Krishnamurti: Làm thế nào bạn biết rằng tôi đã đạt đạo? Muốn biết rằng tôi đã đạt đạo, bạn cũng phải đạt đạo rồi. Đây không phải chỉ là một câu trả lời khéo xoay. Muốn biết điều gì, bạn phải thuộc vào điều ấy. Chính bạn phải trải qua kinh nghiệm nữa, do đó, câu nói của bạn về sự đạt đạo của tôi quả là vô nghĩa. Tôi đạt đạo hay không đạt đạo, điều này có quan trọng gì đâu? Không phải những gì tôi đang nói là sự thật sao? Dù tôi là một con người toàn bích nhất, hoàn thiện nhất đi nữa, nếu những gì tôi nói không phải là sự thật thì tại sao bạn phải nghe theo tôi chứ?
Cố nhiên sự đạt đạo của tôi không có dính líu gì với những gì tôi đang nói, và kẻ nào sùng bái thờ phụng một người nào khác bởi vì người ấy đã đạt đạo thì thực ra kẻ ấy chỉ sùng bái thờ phụng uy quyền thế lực, do đó, hắn không bao giờ có thể tìm thấy chân lý. Hiểu nội dung của sự đạt đạo và biết được kẻ đạt đạo là điều chẳng quan trọng gì cả, phải thế không?
Tôi biết rằng cả một truyền thống dạy như vầy: ‘Hãy đi theo ở với một kẻ đã đạt đạo’. Làm thế nào bạn có thể biết rằng kẻ ấy đã đạt đạo? Bạn có thể đi theo ở cận bên với kẻ ấy và ngay đến việc này cũng vô cùng khó khăn đối với tình thế ngày nay. Ít có người có thiện tâm đúng nghĩa – tức là những người không tìm kiếm gì cả, không cầu cạnh gì cả. Những kẻ nào tìm kiếm điều gì đó hoặc cầu cạnh điều gì đó chỉ là hạng người khai thác trục lợi, do đó, ít có người tìm thấy được một người bạn đồng hành do tình thương yêu thúc đẩy lên đường.
Chúng ta lý tưởng hóa những kẻ đã đạt đạo và mong mỏi rằng họ sẽ ban cho chúng ta một điều gì đó, như thế đó chỉ là một mối tương quan sai lầm. Làm thế nào kẻ đạt đạo có thể truyền đạt được nếu không có tình thương? Đó là vấn đề khó khăn của chúng ta.
Trong tất cả buổi thảo luận của chúng ta, chúng ta không thực sự thương yêu lẫn nhau; chúng ta ngờ vực với nhau. Bạn muốn tôi cho bạn một cái gì đó, như kiến thức, sự đạt đạo, hoặc bạn muốn ở chung gần gũi với tôi, tất cả mọi điều ấy đều chứng tỏ rằng bạn không thương yêu. Bạn muốn có một cái gì đó, do đó bạn có chủ định khai thác trục lợi.
Nếu chúng ta thực sự yêu thương lẫn nhau thì sự cảm thông tức khắc hiện ra. Lúc ấy dù bạn đã đạt đạo hay tôi không đạt đạo, dù bạn ở trên cao hay dưới thấp, tất cả mọi thứ này không còn hệ trọng nữa.
Vì lòng chúng ta đã khô héo, cho nên Thượng đế mới trở nên vô cùng quan trọng. Nghĩa là bạn muốn biết Thượng đế, vì bạn đã đánh mất tiếng hát trong lòng bạn và bạn chạy đuổi theo người ca sĩ và hỏi xem người ca sĩ ấy có thể dạy bạn hát. Người ca sĩ ấy có thể dạy bạn về kỹ thuật hát nhưng kỹ thuật không đưa bạn đến sự sáng tạo được. Không phải chỉ học cách hát là có thể trở thành ca sĩ. Bạn có thể biết mọi nhịp điệu vũ khúc, nhưng nếu bạn không có sự sáng tạo trong lòng thì bạn chỉ xê dịch như một cái máy.
Bạn không thể yêu thương được nếu đối tượng của bạn vẫn chỉ là đạt tới một kết quả. Không có cái gì gọi là một lý tưởng cả, vì đó là một sự thành đạt. Vẻ đẹp không phải là một sự thành đạt, vẻ đẹp là thực tại, hiện giờ, bây giờ, chứ không phải ngày mai. Nếu bạn có tình yêu, bạn mới hiểu được sự xa lạ, bạn mới hiểu được Thượng đế là gì và không cần ai phải nói cho bạn biết cả - và đó là vẻ đẹp tuyệt vời của tình yêu. Đó chính là thiên thu trong vĩnh cửu.
Vì không có tình yêu, chúng ta mới muốn một kẻ nào khác hoặc Thượng đế mang tình yêu đến cho chúng ta. Nếu chúng ta thực sự thương yêu, bạn có biết rằng thế giới này sẽ đổi khác biết bao? Chúng ta sẽ thực sự là những con người hạnh phúc. Vì thế chúng ta sẽ không giao đặt hạnh phúc của chúng ta vào những sự vật, trong gia đình và trong những lý tưởng. Chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc và vì thế những sự vật, những con người, và những lý tưởng sẽ không còn thống trị đời sống của chúng ta. Tất cả thứ ấy đều là những sự thể phụ thuộc. Vì chúng ta không thương yêu và vì chúng ta không hạnh phúc, cho nên chúng ta đã đặt vốn trong những sự vật, nghĩ rằng chúng sẽ trả cho ta sự hạnh phúc, và Thượng đế là một trong những sự thể mà chúng ta đặt vốn.
Bạn muốn tôi nói cho bạn biết thực tại là gì. Mình có thể diễn đạt sự bất khả ngôn thuyết? Bạn có thể đo lường được sự vô lượng? Bạn có thể bắt gió trong nắm tay? Có thể bạn bắt chụp được, nhưng đó còn là gió nữa không? Nếu bạn đo lường được sự vô lượng thì đó có phải là thực tại không? Nếu bạn đặt thực tại thành phương trình công thức thì đó có còn là thực tại? Tất nhiên là không, lúc mình diễn tả điều không thể diễn tả được thì điều ấy không còn thực nữa. Lúc bạn diễn dịch sự bất khả tri thành ra điều sở tri thì sự bất khả tri ấy không còn là bất khả tri rồi.
Luôn luôn chúng ta muốn biết bởi vì lúc ấy chúng ta mới có thể tiếp diễn liên tục, chúng ta nghĩ rằng lúc ấy chúng ta mới có thể bắt chụp được niềm hạnh phúc tối thượng, sự trường cửu tối thượng. Chúng ta muốn biết, bởi vì chúng ta không hạnh phúc, bởi vì chúng ta cố gắng chống chỏi một cách khốn khổ cùng cực, bởi vì chúng ta hao mòn kiệt lực, suy đồi, tàn tạ, rã mủn. Thế mà thay vì ý thức sự kiện đơn giản ấy – rằng chúng ta là những kẻ suy đồi, chán chường, đần độn, héo hắt, khắc khoải, hỗn loạn, xáo trộn – chúng ta lại xê dịch từ điều quen thuộc đến điều xa lạ, mà điều xa lạ ấy, trở thành điều quen thuộc, vì lẽ đó, chúng ta không bao giờ có thể tìm thấy thực tại.
Vì vậy thay vì hỏi về kẻ đạt đạo hoặc về bản tính của Thượng đế, tại sao bạn không chú tâm hoàn toàn, và ý thức trọn vẹn về hiện thể ‘cái đang là’? Lúc ấy bạn sẽ thấy điều xa lạ, hay đúng hơn, điều xa lạ sẽ đến với bạn. Nếu bạn hiểu được bản chất của điều quen thuộc, bạn sẽ thể nghiệm sự im lặng phi thường, sự im lặng tự nhiên, chứ không tạo ra do sự cưỡng ép; bạn sẽ thể nghiệm được sự hoang trống sáng tạo, mà chỉ trong sự trống vắng sáng tạo ấy thực tại mới có thể đột nhập phát hiện.
Thực tại không thể hiện đến với những gì đang trở thành, trở nên, thành đạt, tức là sự cố gắng dụng công; thực tại chỉ hiện đến với ‘những gì đang là’, tức là hiểu được ‘cái đang là’ nghĩa là hiện thể. Lúc ấy bạn sẽ thấy rằng thực tại không phải ở đàng xa; sự xa lạ không phải ở xa xôi; sự xa lạ nằm ngay trong hiện thể. Vì đáp số của bài toán là nằm trong bài toán, cho nên thực tại là trong hiện thể, trong ‘cái đang là bây giờ’, nếu chúng ta có thể hiểu được điều này thì chúng ta mới biết được chân lý.
Rất khó mà ý thức trực tiếp về sự đần độn, ý thức trực tiếp về sự gian tham, về ác tâm, tham vọng, vân vân. Chính sự kiện ý thức trực tiếp về hiện thể là chân lý rồi. Chính sự thật, chân lý mới giải phóng, chứ không phải nỗ lực của bạn trong việc muốn giải phóng. Vì thế, thực tại không phải ở tận đằng xa hun hút là vì chúng ta muốn dùng đó như là một phương tiện để tiếp diễn bản ngã cho được liên tục, không cùng. Thực tại ở đây, bây giờ, ngay lập tức.
Sự vĩnh cửu hoặc sự thiên thu phi thời gian là ngay bây giờ và một kẻ bị vướng kẹt vào lưới thời gian không thể nào hiểu cái bây giờ ấy được. Muốn giải phóng tư tưởng khỏi thời gian, mình cần phải hành động nhưng tâm trí lại quá lười biếng, giãi đãi, do đó, vẫn tạo ra những chướng ngại khác. Chỉ có sự tham thiền chính đính mới thực hiện được sự hành động toàn triệt, hành động trọn vẹn, chứ không phải hành động có tính cách liên tục; mình chỉ có thể hiểu được hành động toàn triệt khi nào tâm trí lý hội được biến trình của sự liên tục, tức là ký ức – không phải ký ức có tính cách dữ kiện mà là ký ức tâm lý.
Khi mà ký ức còn tác động thì tâm trí không thể nào hiểu được hiện thể. Nhưng tâm trí mình, toàn thể con người mình trở nên sáng tạo phi thường, mẫn tiệp tỉnh thức một cách thụ động, khi mình hiểu được ý nghĩa của sự chấm dứt, và chỉ trong sự chấm dứt tịch diệt thì mới có sự phục hồi, còn trong sự kế tục tiếp diễn thì chỉ là sự chết, sự suy vi, mục nát, tàn tạ.
Tác phẩm: Tự do đầu tiên và cuối cùng
Phần 2 – Qanda 30: Về Thượng đế