Krishnamurti: Trong thực tế, những gì xảy ra trong đời sống chúng ta? Đời sống vẫn là thách thức và đáp ứng. Đời sống là thế, cuộc đời là thế, phải như vậy không? – một sự thách thức không dứt và một sự đáp ứng không dứt. Sự thách thức vẫn luôn luôn mới lạ và sự đáp ứng thì vẫn cũ.
Tôi đã gặp bạn hôm qua và bạn đến với tôi vào ngày hôm nay. Bạn thay đổi, biến thể; bạn đã biến chuyển, bạn trở nên mới lạ; nhưng tôi vẫn giữ hình ảnh cũ của bạn vào ngày hôm qua. Vì lẽ đó tôi thâm nhập điều mới lạ vào điều cũ. Tôi không gặp bạn một cách tươi tắn mới lạ, mà tôi lại vẫn giữ hình ảnh của bạn vào ngày cũ, vì thế sự đáp ứng của tôi đối với sự thách thức vẫn luôn luôn bị qui định.
Ngồi ở đây, trong một thoáng chốc, bạn không còn xử sự như một người Bà la môn, người Thiên chúa giáo, người ở giai cấp quí phái hoặc bất cứ danh hiệu khác – ngồi ở đây, bạn quên hết mọi sự. Nhưng khi bạn trở về với sinh hoạt thường ngày thì bạn trở lại con người cũ của bạn – bạn trở lại với công việc làm, với giai cấp, với ý thức hệ, với gia đình. Nói một cách khác, điều mới lạ vẫn luôn luôn bị điều cũ nuốt chửng để trở thành những thói quen cũ, những tập quán, những ý tưởng, những truyền thống, những kỷ niệm. Sự mới lạ không bao giờ xuất hiện, vì bạn vẫn luôn luôn đón gặp sự mới lạ với điều cũ.
Sự thách thức luôn luôn mới lạ nhưng bạn đón nhận sự thách thức ấy với tâm trí cũ. Vấn đề đặt ra trong câu hỏi này là làm thế nào giải phóng tư tưởng ra ngoài điều cũ để được mới lạ tươi tắn mãi mãi trong mọi lúc. Khi bạn nhìn thấy một đóa hoa, khi bạn nhìn thấy một khuôn mặt, khi bạn nhìn thấy khung trời, một cây lá, một nụ cười, bạn làm thế nào để đón gặp những sự thể ấy một cách mới lạ? Tại sao chúng ta không đón nhận nó một cách mới lạ? Tại sao điều cũ vẫn nuốt trửng điều mới lạ, biến thể điều mới lạ; tại sao điều mới lạ biến mất khi bạn đi về nhà?
Sự đáp ứng cũ xuất phát từ thực thể tư duy. Phải chăng thực thể tư duy vẫn luôn là điều cũ? Bởi vì tư duy của bạn đã được đặt nền tảng trên quá khứ, khi bạn đón gặp điều mới lạ, chính thực thể tư duy đang đón gặp điều mới lạ ấy. Chủ thể tư duy vẫn luôn luôn là điều cũ.
Vì thế, bằng một cách khác, chúng ta lại trở về vấn đề đã được đặt ra: làm thế nào giải phóng tâm trí ra ngoài tự thể của nó, tức là thực thể tư duy? Làm thế nào trừ tuyệt trí nhớ, không phải trừ tuyệt trí nhớ có tính cách sự kiện mà trừ tuyệt trí nhớ tâm lý, tức là sự tích lũy kinh nghiệm?
Không giải thoát khỏi cặn bã của kinh nghiệm thì không thể nào đón nhận sự mới lạ. Giải phóng tư tưởng, giải thoát khỏi tiến trình tư tưởng và đón nhận được sự mới lạ thì quả là thực khó khăn, phải thế không? Bởi vì tất cả những tín ngưỡng của chúng ta, tất cả truyền thống của chúng ta, tất cả phương sách giáo dục của chúng ta đều là một tiến trình mô phỏng, chép lại, học thuộc lòng, tăng cường tích lũy trí nhớ.
Chính trí nhớ ấy vẫn thường đáp ứng lại sự mới lạ, chúng ta gọi sự đáp ứng của trí nhớ là tư duy và tư duy kia đón gặp sự mới lạ. Vì thế làm sao có được sự mới lạ? Chỉ có được sự mới lạ là khi nào không còn cặn bã của trí nhớ, và cặn bã chỉ hiện hữu lúc nào kinh nghiệm chưa xong xuôi, chưa kết thúc, chưa chấm dứt; nghĩa là khi sự lĩnh hội về kinh nghiệm chưa được trọn vẹn. Khi nào kinh nghiệm đã được trải qua trọn vẹn thì không còn cặn bã nào rớt lại – đó là vẻ đẹp tuyệt thế của cuộc đời. Tình yêu không là cặn bã, tình yêu không phải là kinh nghiệm, đó là một trạng thái hiện thể. Tình yêu vẫn thiên thu mới lạ.
Vì thế vấn đề của chúng ta là: Có thể nào mình đón gặp sự mới lạ mãi mãi, ngay trong nhà mình? Nhất định có thể làm được việc ấy. Muốn làm thế, mình phải tạo ra một cuộc khuynh đảo trong tư tưởng trong cảm giác, bạn có thể tự do khi nào mỗi một sự ngẫu nhiên trong đời được nghĩ cho tận cùng từ giây phút này đến giây phút khác, khi nào mỗi một sự đáp ứng được hiểu một cách trọn vẹn, chứ không phải chỉ được mình hững hờ ngó sơ qua rồi gạt bỏ qua một bên.
Chỉ thoát được trí nhớ đang tích lũy mỗi khi nào tất cả mọi tư tưởng, tất cả mọi cảm giác đã được sống trọn vẹn, được nghĩ cho tận cùng. Nói khác đi, khi mỗi một tư tưởng và mỗi một cảm giác được nghĩ cho tới nơi, cho chung cục thì sự tận cùng mới xuất hiện, và lúc ấy mới hiện hữu một khoảng cách giữa sự tận cùng ấy với tư tưởng kế tiếp. Trong khoảng cách im lặng ấy, sự mới lạ phát hiện, sự sáng tạo mới lạ thành hình.
Đây không phải chỉ có tính cách lý thuyết, đây không phải là không thực tiễn. Nếu các bạn cố gắng nghĩ mỗi một tư tưởng và mỗi một cảm giác, nghĩ cho tận cùng, nghĩ cho tới nơi thì bạn sẽ khám phá rằng điều ấy rất là sát với thực tế trong đời sống thường nhật của bạn, vì lúc ấy bạn cảm thấy mới lạ tươi tắn và những gì mới lạ thì vẫn trường tồn thiên thu.
Cảm thấy mới lạ là có tinh thần sáng tạo, và có tinh thần sáng tạo là cảm thấy hạnh phúc; một con người hạnh phúc là kẻ không bận tâm đến chuyện giàu hay nghèo, hắn không bận tâm đến địa vị xã hội của hắn, giai cấp hoặc xứ sở. Hắn không có lãnh tụ, không thần thánh, không đền thờ, không thánh đường, vì thế hắn không phải tranh chấp và không phải thù hận.
Dĩ nhiên đó là đường lối thực tiễn nhất để giải tan những nỗi khó khăn của chúng ta trong thế giới hỗn loạn hiện nay. Bởi vì chúng ta không có tinh thần sáng tạo, hiểu theo nghĩa tôi vừa trình bày, cho nên chúng ta mới có cảm thức chống đối xã hội trong mọi phạm vi bình diện. Muốn được thực tiễn hữu hiệu trong mối tương giao xã hội, trong sự tương giao với tất cả mọi sự, mình phải hạnh phúc; không thể nào có được hạnh phúc nếu không có sự tận cùng, không thể nào có được hạnh phúc nếu tiến trình liên tục của việc trở nên thành đạt vẫn còn lưu động. Trong sự chấm dứt tận cùng mới phát hiện lên sự phục hồi, sự hồi sinh, sự mới lạ, tươi mát, vui sướng tràn lan.
Điều mới lạ đã bị hút vào trong điều cũ và điều cũ đã phá hủy điều mới lạ, khi mà mình còn bối cảnh, khi mà tâm trí, thực thể tư duy, vẫn còn bị lệ thuộc, bị qui định bởi tư tưởng. Muốn thoát khỏi hậu cảnh bối cảnh tâm tư, muốn thoát khỏi những ảnh hưởng nô lệ, thoát khỏi trí nhớ thì mình phải thoát khỏi sự liên tục. Khi mà tư tưởng cảm giác vẫn không được chấm dứt toàn triệt thì sự liên tục vẫn còn đó. Bạn chấm dứt trọn vẹn tư tưởng mỗi khi bạn đuổi theo tư tưởng cho đến chỗ tận cùng của nó và nhờ thế mới tận diệt tất cả mọi tư tưởng, tất cả mọi cảm giác.
Tình yêu không phải là thói quen, không phải là trí nhớ, tình yêu vẫn luôn luôn mới lạ. Chỉ có thể gặp gỡ sự mới lạ khi nào tâm trí được tươi tắn; và tâm trí không thể tươi tắn khi cặn bã còn rớt lại trong trí nhớ. Trí nhớ có tính cách sự kiện, đồng thời cũng có tính cách tâm lý. Tôi không nói đến trí nhớ sự kiện mà nói về trí nhớ tâm lý. Khi mà kinh nghiệm chưa được hiểu trọn vẹn thì vẫn còn rớt lại cặn bã và cặn bã là điều cũ, tức là thuộc vào ngày đã qua, một sự việc của dĩ vãng; quá khứ vẫn luôn luôn nuốt trửng sự mới lạ, và vì thế, quá khứ đã tiêu diệt sự mới lạ. Chỉ khi nào tâm trí thoát khỏi sự cũ kỹ quen thuộc thì tâm trí mới đón gặp mọi sự một cách mới lạ trinh nguyên, và trong sự gặp gỡ ấy mới bừng lên niềm vui tươi đẹp.
Tác phẩm: Tự do đầu tiên và cuối cùng
Phần 2 – Qanda 26: Về sự cũ kỹ và điều mới lạ