Krishnamurti: Nếu chúng ta muốn hiểu bất cứ điều gì thì tâm trí có cần phải tĩnh lặng? Nếu chúng ta có một vấn đề nào đó thì chúng ta lo âu bận tâm về nó, phải thế không? Chúng ta khảo sát nó, phân tích nó, xé nát nó ra từng mảnh vụn, vì mong ước tìm hiểu nó. Vậy, có phải chúng ta tìm hiểu bằng nỗ lực, bằng phân tích, bằng so sánh, bằng bất cứ hình thức chống chỏi tinh thần?
Dĩ nhiên sự hiểu biết chỉ đến khi tâm thức được trầm tĩnh trầm lặng vô cùng. Chúng ta cho rằng chúng ta càng chống trở với vấn đề đói kém, chiến tranh, hoặc bất cứ vấn đề nhân sự nào khác, càng chống chỏi giao tranh với vấn đề thì càng hiểu được vấn đề hơn nữa. Có đúng vậy không? Những trận chiến tranh đã tiếp diễn từ bao thế kỷ, xung đột giữa những cá nhân, giữa những xã hội cũng đã tiếp diễn từ lâu; chiến tranh bên ngoài cũng như chiến tranh bên trong vẫn hằng cửu xuất hiện ra đó.
Có phải chúng ta giải quyết trận chiến tranh kia, sự xung đột kia, bằng sự xung đột khác lớn hơn nữa, bằng sự chống chỏi khác mãnh liệt hơn nữa, bằng nỗ lực gian manh hơn lên? Hay là có phải chúng ta chỉ hiểu vấn đề khi chúng ta đối mặt trực tiếp với vấn đề, nhìn thẳng vào sự kiện? Chúng ta chỉ có thể đối diện với sự kiện khi nào không có sự manh động xen vào giữa tâm trí và sự kiện, vì thế, điều quan trọng phải chăng là tâm trí được trầm lặng, nếu chúng ta hiểu được thế?
Cố nhiên điều không thể tránh được là bạn sẽ hỏi, ‘Làm thế nào có thể làm cho tâm trí được trầm lặng?’ Đó là phản ứng lập tức, phải thế không? Bạn nói, ‘Tâm trí tôi bị chao động, bất an và làm thế nào tôi có thể giữ cho nó tĩnh lặng?’ Bất cứ hệ thống nào có làm cho tâm trí được tĩnh lặng? Có thể nào một phương trình, một kỷ luật làm cho tâm trí im lặng? Có thể làm được; nhưng khi tâm trí được làm cho im lặng thì đó có phải là sự im lặng?
Hay là tâm trí chỉ bị đóng nhốt trong một ý tưởng, trong một phương trình, trong một từ ngữ? Tâm trí như thế chỉ là một tâm trí chết, phải thế không? Đó là lý do cắt nghĩa tại sao phần đông những kẻ cố gắng tu hành, cố gắng sống đời sống gọi là ‘tâm linh’ đều là những kẻ chết – vì họ đã rèn luyện cho tâm trí họ trở nên trầm lặng, họ tự nhốt họ vào trong phương trình để được sự trầm lặng. Dĩ nhiên một tâm trí như thế không bao giờ trầm lặng được; nó chỉ bị đàn áp, đè xuống.
Tâm thức được trầm lặng khi nó nhìn thấy sự thật rằng sự hiểu biết chỉ đến khi nó trầm lặng; rằng nếu tôi muốn hiểu bạn thì tôi phải trầm lặng, tôi không thể có những phản ứng đối nghịch với bạn, tôi không phải phản ứng đối nghịch với bạn, tôi không phải có thành kiến, tôi phải gạt bỏ tất cả sự kết luận của tôi, những kinh nghiệm của tôi và đón gặp bạn, mặt nhìn mặt. Chỉ có lúc ấy, khi tâm trí thoát ra ngoài sự qui định, thì tôi mới hiểu biết được.
Khi tôi nhìn thấy được sự thật của vấn đề ấy, lúc ấy tâm trí tôi được trầm lặng – và lúc ấy không có vấn đề cách nào làm cho tâm trí được trầm lặng. Chỉ có chân lý mới có thể giải phóng tâm trí ra ngoài sự vận hành ý niệm của nó; muốn thấy được chân lý, tâm trí phải ý thức sự kiện. Khi mà tâm trí vẫn dao động thì nó không thể nào hiểu biết giao cảm được. Sự im lặng của tâm trí, sự trầm lặng của tâm trí, không phải là một sự thể được tạo ra bởi thế lực ý chí, bởi bất cứ hành động tham dục nào; nếu thế, lúc ấy, tâm trí bị đóng nhốt, cô lập, đó là tâm trí chết và vì thế không có khả năng uyển chuyển, thích ứng, nhu nhuyến, nhanh nhẹn. Một tâm trí như thế không có tinh thần sáng tạo gì cả.
Vấn đề của chúng ta bây giờ không phải là làm thế nào cho tâm trí được trầm lặng mà tìm thấy sự thật của mọi vấn đề vừa khi vấn đề tự trình bày ra cho chúng ta. Việc ấy giống như mặt hồ trở nên tĩnh lặng khi gió ngừng thổi. Tâm trí chúng ta bị xao động vì chúng ta có những vấn đề; và muốn tránh những vấn đề, chúng ta làm cho tâm trí trầm lặng. Chính tâm trí đã phóng hiện những vấn đề và không có vấn đề nào tách biệt với tâm trí; khi mà tâm trí phóng rọi bất cứ quan niệm nào về cảm tính, thực hành bất cứ hình thức im lặng nào thì nó không bao giờ có thể im lặng được. Khi tâm trí ý thức rằng chỉ có sự trầm lặng mới có sự giao cảm hiểu biết – lúc ấy, tâm trí trở nên rất trầm lặng. Sự trầm lặng ấy không phải xuất hiện do sự cưỡng ép, do kỷ luật; đó là một sự trầm lặng mà một trí óc dao động không bao giờ hiểu được.
Nhiều người tìm kiếm sự an tĩnh tâm trí bằng cách rút lui khỏi đời sống hoạt động và trở về thôn làng, đi vào một tu viện, đi vô núi hoặc họ rút lui vào trong những ý tưởng, tự đóng nhốt với một tín ngưỡng, hoặc tránh những kẻ gây phiền rầy cho họ. Sự cô lập như thế không phải là sự an tĩnh trầm lặng của tâm trí. Đóng nhốt vây bọc tâm trí trong một ý tưởng hoặc trốn tránh những kẻ gây phiền não thì không tạo ra được sự an tĩnh tâm trí. Sự an tĩnh tâm trí chỉ hiện đến khi không còn tiến trình cô lập qua sự tích lũy mà là hiểu trọn vẹn toàn thể tiến trình tương giao. Sự tích lũy làm cho tâm trí già nua; chỉ khi nào tâm trí được mới lạ, tươi tắn, không có tiến trình tích lũy – chỉ có lúc ấy mới có được sự trầm lặng tâm thức.
Tâm trí trầm lặng không phải là tâm trí chết, tâm trí trầm lặng là tâm trí hoạt động nhất. Tâm trí an tĩnh là tâm trí linh hoạt nhất nhưng nếu bạn thể nghiệm sự trầm tĩnh ấy, khảo sát tâm trí an tĩnh ấy một cách sâu thẳm thì bạn sẽ thấy rằng trong sự trầm tĩnh ấy không có sự phóng hiện của tư tưởng nữa. Hiển nhiên trong tất cả mọi cấp độ, tư tưởng là phản ứng của trí nhớ và tư tưởng không bao giờ có thể hiện hữu trong trạng thức sáng tạo. Tư tưởng có thể diễn tả sự sáng tạo nhưng trong tự thể, tư tưởng không bao giờ có thể có tính cách sáng tạo.
Khi có sự im lặng, sự trầm lặng tâm thức ấy không phải là một kết quả, lúc có sự trầm lặng như vậy, chúng ta sẽ thấy rằng trong sự trầm lặng ấy mới hiện hữu sinh hoạt phi thường, hành động phi thường mà tâm trí xao động bởi tư tưởng không bao giờ có thể biết được. Trong sự trầm lặng ấy, không còn thể thức phương trình, không còn ý tưởng, không còn ký ức; sự trầm tĩnh là một trạng thức sáng tạo mà chỉ có thể được sở nghiệm khi nào có sự hiểu biết trọn vẹn về toàn thể biến trình của cái ‘tôi’. Nếu không thế, sự trầm tĩnh không có ý nghĩa gì cả. Chỉ trong sự trầm tĩnh ấy – không phải một kết quả – trong sự trầm lặng kia, sự vĩnh cửu mới được khám phá, sự vĩnh cửu ấy siêu việt lên trên thời gian.
Tác phẩm: Tự do đầu tiên và cuối cùng
Phần 2 – Qanda 35: Về sự tĩnh lặng của tâm thức