Hỏi: Tất cả mọi tôn giáo đều chú trọng về kỷ luật và thường nhấn mạnh rằng kỷ luật có khả năng chuyển hóa thú tính trong con người. Những bậc thánh và những nhà đạo sĩ cũng quả quyết rằng chính kỷ luật tự thân đã đưa họ đến đời sống thánh thể tối thượng. Vậy mà dường như Ngài cho rằng những loại kỷ luật như thế chỉ làm chướng ngại trên đường thể hiện Thượng đế? Đầu óc tôi rối rắm quá, không biết ai có lý trong vấn đề này?
Krishnamurti: Đây không phải là vấn đề ai có lý hay vô lý. Điều quan trọng là tìm thấy cho chính mình, chứ không phải lệ thuộc vào một bậc thánh nào đó hoặc một người nào đó ở từ Ấn độ sang tới đây hay bất cứ một nơi nào khác xa xôi trùng điệp.
Người nào đó nói rằng kỷ luật cần thiết, một người khác nói rằng kỷ luật không cần thiết; rồi bạn lại bị vướng kẹt giữa hai thái độ ấy. Việc thông thường xảy ra là lúc ấy bạn lại lựa thái độ nào thuận tiện nhất cho bạn, thái độ khả dĩ thỏa mãn bạn nhất: chẳng hạn như bạn có cảm tình với thái độ của người có dáng dấp khả ái, có dị chất riêng biệt, có phong độ dễ gây thiện cảm vân vân. Chúng ta phải xua mọi thứ ấy qua một bên và thử tìm hiểu vấn đề một cách trực tiếp, tự tìm thấy chân lý cho chính mình. Bao nhiêu điều ẩn ý ngụ ngầm trong vấn đề này; chúng ta phải đi đến vấn đề một cách vô cùng cẩn thận, một cách dò dẫm.
Hầu hết chúng ta đều muốn người nào đó đầy uy thế dạy bảo chúng ta cách thức hành động sinh sống. Chúng ta tìm kiếm hướng đi, đường lối ăn ở với đời, vì bản năng chúng ta là muốn được an ninh an toàn và không muốn đau khổ nhiều hơn nữa. Người ta đồn đãi rằng một kẻ nào đó đã thể hiện được sự hạnh phúc trọn vẹn hay thanh bình cực lạc, rồi chúng ta lại mong muốn rằng kẻ ấy dạy bảo chúng ta làm sao để đạt tới được trạng thái ấy. Đó là điều chúng ta thèm muốn: chúng ta cũng muốn được hạnh phúc như vậy, cũng muốn hưởng sự thanh thản nội tâm, niềm vui nội tâm như vậy; giữa thời điên loạn này, chúng ta muốn kẻ nào đó dạy bảo chúng ta phải làm gì để có thể sống thoải mái như vậy.
Đó thực ra là bản năng căn bản đối với phần đông chúng ta, rồi chúng ta rập khuôn hành động của chúng ta y theo bản năng ấy. Có thể nào dùng kỷ luật, có thể nào tuân theo một mẫu mực hành động nào đó để vươn tới Thượng đế, thực thể tối cao, vô danh và bất khả lượng bằng ngôn ngữ? Chúng ta muốn đạt đến một mục đích đặc biệt, một cứu cánh đặc biệt, rồi chúng ta nghĩ rằng có thể thực hành rèn luyện, có thể dùng kỷ luật, có thể đàn áp hoặc thay thế cái này bằng cái khác, chúng ta tưởng rằng có thể làm như thế mới tìm thấy được điều mình đang tìm kiếm.
Kỷ luật có ngụ ngầm ý nghĩa nào? Tại sao chúng ta dùng kỷ luật để tự chế phục, tại sao chúng ta áp dụng kỷ luật? Kỷ luật và sự thông minh có thể đi đôi với nhau? Phần đông mọi người có cảm tưởng rằng chúng ta phải áp dụng một hình thức kỷ luật nào đó để chế ngự hoặc kiểm soát thú tính ác độc trong lòng mình. Nhưng có thể dùng kỷ luật để chế ngự thú tính ác độc?
Kỷ luật có nghĩa là gì? Một đường lối hành động hứa hẹn phần thưởng, nếu mình chịu khó đeo đuổi đường lối hành động ấy cho tới nơi thì mình sẽ được hưởng điều mong muốn, điều ấy có thể tích cực hay tiêu cực; nếu mình áp dụng thực hành đường lối ấy một cách cần mẫn siêng năng, chăm chú, chuyên cần, say sưa, thì sau cùng mình sẽ được hưởng điều mình muốn hưởng. Kỷ luật có thể khắt khe đau đớn, nhưng nếu tôi chịu được kỷ luật ấy cho đến cùng thì tôi sẽ hưởng được điều mong muốn.
Các bạn thừa hiểu rằng bản ngã hiếu thắng, hiếu chiến, ích kỷ, giả đạo đức, lo âu, sợ hãi, bản ngã ấy chính là nguyên nhân của thú tính nham hiểm trong lòng người, chúng ta muốn chuyển hóa, chế phục, tiêu diệt bản ngã này. Nhưng phải làm sao? Có phải dùng kỷ luật mới trị được bản ngã hay phải tìm hiểu nó một cách thông minh, tìm hiểu quá trình của bản ngã, thực chất của bản ngã, thể cách vận hành của bản ngã, vân vân? Chúng ta có thể dùng áp lực để trị thú tính hay dùng thông minh?
Thông minh có phải là một vấn đề kỷ luật? Bây giờ chúng ta hãy quên hết những lời dạy của thánh hiền, những gì người khác nói về vấn đề này; chúng ta hãy cố gắng tra xét vấn đề bằng tự lực, tự thân. Nhìn vấn đề như là mới nhìn lần đầu tiên, chỉ có thế mới mong thu gặt một chút gì sáng tạo ở cuối lộ trình, chứ không phải chỉ lo trích dẫn dài dòng, trích dẫn thánh hiền hay trích dẫn lời lẽ của kẻ khác về vấn đề này chẳng đưa chúng ta đến đâu cả, đó chỉ là vô ích và phù phiếm.
Thoạt tiên chúng ta nói rằng tâm tư ta chứa đựng sự giao tranh xung đột, đen xung đột với trắng, lòng tham xung đột với tính không tham, vân vân. Tôi tham lam, tính tham lam này gây ra đau đớn, để tiêu trừ lòng gian tham này, tôi phải rèn luyện kỷ luật chế ngự tự thân. Nghĩa là tôi phải chống chế lại bất cứ hình thức xung đột nào khả dĩ gây đau đớn, mà tôi gọi hình thức xung đột đau đớn ấy là tính gian tham. Rồi tôi cho rằng tính gian tham ấy có phương hại đến xã hội tính, phi luân, vô đạo đức, không thánh thiện, vân vân và vân vân, đó là bao nhiêu lý lẽ tôn giáo, xã hội do tôi viện ra để chống chế tính tham lam.
Nhưng có thể dùng bạo lực, áp lực bức bách để tiêu trừ lòng gian tham? Trước hết chúng ta hãy khảo sát tiến trình vận hành liên quan với sự đàn áp bức bách này, với sự chống chế tiêu trừ này. Khi bạn chống chế lòng gian tham, khi bạn làm thế thì cái gì xảy đến? Cái gì đang chống chế lòng gian tham? Phải chăng đây là câu hỏi trước nhất? Tại sao bạn lại chống chế lòng gian tham và thực thể muốn giải thoát khỏi lòng tham ấy là thực thể nào, là ai? Thực thể muốn giải thoát khỏi lòng tham cũng chính là sự tham lam rồi, phải thế?
Lòng gian tham đã đem đến lợi lộc cho hắn từ lâu nay bỗng nhiên hôm nay lòng gian tham ấy gây ra đau đớn, thế là hắn nói: ‘tôi phải tiêu trừ lòng gian tham’. Nhưng nguyên động lực của việc tiêu trừ này cũng là một biến trình của lòng gian tham, vì hắn muốn là một cái gì đó trong lý tưởng mà thực tại không phải thế. Lòng không gian tham có lợi, cho nên tôi đeo đuổi dức tính không gian tham này; nhưng chú tâm, nguyên động lực vẫn là muốn là một cái gì đó, muốn không tham – nhưng muốn không tham vẫn có nghĩa là tham lam, cố nhiên là thế, đó chỉ là vòng lẩn quẩn hình thức tiêu cực của sự khoa trương bản ngã.
Chúng ta thấy rằng sự gian tham gây ra đau đớn, những lý do của việc ấy là quá hiển nhiên rồi. Nhưng khi mà tôi còn thụ hưởng, còn được lợi lộc nhờ sự gian tham thì không có vấn đề gì xảy ra cả. Xã hội lại khuyến khích chúng ta gian tham bằng nhiều cách khác nhau, tôn giáo cũng khuyến khích chúng ta gian tham qua nhiều đường lối tế nhị lấp lửng khác.
Khi mà sự gian tham còn đem đến lợi lộc cho mình thì mình không cảm thấy đau đớn gì cả, mình lại đeo đuổi chạy vạy theo sự gian tham, nhưng lúc sự gian tham ấy trở nên đau đớn thì mình lại trở đũa và chống chế nó, sự chống chế ấy, chúng ta gọi là kỷ luật, để chống lại sự gian tham; nhưng thực sự chúng ta có thoát khỏi sự gian tham bằng cách chống đối bằng cách cao thượng hóa, bằng cách chế ngự đàn áp? Dù tôi làm gì đi nữa để thoát khỏi gian tham thì hành động của tôi vẫn là gian tham. Do đó, bất cứ hành động nào, bất cứ tác động nào của bản ngã đáp ứng lại sự gian tham thì cố nhiên chẳng đem lại một giải pháp nào cả.
Trước hết mình phải có một đầu óc trầm lặng không bị xao động lung lạc, nhờ thế mới có thể tìm hiểu những gì mình không biết được, những gì mà trí óc không thể dò dẫm được, điều mà người đặt câu hỏi vừa rồi gọi là Thượng đế. Muốn hiểu biết bất cứ sự việc nào, bất cứ vấn đề rối rắm nào, về đời sống hay tương quan, bất cứ vấn đề nào đi nữa, mình cũng cần phải có một đầu óc trầm lặng sâu thẳm.
Sự sâu thẳm trầm lặng ấy không thể đạt tới được bằng bất cứ hình thức đàn áp bức bách nào, phải thế không? Trí óc nông cạn hời hợt có thể tự ép buộc cưỡng bức để được im lặng, nhưng chắc chắn sự im lặng như thế là sự im lặng của sự suy tàn thối hóa, của sự chết. Sự im lặng như thế không thể nào thích ứng uyển chuyển nhịp nhàng và nhạy cảm. Thế là chúng ta đã thấy rõ rằng sự chống chế không phải là đường lối thích ứng được.
Muốn thấy được như thế mình phải cần thông minh, phải thế không? Ý thức được rằng sự đàn áp cưỡng bách đã làm trí óc trở nên đần độn, ý thức được như vậy đã là bước đầu của sự thông minh, phải thế không? Ý thức rằng kỷ luật chỉ là khuôn rập theo một mẫu mực hành động do sợ hãi gây ra. Khi mình áp dụng kỷ luật cho chính mình, thì sự áp dụng ấy ngụ ý nghĩa gì? Việc ấy ngụ ý rằng chúng ta sợ không được điều mình muốn được. Khi bạn chế phục tâm trí, dùng kỷ luật để tự ép bản thân thì cái gì xảy đến? Tâm trí bản thân trở nên chai lì cứng rắn, không còn biết uyển chuyển, không lanh, không biết thích ứng, phải thế không?
Bạn đã thấy những người tinh luyện kỷ luật rồi chứ, nếu một mai bạn có thể gặp thấy hạng người đó trên đường đời? Họ thế nào? Kết quả của sự tinh luyện kỷ luật kia hiển nhiên chỉ là một quá trình suy đồi thảm hại. Họ gạt bỏ cơn xung đột nội tâm, giấu kín sự xung đột ấy; nhưng nỗi dày vò xé nát vẫn còn đó, âm uất hừng hực bốc cháy.
Thế là chúng ta đã thấy rằng kỷ luật, tức là sự chống chế đối phó, chỉ tạo ra thói quen và cố nhiên thói quen không thể nào khai tạo được sự thông minh, thói quen không bao giờ là sự thông minh được, sự tôi luyện thực hành cũng không bao giờ là sự thông minh được. Bạn có thể trở nên tinh luyện sắc sảo khéo tay bằng cách thực hành dương cầm suốt ngày, bạn có thể điêu luyện bằng mấy ngón tay, nhưng sự thông minh là điều cần phải có để điều khiển hai bàn tay, và hiện giờ chúng ta đang đi sâu vào vấn đề thông minh đây.
Bạn thấy một người nào đó mà bạn cho rằng kẻ ấy hạnh phúc hay đã đạt đạo, kẻ ấy xử sự thế nào đó, rồi bạn lại bắt chước xử sự giống hệt kẻ ấy, vì bạn cũng muốn được hạnh phúc như vậy. Sự bắt chước mô phỏng này được gọi là kỷ luật, phải thế không? Chúng ta bắt chước mô phỏng để thu hái những gì kẻ khác đã thu hái được; chúng ta mô phỏng nhại theo để được hạnh phúc giống như kẻ khác mà ta cho rằng kẻ ấy đã được hạnh phúc. Kỷ luật có thể đem đến hạnh phúc hay không? Bạn có bao giờ được tự do giải thoát vì đã thực hành một qui luật nào đó, áp dụng một kỷ luật nào đó, một đường lối xử sự nào đó?
Hiển nhiên mình phải cần có tự do để khám phá, phải thế không? Điều hiển nhiên rõ ràng là mình phải được tự do trong tâm tư thì mới có thể khám phá được bất cứ sự gì trên đời này. Nhưng bạn có thể được tự do không, khi mà bạn chỉ uốn nắn tâm trí bạn trong một khuôn khổ nào đó mà bạn gọi là kỷ luật?
Hiển nhiên là bạn không được tự do gì cả. Bạn chỉ là một cái máy nhai đi lặp lại, chống chế đối phó rập theo một sự kỷ luật nào đó, rập theo một đường lối cư xử nào đó. Tự do không thể xuất hiện bằng kỷ luật. Tự do chỉ thành hình với sự thông minh tâm hồn, sự thông minh ấy chỉ được đánh thức dậy hay bạn chỉ đạt được sự thông minh ấy ngay khoảnh khắc bạn ý thức được rằng bất cứ hình thức đàn áp cưỡng ép nào đi nữa cũng đều phủ nhận tự do, tự do bên trong hoặc bên ngoài.
Điều kiện cần thiết thứ nhất và không thể coi như kỷ luật, điều đó nhất định là tự do, chỉ có nhân đức mới tạo ra tự do. Sự gian tham chính là sự hỗn loạn; sự giận dữ nóng tính cũng là hỗn loạn; sự chua chát cay đắng của lòng người cũng chính là hỗn loạn. Khi bạn thấy được sự việc như thế, hiển nhiên bạn thoát ra được những điều ấy, bạn không chống chế những điều ấy, nhưng bạn thấy được rằng bạn chỉ có thể khám phá được sự đời trong tự do và bất cứ hình thức cưỡng ép nào cũng là nô lệ, và không cho phép mình khám phá được gì trong đời sống.
Nhân đức có thể mang lại một điều cho bạn, điều đó là tự do. Người thất đức là người loạn tâm; khi bị loạn lạc tâm thần như vậy, làm thế nào bạn có thể khám phá được điều gì nữa bây giờ? Làm thế nào được? Do đó, nhân đức không phải là xuất phát từ một kỷ luật, mà nhân đức chính là tự do, tự do không thể xuất hiện bởi bất cứ hành động nào có tính cách thất đức, bất trung chính.
Nỗi khó khăn, đối với phần đông chúng ta, là chúng ta đọc sách quá nhiều, phần đông chúng ta đeo đuổi rèn luyện quá nhiều kỷ luật, đeo đuổi tôi luyện một cách hời hợt thiển cận, chẳng hạn như mỗi buổi sáng thức dậy lúc mấy giờ, ngồi tham thiền theo điệu bộ nào đó, cố gắng ghì giữ tâm trí theo một đường lối nào đó, cứ mải miết rèn luyện, rèn luyện, cứ mải miết tu luyện tu chứng tự kìm chế bằng giới luật, bởi vì người ta dạy bảo bạn rằng bạn phải chuyên cần thực hành tu luyện như thế trong nhiều năm thì bạn sẽ gặp Thượng đế ở cuối ngõ đường tu luyện.
Tôi có thể nói năng táo bạo khó nghe, nhưng điều ấy chính là cơ sở của tư tưởng chúng ta. Hiển nhiên Thượng đế không thể nào xuất hiện dễ dàng như thế đâu. Thượng đế không phải chỉ là một sự vật có thể đổi chác mua bán được: tôi làm như vầy và bạn ban cho tôi cái kia.
Phần đông chúng ta bị lấn át bởi những hoàn cảnh bên ngoài, bởi những lý thuyết tôn giáo, những tín ngưỡng, và bởi sự thôi thúc nội tâm đòi hỏi mình phải đi tới nơi, đạt tới cái gì đó; do đó, chúng ta khó lòng nghĩ về vấn đề này một cách mới mẻ, nghĩ về nó mà không phải lệ thuộc vào phạm trù kỷ luật.
Trước nhất mình phải thấy vấn đề kỷ luật một cách rõ ràng minh bạch, thấy hết những ẩn ý nằm trong kỷ luật như kỷ luật đã làm trí óc trở nên hẹp hòi thế nào, giới hạn trí óc như thế nào, cưỡng bức trí óc hoạt động như thế nào bằng tác động của lòng khao khát, bằng ảnh hưởng và mọi sự đại loại như thế; một trí óc nô lệ, bị qui định ràng buộc, dù có ‘nhân đức ‘ đi nữa thì cũng không thể nào tự do được, do đó, không thể nào lý hội được thực tại. Thượng đế, thực tại hay bất cứ danh từ nào, gọi gì thì gọi, danh từ không quan trọng. ‘Thượng đế’, ‘thực tại’ ấy chỉ có thể xuất hiện khi mình được tự do; và tự do không thể nào xuất hiện được nếu sự cưỡng bức đàn áp hiện hữu một cách tiêu cực hay tích cực, do sợ hãi gây ra.
Không thể có tự do được nếu bạn vẫn còn tìm kiếm một cứu cánh, vì bạn bị ràng buộc vào cứu cánh ấy. Bạn có thể thoát khỏi quá khứ nhưng tương lai ghì giữ bạn lại, và đó không thể là tự do được. Chỉ có trong tự do mình mới có thể khám phá được bất cứ sự thể nào: một ý tưởng mới, một cảm giác mới, một trực kiến mới. Bất cứ hình thức kỷ luật nào được xây dựng trên sự đàn áp cưỡng bức đều phủ nhận mọi sự tự do; tự do chính trị hay tự do tôn giáo; tâm trí không bao giờ có thể giải thoát được, bởi vì kỷ luật có nghĩa là qui thuận theo một hành động với cứu cánh đằng trước mặt, kỷ luật theo nghĩa ấy chỉ là ràng buộc thôi. Tâm trí chỉ có thể hoạt động vận hành trong đường mòn lối cũ kia, không khác gì một đĩa hát.
Thế đấy, nhờ tu luyện, nhờ thói quen, nhờ rèn luyện thực hành một khuôn mẫu, tâm trí chỉ đạt được những gì tâm trí đặt thành cứu cánh trước mặt. Do đó, tâm trí không thể nào tự do được; do đó, tâm trí không thể nào thực hiện được sự vô hạn, vô lượng. Khi ý thức được trọn vẹn tiến trình kia – tại sao bạn vẫn thường hay tự áp dụng kỷ luật cho bản thân để ăn rập theo dư luận; ăn rập theo một vài thánh nhân nào đó; tất cả sự việc qui thuộc nô lệ vào ý kiến, dù là ý kiến của thánh hiền hay là ý kiến của người láng giềng thì cũng y hệt như nhau, cũng là một tiến trình duy nhất – khi ý thức được tất cả sự nô lệ vào công thức kia, nô lệ qua sự tu luyện thực hành, nô lệ bằng những đường lối tế nhị trong việc tự khắc phục, trong việc phủ nhận, chấp nhận, đàn áp, cao thượng hóa, tất cả sự việc này đều ngụ ý sự tuân phục theo công thức, theo mẫu mực; khi ý thức được như thế thì đó đã là sự bắt đầu của tự do, và chính từ đây mới phát xuất ra nhân đức. Nhân đức chắc chắn không thể là sự rèn luyện một ý tưởng đặc thù nào đó.
Chẳng hạn như khi mình đeo đuổi rèn luyện lòng không gian tham như là cứu cánh thì tính không tham ấy không thể là nhân đức được, phải thế không? Nói rõ hơn, khi bạn ý thức được rằng bạn không tham lam thì bạn có còn nhân đức nữa đâu? Dù thế, bạn vẫn rèn luyện nhân đức bằng cách áp dụng kỷ luật.
Kỷ luật, công thức, tu hành rèn luyện chỉ tăng trưởng khoa trương ý thức tự ngã; mình tự ý thức rằng mình là một cái gì đó. Tâm trí rèn luyện tính không gian tham; do đó, tâm trí không thoát được ý thức rằng mình là kẻ không gian tham; thế là tâm trí vẫn không thực sự hết gian tham. Nó chỉ mang một chiếc áo mới mà nó gọi là ‘tính không gian tham’.
Chúng ta có thể thấy được trọn vẹn tiến trình này: duyên do động lực khao khát một mục đích cứu cánh, qui thuận ăn rập theo một khuôn mẫu, tất cả sự vận hành nội tâm này chỉ là chuyển hành từ sự quen thuộc này đến sự quen thuộc khác, chỉ chuyển hành trong vòng giới hạn của tiến trình lao lung bưng bít do tâm trí gây ra. Thấy được mọi sự này ý thức được mọi việc này là sự khởi phát của thông minh, và thông minh không phải có tính cách nhân đức hoặc thất đức; mình không thể lồng sự thông minh vào khuôn khổ như là nhân đức hay thất đức.
Thông minh đem đến tự do, tự do ở đây không có nghĩa là phóng đãng bừa bãi, cũng không có nghĩa là rối loạn hỗn độn. Không có sự thông minh này thì không thể nào có nhân đức được; nhân đức đem đến tự do và chỉ trong tự do thì thực tại mới thành hình. Nếu bạn thấy được trọn vẹn tiến trình một cách toàn triệt, trong toàn diện khía cạnh, lúc ấy bạn sẽ thấy rằng không còn sự xung đột nào hiện hữu nữa. Vì chúng ta xung đột tương tranh, vì chúng ta muốn thoát ra ngoài sự xung đột tương tranh ấy cho nên chúng ta mới chạy tìm đến những hình thức kỷ luật khác nhau đủ mọi hình thức phủ nhận và điều chỉnh.
Khi chúng ta thấy được bản chất của tiến trình xung đột thì không còn vấn đề kỷ luật nữa, bởi vì lúc ấy chúng ta hiểu được những đường lối của xung đột từ giây phút này đến giây phút khác. Điều ấy đòi hỏi mình phải linh hoạt thức tỉnh liên tục, ngắm nhìn bản thân trong mọi lúc, điều đáng lưu ý là dù bạn không chăm chú đi nữa thì tiến trình ghi chép ở nội tâm vẫn được vận hành, mỗi khi có ý định ở đó – cảm thức bén nhạy của nội tâm vẫn ghi giữ lại hình ảnh ấn tượng trong mọi lúc, đợi đến lúc bạn tĩnh lặng thì cảm thức nội tại ấy sẽ phóng rọi hình ảnh ấy ra ngoài.
Thế thì đó không phải là vấn đề kỷ luật. Cảm thức bén nhạy không thể nào xuất hiện do sự đàn áp cưỡng bức được. Bạn có thể ép buộc trẻ con làm một việc gì đó, phạt nó trong xó nhà, và đứa trẻ ấy có thể im lặng nhưng trong lòng nó có lẽ vẫn sôi sục, ngó ra ngoài cửa sổ, cố gắng tìm cách lẩn trốn. Chúng ta vẫn thường xử sự như vậy luôn. Do đó, vấn đề kỷ luật vấn đề ai có lý, ai vô lý chỉ có thể giải quyết do chính bạn thôi.
Trường hợp sau đây cũng thế, chúng ta sợ sai lầm vì chúng ta muốn được thành công. Sở dĩ mình muốn có kỷ luật là vì sự sợ hãi nằm ngay tận đáy lòng mình, nhưng mình không thể nào bắt được sự mới lạ bằng vòng lưới kỷ luật được. Trái lại, sự mới lạ chỉ xuất hiện là nhờ tự do, chứ không phải do lề lối khuôn định của tâm trí bạn. Đó là lý do cắt nghĩa tại sao mình cần phải được tâm trí tĩnh lặng.
Khi tâm trí ý thức rằng nó tĩnh lặng thì nó không còn tĩnh lặng nữa; khi tâm trí ý thức rằng nó không gian tham và thoát khỏi sự tham lam khao khát thì nó chỉ tự tri nhận qua chiếc áo mới với một danh tính mới mang tên là ‘tính không tham’, nhưng thực ra đó vẫn không là sự tĩnh lặng.
Do đó, mình cũng cần phải hiểu vấn đề về người kiểm soát và đối tượng bị kiểm soát. Cả hai không phải là những hiện tượng cách biệt mà chỉ là một hiện tượng liên kết: người kiểm soát và đối tượng bị kiểm soát chỉ là một thôi.
Tác phẩm: Tự do đầu tiên và cuối cùng
Phần 2 – Qanda 5: Về kỷ luật