Krishnamurti: Cố nhiên kiến thức và học vấn làm chướng ngại cho việc hiểu biết sự mới lạ, điều phi thời gian, sự vĩnh cửu. Phát triển một kỹ thuật hoàn thiện không làm các bạn trở nên sáng tạo được. Các bạn có thể biết cách vẽ vời một cách tuyệt diệu, các bạn có thể học được kỹ thuật nhưng các bạn không thể là một họa sĩ sáng tạo được. Các bạn có thể biết cách làm thơ, về mặt kỹ thuật có thể tuyệt mỹ; nhưng các bạn không thể là thi sĩ được. Phải chăng muốn là thi sĩ ngụ ngầm ý nghĩa rằng có khả năng đón nhận điều mới lạ; biết nhạy cảm để đáp ứng lại sự đời mới lạ, tươi tắn.
Đối với phần đông chúng ta, kiến thức hoặc học vấn đã trở thành thói quen bén rễ, và, chúng ta nghĩ rằng chúng ta sẽ có được tinh thần sáng tạo nhờ sự hiểu biết. Bất cứ một tâm trí nào nhét đầy ứ những sự kiện, nặng nề đóng chẹt trong kiến thức thì tâm trí ấy còn có khả năng đón nhận sự đời một cách mới lạ, bất ngờ, đột phát? Nếu tâm trí các bạn chỉ nhét đầy những sự vật quen biết; thì làm gì còn chỗ trống trong ấy để đón nhận sự việc xa lạ? Chắc chắn kiến thức luôn luôn thuộc về lãnh vực của điều quen biết, chúng ta lại cố gắng tìm hiểu sự lạ qua phạm trù của sự quen thì làm gì có sự thành công được, vì sự lạ là sự thể vượt qua sự đo lường.
Chẳng hạn, hãy lấy một sự vật tầm thường xảy ra trong đời sống phần đông chúng ta: những kẻ tu hành (có thể hiểu nhất thời là ‘tu hành’ – để gọi thế cho tiện việc), cố gắng hình dung bản chất của Thượng đế hoặc cố gắng nghĩ về bản thể của Thượng đế. Họ tụng vô số sách, họ đọc về những kinh nghiệm của những bậc thánh khác nhau, những bậc đạo sư, những bậc đại thánh vân vân, và họ cố gắng hình dung hoặc cố gắng cảm nghĩ về bản chất của kinh nghiệm kẻ khác, nói rõ hơn, qua phạm trù của sự vật quen biết, các bạn lại cố gắng đi tới sự mới lạ. Các bạn có thể làm thế? Các bạn có thể nghĩ về một sự thể bất khả tri? Các bạn chỉ có thể nghĩ về điều gì các bạn quen biết thôi. Nhưng hiện nay ở thế giới đang lan tràn hiện tượng sa đọa lạ thường: chúng ta quan niệm rằng chúng ta sẽ hiểu biết nếu chúng ta thâu lượm được nhiều kiến thức, nhiều sách vở, nhiều sự kiện, nhiều ấn phẩm.
Muốn có trực thức về một cái gì mà không là sự phóng hiện của điều quen biết, mình phải xóa bỏ tiến trình của sự quen thuộc bằng sự giao cảm. Tại sao tâm trí vẫn bám víu vào điều quen thuộc? Phải chăng bởi vì tâm trí vẫn thường xuyên tìm kiếm sự nhất định, chắc chắn, an ninh? Chính bản chất của tâm trí đã được cố định trong điều quen thuộc, trong thời gian; làm thế nào một tâm trí như thế có thể có kinh nghiệm về điều phi thời gian, khi chính nền tảng của tâm trí vẫn được đặt trên quá khứ, trên thời gian, tâm trí có thể ý niệm, tạo dựng, hình dung về điều mới lạ, nhưng việc ấy quả thực là phi lý.
Điều mới lạ chỉ có thể thành hình khi mình hiểu được, giải tan, xua qua một bên tất cả những gì mình quen biết, quen thuộc. Điều này vô cùng khó khăn, bởi vì vừa lúc các bạn có được kinh nghiệm về bất cứ việc gì thì ngay lúc ấy trí óc liền diễn dịch kinh nghiệm ấy qua phạm trù quen biết và giản lược nó vào trong quá khứ. Tôi chẳng biết các bạn có bao giờ để ý rằng tất cả mọi kinh nghiệm đều lập tức bị diễn dịch lại bằng những gì mình quen biết, bị đặt tên, sắp loại và ghi lại. Vì thế sự vận hành của điều quen biết chính là kiến thức, và cố nhiên kiến thức, học vấn theo loại ấy thì đúng là một chướng ngại.
Giả thử như các bạn chưa từng đọc bất cứ quyển sách nào về tôn giáo hoặc về tâm lý, và các bạn lại phải tìm ý nghĩa của đời sống. Vậy các bạn sẽ bắt đầu thế nào? Giả thử như không có bất cứ vị đạo sư nào hiện hữu trên đời, không có bất cứ tổ chức tôn giáo nào, không có Phật, không có Chúa, và các bạn lại phải bắt đầu lại ngay từ đầu. Vậy các bạn sẽ làm sao? Trước tiên, các bạn phải hiểu tiến trình tư tưởng của các bạn, phải thế không? Chứ không phải tự vẽ vời phóng ảnh, tự phóng hiện bản thân mình ra bên ngoài, phóng ngoại tư tưởng các bạn trong tương lai và tạo ra một Thượng đế khả dĩ thỏa mãn được mình, làm như vậy thì quá trẻ con. Trước tiên các bạn phải lý hội tiến trình suy tư của các bạn. Đó là đường lối duy nhất để khám phá bất cứ sự mới lạ nào. Phải thế không?
Khi chúng ta nói rằng học vấn hoặc kiến thức là một trở lực, một sự chướng ngại, chúng ta không kể cả kiến thức có tính cách kỹ thuật chuyên môn – như việc học cách lái xe, học cách sử dụng máy móc – hoặc không kể đến hiệu năng mà kiến thức ấy đã mang đến cho con người. Lúc nói về kiến thức và học vấn, chúng ta muốn nói đến mộc điều khác hẳn: chúng ta muốn nói đến cảm thức về một thứ hạnh phúc sáng tạo mà dù có kiến thức thông thái uyên bác tới đâu đi nữa cũng không thể mang đến niềm hạnh phúc ấy cho ta được. Có được tinh thần sáng tạo, đúng nghĩa là sáng tạo, là giải thoát khỏi quá khứ trong từng giây phút một, từ giây phút này đến giây phút khác, vì chính quá khứ đã thường xuyên ám bóng hiện tại.
Chỉ đeo bám vào tin tức, vào kiến thức thông tin, vào những kinh nghiệm của kẻ khác, vào những gì người ta nói, dù người ta có vĩ đại đến đâu đi nữa; đeo bám vào lời nói của họ, rồi cố gắng qui hướng hành động mình y theo lời nói, lời dạy ấy – tất cả những thứ này là kiến thức phải thế không? Nhưng muốn khám phá bất cứ sự mới lạ nào, các bạn phải bắt đầu ngay tại bản thân; các bạn phải lên đường hoàn toàn trần truồng trơ trụi, nhất là trơ trụi về kiến thức, bởi vì muốn có kinh nghiệm qua kiến thức và tín ngưỡng là một việc quá dễ dàng; nhưng những kinh nghiệm này chỉ là sản phẩm của sự phóng hiện bản thân, do đó không thực và sai lầm.
Nếu các bạn phải tự khám phá cho chính mình để hiểu bản chất của sự mới lạ, việc tích trữ chồng chất những điều quen biết cũ kỹ, nhất là kiến thức, là một việc vô ích phù phiếm, dù đó là kiến thức của ai đi nữa, của vĩ nhân đi nữa thì cũng hoàn toàn phù phiếm. Các bạn đã dùng kiến thức như là một phương tiện để tự phòng vệ, tìm an ninh, và các bạn muốn vững tâm rằng các bạn cũng có những kinh nghiệm y hệt đức Phật hoặc đấng Christ hoặc đấng X nào đó. Nhưng kẻ nào cứ mải miết tự phòng thủ bảo vệ bằng kiến thức thì kẻ ấy tất nhiên không phải là kẻ tìm chân lý.
Không có con đường nào dẫn đến sự khám phá chân lý. Các bạn phải lao vào trùng dương xa lạ, chưa ai thám hiểm, hành động như thế mà không ngã lòng, không phiêu lưu ngớ ngẩn. Khi các bạn muốn tìm đến sự lạ, khi các bạn đang hiện nghiệm bất cứ điều gì, tâm trí các bạn phải rất trầm lặng phải thế không?
Nếu tâm trí các bạn chen chúc đầy ứ những sự kiện, kiến thức thì chính những thứ ấy sẽ tác động làm chướng ngại, không cho sự lạ xuất hiện; đối với phần đông chúng ta, điều khó khăn không thể vượt qua hiện nay là trí óc đã trở nên quá quan trọng, quá trọng đại đến nỗi trí óc luôn luôn có thể quấy rối bất cứ điều gì mới lạ, với điều lạ nào có thể xảy ra đồng lúc với điều quen thuộc. Thế là kiến thức và học vấn là những chướng ngại đối với những kẻ thiết tha đi tìm sự lạ, đối với những kẻ thao thức muốn hiểu sự thể vượt ra bên ngoài thời gian.
Tác phẩm: Tự do đầu tiên và cuối cùng
Phần 2 – Qanda 4: Về kiến thức