Về tâm trí hữu thức và vô thức

Hỏi: Tâm trí hữu thức thì không biết gì về vô thức và sợ hãi trước vô thức. Ngài thường đề cập nhiều nhất đến tâm trí hữu thức và như thế có đủ chăng? Phương pháp của Ngài có đem tới được sự giải phóng cho vô thức? Xin Ngài vui lòng giảng giải rõ rệt cách thức đối phó tâm trí vô thức một cách trọn vẹn nhất.

Krishnamurti: Chúng ta có trực thức về sự hiện hữu của tâm trí hữu thức và tâm trí vô thức, nhưng phần đông chúng ta đều chỉ sinh hoạt ở cấp độ hữu thức, nơi thượng tầng của tâm trí, và đời sống của chúng ta dường như đã bị giới hạn hẳn nơi thượng tầng nông cạn ấy. Chúng ta sống với tâm trí gọi là hữu thức và chúng ta không bao giờ chú ý đến cõi vô thức sâu thẳm hơn mà đôi lúc thế giới vô thức ấy cũng hé lộ một sự gợi ý kín đáo nào đó, một dấu hiệu nào đó, nhưng mình vẫn không lưu ý đến dấu hiệu gợi ý kia, mình vẫn làm bại hóa dấu hiệu kia, diễn dịch nó tùy theo những yêu sách hữu thức đặc thù của mình vào ngay lúc ấy.

Người đặt câu hỏi nêu lên như vầy ‘Ngài thường đề cập nhiều nhất đến tâm trí hữu thức và như thế có đủ chăng?’ Chúng ta hãy xem chúng ta hiểu tâm trí hữu thức theo nghĩa nào. Có phải tâm trí hữu thức khác hẳn vô thức? Chúng ta đã chia phân ý thức tách biệt ra ngoài vô thức; làm như thế có đàng hoàng không? Có đúng không? Có sự phân chia giữa ý thức và vô thức không? Có đường ranh đường chia dứt khoát nào giữa biên giới tận cùng của ý thức và sự bắt đầu của vô thức?

Chúng ta có trực thức rằng thượng tầng của ý thức, tâm trí hữu thức, đang sinh hoạt, nhưng phải chăng đó là công cụ duy nhất đang sinh hoạt suốt ngày? Nếu tôi chỉ đề cập duy nhất đến thượng tầng của tâm trí lúc ấy chắc chắn những gì tôi nói đều vô giá trị, đều vô nghĩa. Tuy vậy, hầu hết chúng ta đều đeo bám vào những gì tâm trí hữu thức đã chấp nhận, vì tâm trí hữu thức cảm thấy dễ thích ứng với một số sự kiện hiển nhiên; nhưng vô thức có thể nổi loạn, rồi từ việc nổi loạn thường xuyên ấy xảy ra sự xung đột giữa thế giới gọi là ý thức và thế giới vô thức.

Vì vậy vấn đề của chúng ta là thế đấy, phải không? Thực ra chỉ có một trạng thái thôi, chứ không phải hai trạng thái hiểu theo nghĩa như ý thức và vô thức: chỉ có một trạng thái hiện thể duy nhất, tức là ý thức, dù bạn có thể chia phân ý thức ra làm hai phần, hữu thức và vô thức. Nhưng ý thức ấy vẫn luôn luôn thuộc về quá khứ chứ không bao giờ thuộc về hiện tại; bạn chỉ ý thức về những sự việc đã qua rồi, đã xong xuôi. Bạn ý thức về những gì tôi đang cố truyền đạt vào một giây phút sau, phải thế không? Bạn hiểu khoảnh khắc sau đó thôi. Bạn không bao giờ có ý thức hoặc trực thức về hiện tại. Hãy ngắm nhìn chính tâm trí của các bạn và các bạn sẽ thấy rằng ý thức sinh hoạt giữa quá khứ và tương lai, và hiện tại chỉ là sự lướt đi của quá khứ để đi đến tương lai. Do đó, ý thức là sự vận hành của quá khứ đến tương lai.

Nếu các bạn ngắm nhìn sinh hoạt của tâm trí các bạn, các bạn sẽ thấy rằng sự vận hành đến quá khứ và đến tương lai là một tiến trình mà trong đó, không có sự hiện hữu của hiện tại. Hoặc quá khứ là một phương tiện thoát ly hiện tại, lúc hiện tại có thể làm mình khó chịu, hoặc tương lai là hy vọng để trốn lánh hiện tại. Vì thế, tâm trí bận bịu với quá khứ hoặc với tương lai và lột bỏ hiện tại. Nghĩa là tâm trí bị qui định bởi quá khứ, qui định với tư cách là một người Ấn độ, một người Bà la môn hoặc không phải Bà la môn, người theo đạo Chúa, người theo đạo Phật, vân vân, và chính tâm trí bị qui định ấy đã tự phóng ánh đến tương lai; vì thế tâm trí ấy không bao giờ có thể nhìn thẳng bất cứ sự kiện một cách trực tiếp và một cách vô tư. Hoặc tâm trí ấy lên án và phủ nhận sự kiện hoặc chấp nhận và tự đồng hóa mình với sự kiện.

Một tâm trí như thế dĩ nhiên không thể nhìn bất cứ sự kiện nào đúng như sự kiện. Đó là trạng thái ý thức của chúng ta bị qui định bởi quá khứ và tư tưởng của chúng ta là sự đáp ứng bị qui định trước điều thách thức của một sự kiện; bạn càng đáp ứng tùy theo sự qui định của tín ngưỡng, của quá khứ, thì quá khứ càng được củng cố. Sự củng cố quá khứ kia dĩ nhiên là sự tiếp diễn của chính quá khứ, tức là tương lai.

Vì thế, đó là trạng thái của tâm trí chúng ta, của ý thức chúng ta – một quả lắc đong đưa qua lại tới lui giữa quá khứ và tương lai. Đó là ý thức của chúng ta, không phải chỉ được làm thành bởi những thượng tầng của tâm trí mà đồng thời cũng bởi những hạ tầng sâu thẳm. Ý thức này dĩ nhiên không thể tác động trên một cấp độ khác, vì nó chỉ biết hai loại vận chuyển tới lui như thế thôi.

Nếu bạn ngắm kỹ, bạn sẽ thấy rằng đó không phải là một sự vận chuyển thường xuyên mà lại có một khoảng cách giữa hai tư tưởng, dù khoảng cách ấy có thể chỉ là một tí tắt vô cùng nhanh chóng, nhưng sự hiện hữu của khoảng cách này rất quan trọng trong sự vận chuyển tới lui của quả lắc. Chúng ta đã thấy rằng tư tưởng của chúng ta đã bị qui định bởi quá khứ và quá khứ đã được phóng ảnh đến tương lai; lúc bạn nhận sự hiện hữu của quá khứ, bạn cũng phải nhận sự hiện hữu của tương lai, bởi vì không có hai trạng thái gọi là quá khứ và tương lai mà chỉ có một trạng thái bao gồm cả ý thức và vô thức, cả quá khứ tập thể, và quá khứ cá thể.

Quá khứ tập thể và quá khứ cá thể, trong lúc đáp ứng lại hiện tại, đã tạo một số đáp ứng tạo thành ý thức cá thể, do đó, ý thức thuộc về quá khứ và đó là toàn thể hậu cảnh của đời sống chúng ta. Ngay lúc bạn trải qua quá khứ, nhất định bạn phải trải qua tương lai, bởi vì tương lai chỉ là sự tiếp diễn của quá khứ được biến thể, nhưng đó vẫn là quá khứ, vì thế vấn đề của chúng ta là tìm cách nào tạo ra một sự biến chuyển trong tiến trình của quá khứ này mà không phải tạo ra một sự qui định khác, một quá khứ khác.

Nói khác đi, vấn đề là thế này: phần đông chúng ta phủ nhận một hình thức đặc biệt của sự qui định và tìm kiếm một hình thức khác, một sự qui định khác rộng lớn hơn, có ý nghĩa hơn hoặc dễ chịu hơn. Bạn bỏ một tôn giáo này và theo một tôn giáo khác, bỏ một hình thức tín ngưỡng này và chấp nhận một hình thức khác. Sự thay hình đổi dạng như thế dĩ nhiên không phải là hiểu được cuộc đời, vì cuộc đời là tương quan. Vấn đề của chúng ta là tìm cách nào để giải thoát khỏi tất cả mọi sự qui định.

Hoặc bạn cho rằng không thể làm được việc ấy, rằng không có trí óc con người nào có thể thoát khỏi sự qui định, hoặc bạn bắt đầu thể nghiệm, vấn sát, khám phá. Nếu bạn quả quyết rằng bạn không thể làm được việc ấy thì dĩ nhiên bạn đã bỏ cuộc rồi, đã chủ bại. Lời quả quyết của bạn có thể được xây dựng trên nền tảng của kinh nghiệm hữu hạn hoặc rộng rãi hoặc trên nền tảng của sự chấp nhận một tín ngưỡng, nhưng sự quả quyết ấy chỉ là phủ nhận sự tìm kiếm, phủ nhận sự khảo sát, khảo cứu, khám phá. Muốn tìm xem tâm trí có thể nào hoàn toàn giải thoát mọi sự qui định, bạn phải được tự do tra hỏi và khám phá.

Tôi cho rằng tâm trí nhất định có thể thoát khỏi mọi sự qui định – nói như thế không có nghĩa là các bạn nên chấp nhận thẩm quyền của tôi. Nếu các bạn chấp nhận điều ấy vì uy quyền của tôi, các bạn sẽ không bao giờ khám phá, đó sẽ chỉ là một sự thay thế khác, và việc ấy chẳng có ý nghĩa quan trọng nào cả. Khi tôi cho rằng điều giải thoát kia có thể thực hiện được, tôi nói thế bởi vì đối với tôi đó là một sự kiện và tôi có thể bày tỏ sự kiện ấy cho các bạn bằng ngôn từ, nhưng nếu các bạn cần phải tìm thấy sự thực của sự kiện ấy cho bản thân bạn, bạn phải thể nghiệm điều ấy và theo dõi sự kiện ấy một cách nhanh nhẹn.

Sự lĩnh hội về toàn thể biến trình của sự qui định không hiện đến các bạn qua sự phân tích hoặc sự nội quan, vì ngay lúc các bạn thấy sự hiện hữu của thực thể phân tích thì chính thực thể phân tích ấy lại thuộc vào thành phần của hậu cảnh, và vì thế sự phân tích kia chẳng có quan trọng ý nghĩa nào đáng kể. Đó là một sự kiện và các bạn phải gạt bỏ sự phân tích ấy qua một bên.

Thực thể phân tích nào khảo sát, phân tích sự thể mà thực thể ấy đang quan sát, chính thực thể ấy cũng là thành phần của trạng thái bị qui định và vì thế bất cứ sự thông diễn nào của hắn, bất cứ sự lý hội nào của hắn, sự phân tích nào của hắn cũng đều là thành phần của hậu cảnh. Làm theo lối đó thì không có cách nào thoát được và việc phá vỡ hậu cảnh, bối cảnh, vẫn là việc chính yếu, vì muốn gặp sự thách thức của điều mới lạ, tâm trí phải mới lạ, muốn khám phá Thượng đế, chân lý hoặc bất cứ điều gì khác, tâm trí phải tươi tắn, không bị quá khứ vẩn đục.

Việc phân tích quá khứ, đi đến những kết luận qua một loạt thí nghiệm, những quả quyết và những phủ nhận và tất cả những thứ ấy, những việc ấy ngụ ý trong tự bản chất về sự tiếp diễn của bối cảnh trong những hình thức khác nhau; khi các bạn thấy được chân lý của sự kiện kia, các bạn sẽ khám phá rằng tác giả phân tích không còn hiện hữu nữa. Lúc ấy không có thực thể nào tách lìa bối cảnh: chỉ có tư tưởng làm bối cảnh, tư tưởng chính là sự đáp ứng của ký ức, trí nhớ vừa hữu thức vừa vô thức, vừa cá thể vừa tập thể.

Tâm trí là kết quả của quá khứ, tức là tiến trình của sự qui định. Làm thế nào tâm trí có thể tự do, giải thoát? Muốn được tự do giải thoát, tâm trí không phải chỉ nhìn thấy hiểu biết sự đong đưa của quả lắc giữa quá khứ và tương lai mà còn phải ý thức trực tiếp về khoảng cách giữa những tư tưởng. Khoảng cách ấy đột phát một cách tự nhiên, mình không thể tạo ra khoảng cách ấy bằng bất cứ quan hệ nhân quả, bằng bất cứ ước vọng nào, bằng bất cứ sự cưỡng bách nào.

Nếu bạn quan sát một cách kỹ càng bạn sẽ thấy rằng dù sự đáp ứng, sự vận hành của tư tưởng có vẻ như nhanh chóng, thế mà vẫn có những lỗ trống, những khoảng cách giữa những tư tưởng. Giữa hai tư tưởng thì có một giai đoạn im lặng không liên hệ gì với tiến trình tư tưởng. Nếu bạn quan sát, bạn sẽ thấy rằng khoảng im lặng ấy, khoảng cách ấy, không thuộc vào thời gian, và sự khám phá khoảng cách ấy, sẽ giải phóng bạn ra khỏi sự qui định nô lệ - hoặc nói đúng hơn, việc ấy không giải phóng ‘bạn ‘ mà giải phóng khỏi chính sự qui định.

Vì thế, sự lý hội tiến trình tư tưởng là tham thiền. Chúng ta hiện nay không phải chỉ thảo luận về cơ cấu và tiến trình của tư tưởng, tức là bối cảnh của ký ức, của kinh nghiệm, của kiến thức, mà đồng thời chúng ta cũng cố gắng tìm xem tâm thức có thể tự giải phóng ra ngoài bối cảnh. Chỉ khi nào tâm trí không còn tạo ra sự tiếp diễn liên tục cho tư tưởng, khi nào tâm trí được im lặng với một sự im lặng tự nhiên, chứ không phải sự im lặng cố ý do mình làm khởi phát, nghĩa là sự im lặng bên ngoài bất cứ quan hệ nhân quả nào – chỉ có lúc ấy mới có thể có sự tự do thoát khỏi hậu cảnh, bối cảnh qui định.

Tác phẩm: Tự do đầu tiên và cuối cùng
Phần 2 – Qanda 20: Về tâm trí hữu thức và vô thức
Previous Post
Next Post