Krishnamurti: Khi bạn đau khổ, khi bạn đau đớn, ý nghĩa của đau khổ và đau đớn ấy là gì? Sự đau đớn thể xác có một ý nghĩa nhất định, nhưng có lẽ bạn muốn nói đến sự đau đớn và đau khổ thuộc phạm vi tâm lý, và sự đau đớn đau khổ tâm lý này có một ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn trong những bình diện khác nhau.
Ý nghĩa của đau khổ là gì? Tại sao bạn lại muốn tìm thấy ý nghĩa của đau khổ?
Nói thế không có nghĩa là đau khổ không có ý nghĩa; chúng ta đang tìm hiểu đây. Nhưng tại sao bạn lại muốn tìm hiểu ý nghĩa của đau khổ? Tại sao bạn lại muốn tìm hiểu lý do đau khổ của mình? Khi bạn tự hỏi như vậy, ‘tại sao tôi đau khổ?’, và tìm hiểu lý do đau khổ, thì bạn có thoát được đau khổ không? Khi tôi tìm kiếm ý nghĩa của đau khổ, có phải tôi trốn tránh, thoát ly, chạy trốn nó không?
Sự kiện là: tôi đang đau khổ nhưng vừa lúc tôi dùng tâm trí để tác động trên sự đau khổ và nói ‘tại sao vậy?’, thì lúc ấy tôi đã làm loãng cường độ của sự đau khổ. Nói khác đi, chúng ta muốn nỗi đau khổ loãng tan đi, vơi bớt đi, tiêu ma đi; chúng ta muốn giải thích cho qua đi nỗi khổ ấy. Hiển nhiên làm thế thì không thể nào hiểu được sự đau khổ. Nếu tôi thoát được lòng ham muốn chạy trốn sự đau khổ, lúc ấy tôi mới bắt đầu hiểu bản chất nội dung của đau khổ.
Đau khổ là gì? Phải chăng đó là sự phiền não quấy rối trên nhiều cấp độ khác nhau - ở cấp độ thể chất và ở những cấp độ khác nhau của tiềm thức. Đó là một hình thức phiền não sắc sảo mà tôi không ưa thích. Con tôi chết, chẳng hạn. Tôi đã xây dựng bao nhiêu hy vọng chung quanh đứa con trai tôi hay chung quanh đứa con gái tôi, chồng tôi, hay bất cứ ai, bất cứ cái gì. Tôi đã xây bao nhiêu mộng ảo, bao nhiêu đền điện tôn quí chung quanh đứa con ấy, tôi coi nó như người bạn đường, vân vân. Thế rồi bỗng nhiên nó chết đi. Thế là sự phiền não xuất hiện, phải thế không? Và tôi gọi sự phiền não ấy là sự đau khổ.
Nếu tôi không thích sự đau khổ ấy, tôi liền nói đại khái như vầy ‘ tại sao tôi đau khổ?’, ‘tôi yêu thương nó quá sức’, ‘Nó là thế này’. ‘tôi có thế kia’. Tôi cố gắng tìm cách chạy trốn trong những lời tiếng, trong những nhãn hiệu, trong những tín ngưỡng, như phần đông mọi người đều làm thế. Những thứ ấy tác động trên tâm thức tôi như là những thuốc mê. Nếu tôi không làm thế thì cái gì xảy ra? Tôi chỉ ý thức về sự đau khổ. Tôi không kết án nó, tôi không biện minh nó – tôi chỉ đau khổ. Rồi lúc ấy tôi có thể theo dõi sự vận hành của nỗi đau khổ ấy, phải thế không? Rồi tôi có thể theo dõi trọn vẹn nội dung ý nghĩa của sự đau khổ - ‘Tôi theo dõi’ ở đây có nghĩa là cố gắng tìm hiểu một sự thể gì đó.
Đau khổ có nghĩa là gì? Cái gì đang đau khổ? Không nên hỏi tại sao có đau khổ, không nên hỏi lý do của sự đau khổ, mà phải hỏi cái gì thực sự đang xảy ra? Tôi chẳng rõ các bạn có phân biệt được không. Lúc ấy, tôi chỉ ý thức về sự đau khổ không phải ý thức về một sự thể tách lìa cách biệt với tôi, không phải ý thức như một người quan sát đang ngó nhìn sự đau khổ - tôi ý thức về sự đau khổ ý thức rằng sự đau khổ là thành phần của tôi, nghĩa là toàn thể người tôi đang đau khổ.
Lúc ấy tôi có thể theo dõi sự vận hành của nỗi đau khổ, tìm xem sự đau khổ sẽ dẫn mình đi đến đâu. Hiển nhiên nếu tôi làm thế thì sự đau khổ sẽ mở bật ra, phải thế không? Lúc ấy tôi thấy rằng tôi đã đặt sự quan trọng vào bản ngã, chứ không phải đứa con tôi yêu thương. Đứa con ấy chỉ được dùng để che đậy khuất lấp tôi để tôi trốn thoát khỏi nỗi khốn khổ, nỗi cô đơn, nỗi bất hạnh vô phúc.
Vì tôi không là gì cả, cho nên tôi muốn đứa con tôi phải là gì đó. Nhưng điều ấy không còn thực hiện được, vì đứa con đã mất đi và chỉ còn tôi ở lại, tôi cảm thấy mất mát, tôi cảm thấy cô đơn hiu quạnh. Không còn đứa con của tôi nữa thì tôi không là gì hết. Thế là tôi khóc. Không phải khóc vì đứa con đã đi mất mà vì tôi phải ở lại. Tôi cô độc.
Đạt tới được điểm này là một điều rất khó, phải thế không? Thực ra rất khó tri nhận điều ấy mà không phải nói, ‘tôi cô độc và làm thế nào để diệt mất sự cô đơn này?’, khi nói như vậy thì đó cũng đã là một hình thức chạy trốn; khi tri nhận điều ấy, thay vì nói như vậy, mình phải ý thức về nó, lưu trú trong nó, nhìn thấy sự vận hành của nó.
Tôi chỉ lấy trường hợp vừa nêu như một thí dụ. Lần hồi, nếu tôi cứ để cho sự đau khổ phơi bày ra, mở ra, thì tôi thấy rằng tôi đau khổ. Bởi vì tôi mất mát; tôi bị ép buộc để ý vào một sự việc mà tôi không muốn nhìn tới, tôi bị cưỡng ép lưu ý đến sự việc mà tôi không muốn hiểu. Biết bao nhiêu người trên đời này giúp đỡ tôi chạy trốn, hàng ngàn những kẻ tu hành với những tín ngưỡng, tín điều của họ, những hy vọng và ảo giác kỳ quặc của họ, họ có thể nói như vầy: đó là nghiệp, là karma, là thiên ý, vân vân, họ đều có sẵn lối thoát cho tôi. Nhưng nếu tôi có thể lưu trú với nỗi đau khổ của tôi và không xua đuổi nó, không tìm cách giới hạn hay phủ nhận nó thì lúc ấy cái gì xảy ra? Tâm trạng của tôi là gì, khi tâm trí tôi dõi theo sự vận hành của đau khổ?
Phải chăng đau khổ chỉ là một danh từ hay là một thực thể, một sự kiện? Nếu đau khổ là một thực thể, chứ không phải chỉ là một danh từ, thì danh từ chẳng có ý nghĩa gì cả, và lúc ấy, chỉ còn lại cảm giác đau đớn dữ dội. Đau đớn đối với cái gì? Đau đớn đối với một hình ảnh, đối với một kinh nghiệm đối với một sự thể mà bạn có hay không có. Nếu bạn có sự thể ấy, bạn gọi đó là sung sướng, nếu bạn không có nó, bạn cho là đau đớn.
Do đó, sự đau đớn, sự phiền muộn chỉ là tương quan với một sự thể nào đó. Phải chăng sự thể ấy chỉ là một ngôn thức hay là một thực thể? Sự đau buồn chỉ hiện hữu khi có tương giao với một sự thể nào đó. Sự đau buồn không thể hiện hữu đơn phương một mình, cũng như sự sợ hãi cũng không thể hiện hữu đơn phương, nhưng chỉ hiện hữu trong tương giao với một sự thể nào đó: với một cá thể, cá nhân, với một sự việc xảy ra, với một cảm giác. Bạn đã ý thức trọn vẹn về sự đau khổ rồi. Phải chăng sự đau khổ ấy tách lìa ly cách với bạn và bạn chỉ là kẻ quan sát trực nhận sự đau khổ, hay sự đau khổ kia chính là bạn.
Khi không còn kẻ quan sát đang đau khổ thì sự đau khổ có còn khác biệt với bạn? Chính bạn là sự đau khổ, phải thế không? Bạn không phải tách lìa với sự đau đớn – bạn chính là sự đau đớn. Cái gì xảy ra? Lúc ấy, không còn nhãn hiệu nữa, không còn đặt tên cho sự đau khổ, rồi xua đuổi nó đi, và chính bạn chỉ là sự đau đớn kia, cảm giác kia, cảm thức về nỗi quằn quại kia. Khi bạn chính là những thứ ấy thì cái gì xảy ra? Khi bạn không còn đặt tên cho sự đau khổ, khi không còn sự sợ hãi nào đối với nỗi đau khổ ấy thì tâm điểm của cảm thức có còn liên hệ với nỗi khổ ấy?
Nếu tâm điểm của cảm thức còn liên hệ với nỗi khổ ấy thì lúc ấy cảm thức vẫn còn sợ hãi đau khổ. Thế là cảm thức phải tác động và làm một việc gì đó để đối phó sự việc. Nhưng nếu tâm điểm của cảm thức là nỗi đau khổ ấy thì lúc ấy bạn làm gì? Không làm gì cả, phải thế không? Nếu bạn chính là sự đau khổ và bạn không chấp nhận nó, không đặt nhãn hiệu cho nó, không xua đuổi nó, nếu bạn là nó, thì cái gì xảy đến? Bạn còn nói rằng bạn đau khổ nữa thôi?
Cố nhiên là một sự chuyển hóa toàn triệt xảy ra. Lúc ấy không còn ai nói, ‘tôi đau khổ’, bởi vì không còn tâm điểm nào của cảm thức để mà đau khổ; tâm điểm của cảm thức chỉ đau khổ bởi vì chúng ta không bao giờ khảo sát bản chất của tâm điểm ấy. Chúng ta chỉ sống từ danh từ này sang đến danh từ khác, từ phản ứng này đến phản ứng khác. Chúng ta không bao giờ nói, ‘Hãy để cho tôi nhìn thấy sự thể đau khổ kia là sự thể gì’.
Bạn không thể nhìn thấy bằng sự cưỡng ép, bằng kỷ luật. Bạn phải nhìn một cách chú tâm, với sự thông cảm tự nhiên. Lúc ấy, bạn sẽ thấy rằng điều mình gọi là đau khổ, đau đớn, điều mình trốn tránh, và kỷ luật giới luật, tất cả những thứ này tiêu ma đi mất. Khi nào tôi không còn dính líu liên hệ với một sự thể như là một thực thể tách biệt bên ngoài thì vấn đề không còn đó nữa; lúc nào tôi lại có có thể hệ liên quan với sự thể như là thực thể bên ngoài tôi thì lúc ấy vấn đề lại xuất hiện.
Khi nào tôi còn coi sự đau khổ như là một cái gì ở bên ngoài, như tôi đau khổ vì tôi mất người anh, vì tôi không có tiền, vì thế này hay thế kia, khi tôi còn coi sự đau khổ như thực thể bên ngoài như vậy thì tôi đã đặt liên quan giao hệ với nó và chính liên hệ ấy chỉ là giả tưởng. Nhưng nếu tôi chính là nó, nếu tôi nhìn thấy sự kiện ấy, lúc ấy mọi sự sẽ được chuyển hóa, mọi sự mang một ý nghĩa khác biệt. Lúc ấy mình chú tâm trọn vẹn, chú tâm nguyên vẹn và điều được chú ý hoàn toàn thì được hiểu và được giải tan, lúc ấy mình không còn sợ hãi nữa; do đó, chữ ‘đau khổ sầu muộn’ cũng không hiện hữu nữa.
Tác phẩm: Tự do đầu tiên và cuối cùng
Phần 2 – Qanda 7: Về nỗi đau khổ