Krishnamurti: Người hỏi muốn biết tại sao ông ấy cảm thấy cô đơn. Bạn có biết cô đơn có nghĩa là gì và bạn có ý thức về cô đơn? Tôi không tin lắm, vì chúng ta tự chôn vùi ngột ngạt trong bao nhiêu sinh hoạt, trong sách vở, trong tương giao liên hệ, trong những ý tưởng, và tất cả những thứ ấy thực ra đã ngăn chặn chúng ta lại không thể để cho chúng ta ý thức về nỗi cô đơn.
Chúng ta hiểu cô đơn thế nào? Đó là cảm thức về một nỗi hoang trống cảm thấy không có gì cả, cảm thấy vô định, không có gì chắc chắn, không có nơi nào cố định. Đó không phải là thất vọng, cũng không phải tuyệt vọng, mà lại là cảm thức về một nỗi trống trải rỗng không, rỗng tuếch, cảm thấy phẫn chí vô vọng.
Tôi tin chắc rằng tất cả chúng ta đều cảm thấy nỗi cô đơn này, không phân biệt kẻ hạnh phúc và kẻ bất hạnh, kẻ hoạt động hăng hái và kẻ say mê chìm đắm trong kiến thức. Ai cũng như ai đều từng trải qua nỗi cô đơn đìu hiu trong đời sống. Đó là cảm thức về một nỗi đau khổ khôn vơi, một nỗi niềm không thể vùi lấp được, dù chúng ta có cố gắng hết sức để khuất lấp nó.
Chúng ta hãy đi vào vấn đề này, tìm hiểu hiện trạng, tìm hiểu xem mình làm gì khi mình cảm thấy cô đơn. Mình cố gắng chạy trốn cảm giác cô đơn của mình bằng cách tiếp tục đọc sách, bằng cách đi theo một vị lãnh tụ nào đó, hoặc đi xem chiếu bóng, hoặc trở nên kẻ hoạt động ráo riết trong sinh hoạt xã hội, hoặc thờ lạy đọc kinh, hoặc vẽ vời viết lách, làm thơ tả nỗi cô đơn. Đó là hiện trạng của tâm thức.
Khi vừa ý thức về nỗi cô đơn, nỗi khổ đau của sự cô đơn, nỗi sợ hãi lạ thường khôn cùng về sự cô đơn này, khi vừa ý thức như vậy, bạn liền tìm cách chạy trốn và sự chạy trốn ấy trở nên quan trọng, do đó, tất cả hình thức để chạy trốn cô đơn, như những hoạt động của bạn, kiến thức của bạn, những thần thánh của bạn, máy phát thanh của bạn, tất cả những hình thức để chạy trốn này đều trở nên quan trọng, phải thế không?
Khi bạn đặt sự quan trọng vào những giá trị phụ thuộc thì những giá trị phụ thuộc ấy sẽ đưa bạn đến sự khốn khổ và hỗn loạn; những giá trị phụ thuộc cố nhiên là những giá trị của giác quan; nền văn minh hiện nay đã được đặt nền tảng trên những giá trị giác quan này và nền văn minh ấy đã đưa ra một lối chạy trốn cho bạn – chạy trốn bằng công ăn việc làm, chạy trốn bằng gia đình, bằng tên tuổi, bằng học vấn, bằng vẽ vời, vân vân; tất cả nền văn hóa của chúng ta đã được xây dựng trên sự chạy trốn ấy. Nền văn minh của chúng ta đã được đặt trên sự chạy trốn ấy, đó là một sự kiện dễ nhận.
Bạn có bao giờ thử sống cô đơn? Khi bạn thử sống như thế, bạn sẽ cảm thấy sống như thế quả thực khó khăn vô cùng, sống như thế đòi hỏi mình phải thông minh vô cùng, bởi vì tâm trí sẽ không bao giờ để cho ta sống một mình. Tâm trí trở nên động đậy bất an, tâm trí cứ mải miết tìm cách chạy trốn, thế thì chúng ta làm gì?
Chúng ta lại chỉ tìm cách lấp đầy khoảng trống vô hạn trong tâm hồn bằng những gì mình thường quen thuộc. Chúng ta tìm cách hoạt động, tìm cách hội hè đình đám, mang tinh thần xã hội, chúng ta biết cách học hành để chạy trốn cô đơn, biết cách vặn máy thâu thanh. Chúng ta tìm cách lấp đầy điều mình không biết bằng điều mình đã biết. Chúng ta cố gắng lấp đầy nỗi trống rỗng bằng đủ loại kiến thức, đủ loại tương giao, đủ loại sự vật. Phải thế không? Đó là tiến trình vận hành của tâm tư chúng ta, tiến trình của đời sống.
Khi bạn ý thức được những gì bạn đang làm, bạn có còn nghĩ rằng bạn có thể lấp đầy nỗi trống không ấy? Bạn đã tìm mọi cách để lấp đầy nỗi trống rỗng của sự cô đơn, nhưng bạn có lấp được không? Bạn đã tìm cách đi xem chiếu bóng, nhưng bạn vẫn không lấp được nỗi hiu quạnh, thế rồi bạn lại đi tìm những bậc minh sư đạo sĩ, đi tìm sách vở, hoặc trở nên hăng hái hoạt động xã hội. Bạn có lấp đầy được nỗi cô đơn hay chỉ khuất lấp tạm thời thôi?
Nếu bạn chỉ khuất lấp tạm thời thôi thì nỗi cô đơn vẫn còn ở đó, rồi nó sẽ khuấy động lại chẳng sớm thì muộn. Nếu bạn có thể chạy trốn nỗi cô đơn một cách toàn triệt thì lúc ấy bạn đã bị nhốt trong dưỡng trí viện hoặc là bạn trở nên một kẻ chán chường đần độn khôn cùng. Đó là hiện trạng ở thế giới bây giờ.
Mình có thể nào lấp đầy được nỗi hoang trống, sự rỗng tuếch này? Nếu không thể lấp đầy được thì mình có thể chạy trốn nó không? Nếu chúng ta đã thí nghiệm và thấy rõ rằng sự chạy trốn của mình chẳng có giá trị gì cả thì phải chăng mình cũng nên hiểu rằng tất cả mọi hình thức chạy trốn khác cũng đều không có giá trị gì cả? Không cần phân biệt hình thức lấp đầy này với hình thức lấp đầy kia, tất cả mọi sự lấp đầy đều như nhau. Ngay cả việc tham thiền tĩnh tọa cũng chỉ là một sự chạy trốn. Thay đổi đường lối chạy trốn thì cũng vẫn là chạy trốn.
Bạn làm thế nào để đối phó với sự cô đơn này? Bạn chỉ có thể biết cách đối phó, khi nào bạn không còn chạy trốn nữa. Phải thế không? Khi bạn thực sự muốn đối diện với hiện thể, đối mặt với cái đang là, nghĩa là bạn không phải vặn máy phát thanh, nghĩa là bạn phải quay lưng chối bỏ nền văn minh này, thì lúc ấy nỗi cô đơn ấy sẽ chấm dứt, vì nó đã được chuyển hóa toàn triệt. Nó không còn là sự cô đơn nữa. Nếu bạn hiểu được hiện thể thì hiện thể ấy chính là thực thể.
Tâm trí tự tạo chướng ngại cho nó, bởi vì tâm trí cứ mải miết trốn tránh thoát ly, chạy trốn, không chịu nhìn hiện thể. Chúng ta không hiểu hiện thể, vì chúng ta bị quá nhiều chướng ngại ngăn trở không cho chúng ta nhìn thấy, do đó, chúng ta thường xa lìa thực tại; tất cả mọi sự chướng ngại trắc trở đều do tâm trí tạo ra để mà không chịu nhìn hiện thể. Muốn nhìn thấy hiện thể, chẳng những mình phải có nhiều khả năng và ý thức về hành động mà mình cần phải quay lưng chối bỏ mọi sự mình đã xây dựng, như ngân khoản ở nhà băng, tên tuổi mình và tất cả mọi sự mà mình gọi là văn minh. Khi bạn nhìn thấy được hiện thể thì bạn sẽ thấy được cách chuyển hóa của nỗi cô đơn.
Tác phẩm: Tự do đầu tiên và cuối cùng
Phần 2 – Qanda 6: Về nỗi cô đơn