Krishnamurti: Đối với bạn, chân lý nghĩa là gì? Chúng ta không nên dùng một tiếng mà chúng ta không biết ý nghĩa; chúng ta có thể dùng một tiếng giản dị hơn, một tiếng trực tiếp hơn. Bạn có thể hiểu được, lý hội được một vấn đề một cách trực tiếp? Đó là những gì ngụ ngầm tiềm tàng trong câu hỏi, phải thế không? Bạn có thể hiểu được hiện thể một cách lập tức, ngay bây giờ?
Trong việc hiểu được hiện thể bạn sẽ hiểu được ý nghĩa quan trọng của chân lý; nhưng nói rằng mình phải hiểu chân lý, nói như vậy thì chẳng có ý nghĩa gì cả. Bạn có thể nào hiểu được một vấn đề trực tiếp, một cách trọn vẹn và giải thoát khỏi vấn đề? Đó là ngụ ý của câu hỏi, phải thế không? Bạn có thể hiểu một sự khủng hoảng, một sự thách thức ngay lập tức, thấy được ý nghĩa trọn vẹn của sự khủng hoảng ấy và giải thoát khỏi sự khủng hoảng ấy? Khi bạn hiểu được một điều gì thì điều ấy không để lại dấu vết; do đó, sự hiểu biết hoặc chân lý chính là điều giải phóng.
Ngay bây giờ bạn có thể được giải phóng khỏi một vấn đề, khỏi một sự thách thức? Phải chăng cuộc đời là một chuỗi dài gồm những sự thách thức và những đáp ứng, và nếu đáp ứng của bạn đối với một sự thách thức mà bị qui định, bị giới hạn, không trọn vẹn thì lúc ấy sự thách thức kia để lại dấu vết của nó, cặn bã của nó, và dấu vết cặn bã ấy được củng cố hơn nữa bởi một sự thách thức mới khác. Vì thế, mình vẫn luôn luôn giữ lại một trí nhớ cặn bã, gồm những sự tích trữ, những vết sẹo; và mang trong lòng tất cả những vết sẹo ấy, bạn lại cố gắng đón nhận sự mới lạ, do đó, bạn không bao giờ đón nhận sự mới lạ được. Vì thế bạn không bao giờ hiểu được điều gì cả, không bao giờ bạn giải thoát được khỏi bất cứ sự thách thức nào của đời sống.
Vấn đề câu hỏi là như vầy: tôi có thể nào hiểu được một sự thách thức một cách trọn vẹn, một cách trực tiếp; hội cảm tất cả ý nghĩa của sự thách thức ấy; chiều sâu thẳm của nó, vẻ đẹp và sự xấu của nó và nhờ thế mà giải thoát khỏi sự thách thức ấy. Mọi sự thách thức đều vẫn luôn luôn mới lạ, phải thế không? Chẳng hạn vấn đề của bạn vào ngày hôm qua đã biến đổi hẳn đến nỗi ngày hôm nay bạn đón gặp vấn đề ấy thì nó hoàn toàn mới lạ hẳn rồi. Nhưng bạn đón gặp vấn đề ấy qua phạm trù cũ kỹ, và bạn đón gặp vấn đề ấy mà tâm thức bạn không có gì thay đổi, bạn chỉ biến thể đôi chút tư tưởng của chính bạn.
Tôi xin trình bày lại một cách khác. Tôi đã gặp bạn vào ngày hôm qua. Trong thời gian ngắn sau sự gặp gỡ ấy bạn đã thay đổi hẳn. Bạn đã biến đổi, biến thể, nhưng tôi vẫn giữ hình ảnh của bạn vào ngày hôm qua. Ngày hôm nay tôi gặp lại bạn với hình ảnh của tôi về bạn vào ngày đã qua, và do đó tôi không hiểu được bạn – tôi chỉ hiểu hình ảnh của bạn mà tôi đã thu được vào ngày đã qua. Nếu tôi muốn hiểu được bạn, một thực thể thiên chuyển, hóa thân, tôi phải gạt bỏ đi, thoát đi hình ảnh của ngày hôm qua. Nói một cách khác, muốn hiểu một sự thách thức luôn luôn mới lạ, tôi phải đón nhận nó một cách tươi tắn mới lạ, không để rơi lại cặn bã của ngày hôm qua, vì thế tôi phải giã biệt với ngày đã qua.
Sau rốt, cuộc đời là gì? Đó là cái gì vẫn luôn luôn mới lạ, phải thế không? Đó là cái gì vẫn luôn thiên chuyển, thay đổi không ngừng, luôn luôn tạo ra một cảm giác mới mẻ. Ngày hôm nay không bao giờ giống như ngày hôm qua và đó là vẻ đẹp mê hồn của cuộc đời. Bạn và tôi, chúng ta có thể nào đón gặp mọi vấn đề một cách mới lạ? Khi trở về nhà, bạn có thể đón gặp vợ con bạn một cách mới lạ, đón gặp sự thách thức một cách tươi tắn mới mẻ?
Bạn sẽ không có khả năng làm như thế nếu bạn đeo mang chĩu nặng những kỷ niệm của ngày hôm qua. Vì thế, muốn hiểu sự thật của một vấn đề, của một mối tương quan thì bạn phải đến vấn đề một cách tươi tắn – chứ không phải với một ‘tâm trí cởi mở ‘, vì điều này chẳng có ý nghĩa gì cả. Bạn phải đến vấn đề mà không mang những vết sẹo của những kỷ niệm ngày hôm qua – nghĩa là đối với mỗi sự thách thức vừa khởi phát, bạn phải có trực thức về tất cả những đáp ứng của ngày hôm qua; và khi trực thức về cặn bã ngày qua, kỷ niệm ngày qua, bạn sẽ thấy rằng những cặn bã, những kỷ niệm ấy rơi mất đi mà bạn không phải chống trở, vì thế, tâm trí bạn mới được tươi tắn.
Mình có thể thực hiện chân lý ngay lập tức, không phải chuẩn bị? Tôi nghĩ rằng điều này nhất định có thể thực hiện được – tôi xác định như thế không phải vì đà lòng hứng khởi nhất thời, không phải vì ảo tưởng nào đó; tôi xác định như thế, và bạn hãy thể nghiệm điều ấy đứng về mặt tâm lý và bạn sẽ thấy rõ. Hãy lấy thí dụ về bất cứ sự thách thức nào, bất cứ sự việc ngẫu xuất nào – đừng đợi đến một cuộc khủng hoảng to tát nào – và bạn sẽ thấy bạn phản ứng với nó thế nào. Bạn hãy để ý trực tiếp về nó, ý thức trực tiếp về những đáp ứng của bạn, về những ý định của bạn, về những thái độ của bạn, và bạn sẽ hiểu những cái đó, bạn sẽ hiểu bối cảnh của bạn. Tôi quả quyết rằng bạn có thể thực hiện chân lý ngay lập tức nếu bạn đặt trọn vẹn sự chú ý vào đó.
Nếu bạn tìm kiếm ý nghĩa trọn vẹn của bối cảnh bạn, bối cảnh ấy sẽ ban cho bạn ý nghĩa của nó và lúc ấy trong một thoáng chốc bạn sẽ khám phá ra chân lý, hiểu được vấn đề. Sự hiểu biết chỉ xuất hiện từ trong hiện tại, ngay bây giờ, tức là vẫn luôn luôn ở ngoài thời gian. Dù điều ấy có thể xảy đến ngày mai nhưng nó vẫn là ngay bây giờ; chỉ triển hạn, chuẩn bị đón nhận những gì xảy đến vào ngày mai là tự ngăn chặn không cho hiểu được những gì đang là ngay bây giờ. Chắc chắn bạn có thể hiểu được trực tiếp hiện thể ngay bây giờ, có được không? Muốn hiểu được ‘cái đang là’, tức là hiện thể, bạn phải không bị quấy động, xao lãng, bạn phải để trọn tâm trí vào nó. Đó là sự chú tâm quan hệ duy nhất ngay khoảnh khắc bây giờ, một cách trọn vẹn. Lúc ấy hiện thể mới ban cho bạn sự sâu thẳm trọn vẹn của nó, ý nghĩa trọn vẹn của nó, và nhờ thế, bạn mới thoát khỏi vấn đề.
Nếu bạn muốn biết chân lý, ý nghĩa tâm lý của tài sản, chẳng hạn, nếu bạn muốn thực sự hiểu nó một cách trực tiếp, ngay bây giờ, làm thế nào bạn đi đến nó? Dĩ nhiên bạn phải cảm thấy thân thuộc, đồng nhất thể với vấn đề, bạn không nên sợ hãi vấn đề, bạn không phải có bất cứ tín ngưỡng nào, bất cứ câu trả lời nào, giữa bạn và vấn đề. Chỉ lúc nào bạn được tương quan trực tiếp với vấn đề thì bạn mới thấy được câu trả lời. Nếu bạn đưa ra sẵn câu trả lời, nếu bạn phê phán, có một khuynh hướng tâm lý đối nghịch thì lúc ấy bạn sẽ triển hoãn, bạn sẽ chuẩn bị hiểu nó vào ngày mai, mà điều ấy chỉ có thể hiểu được vào ngay ‘bây giờ’.
Vì lý do ấy, bạn sẽ không bao giờ hiểu được gì cả. Trực nhận chân lý không cần chuẩn bị gì cả; sự chuẩn bị ngụ ý về thời gian, và thời gian không phải là phương tiện để hiểu chân lý. Thời gian là sự kế tục, và chân lý thì nằm ở ngoài thời gian không có tính cách kế tục tiếp diễn. Sự hiểu biết giao cảm không có tính cách lưu diễn liên tục, sự hiểu biết nằm ngay từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác, không giữ lại cặn bã nào.
Tôi ngại rằng tôi đang làm vấn đề có vẻ như rắc rối, có thế không? Nhưng thực ra thì vấn đề rất dễ dàng, giản dị, nếu bạn chỉ thể nghiệm với nó. Nếu bạn mơ mộng vớ vẩn rồi suy tưởng trầm tư về vấn đề thì vấn đề trở nên rất khó khăn. Khi không còn hàng rào ngăn cách giữa bạn và tôi thì tôi hiểu được bạn. Nếu tôi mở phơi ra trước bạn, tôi sẽ hiểu bạn một cách trực tiếp – và việc mở bày ấy không phải là một vấn đề thời gian. Thời gian có thể làm tôi cởi mở?
Sự chuẩn bị, ý thức hệ, kỷ luật có thể làm tôi cởi mở với bạn? Nhất định là không. Điều làm tôi cởi mở với bạn là ý định tìm hiểu của tôi. Tôi muốn cởi mở phơi bày vì tôi không có gì để giấu giữ lại, tôi không sợ hãi gì cả; vì thế tôi cởi mở, và sự giao cảm trực tiếp được thành hình, chân lý được xuất hiện. Muốn đón nhận chân lý, muốn biết được vẻ đẹp mê hồn của chân lý, muốn biết được niềm vui tuyệt trần của chân lý, mình phải cởi mở đón nhận lập tức, không bị vẩn đục ám khói bởi những lý thuyết, bởi những nỗi sợ hãi, bởi những câu trả lời.
Tác phẩm: Tự do đầu tiên và cuối cùng
Phần 2 – Qanda 31: Về sự đốn ngộ