Karl Marx |
Những đóng góp của Marx và Engels về lý thuyết đã gồm hai lớp: lý thuyết giá trị thặng dư của Marx, và lý thuyết chung của cả hai về sự phát triển lịch sử, được gọi là “chủ nghĩa Duy vật biện chứng”. Đầu tiên chúng ta sẽ xem xét lý thuyết kể sau, vốn dường như với tôi vừa đúng thực nhiều hơn, và vừa quan trọng hơn so với lý thuyết kể trước.
Để bắt đầu, chúng ta hãy cùng cố gắng cho được rõ ràng về phần lý thuyết Duy vật biện chứng là gì. Đó là một lý thuyết vốn nó có nhiều những yếu tố khác nhau. Về siêu hình nó là duy vật: về phương pháp, nó chấp nhận một hình thức biện chứng Hegel đã đề xướng, nhưng khác với của ông về nhiều phương diện quan trọng. Nó chọn lấy từ Hegel một cái nhìn vốn là mang tính tiến hóa, và trong đó những giai đoạn của tiến hóa có thể được định rõ đặc điểm trong những điều kiện logic rõ ràng.
Những thay đổi này thuộc về bản chất của phát triển, không quá nhiều trong một ý nghĩa đạo đức như trong một ý nghĩa logic - đó là nói rằng, chúng tiến hành theo như một chương trình mà một người đủ trí tuệ thông minh, một cách lý thuyết, có thể tiên đoán, và vốn chính Marx đã tự nhận là đã báo trước, trong những nét đại cương chính yếu, cho đến thời điểm của sự thiết lập phổ quát của Chủ nghĩa Cộng sản.
Lý thuyết duy vật trong siêu hình học của nó, chỗ có liên quan với những sinh hoạt nhân văn, được chuyển dịch thành một học thuyết rằng nguyên nhân chính yếu của tất cả những hiện tượng xã hội là phương thức sản xuất và trao đổi đương thắng thế trong bất kỳ một thời kỳ nhất định nào. Những phát biểu rõ ràng nhất của lý thuyết được tìm thấy trong Engels, trong Anti-Dühring của ông, trong đó những phần liên hệ đã xuất hiện tại nước Anh dưới nhan đề: Chủ nghĩa Xã hội, Không tưởng và Khoa học [1]. Một ít trích dẫn sẽ giúp đem tài liệu lại với chủ đề của chúng ta:
“Đã được thấy rằng tất cả lịch sử đã qua, ngoại trừ những giai đoạn nguyên thủy của nó, đã là lịch sử của những đấu tranh giai cấp: rằng những giai cấp xung khắc này của xã hội luôn luôn là những sản phẩm của phương thức sản xuất và trao đổi - trong một từ, của những điều kiện kinh tế của thời đại của chúng, rằng cơ cấu kinh tế của xã hội luôn luôn cung cấp cơ sở thực sự, khởi đầu chỉ từ đó chúng ta có thể thiết lập được giải thích cuối cùng của toàn bộ cấu trúc thượng tầng của những tổ chức pháp lý và chính trị, cũng như của những ý tưởng tôn giáo, triết học, và những ý tưởng khác của một giai đoạn lịch sử nhất định”.
Khám phá ra nguyên tắc này, theo Marx và Engels, đã cho thấy rằng sự ra đời của Chủ nghĩa Xã hội là tất yếu.
“Kể từ thời điểm đó trở đi, Chủ nghĩa Xã hội đã thôi không là một khám phá ngẫu nhiên của đầu óc tài tình này hay thần kì kia, nhưng là kết thành tất yếu của cuộc đấu tranh giữa hai giai cấp đã phát triển trong lịch sử - giai cấp vô sản và giai cấp tư sản. Nhiệm vụ của nó thôi không là sản xuất một hệ thống xã hội thật hoàn hảo đến như có thể được, nhưng là xem xét những biến cố lịch sử-kinh kế tiếp nối nhau, từ trong đó những giai cấp này và sự đối kháng của chúng đã có bùng dậy tất yếu, và để khám phá trong những điều kiện kinh tế, do thế đã tạo ra những phương thức để kết thúc sự xung đột.
Tuy nhiên, Chủ nghĩa Xã hội của những thời trước đây đã là không tương thuận với quan niệm duy vật này như quan niệm về Tự nhiên của những người duy vật Pháp với biện chứng và khoa học tự nhiên hiện đại. Chủ nghĩa Xã hội của những thời trước đây chắc chắn đã chỉ trích phương thức sản xuất Tư bản hiện tại và những hậu quả của nó. Nhưng nó không thể giải thích được chúng, và do đó, không thể nắm được quyền làm chủ của chúng. Nó đơn giản chỉ có thể gạt bỏ chúng như là xấu xa. Chủ nghĩa Xã hội của những thời trước đây càng lên án sự bóc lột giai cấp vô sản, không thể tránh khỏi trong chủ nghĩa Tư bản, càng mạnh mẽ hơn bao nhiêu, nó đã càng rõ ràng kém khả năng không cho thấy sự bóc lột này gồm những gì và nó xuất hiện thế nào”.
Cùng một lý thuyết được gọi là Duy vật biện chứng, cũng được gọi là Khái niệm Duy vật về Lịch sử. Engels nói:
“Khái niệm Duy vật về Lịch sử bắt đầu từ đề xuất rằng việc sản xuất những phương tiện để hỗ trợ đời sống con người, và bên cạnh sản xuất, việc trao đổi những thứ được sản xuất, là cơ sở của tất cả những cấu trúc xã hội; rằng trong mọi xã hội đã xuất hiện trong lịch sử, cách thức mà của cải được phân phối và xã hội phân chia thành những giai cấp hoặc những thứ bậc, thì phụ thuộc vào những gì được sản xuất, như thế nào nó được sản xuất, và như thế nào những sản phẩm được trao đổi.
Từ quan điểm này, những nguyên nhân sau cùng của tất cả những cách mạng xã hội và chính trị sẽ được tìm kiếm, không phải trong não thức con người, không phải trong thị kiến sâu sắc hơn của con người vào sự thật và công lý vĩnh cửu, nhưng trong những thay đổi trong phương thức sản xuất và trao đổi. Chúng phải được tìm kiếm, không phải trong triết học, nhưng trong kinh tế của từng thời đại cụ thể. Nhận thức ngày càng tăng rằng những tổ chức xã hội hiện tại là không hợp lý và bất công, rằng hữu lý đã trở thành vô lý, và đúng thành sai, chỉ là bằng chứng rằng những thay đổi trong phương thức sản xuất và trao đổi đã diễn ra âm thầm, với chúng, trật tự xã hội, phù hợp với điều kiện kinh tế trước đó, nay thôi không còn giữ thế nữa.
Từ điều nó cũng dẫn đến rằng những phương tiện để loại bỏ những điều phi lý đã được đưa ra ánh sáng, cũng phải có mặt, trong điều kiện nhiều hoặc kém phát triển hơn, nội trong chính tự thân những phương thức sản xuất đã thay đổi. Những phương tiện này không được phát kiến bởi diễn dịch từ những nguyên tắc cơ bản, nhưng được khám phá trong những sự kiện bướng bỉnh của hệ thống sản xuất hiện có”.
Những xung đột dẫn đến những biến động chính trị không phải là những xung đột chủ yếu tinh thần giữa những ý kiến và trong những đam mê của con người.
“Xung đột này giữa những lực lượng sản xuất và những phương thức sản xuất không phải là một xung đột sinh ra trong não thức của con người, loại như giữa tội “tổ tông” và công lý của God (trong đạo Kitô). Nó tồn tại, trên thực tế, khách quan bên ngoài chúng ta, độc lập với ý chí và những hành động, ngay cả của những người đã mang nó lại. Chủ nghĩa Xã hội hiện đại không là gì ngoài sự phản tỉnh trong suy nghĩ, về xung đột này trong thực tế; trước tiên, phản ánh lý tưởng của nó trong não thức của giai cấp trực tiếp chịu khổ đau nằm dưới, giai cấp lao động”.
Có một phát biểu chính xác về lý thuyết duy vật lịch sử trong một tác phẩm chung đầu tiên của Marx và Engels (1845-6), gọi là German Ideology [[2]. Trong đó có nói rằng, lý thuyết duy vật bắt đầu với quá trình sản xuất thực sự của một thời đại, và được xem như cơ sở của lịch sử hình thức của đời sống kinh tế đã kết nối với hình thức sản xuất này và đã được nó tạo ra. Điều này, họ nói, cho thấy xã hội dân sự trong những giai đoạn khác nhau của nó và trong hành động của nó như là Nhà nước. Hơn nữa, từ những cơ sở kinh tế lý thuyết duy vật giải thích những vấn đề như tôn giáo, triết học, và đạo đức, và những lý do của quá trình phát triển của chúng.
Những trích dẫn này có lẽ đủ để cho thấy lý thuyết là những gì. Một số những câu hỏi nêu lên ngay khi nó được xem xét một cách phê phán. Trước khi đi vào kinh tế học, trước tiên, người ta có khuynh hướng đặt câu hỏi, không biết chủ nghĩa duy vật có đúng trong triết học hay không; và thứ hai, không biết những yếu tố của phép biện chứng Hegel đã được nhập vào trong lý thuyết về sự phát triển của Marxist, chúng có thể được biện minh bên ngoài một lý thuyết toàn bộ chính thức theo trường phái Hegel hay không. Sau đó có thêm câu hỏi nữa - không biết những học thuyết siêu hình này có bất kỳ liên quan nào đến những luận đề lịch sử về phần phát triển kinh tế hay không; và cuối cùng tất cả, đi đến sự khảo sát về chính luận đề lịch sử này. Để phát biểu trước những gì tôi sẽ cố gắng chứng minh, tôi đưa ra:
(a) rằng chủ nghĩa duy vật, trong một vài ý hướng nào đó, có thể là đúng, mặc dù không thể biết được nó là như vậy;
(b) rằng những yếu tố của phép biện chứng vốn Marx đã tiếp nhận từ Hegel, chúng làm cho ông nhìn lịch sử như là một tiến trình hợp lý hơn so với nó là trong thực tế, thuyết phục ông rằng tất cả những thay đổi phải là tiến bộ trong một vài ý hướng, và cho ông một cảm giác của chắc chắn về mặt tương lai, vốn không có bảo đảm khoa học;
(c) rằng toàn bộ lý thuyết của ông về phát triển kinh tế có thể hoàn toàn là đúng, dẫu như nếu phần siêu hình của ông là sai, và là sai lầm nếu siêu hình của ông là đúng, và rằng chỉ trừ nếu không vì ảnh hưởng của Hegel, sẽ không bao giờ xảy ra với ông rằng một nội dung hết sức thuần túy duy nghiệm như thế lại có thể phụ thuộc vào siêu hình học trừu tượng;
(d) đối với việc diễn giải kinh tế của lịch sử, có vẻ như với tôi phần lớn đúng sự thật, và là một đóng góp quan trọng nhất với xã hội học, tuy nhiên, tôi không thể coi nó là đúng trọn vẹn, hoặc cảm thấy bất kỳ một quả quyết nào rằng tất cả những thay đổi lịch sử lớn lao có thể được xem như là những phát triển. Chúng ta hãy cùng xét chúng lần lượt từng điểm một.
Friedrich Engels |
(1) Chủ nghĩa Duy vật.
Chủ nghĩa duy vật của Marx đã thuộc một loại khác thường, chắc chắn không đồng dạng giống như với của thế kỷ thứ mười tám. Khi ông nói đến “khái niệm duy vật lịch sử”, ông không bao giờ nhấn mạnh về chủ nghĩa triết học duy vật, nhưng chỉ về nguyên nhân kinh tế của những hiện tượng xã hội. Quan điểm triết học của ông được đưa ra rõ nhất (mặc dù rất ngắn gọn) trong Eleven Theses on Feuerbach (1845) [3] của ông. Trong những luận đề này, ông nói:
“Khiếm khuyết chủ yếu của tất cả những chủ nghĩa duy vật trước đây - trong đó bao gồm của Feuerbach - là đối tượng (Gegenstand), thực tại, cảm tính, chỉ được tiếp thụ dưới dạng thức của đối tượng (Objekt) hoặc của suy tưởng (Anschauung), nhưng không phải như hoạt động có ý thức con người hoặc thực hành, không có tính chủ quan. Vì thế nên đã xảy ra rằng mặt tích cực hoạt động đã được chủ nghĩa duy ý [4] phát triển đối lập với chủ nghĩa duy vật.... [5]
Câu hỏi không biết sự thật khách quan có thuộc về suy nghĩ của con người hay không - không phải là một câu hỏi về lý thuyết, nhưng là một câu hỏi thực hành. Sự thật, tức là thực tại và quyền lực, của tư tưởng phải được làm thấy rõ trong thực hành. Sự thử thách về phần thực tại hay không thực tại của một tư tưởng vốn nó bị cô lập với thực hành, là một câu hỏi thuần túy học thuật.... [6]
Điểm cao nhất có thể đạt được bằng chủ nghĩa duy vật suy tưởng, tức là bằng chủ nghĩa duy vật mà không xem cảm thức như một hoạt động thực tiễn, là sự suy tưởng của những cá nhân cô lập trong “xã hội tư sản (trưởng giả)”.
Lập trường của chủ nghĩa duy vật cũ là xã hội “tư sản”, lập trường của xã hội mới là xã hội con người hay nhân loại (vergesellschaftete) xã hội hóa”. “Triết học đã chỉ giải thích thế giới theo những cách khác nhau, nhưng nhiệm vụ thực là thay đổi nó”. [7]
Triết lý được cổ vũ trong những phần đầu của những luận đề này là triết lý đã kể từ đó trở thành quen thuộc với thế giới triết học qua những tác phẩm của Tiến sĩ Dewey[8], dưới tên của chủ nghĩa thực dụng [9] hoặc chủ nghĩa công cụ [[10]. Không biết Tiến sĩ Dewey có nhận thức hay không là ông đã được Marx đáp ứng đoán trước, tôi không biết, nhưng chắc chắn những ý kiến của họ về phần trạng thái siêu hình của vật chất là hầu như giống hệt nhau. Theo hướng nhìn về tầm quan trọng Marx gắn với lý thuyết của ông về vật chất, đáng bõ công để có thể trình bày quan điểm của ông phần nào cho đầy đủ hơn.
Khái niệm về “vật chất”, trong chủ nghĩa duy vật lỗi thời, đã bị ràng buộc với những khái niệm về “cảm giác”. Vật chất đã được coi là nguyên nhân gây ra cảm giác, và cũng là đối tượng khởi đầu của nó, ít nhất là trong trường hợp của thị giác và xúc giác. Cảm giác được coi là một cái gì đó mà trong đó con người thì thụ động, và chỉ đơn thuần tiếp nhận những ấn tượng từ thế giới bên ngoài. Khái niệm này về cảm giác như thụ động, - những người theo thuyết công cụ tranh luận như thế - tuy nhiên, là một sự trừu tượng không thực, không có gì tương ứng thực sự với nó.
Hãy xem một động vật tiếp nhận những ấn tượng được kết nối với những động vật khác: mũi của nỏ giãn nở, tai của nó co giật, mắt của nó được hướng tới đúng điểm, những bắp thịt của nó trở nên căng thẳng để sửa soạn cho những động tác thích ứng. Tất cả điều này là hành động, chủ yếu là của một sự sắp xếp để nâng cao phẩm chất thông tin của những ấn tượng, một phần như vậy là để dẫn đến hành động mới trong quan hệ với đối tượng.
Một con mèo nhìn thấy một con chuột không có nghĩa là một người tiếp nhận thụ động của những ấn tượng hoàn toàn thuần túy suy tưởng. Và như một con mèo với con chuột, cũng là như vậy với một nhà sản xuất ngành dệt vải với một kiện bông. Kiện bông là một cơ hội để hành động, nó là cái gì đó để được chuyển đổi. Máy móc qua đó nó được chuyển đổi là dứt khoát và rõ ràng là một sản phẩm của những hoạt động của con người. Nói đại thể, tất cả vật chất, theo như Marx, là được nghĩ như là chúng ta tự nhiên nghĩ về máy móc: nó có một nguyên liệu thô đem cho cơ hội để hành động, nhưng trong hình thức hoàn thành của nó là một sản phẩm của con người.
Triết học đã tiếp nhận từ người Hy lạp một quan niệm về suy tưởng thụ động, và đã giả định rằng kiến thức được tiếp thu bằng những phương tiện của suy tưởng. Marx chủ trương rằng chúng ta luôn hoạt động, dẫu ngay cả khi chúng ta đi gần nhất đến “cảm giác” thuần khiết: chúng ta là không bao giờ chỉ đơn thuần nhận hiểu môi trường của chúng ta, nhưng luôn luôn đồng thời thay đổi nó. Điều này nhất thiết làm cho khái niệm cũ về kiến thức không áp dụng được cho những quan hệ thực tại của chúng ta với thế giới bên ngoài. Thay vì biết một đối tượng trong ý hướng của tiếp nhận thụ động một ấn tượng về nó, chúng ta chỉ có thể biết nó trong ý hướng của sự có thể có khả năng tác động trên nó.
Đó là lý do tại sao thử nghiệm của tất cả sự thật là thực tiễn. Và bởi vì chúng ta thay đổi đối tượng khi chúng ta tác động trên nó, sự thật thôi không còn là tĩnh, và trở thành một cái gì đó vốn nó liên tục thay đổi và phát triển. Đó là lý do tại sao Marx gọi chủ nghĩa duy vật của mình là “biện chứng”, bởi vì nó chứa đựng nội trong tự thân nó, giống như biện chứng của Hegel, một nguyên lý thiết yếu của sự thay đổi tiến bộ.
Tôi nghĩ có thể nghi ngờ rằng không biết Engels có hoàn toàn hiểu hay không những quan điểm của Marx về bản chất của vật chất, và về tính cách thực tiễn của sự thật, không nghi ngờ gì ông nghĩ rằng ông đồng ý với Marx, nhưng trong thực tế, ông đến gần hơn với chủ nghĩa duy vật chính thống [11]. Engels giải thích “chủ nghĩa duy vật lịch sử”, như ông hiểu nó, trong một Giới thiệu, được viết vào năm 1892, cho tập Socialism, Utopian and Scientific của ông. Ở đây, phần được giao cho hành động dường như được giảm về nhiệm vụ theo qui ước của sự thẩm tra khoa học.
Ông nói: “Bằng chứng cho cái bánh (ngọt tráng miệng) là trong việc ăn (nó). Từ thời điểm chúng ta chuyển sang sử dụng cho riêng chúng ta những đối tượng này, theo như những phẩm chất chúng ta nhận thức trong chúng, chúng ta đưa vào một thử nghiệm không thể sai lầm về sự chính xác hoặc nếu không thế về những tri thức-giác quan của chúng ta,.... Không phải trong một trường hợp duy nhất, cho đến nay, chúng ta đã được dẫn đến kết luận rằng, những tri thức-giác quan của chúng ta, được khoa học kiểm soát, gây ra trong não thức chúng ta những ý tưởng về phương diện thế giới bên ngoài, bởi chính bản chất của chúng, chúng là sai chuyển với thực tại, hoặc là có một sự không tương hợp cố hữu giữa thế giới bên ngoài và những tri thức-giác quan của chúng ta về nó”.
Ông nói: “Bằng chứng cho cái bánh (ngọt tráng miệng) là trong việc ăn (nó). Từ thời điểm chúng ta chuyển sang sử dụng cho riêng chúng ta những đối tượng này, theo như những phẩm chất chúng ta nhận thức trong chúng, chúng ta đưa vào một thử nghiệm không thể sai lầm về sự chính xác hoặc nếu không thế về những tri thức-giác quan của chúng ta,.... Không phải trong một trường hợp duy nhất, cho đến nay, chúng ta đã được dẫn đến kết luận rằng, những tri thức-giác quan của chúng ta, được khoa học kiểm soát, gây ra trong não thức chúng ta những ý tưởng về phương diện thế giới bên ngoài, bởi chính bản chất của chúng, chúng là sai chuyển với thực tại, hoặc là có một sự không tương hợp cố hữu giữa thế giới bên ngoài và những tri thức-giác quan của chúng ta về nó”.
Ở đây, không có dấu tích nào của chủ nghĩa thực dụng của Marx, hoặc của học thuyết mà những đối tượng của cảm giác là phần lớn những sản phẩm của hoạt động của riêng chúng ta. Nhưng cũng không có dấu hiệu nào của bất kỳ một hữu thức nào về bất đồng ý với Marx. Có thể là Marx đã sửa đổi quan điểm của ông về sau trong đời, nhưng có vẻ như có nhiều khả năng hơn, về chủ đề này cũng như với một số khác, ông đã giữ hai quan điểm khác nhau cùng một lúc, và áp dụng quan điểm này hay quan điểm kia cho thuận với mục đích lập luận của ông. Ông chắc chắn đã cho rằng một số mệnh đề đã là “thực” trong một ý nghĩa thực dụng hơn.
Trong tập Capital, khi ông nêu ra những tàn bạo của hệ thống công nghiệp Tư bản theo như báo cáo của Uỷ ban Hoàng gia [12], ông chắc chắn cho rằng những tàn nhẫn thực sự diễn ra, và không chỉ là hành động thành công sẽ có kết quả như sự giả sử rằng chúng đã diễn ra. Tương tự, khi ông tiên đoán cuộc cách mạng Cộng sản, ông tin rằng sẽ có biến cố này, không chỉ đơn thuần rằng nó là thuận tiện để suy nghĩ như vậy. Chủ nghĩa thực dụng của ông, do đó, phải đã chỉ là thỉnh thoảng - trong thực tế, khi nào trên những cơ sở thực tế, nó đã được chứng minh bằng là được thuận tiện.
Đáng ghi nhận rằng Lenin, người không thừa nhận một bất kỳ tách biệt nào giữa Marx và Engels, trong Materialism and Empirio-Criticism của ông, ông chấp nhận một cái nhìn gần với của Engels nhiều hơn là với của Marx.
Về phần tôi, trong khi tôi không nghĩ rằng chủ nghĩa duy vật có thể chứng minh được, tôi nghĩ Lenin là đúng khi nói rằng nó không bị vật lý hiện đại phủ nhận. Kể từ thời của ông, và phần lớn như là một phản ứng chống lại sự thành công của ông, những nhà vật lý khả kính đã di chuyển xa hơn và xa hơn thêm nữa khỏi chủ nghĩa duy vật, và nó được chính họ và công chúng giả định cho là tự nhiên, rằng đó chính là khoa vật lý vốn đã gây ra di chuyển này.
Tôi đồng ý với Lenin là không có luận chứng mới nào có thực chất đáng kể đã xuất hiện kể từ thời của Berkeley , ngoại trừ một ngoại lệ. Ngoại lệ này, thật lạ lùng, là luận chứng được Marx đưa ra rõ ràng trong những luận đề của ông về Feuerbach [13], và hoàn toàn bị Lenin bỏ qua. Nếu như không có gì loại như là cảm giác, nếu vật chất như là một cái gì đó mà chúng ta thụ động nhận hiểu là một ảo tưởng, và nếu như “sự thật” là một khái niệm thực tiễn đúng hơn là một khái niệm lý thuyết, vật thì sau đó chủ nghĩa duy vật lỗi thời, chẳng hạn như của Lenin, trở nên không đứng vững.
Và quan điểm của Berkeley cũng bằng thế, trở nên không đứng vững, vì nó lấy bỏ đi cái đối tượng vốn liên quan với nó mà chúng ta hoạt động. Lý thuyết công cụ của Marx, mặc dù ông gọi đó là chủ nghĩa duy vật, thực sự không phải vậy. Như chống lại với chủ nghĩa duy vật, những luận chứng của nó có nhiều sức mạnh chắc chắn. Không biết liệu nó cuối cùng là hợp thức hay không là một câu hỏi khó khăn, về phần đó, tôi cố tình tự chế không đưa ra một ý kiến, bởi vì tôi không thể làm thế mà tránh không phải viết cho đầy đủ một luận văn triết học.
Vladimir Ilyich Lenin |
(2) Biện chứng trong lịch sử.
Biện chứng theo lối Hegel đã là một nội dung đặc chủng không giống ai. Nếu bạn bắt đầu với bất cứ một khái niệm rời rạc nào và suy niệm về nó, ngay sau đó nó sẽ chuyển thành đối nghịch của nó; đối nghịch của nó và nó sẽ kết hợp thành một tổng hợp, vốn đến phiên, tổng hợp này sẽ trở thành điểm khởi đầu của một vận động tương tự, và cứ như vậy cho đến khi bạn đạt đến cái Ý tưởng Tuyệt đối, với nó bạn có thể suy tưởng lâu như bạn thích nhưng rồi không khám phá được bất kỳ những mâu thuẫn mới nào. Sự phát triển lịch sử của thế giới trong thời gian chỉ đơn thuần là một sự thể hiện thành khách quan của tiến trình này của tư tưởng.
Quan điểm này xem ra có thể là của Hegel, bởi vì đối với ông não thức là thực tại tối hậu, đối với Marx, trái lại, vật chất là thực tại tối hậu. Tuy nhiên ông vẫn tiếp tục nghĩ rằng thế giới phát triển theo một công thức logic. Với Hegel, sự phát triển của lịch sử là cũng logic như là một ván cờ chess. Marx và Engels giữ những quy tắc của cờ chess, trong khi giả định rằng những quân cờ chess tự chúng di chuyển theo những định luật vật lý, mà không có sự can thiệp của một người đánh cờ.
Trong một trong những trích dẫn từ Engels mà tôi đã kể ở trước, ông nói: “những phương tiện để loại bỏ những điều phi lý đã được đưa ra ánh sáng, cũng phải có mặt, trong điều kiện nhiều hoặc kém phát triển hơn, nội trong tự thân những phương thức sản xuất đã thay đổi”. Từ “phải” này phơi bày một di tích của sự tin tưởng theo Hegel rằng logic cai trị thế giới.
Tại sao thành quả của một xung đột trong chính trị luôn luôn là sự thiết lập của một vài hệ thống phát triển hơn? Điều này trên thực tế, đã là không đúng trong nhiều những trường hợp không đếm được. Cuộc xâm lăng Rome của những “dân rợ” đã không làm phát sinh những hình thức kinh tế phát triển hơn, cũng là không như thế, với cuộc trục xuất những người Moor ra khỏi Tây Ban Nha, hoặc sự tiêu diệt những người theo giáo phái Albigenses ở miền Nam nước Pháp.
Trước thời của Homer, nền văn minh Mycenaean đã bị phá hủy, và phải qua nhiều thế kỷ sau đó, trước khi một nền văn minh phát triển lại xuất hiện ở Hy lạp một lần nữa. Những thí dụ về phân rã và thoái hóa ít nhất là rất nhiều, và trong lịch sử cũng quan trọng như là những thí dụ về sự phát triển. Quan điểm ngược lại, xuất hiện trong những tác phẩm của Marx và Engels, không là gì, nhưng chỉ là sự lạc quan của thế kỷ XIX.
Đây là một vấn đề thuộc tầm quan trọng về thực tiễn cũng như về lý thuyết. Những người Cộng sản luôn luôn giả định rằng những xung đột giữa chủ nghĩa Cộng sản và chủ nghĩa Tư bản, khi trong một thời gian, chúng có thể có kết quả là những chiến thắng một phần cho chủ nghĩa Tư bản, nhưng đến tận cùng, phải dẫn đến việc thành lập chế độ Cộng sản.
Họ không dự tính một kết quả khác có thể có được, hẳn như là có thể xảy ra, cụ thể là, sự trở lại với chế độ man rợ. Chúng ta đều biết rằng chiến tranh hiện đại là một vấn đề khá nghiêm trọng, và rằng trong cuộc chiến tranh thế giới kế tiếp, có khả năng là những khối dân cư lớn sẽ bị những loại khí độc và vi khuẩn tiêu diệt hoàn toàn.
Có thể nào thành thực giả định được là sau một cuộc chiến trong đó những trung tâm dân cư rộng lớn và nhà máy công nghiệp quan trọng nhất đã bị xóa sạch, đám dân cư còn lại sẽ ở trong một tâm trạng để thành lập chế độ Cộng sản khoa học? Không phải là chắc chắn một cách thực tế hay sao - rằng những người sống sót sẽ mang tính khí cuồng dại và mê tín tàn bạo, chiến đấu tất cả và chống lại tất cả cho một củ tunip, hoặc củ cải đường cuối cùng?
Marx đã thường làm việc ở viện Bảo tàng Anh, nhưng sau Đại chiến thế giới, chính phủ Anh đã đặt một xe tăng ngay bên ngoài nhà bảo tàng, có lẽ là để dạy cho những trí thức vị trí của mình. Chủ nghĩa Cộng sản là một học thuyết trí thức rất cao, văn minh rất cao, vốn là sự thật, nó có thể được thành lập, như nó đã được ở Nga, sau một cuộc giao tranh nhỏ mở đầu, giống như của những năm 1914-18, nhưng hầu như không phải là sau một cuộc chiến tranh thực sự nghiêm trọng. Tôi sợ rằng chủ nghĩa lạc quan giáo điều của học thuyết Cộng sản phải được xem như là một di tích của chủ nghĩa Victorianism.
Có một điểm lạ lùng khác về việc giải thích của những người Cộng sản về biện chứng. Hegel, như mọi người đều biết, đã kết luận giải thích biện chứng của ông về lịch sử với Nhà nước Phổ, trong đó, theo ông, đã là hiện thân hoàn hảo của Ý tưởng tuyệt đối. Marx, người không có tình cảm nào dành cho Nhà nước Phổ, coi đây là một kết luận khập khễnh và bất lực. Ông nói rằng biện chứng nên mang bản chất cách mạng, và dường như cho thấy rằng nó không thể đạt được bất kỳ chỗ-nghỉ-tĩnh cuối cùng nào cả. Tuy nhiên chúng ta không nghe gì về những cuộc cách mạng tiếp tục được xảy ra sau sự thành lập chế độ Cộng sản. Trong đoạn cuối cùng của La Misère de la Philosophie ông nói:
“Đó chỉ là trong một trật tự của sự vật, trong đó sẽ không còn có những giai cấp hoặc sự đối kháng giai cấp mà những cách mạng xã hội sẽ thôi không là những cách mạng chính trị”.
Những cách mạng xã hội này sẽ là những gì, hoặc chúng sẽ được đem lại như thế nào mà không có động lực của sức mạnh của xung đột giai cấp, Marx không nói. Thật vậy, thật khó để xem như thế nào, trên lý thuyết của ông, bất kỳ sự tiến hóa nào xa hơn nữa sẽ có thể có. Ngoại trừ từ điểm nhìn của chính trị hiện nay, biện chứng của Marx không cách mạng hơn của Hegel.
Hơn nữa, bởi vì tất cả phát triển của con người, theo Marx, đã được cai quản bởi những xung đột của những giai cấp, và bởi vì dưới chế độ Cộng sản sẽ chỉ còn có một giai cấp độc nhất, dẫn đến rằng sau đó không thể có phát triển hơn nữa, và rằng loài người phải tiếp tục cứ thế mãi mãi và mãi mãi trong một trạng thái bất động Byzantine [14]. Điều này xem ra không có vẻ hợp lý, và nó đề ra giả thuyết rằng phải có những nguyên nhân có thể có khác của những sự kiện chính trị, bên cạnh những nguyên nhân mà Marx đã lấy để giải thích.
Georg Wilhelm Friedrich Hegel |
(3) Sự lạc lõng của siêu hình học.
Tin tưởng rằng siêu hình học có bất kỳ một tư thế nào trên những công việc thực tiễn, đối với não thức tôi, là một bằng chứng của không-khả-năng về logic. Người ta tìm thấy những nhà vật lý học với tất cả những ý kiến các loại: một số theo Hume, một số theo Berkeley , một số là những người Kitô điển hình, một số là những nhà duy vật, một số là những nhà duy cảm [15], một số thậm chí là những người theo thuyết duy ngã [16]. Điều này không làm thành khác biệt nào với vật lý của họ. Họ không có quan điểm khác nhau với chuyện khi nào hiện thực sẽ xảy ra, hoặc về những gì là điều kiện của sự cân bằng của một cây cầu.
Đó là bởi vì, trong vật lý, có một số kiến thức chân thực, và bất cứ những niềm tin siêu hình nào của một nhà vật lý có thể có đấy, tự chúng cũng phải thích ứng với kiến thức này. Trong chừng mức có bất kỳ kiến thức chân thực nào trong những ngành khoa học xã hội, cũng cùng đúng như thế. Bất cứ khi nào siêu hình học là thực sự hữu ích trong việc đạt được một kết luận, đó là bởi vì kết luận không thể đạt tới được bằng những phương tiện khoa học, tức là vì không có lý do tốt đẹp để giả định rằng nó là đúng thật. Điều gì có thể biết được, có thể được biết với không siêu hình học, và bất cứ những gì cần siêu hình học làm bằng chứng cho nó, là không thể được chứng minh.
Trong sự kiện thực tế, Marx đưa ra trong cuốn sách của ông nhiều luận chứng lịch sử chi tiết, trong chính yếu chúng là hoàn toàn vững chắc, nhưng không gì trong số này, trong bất kỳ cách nào, tùy thuộc vào chủ nghĩa duy vật. Lấy ví dụ, sự kiện là tự do cạnh tranh có xu hướng kết thúc bằng sự độc quyền. Đây là một sự kiện thực nghiệm, bằng chứng cho nó thì hiển nhiên như nhau bất kể siêu hình học của người ta có thể xảy ra là gì đi nữa.
Siêu hình học của Marx đi đến trong hai cách: một mặt, bằng cách làm sự việc chặt chẽ theo khuôn khổ và chính xác hơn là trong cuộc sống thực, mặt khác, đem cho ông ta một sự chắc chắn về tương lai vốn nó đi xa hơn những gì một thái độ khoa học sẽ bảo đảm. Nhưng chừng nào mà lý thuyết của ông về phát triển lịch sử có thể được chứng minh là đúng, siêu hình học của ông là không liên quan gì, bỏ sang một bên. Câu hỏi không biết liệu chế độ Cộng sản sẽ trở thành phổ quát hay không – thì hoàn toàn độc lập với siêu hình học.
Có thể siêu hình học là một hữu ích trong cuộc chiến đấu: những cuộc chinh phục Islam ban đầu được nhiều hỗ trợ bởi niềm tin rằng những tín đồ chết trong trận chiến đã đi thẳng lên thiên đường, và những nỗ lực tương tự của những người Cộng sản có thể được kích thích bởi niềm tin rằng có một God được gọi là chủ nghĩa Duy vật biện chứng là đương chiến đấu cho phe của họ, và rồi khi đến thời rạng rỡ của ông, sẽ cho họ chiến thắng. Mặt khác, có nhiều người mà với họ là đáng ghét nếu phải tự thú tin tưởng vào những mệnh đề mà họ thấy không có bằng chứng, và sự mất mát của những người như vậy phải được nhìn nhận là một bất lợi đến từ siêu hình học Cộng sản.
Bertrand Russell |
(4) Nguyên nhân Kinh tế trong Lịch sử.
Trong chính yếu, tôi đồng ý với Marx rằng những nguyên nhân kinh tế là ở dưới đáy của hầu hết những vận động lớn trong lịch sử, không chỉ vận động chính trị, mà cũng còn trong những thuộc loại các khoa tôn giáo, nghệ thuật, và luân lý. Tuy nhiên, có những điều kiện đòi hỏi quan trọng phải được thực hiện. Để bắt đầu, Marx không cho phép có gần đủ khoảng cách thời gian.
Đạo Kitô, lấy thí dụ, nổi lên trong đế quốc La mã, và trong nhiều khía cạnh mang dấu ấn của hệ thống xã hội của thời đại đó, nhưng đạo Kitô đã sống sót qua nhiều thay đổi. Marx xem nó như là một hấp hối. “Khi thế giới cổ đại đã trong những quằn quại cuối cùng của nó, đạo Kitô đã chiến thắng những tôn giáo cổ xưa. Khi những ý tưởng của đạo Kitô gục ngã trong thế kỷ thứ mười tám trước những ý tưởng duy lý, sau đó xã hội phong kiến đã đánh trận chiến sinh tử với giai cấp tư sản cách mạng”. (Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do Karl Marx và F. Engels.)
Tuy nhiên, trong xứ sở của riêng ông, nó vẫn còn là cản trở mạnh nhất cho việc thực hiện những ý tưởng của riêng chính ông [17], và trong toàn thế giới phương Tây, ảnh hưởng chính trị của nó vẫn còn rất lớn. Tôi nghĩ có thể chấp nhận được rằng những học thuyết mới mà có bất kỳ thành công nào phải chịu một số liên quan đến những hoàn cảnh kinh tế trong thời đại của nó; nhưng những học thuyết cũ có thể vẫn còn, cứ dai dẳng kéo dài qua nhiều thế kỷ mà không có bất kỳ mối quan hệ nào như vậy, thuộc loại quan trọng bất kỳ nào.
Một điểm khác ở đó tôi nghĩ rằng lý thuyết lịch sử của Marx là quá định rõ khiến ông không cho phép sự kiện là một sức mạnh nhỏ có thể làm nghiêng mất thăng bằng khi hai sức mạnh lớn đang ở trong trạng thái cân bằng gần đúng. Thừa nhận rằng những sức mạnh rất lớn thường được tạo ra bởi những nguyên nhân kinh tế, thường thường là do phụ thuộc vào những sự kiện khá tầm thường và ngẫu nhiên mà những sức mạnh lớn được chiến thắng.
Khi đọc giải thích của Trotsky về của cuộc Cách mạng Nga, rất khó để tin rằng Lenin đã không làm nên khác biệt, nhưng đã là nguy hiểm và không chắc chắn không biết liệu chính phủ Đức có cho phép ông về đến đất Nga hay không. Nếu đã xảy ra là vị bộ trưởng có liên quan bị bệnh khó tiêu vào một buổi sáng nào đấy, ông có thể đã nói “Không” trong khi trong thực tế, ông nói “Có”, và tôi không nghĩ rằng có thể được duy trì hợp lý rằng nếu không có Lenin Cách mạng Nga sẽ đã có đạt được những gì nó đã đạt được.
Lấy một thí dụ khác nữa: nếu đã xảy ra để quân Phổ có một vị tướng tài giỏi tại trận Valmy, họ có thể đã xóa sạch Cách mạng Pháp. Để lấy một lấy thí dụ tuyệt vời lập dị hơn nữa, có thể được duy trì khá hợp lý rằng nếu Henry VIII đã không yêu say đắm Anne Boleyn, nước Mỹ bây giờ sẽ không có mặt. Bởi vì do sự kiện này mà Anh đã cắt đứt với chế độ vua chiên Vatican , và do đó đã không chấp nhận châu Mỹ là món quà của vua chiên dành cho Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Nếu nước Anh đã ở lại với đạo Catô, có khả năng là những gì bây giờ là nước Mỹ sẽ là phần của Tây Ban Nha châu Mỹ.
Điều này đưa tôi đến một điểm khác tại đó là triết học lịch sử của Marx đã có khiếm khuyết. Ông xem những xung đột kinh tế luôn luôn như những xung đột giữa những giai cấp, trong khi phần lớn trong số chúng là đã xảy ra giữa những dân tộc hay quốc gia. Chủ nghĩa kỹ nghệ nước Anh ở đầu thế kỷ XIX đã mang tính thế giới toàn cầu, bởi vì nó mong đợi sẽ giữ lại những độc quyền của nó trong ngành công nghiệp.
Dường như đối với Marx, như đã đối với Cobden [18] rằng thế giới đã ngày càng sẽ mang tính quốc tế. Tuy nhiên, Bismarck đã đem một xoay chiều lại với những biến cố, và bắt đầu từ đó chủ nghĩa kỹ nghệ đã phát triển ngày càng tăng tính quốc gia. Ngay cả xung đột giữa chủ nghĩa Tư bản và Cộng sản ngày càng mang hình thức của một xung đột giữa những quốc gia. Tất nhiên, đó là sự thật rằng những xung đột giữa những quốc gia có phần rất lớn là về kinh tế, nhưng sự kết tụ những quốc gia thành nhóm trên thế giới thì tự nó quyết định bởi những nguyên nhân vốn trong chính yếu là không kinh tế.
Một tập hợp khác gồm những nguyên nhân vốn chúng đã có tầm quan trọng đáng kể trong lịch sử là những gì có thể được gọi là về y tế. Tử thần Đen [19], lấy thí dụ, là một biến cố, có tầm quan trọng của nó được Marx nhận thức rõ ràng, nhưng những nguyên nhân của Tử thần Đen đã được chỉ một phần trong kinh tế. Chắc chắn nó đã sẽ không xảy ra giữa những dân cư ở một mức độ kinh tế cao hơn, nhưng châu Âu đã từng khá nghèo trong nhiều thế kỷ cũng như nó vào năm 1348, thế nên nguyên nhân gần của trận dịch không thể là sự nghèo. Hãy lấy một lần nữa một vấn đề như sự phổ biến của bệnh sốt rét và sốt vàng da ở vùng nhiệt đới, và sự kiện là những bệnh này nay đã trở thành phòng ngừa được. Đây là một vấn đề có những hiệu quả kinh tế rất quan trọng, mặc dù tự thân nó không phải thuộc về một bản chất kinh tế.
Phần lớn những điều chỉnh cần thiết nhất trong lý thuyết của Marx là về phần những nguyên nhân của những thay đổi trong những phương thức sản xuất. Những phương thức sản xuất xuất hiện trong Marx như là nguyên nhân chính yếu, và những lý do mà theo đó chúng thay đổi từ thời này sang thời khác lại để hoàn toàn không được giải thích. Như sự kiện thực tế, những phương thức sản xuất thay đổi, trong chính yếu, do những nguyên nhân trí thức, đó là nói, có nguyên nhân từ những khám phá khoa học và phát minh.
Marx cho rằng những khám phá và những phát minh được thực hiện khi tình hình kinh tế thích ứng kêu gọi chúng. Điều này, tuy nhiên, là một cái nhìn khá phi lịch sử. Tại sao một cách thực tiễn, đã không có khoa học thực nghiệm từ thời Archimedes cho tới thời của Leonardo? Trong sáu thế kỷ tiếp sau Archimedes những điều kiện kinh tế đã giống như đã làm dễ dàng cho công trình khoa học. Đó đã là sự phát triển của khoa học sau thời kỳ Phục hưng vốn nó đã dẫn đến ngành công nghiệp hiện đại. Nguyên nhân trí thức này của những quá trình kinh tế là không được Marx công nhận thỏa đáng.
Lịch sử có thể được nhìn trong nhiều lối, và nhiều công thức tổng quát có thể được phát minh vốn nó bao quát đủ nền tảng xem dường thỏa đáng, nếu những sự kiện được lựa chọn cẩn thận. Tôi đề nghị, với không thiếu trang nghiêm quá đáng, lý thuyết thay thế như sau về nguyên nhân của cách mạng kỹ nghệ: chủ nghĩa kỹ nghệ là do khoa học hiện đại, khoa học hiện đại là từ Galileo, Galileo là từ Copernicus, Copernicus là do thời kỳ Phục hưng, thời kỳ Phục hưng là do sự sụp đổ của thành Constantinople, sự sụp đổ của Constantinople là do sự di cư của người Turks, sự di cư của người Turks là do sự khô nóng mất nước của vùng Trung Á. Như thế, sự nghiên cứu cơ bản trong việc tìm kiếm những nguyên nhân lịch sử là khoa thủy văn học (hydrography).
(Freedom and Organization, London: Allen & Unwin; Freedom Versus Organization, New York: W. W. Norton, 1934.)
Chú giải:
[1] Frederick Engels. Socialism: Utopian and Scientific. 1880; Vốn là 3 chương chính yếu bàn về Chủ nghĩa Xã hội, trong Anti-Dühring của chính ông, được cho xuất bản dưới dạng một pamphlet (tập sách mỏng bàn về một vấn đề thời sự).
[2] Hệ Tư tưởng Đức (Die Deutsche Ideologie) Karl Marx và Friedrich Engels viết chung, 1846.
[3] Mười một luận đề về Feuerbach: Marx viết tại Brussels mùa Xuân 1845, Bốn mươi năm sau, Engels tìm thấy chúng trong một quyển sổ tay cũ của Marx, và đem cho xuất bản năm 1932; kể từ đó, nó thành quen thuộc với tất cả những sinh viên học lý thuyết Marxism; đặc biệt luận đề 11 nổi tiếng, thường được nhắc nhở - và cũng đã được Russell trích dẫn ở đây: “Các triết gia từ trước đến nay chỉ diễn giải thế giới trong nhiều cách khác nhau; nhưng điểm chính yếu là thay đổi nó -Philosophers have hitherto only interpreted the world in various ways; the point is to change it.” (thesis 11).
[4] Idealism
[5] Đây phần của là luận đề 1 – nguyên văn tiếng Anh, từ một bản dịch khác – để so sánh:
“The chief defect of all previous materialism (that of Feuerbach included) is that things [Gegenstand], reality, sensuousness are conceived only in the form of the object, or of contemplation, but not as sensuous human activity, practice, not subjectively. Hence, in contradistinction to materialism, the active side was set forth abstractly by idealism — which, of course, does not know real, sensuous activity as such. Feuerbach wants sensuous objects, really distinct from conceptual objects, but he does not conceive human activity itself as objective activity. In Das Wesen des Christenthums, he therefore regards the theoretical attitude as the only genuinely human attitude, while practice is conceived and defined only in its dirty-Jewish form of appearance. Hence he does not grasp the significance of “revolutionary”, of “practical-critical”, activity.”
[6] Đây là luận đề 2 – nguyên văn tiếng Anh:
The question whether objective truth can be attributed to human thinking is not a question of theory but is a practical question. Man must prove the truth, i.e., the reality and power, the this-worldliness of his thinking in practice. The dispute over the reality or non-reality of thinking which is isolated from practice is a purely scholastic question.
[7] Đây là luận đề 9, 10, 11:
9 - The highest point reached by contemplative materialism, that is, materialism which does not comprehend sensuousness as practical activity, is the contemplation of single individuals and of civil society.
10 - The standpoint of the old materialism is civil society; the standpoint of the new is human society, or social humanity.
11 - The philosophers have only interpreted the world in various ways; the point is to change it.
[8] John Dewey (1859-1952): Triết gia người Mỹ, dẫn đầu trường phái tư tưởng ở nước Mỹ được gọi là chủ nghĩa thực dụng (pragmatism), một quan điểm phủ nhận những lập trường lưỡng nguyên trong tri thức học và siêu hình học của triết học hiện đại, thay vào đó là một lối tiếp cận có phần nào tự nhiên hơn, trong đó nhìn kiến thức như dâng lên từ sự thích ứng tích cực của cơ thể sinh vật con người với hoàn cảnh, môi trường quanh nó.
[9] Pragmatism: một quan điểm triết học chủ trương một lý thuyết hay một khái niệm nên được đánh giá trong những điều kiện – nó đã tác động hay được ứng dụng ra sao, có kết quả của nó như thế nào – như tiêu chuẩn cho hành động và tư tưởng.
[10] Instrumentalism: chủ trương rằng những lý thuyết chỉ là những dụng cụ hữu dụng trong việc thiết lập những tiên đoán, nhưng tự nó không là đúng hay sai.
[11] CTTG - Cf. Sidney Hook, Towards the Understanding of Karl Marx, p. 32.
[12] Royal Commissions ở nước Anh (tương tự ở Canada , Australia ) là những ủy ban tư vấn được chính phủ thành lập để điều tra về những vấn đề nhất thời nhưng đặc biệt. Chúng thường mang nội dung thời sự (xã hội, pháp luật, kinh tế…) đang được quan tâm. Những tường trình và khuyến cáo được xem như đứng trên các quan điểm đảng phái – của đảng đương cầm quyền và của các đảng đối lập.
[13] Rõ rệt nhất ngay trong luận đề 1
[14] mỹ thuật Byzantine – tiêu biểu là bất động, cứng chết, không hồn, điển hình trong các tranh vẽ tôn giáo.
[15] Sensationalists
[16] solipsists
[17] CTTG - ‘For Germany’, wrote Marx in 1844, ‘the critique of religion is essentially completed.’
[18] Richard Cobden (1804-1865), chính trị gia người Anh, nổi tiếng vì chủ trương thương mại xuất nhập tự do của ông (free trade).
[19] The Black Death: Ở châu Âu – từ 1347-1352 – lan tràn bệnh dịch hạch, có lẽ gốc từ bên Tàu– theo thương mại, đường bộ xuyên trung Á, rồi đường thủy vào nước Ý, sau đó lan đi khắp châu Âu trong nhiều năm - có khoảng 25 triệu người chết - 1/3 tổng số dân châu Âu thời đó.
Nguồn: chuyendaudau.blogspot.com
(Dịch từ: Bertrand Russell, “Dialectical Materialism”(1934), trong The Basic Writings of Bertrand Russell (1903-1959), Part XII, The Philosopher in the Field of Economics, ed. Robert. E. Egner và Lester E Denonn. London : Routledge, 2009, pp. 478-488).
Xem thêm: ‘Cá thể và xã hội’, ‘Về cuộc khủng khoảng hiện tại’