâu thuẫn trong bản thân chúng ta? Tôi đã làm một việc gì đó và tôi không muốn khám phá ra việc ấy; tôi đã nghĩ một điều gì đó không đúng với tiêu chuẩn của tôi và điều ấy khiến tôi rơi vào trạng thái mâu thuẫn, và tôi không thích điều ấy. Nơi nào có sự xoay trở để tiến tới tiêu điểm thì nơi ấy phải có sự sợ hãi và chính sự sợ hãi này gây ra mâu thuẫn.
Trái lại, khi mình không còn khát vọng trở nên, thành đạt, không còn nỗ lực muốn là cái gì đó thì lúc ấy mình mới không còn cảm thấy sợ hãi nữa, không còn sự mâu thuẫn nữa; không còn sự láo khoét nào nữa ở bất cứ cấp độ nào, dù ý thức hay vô thức, không còn gì để trấn áp dồn nén, không còn gì để phô trương khoe khoang.
Gần hết đời sống chúng ta chỉ là một mớ tâm trạng trồi sụt và những cái làm dáng, chúng ta làm dáng tùy theo tâm trạng bất thường từng lúc của chúng ta – đó chính là sự mâu thuẫn. Khi tâm trạng bất thường biến mất thì chúng ta thế nào thì vẫn là thế ấy. Điều thực sự quan trọng chính là sự mâu thuẫn vừa nêu chứ không phải việc nói láo vô hại lễ độ hoặc việc không nói láo của bạn. Khi mà sự mâu thuẫn còn hiện hữu, đời sống chúng ta nhất định phải nông cạn thiển bạc và mình vẫn phải có những sự e dè sợ hãi nông cạn mà mình phải tránh né giữ gìn, rồi thế mới sinh ra chuyện nói dối, dù là chỉ nói dối có lợi, không hại ai hết mà chỉ có mục đích xã giao lễ độ và bao nhiêu chuyện khác đại loại như thế.
Chúng ta hãy nhìn thẳng vấn đề này, đừng hỏi định nghĩa về sự dối trá và sự chân thật mà cứ đi ngay vào trong vấn đề mâu thuẫn của bản thân và không thể kẹt vào những sự tương phản đối nghịch giữa sự dối trá và sự chân thật – làm được như vậy thực là khó khăn vô cùng, vì chúng ta bị lệ thuộc quá nhiều vào những cảm giác, cho nên phần lớn đời sống của chúng ta đều có tính cách mâu thuẫn. Chúng ta bị lệ thuộc vào những kỷ niệm, những ý kiến; chúng ta có quá nhiều sự sợ hãi mà chúng ta muốn khuất lấp che đậy – tất cả mọi sự này gây ra sự mâu thuẫn trong bản thân chúng ta; khi sự mâu thuẫn ấy trở nên khó chịu đựng nổi, mình phải trở nên đau bệnh thần kinh.
Mình muốn có hòa bình và mọi sự mình làm đều tạo ra chiến tranh, chẳng những trong gia đình mà cả thế giới bên ngoài. Thay vì hiểu nguyên nhân của sự xung đột, chúng ta lại chỉ cố gắng trở nên cái này hoặc cái kia, cái đối nghịch lại, do đó chỉ tạo ra thêm sự chia rẽ, hố phân chia ngăn cách.
Có thể nào hiểu được tại sao sự mâu thuẫn hiện hữu trong bản thân chúng ta – không phải chỉ hiểu một cách hời hợt mà hiểu một cách sâu thẳm hơn nữa, một cách tâm lý? Trước nhất, mình có ý thức rằng mình sống một cuộc sống mâu thuẫn? Chúng ta muốn có hòa bình, thế mà chúng ta vẫn là những kẻ ái quốc hẹp hòi; chúng ta muốn tránh sự khốn khổ ở xã hội, thế mà mỗi người đều có óc cá nhân hẹp hòi, tự bưng bít đóng nhốt mình.
Chúng ta vẫn luôn luôn sống trong sự mâu thuẫn. Tại sao?
Phải chăng bởi vì chúng ta đều là những kẻ nô lệ cho cảm giác? Mình không phải phủ nhận hoặc chấp nhận sự kiện này. Mình cần phải hiểu trọn vẹn mọi ẩn nghĩa của cảm giác, tức là những sự khát khao thèm muốn. Chúng ta thèm muốn quá nhiều điều, tất cả mọi điều này đều mâu thuẫn lẫn nhau. Chúng ta đeo quá nhiều mặt nạ đối nghịch; chúng ta đeo mặt nạ này khi nó thích ứng với mình và chối bỏ nó khi một mặt nạ khác có lời lãi hơn, thú vị hơn. Chính sự mâu thuẫn này đã tạo ra sự láo khoét. Để đối nghịch lại sự láo khoét, chúng ta tạo ra ‘sự thật’.
Nhưng cố nhiên sự thật, chân lý, không phải là cái đối nghịch với sự láo khoét. Cái gì có sự đối nghịch, cái ấy không phải là chân lý. Sự đối nghịch chứa đựng sự đối nghịch với chính nó và do đó, không phải là chân lý, và muốn hiểu được vấn đề này một cách sâu thẳm, mình phải ý thức về tất cả mọi sự mâu thuẫn mà mình đang sống. Khi tôi nói rằng tôi yêu một người nào đó thì cùng với lời nói ấy xuất hiện luôn sự ghen tuông, sự đố kỵ, xao xuyến sợ hãi – đó chính là sự mâu thuẫn. Mình phải hiểu sự mâu thuẫn này, và mình chỉ hiểu nó khi mình ý thức trực tiếp về nó, ý thức mà không lên án gì cả, hoặc biện minh gì cả - chỉ nhìn thẳng vào sự mâu thuẫn thôi. Muốn nhìn nó một cách thụ động, mình phải hiểu tất cả mọi tiến trình biện minh và lên án.
Nhìn một sự thể một cách thụ động không phải là một chuyện dễ; nhưng khi hiểu được điều ấy, mình bắt đầu hiểu được toàn thể tiến trình đường lối của cảm giác mình và tư tưởng mình. Khi mình ý thức được về ý nghĩa trọn vẹn của sự mâu thuẫn trong bản thân thì sự trực thức ấy mang đến một sự thay đổi phi thường; bạn chính là bản thân hiện tại của bạn, chứ không phải điều sở vọng mà bạn cố gắng đạt tới. Bạn không còn đeo đuổi một lý tưởng, không tìm kiếm hạnh phúc ‘Bạn là những gì bạn đang là’, bạn là hiện thể của bạn và bạn có thể khởi sự tiến hành từ đó. Lúc ấy không thể còn mâu thuẫn nữa.
Tác phẩm: Tự do đầu tiên và cuối cùng
Phần 2 – Qanda 29: Sự thật và sự dối