Freud - Tôi và bạn

Sigmund Freud 
Động vật không có các “khái niệm” cá thể, gia đình, cộng đồng chỉ vì động vật “không có quan hệ” với cái gì cả và nói chung không có mối quan hệ nào cả. Đối với con vật không có những mối quan hệ của con này với con khác với tư cách là quan hệ (1). Nói như vậy, Mác muốn nêu lên vai trò của ý thức.

Ý thức là một sản phẩm của lịch sử tiến hoá, và “ngay từ đầu đã là một sản phẩm xã hội và vẫn là như vậy chừng nào con người còn tồn tại. Dĩ nhiên lúc ban đầu ý thức về hoàn cảnh gần nhất có thể cảm giác được và là ý thức về mối liên hệ hạn chế với những người khác và vật khác ở bên ngoài các cá nhân, đang ý thức về mình; đồng thời cũng là ý thức về giới tự nhiên” (2). Hồi bấy giờ, khi con người vẫn còn mang theo những thuộc tính và bản tính động vật, thì đó là ý thức bầy đàn thuần tuý, và trong trường hợp này, con người chỉ khác với con cừu ở chỗ trong con người ý thức thay thế bản năng, hoặc bản năng của con người là bản năng được ý thức (3).

Giải thích thêm điều này, Mác viết: “Sự đồng nhất giữa con người với giới tự nhiên cũng thể hiện dưới hình thức này: quan hệ hạn chế của con người với giới tự nhiên quyết định quan hệ hạn chế của con nguời với nhau (và ngược lại), quan hệ hạn chế con người với nhau lại quyết định quan hệ hạn chế của con người với giới tự nhiên (4).

Ở đây, các mối quan hệ chi phối lẫn nhau, biểu hiện trình độ phát triển của nhau, con người - giới tự nhiên, con người-con người (hay con người-xã hội) là hai quan hệ nguyên thuỷ, ngày càng tách ra khỏi sự đồng nhất trừu tượng ban đầu. Một ngày nào đó ý thức sẽ tách khỏi cái cơ thể chứa ý thức. Lúc ấy không nên trách Hegel đã rơi vào “nhị nguyên”, khi ông coi cơ thể là một cái-trống-rỗng, thiếu một ý thức. Và cũng không nên phê phán ông, khi ông đem ý thức này đồng nhất với bản chất người, mà ông còn nói một cách thực bụng duy tâm hơn là coi bản chất người này đồng nhất với ý niệm tuyệt đối của Thượng đế. Vứt bỏ ngôn ngữ duy tâm đi, thì ta thấy một vấn đề cực kỳ chính xác và duy vật 100%.

Sự tồn tại của bầy đàn, nếu không có ý thức, thì nó là một sự đồng nhất trừu tượng tuyệt đối các cá thể mà không có ý thức cá thể, vì không có ý thức về chính mình. Vậy thì cái gì duy trì sự sống của cá thể và bầy đàn? - BẢN NĂNG. Có thể nói, động vật cao cấp là ở giới hạn cực đoan bên này của tiến hoá lịch sử trước khi có người. (Giới hạn cực đoan ở bên kia là thực vật: cái cây luôn luôn vươn lên thẳng đứng hay hướng về phía có ánh mặt trời).

Bản năng là sự đối lập tuyệt đối với ý thức. Ấy là khi ý thức đã phát triển đến trình độ chính cống (là ý thức). Lúc đầu, đương nhiên, bản năng vẫn là nguyên lý cơ bản của sự sống, cứ cho là ở trong tay Thượng đế ý thức hình thành đến đâu sẽ tách dần ra khỏi cái nguồn gốc xuất thân của mình. tình hình đó cũng giống như bất cứ phạm trù triết học nào khác, ví dụ phạm trù thứ hai (của chúng ta) tách ra khỏi phạm trù thứ nhất. Phạm trù ra đời sau bao giờ cũng giữ một vai trò lịch sử là “anh hùng thời đại”.

Bản năng cũng được nhiều người hiểu như sự xúi giục của khát vọng để có những hành động không suy tính. Cái đói ăn, cái khát uống xui người ta đi tìm cái ăn cái uống. Cái đói libido (thuật ngữ của Freud đọc là Li-bi-đô) xui người ta đi tìm hành vi tính dục cho đã, như đã khát.

Bản năng còn được hiểu như khởi đầu của tâm lý người và có người còn cho là nó sẽ ở mãi nơi sâu thẳm nhất trong cá nhân, luôn luôn chực sẵn, chỉ cần ới gọi là ra ngay.

Trong những cuộc cãi vã dai dẳng về bản năng, người ra mượn khái niệm “vô thức” để nói về chất của nó. Rất nhiều nhà khoa học nghiêm túc dùng khái niệm này, Janet, Jung, Fromm, cũng như Sechenov, Pavlov, Uznadze. Ở đây vấn đề không phải ở sự kiện như nó hiện có mà nó đã có sẵn lúc mới sinh mang theo từ bụng mẹ, hay được hình thành trong đời sống cá thể.

Bản năng là cái có sẵn, tự nhiên, thiên nhiên. Nó có chức năng bảo vệ sự sống của cá thể và của loài. Tất nhiên, trong quá trình sinh thành cá thể, các bản năng liên hệ chặt với sự luyện tập. Ví dụ, các chú mèo con tập vồ, tập trốn, tập các thao tác bắt mồi.

Đặc điểm cơ bản nhất của các hành vi bản năng là theo một cơ chế chặt chẽ, triển khai theo một trật tự nghiêm ngặt những động tác vận động, mà không có sự can thiệp của ý thức.

Vai trò của bản năng trong tâm lý là một vấn đề bàn cãi khá gay gắt: Cho đến nay, có lẽ “trận đấu” phải như thế nào đó, thì quyển Từ điển tâm lý học xuất bản năm 1983 ở Moskva chỉ có một thuật ngữ duy nhất: Bản năng động vật (chứ không phải chỉ là “bản năng” cộc lốc, nữa là bản năng người). Tôi ở vào phía KHÔNG thừa nhận bản năng trong tâm lý người, và cho đến nay tôi không hề ân hận gì về ý kiến “cực đoan” ấy. Bạn có thể lấy gậy lý luận của tôi đập lưng tôi - khi tôi thừa nhận sự tồn tại của những thành tựu quá khứ BÊN CẠNH những thành tựu mới xuất hiện, ví dụ, sự tồn tại… của phương pháp đi bộ bên cạnh ô tô, v.v...

Xin thưa, tôi chưa cảm thấy mình tự mâu thuẫn về lý luận và càng chưa mâu thuẫn trong những giải pháp thực tiễn. Tôi khẳng định sự tồn tại BÊN CẠNH nhau của những thành tựu lịch sử nói chung. Nhờ đó lịch sử ngày càng phát triển và phong phú hơn. Nhưng đồng thời, tôi cũng khẳng định lại vai trò triết học, do đó, cả vai trò lịch sử của mỗi thành tựu trong lịch sử hiện thực. Điều quyết định không phải CÓ hay KHÔNG, mà là vai trò CHỦ ĐẠO của nó trong điều kiện lịch sử của nó, tức cũng là trong thời gian một chiều.

Thành tựu của thực vật vẫn còn tồn tại ở trong động vật. Thành tựu của động vật vẫn còn tồn tại trong người. Hệ thần kinh thực vật của người - chắc chẳng phải do thuận mồm nói ra. Những thành tựu ấy tồn tại bằng phạm trù loài và phương thức tồn tại loài, nhu cầu duy trì sự sinh tồn thể xác. Vì vậy đời sống của người vẫn còn lặp lại (dưới hình thức trừu tượng nhất) đời sống loài - đời sống đẻ ra đời sống. Nhưng khi đã nảy sinh ra phạm trù người (với tư cách là phạm trù mới) thì cũng làm xuất hiện những thuộc tính mới. Đó là những mầm mống của sự phân hoá. Bây giờ thì rõ ra tình trạng phân hoá này của lịch sử hiện đại:

“Con vật tự đồng nhất mình một cách trực tiếp với hoạt động sinh sống của nó. Nó không tự phân biệt nó với hoạt động sinh sống của nó. Nó là hoạt động sinh sống ấy. Còn con người thì biến bản thân hoạt động sinh sống của mình thành đối tượng của ý chí và của ý thức của mình. Con người có một hoạt động có ý thức” (5). Nói cách khác con người coi bản thân đời sống của mình là đối tượng của mình, tức là nhân tố đối lập với ý thức. Chính vì thế mà hoạt động của con người là hoạt động tự do, không bị những ràng buộc của bản năng, cũng như không bị chi phối bởi những nhu cầu trực tiếp.

Mác nói tiếp: “Cố nhiên, con vật cũng sản xuất. Nó xây tổ, chỗ ở của nó, như con ong, con hải ly, con kiến v.v… Nhưng nó chỉ sản xuất cái mà bản thân nó hoặc con nó trực tiếp cần đến, nó sản xuất một cách phiến diện, còn con ngư sản xuất ngay cả khi được giải phóng khỏi nhu cầu thể xác, và chỉ khi được giải phóng khỏi nhu cầu đó thì con người mới sản xuất theo ý nghĩa chân chính của chữ đó, con vật chỉ tái sản xuất ra bản thân nó, còn con người thì tái sản xuất ra toàn bộ giới tự nhiên, sản phẩm của con vật thì trực tiếp gắn liền với thân thể thể xác của nó, còn con người thì đối diện một cách tự do với sản phẩm của mình. Con vật chỉ chế tạo theo kích thước và nhu cầu loài của nó, còn con người thì có thể sản xuất theo kích thước của bất kỳ loài nào và ở đâu cũng biết vận dụng bản chất vốn có của mình vào đối tượng" (6).

Những gì con vật có thì cũng có ở con người, NHƯNG đã bị biến đổi một cách cơ bản và vận động theo một quy luật khác. Đương nhiên, trình độ xa cách này chỉ có thể là hậu quả của một trình độ phát triển văn hoá và một cách hiện thực. Nó nói lên cái thế mạnh, cái thế hơn của con người, là cái thế người, như một cái thế tự nhiên mà lịch sử nói chung đã thiết lập. Lịch sử là lịch sử phát triển tự nhiên (*) không bao giờ quay về trạng thái thấp hơn, thuộc quá khứ.

Cho nên, nếu coi bản năng, cái vô thức là cái quyết định trong đời sống tâm lý người, như Freud nói (đây là luận điểm cơ bản nhất, then chốt nhất trong lý thuyết của Freud) thì không phù hợp với triết học (đã đành), mà cũng không phù hợp với lịch sử hiện đại. Ông thầy thuốc tận tâm và rất có lương tâm nhà nghề Freud chưa hiểu được một điều này trong triết học: “Những phạm trù trừu tượng nhất-mặc dù có giá trị đối với mọi thời đại chính là nhờ cái bản chất trừu tượng của chúng - dưới bản thân cái hình thái nhất định của sự trừu tượng đó, cũng là sản phẩm của các điều kiện lịch sử, và chỉ hoàn toàn thích dụng với những điều kiện này và trong phạm vi các điều kiện này" (7). Bản năng, vô thức là những phạm trù chỉ thích hợp với những điều kiện lịch sử còn chưa có phạm trù người.

Mỗi thời đại có một phạm trù chủ đạo của nó. Phạm trù này quy định vị trí và ảnh hưởng của tất cả các phạm trù khác, mà Mác ví như “một ánh sáng chung trùm lên tất cả các màu sắc và làm thay đổi sắc điệu riêng biệt của những màu sắc ấy” (8). Cho nên muốn lý giải một vấn đề lịch sử - xã hội, thì phải xác định thời điểm của chúng, phải thấy được “địa vị khác nhau của những phạm trù ấy ở những giai đoạn khác nhau của sự phát triển xã hội” (9). Vậy là, khi nói đến tâm lý người hiện đại, tôi không thừa nhận bản năng như là một phạm trù hiện đại. Chỉ có một phạm trù ý thức quyết định đời sống tâm lý người hiện đại.

Bạn vẫn còn ấm ức, vì bên cạnh cái lập luận dứt khoát của tôi, bạn nghĩ, còn có cái “sự thực” sờ sờ ra của những hành vi “có thực” của những con người “có thực” mà chính bạn “chứng kiến thực” cũng như tự cảm thấy “có thực” trong bản thân mình. Tại sao tôi lại cố tình gạt phắt những cái “có thực” ấy đi? Để lấy lòng những lập luận triết học, hay để khỏi mang tiếng “mất lập trường”?

Xin thưa, cái nỗi sợ “mất lập trường” to bằng cái bồ luôn luôn đe doạ bạn, vì bạn đã có quá ít “lập trường”, mà lại không có lõi. Còn với tôi, nỗi sợ lớn nhất là mất khoái cảm nhục dục, là những cái tôi có quá ít và mỏng manh, mênh mông, mù mờ. Lập trường thì tôi rất sẵn. Nó là máu thịt của tôi, là bản thân đời sống của tôi: Có thể đo được 160cm, cân được 50kg, có thể tách ra được 1/3 tóc bạc trên mái đầu nửa thế kỷ. Toàn bộ cái khối liền một tảng ấy đứng vững trên đôi chân mang giầy số 38. Tôi rất có ý thức về cơ thể của mình, về mỗi nỗi đau về mỗi rung động khát khao và thoả mãn. Tôi có ý thức cảm nhận một cách tỉnh táo để tận dụng được những khoái cảm do mỗi giác quan mang lại. Ý thức ấy không cần phóng to khoái cảm ấy bằng ngọn đèn của ông Trạng Quỳnh, mà chỉ cần cảm nhận được khoái cảm ấy nguyên vẹn như thật.

Cái của thật ấy to chừng nào? Lấy gì mà đo? Thì tôi khác với bạn và ông Freud từ chỗ này đây. Tôi có nguyên lý cư xử của tôi. Tôi nhận thức được cái gì thì cái đó tồn tại đối với tôi đúng như tôi nhận thức nó. Đương nhiên, điều đó còn bao hàm một điều kiện ẩn tàng - CÁCH nhận thức. Trong CÁCH ấy có cả toàn bộ lịch sử từ trước đến nay và có cả lịch sử bản thân tôi. Làm sao tôi có thể thưởng thức được một bản nhạc hay, khi còn chưa có bản nhạc đó.

Ngược lại, bản nhạc đó đã có, thì có như thế nào đối với tôi là tuỳ theo bản lĩnh của tôi, do năng lực cảm nhận của tôi, do dự từng trải và nói chung do trình độ văn hoá của tôi. Một khi tôi đã đóng chặt cửa phòng (**) thì chỉ một tôi còn lại mặt đối mặt với đối tượng cảm nhận. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, KHÔNG THỂ trông chờ vào ai khác ngoài bản thân mình, - cái bản lĩnh mình đang có và có được một cách thực sự, thực thể, thực chứng.

Và phía bên kia, bạn tình của tôi, chỉ có thể cho được cái gì đang có hay có thể có được một cách thực chúng, thực tế, thực sự. Tôi không thể đòi nhiều hơn những gì tôi có thể có được từ đối tượng (kể cả sức tưởng tượng của đôi bên và sự cộng hưởng được tạo ra). Giả thử, tôi chỉ có một bản năng trần trụi từ thuở xa xưa còn lại trong tôi (với tư cách loài) thì cái bản năng ấy liệu có hơn được văn hoá người đã có (trong lịch sử loài người) và tôi đã có, nhờ dày công tu luyện mà hấp thụ được nói?

Giả thử nhờ có bản năng ấy mà tôi cảm nhận được khoái cảm nhục dục, thì khoái cảm ấy có vượt quá ý thức của tôi được không? Có thể nào tôi có nhiều khoái cảm hơn cái mà tôi cảm nhận được? Giả thử khoái cảm ấy bị ý thức ràng buộc, chèn ép, thì vấn đề lại ở chỗ khác: giải phóng ý thức. Giả thử, nếu đã giải phóng được ý thức mà vùng giải phóng ấy vẫn không chứa xuể khả năng, thì cái sức mạnh bản năng ấy có được cảm nhận không nghĩa là tôi có ý thức được về nó không? Và cứ thế đặt ra các câu hỏi. Rút cuộc, bạn sẽ thấy rằng cái cốt tuỷ là ý thức. Chắc là Freud cũng đồng ý với tôi.

Ý nghĩa xã hội của học thuyết Freud là ở chỗ muốn giải phóng tính dục khỏi sự ràng buộc của ý thức xã hội đương thời. Với ý nghĩa ấy, ông đã làm một cuộc cách mạng về tính dục. Ông đưa ra công khai tất cả những cái mà ý thức xã hội cố tình bêu riếu, cư xử đầy định kiến. Ông lên án cả ý thức xã hội đã chà đạp những xúc cảm tự nhiên và lành mạnh của các cá nhân. Ông đòi phải cư xử công bằng không những với các cá nhân nói chung, mà trong mỗi cá nhân phải cư xử công bằng với các cảm giác của nó. Lần đầu tiên, một người dám nói lên một cách công nhiên, thẳng thắn và chân thực về khoái cảm nhục dục của con người. Tuy nhiên, không nên quên hoàn cảnh này của Freud:

Freud là một thầy thuốc. Thế giới mà ông nhận thức và lý giải là những người bệnh. Họ mất trạng thái tâm lý bình thường của những người bình thường. Không tránh được! Cho đến nửa đầu thế kỷ chúng ta các nhà nghiên cứu tâm lý học chỉ có một phương pháp đối chứng (so sánh), ví dụ, nghiên cứu tâm lý của động vật để suy ra người nghiên cứu người bệnh để tìm hiểu các quy luật tâm lý người nói chung.

Những kết quả thu được là chân thực. Điều đó không nghi ngờ gì nữa. Nhưng nó chỉ chân thực trong phạm vi CỦA Nó thôi! Mặc dù vậy, chúng ta có thể khai thác được nhiều nhân tố tích cực từ các cứ liệu mà Freud thu lượm được. Ví dụ: Một công lao rất lớn của Freud là phát hiện ra khoái cảm nhục dục ở trẻ em. Ở đây, ông vượt cao hơn nhiều những đầu óc trung bình ở thời ông. Đánh giá như vậy, tôi tin rằng chính ông phải đồng ý với tôi một điều này:

Mọi người chỉ nhìn thấy sự vật khi sự vật ấy đã đạt đến hình thái chính thức của tiến trình phát triển. Còn ông thì nhìn thấy nó từ lúc còn manh nha, ở những hình thái hết sức xa lạ với cái hình thái kinh điển (classique - chính thức, chính cống) như cái mầm xa lạ với quả. Ai dám nói rằng quả này có từ mầm kia?

Trong ý thức mọi người, khoái cảm nhục dục chỉ nảy sinh từ cơ quan sinh dục, từ giao lưu tính dục ở trạng thái cổ điển của nó. Xin hỏi, từ đâu có khoái cảm ấy? Trên đình màn rụng xuống à? Freud đã phát hiện cả một quá trình dài lâu. Ông lần theo lịch sử của khoái cảm nhục dục cá nhân, từ lúc nó mới ra đời còn khóc oe oe, từ cái hành vi bú, từ cái tay sờ tí mẹ, cho đến khi cất sang đặt lên ngực người yêu, và lần đầu tiên dồn tất cả khoái cảm ấy về một nơi, để cho mọi người… bắt được.

Các nhà giáo dục hiện đại còn phải cảm ơn Freud về một phát hiện này (nhờ nghiên cứu qua người bệnh): ý thức tính dục, theo định kiến chung, được đánh thức dậy từ tuổi dậy thì. Vậy thì ở đâu ra có sẵn mà đùng một cái đánh thức nó dậy. Freud cho rằng đó là một định kiến sai lầm gây ra những hậu quả nặng nề (10). Theo ông, ngay từ bé, cái hạt giống tính dục đã được gieo rồi. Lẽ ra hạt giống ấy được nẩy mầm, đâm chồi một cách tự nhiên cùng với cuộc sống hồn nhiên của trẻ.

Nhưng khi đứa trẻ lớn lên thì bị cấm đoán nhiều quá (tất nhiên không người bố người mẹ nào nghĩ rằng những cấm đoán ấy liên quan đến chuyện tính dục), trong đó có những điều trẻ bất bình. Những điều bất bình ấy qua đi và mọi người tin rằng mọi chuyện đã qua đi. Nhưng khi nghiên cứu trên người bệnh, Freud rút ra kết luận quan trọng này: Những gì trẻ chịu đựng lúc bé để lại những dấu vết rất sâu. Không qua đi, không teo đi, mà tích tụ lại. Cứ tích tụ mãi như thế, thì nó ảnh hưởng đến tính cách của trẻ em, đến khoái cảm nhục dục sau này và quá một giới hạn nào đó sẽ thành bệnh (thuộc loại tâm thần). Khi bị bệnh, người lớn nhớ lại những gì từ tuổi lên 2, lên 3, những ấm ức từ lúc còn bé thơ.

Nói chung, bệnh névrose đều có nguyên nhân tính dục, có một lịch sử dài lâu cùng với đời sống cá thể từ thời trẻ con. Từ đó, dễ thấy, về mặt giáo dục, tai hoạ của phương pháp đè nén, đàn áp, trừng phạt trẻ em, nói chung là cách cư xử nghiêm khắc. Phương pháp ấy không những tạo ra một cuộc sống nặng nề ngay lúc đó, mà ảnh hưởng lâu dài về sau.

Phát hiện của Freud tự nó có một ý nghĩa nhân văn, đòi người lớn phải lấy lợi ích trực tiếp của trẻ em làm chuẩn, sau nữa đòi phải có một đời sống xã hội lành mạnh tôn trọng những nhu cầu thường tình của cá nhân. Và xã hội có thể lành mạnh được, cũng như trẻ em có thể sống hạnh phúc, hồn nhiên, nếu người lớn tôn trọng sự phát triển tự nhiên của trẻ em. Freud hoàn toàn đồng ý với tôi trong nhận định này: một nền giáo dục lấy người lớn làm chuẩn cho trẻ em là sai lầm! Cũng vậy, một nền giáo dục sẽ sai lầm, khi nó không tôn trọng sự phát triển tự nhiên của tính dục ở trẻ em.

Riêng về học thuật, tôi nghĩ, sẽ có lợi hơn, nếu bạn trực tiếp nói chuyện với Freud. Khó khăn về ngôn ngữ, tôi xin giúp làm phiên dịch.

- Bạn đọc: Nếu nói một câu thôi, thì ông sẽ nói gì về lý thuyết của ông?

- Freud: Le fond de toute vie psychique est inconscient.

- HNĐ dịch: Nhân lõi của tâm lý là cái vô thức.

- B.Đ.: Nếu nói thêm một câu nữa, thì liệu lý thuyết của ông có đủ để nói không? Nếu có, thì…

- F.: C’est la sexualité enfantile.

- HNĐ. dịch: Tính dục của đời sống cá thể, bắt đầu rất sớm, từ lúc mới sinh. Đó là một cái có thật với cả một quá trình tiến hoá lâu dài, qua từng lứa tuổi. Thật ra, đó là một quá trình có hai xu hướng tiến triển, hoặc một cách lành mạnh, tự nhiên, mà cũng có thể bị đè nén, chà đạp, thậm chí còn bị đối xử tàn tệ. Thường thì người lớn không để ý gì đến nó, hoặc gò nó theo những ý định của mình. Cư xử như vậy, chỉ vì người lớn biết độc một trạng thái trưởng thành của tính dục, khi nó đã đạt đến cái “hình thái kinh điển” của nó. Lý thuyết của tôi về tính dục có thể gói lại trong 3 điều sau đây:

Tính dục biểu hiện rất sớm ở trẻ em, với những hình thái rất khác với tính dục ở người lớn.

Để hiểu được điều đó, cần có một khái niệm tính dục khác với quan niệm thông tục của mọi người từ xưa đến nay.

Cần phân biệt hai chức năng trong đời sống tính dục (la vi sexuelle) để có khoái cảm nhục dục và để phục vụ cho giống loài. Nghe đâu, điều này ông Hồ Ngọc Đại đã nói cặn kẽ trong các mục trước.

Ngoài ra tôi có thể phân biệt ra 4 pha phát triển của tính dục (đề nghị để nguyên tên gọi, không dịch) 1- Phase orale, 2- Phase anale, 3- Phase phallique, 4- Phase génitale. Pha cuối cùng bắt từ dậy thì với biểu hiện còn khá xa lạ với hành vi tính dục “chính cống”, ví dụ, thích nhìn. (plaisir visuel) của người khác giới và cảm thấy thèm thèm của ấy (la faim sexuelle). Riêng về vấn đề tính dục của trẻ em, tôi đã dành ra hơn 50 trang sách (yêu cầu bỏ mi-crô ra, xin nới khẽ một số vấn đề xem ra còn có thể hợp với lỗ tai bạn đọc Việt Nam (11).

Ngay trong Lời Tựa quyển sách (10), tôi có ý thanh minh tránh những hiểu lầm không đâu. Chắc ở Việt Nam chẳng có tình trạng như đã từng có ở các nước châu Âu đầu thế kỷ. Họ không đọc, không tìm đọc. Nếu đọc thì họ đeo kính định kiến, rồi suy diễn, rồi quy kết, rồi làm đủ mọi chuyện để chứng tỏ là họ có thừa đạo đức dâm dục, còn ai nói gì, nghĩ gì, mặc ai. Thế nên, nhân dịp tái bản lần thứ tư, năm 1920, ở Vienne, tôi phải nói là đến bây giờ còn có người coi tôi như một kẻ đưa ra “chủ nghĩa nhục dục tràn lan”, cái gì cũng quy tụ về tính dục. Họ đứng trên cao ném cái nhìn khinh bỉ xuống lý thuyết của tôi. Nhưng tại sao họ không nhớ là Platon đã đưa ra một tư tưởng về tính dục còn rộng rãi hơn nữa kia, cái L'Eros(12)?

Về tính dục trẻ em, cái chuyện nghe dễ sợ nhất, sách báo cũng từng đưa ra những ca giật gân của những đứa trẻ đến với chuyện ấy quá sớm, như thủ dâm và thậm chí còn giao hợp. Nhưng người ta đều coi là những ca ngoại lệ, chả ai nghĩ rằng cái sự đó vẫn có thể xuất hiện đều đều được (13). Rồi ngay cả chính tôi và bạn, lắm khi nhớ lại những ấn tượng về chuyện ấy hồi bé, nghĩ đến mà ngượng, tầm bậy quá! Nhưng chẳng lẽ cả nhân loại tầm bậy hay sao? - lỗi tại Thượng đế đã gieo vào đứa bé mới sinh cái hạt giống tính dục, âm thầm như hạt giống còn vùi dưới đất. Nhưng chỉ vài ba bốn tuổi thì đã trồi lên, có thể nhận ra được các hình thức biểu hiện của hành vi ấy (Mà người lớn chúng ta thường chậc lưỡi. - trò trẻ con nghịch ngợm, chứ,… ). Người lớn, nhất là bố mẹ đứa trẻ, ai dám nghĩ bậy bạ, đứa bé mới nứt mắt mà đã… thế! Nhưng tôi vẫn coi những biểu hiện sau đây thuộc về phạm trù tính dục.

Bú. Đó là một hành vi gồm những động tác nhịp nhàng của môi, của lưỡi, của phần da thịt. Nó bú say sưa đến ngây ngất, rồi sau đó lăn ra ngủ - Không phải ư, đó cũng là một biểu hiện của orgasme (*). Hơn nữa, vừa bú trẻ vừa sờ tý, sờ chim… Nếu tôi gọi đó là sự thủ dâm thì các bà mẹ sẽ hét lên cho là ăn nói quá quắt. Nhưng tôi vẫn cứ nói - đó là hành vi tính dục ở trình độ phát triển lúc ấy với 3 đặc điểm: 1- Chưa có đối tượng; 2- Tự khoái; 3- Mục tiêu bị quy định bởi sự hoạt động của một vùng kích thích tính dục (zone érogène).

Các vùng kích thích tính dục là những nơi trên cơ thể mà gặp sự kích thích thích hợp thì có khoái cảm rất đặc biệt. Các vùng này cũng có từ bé, ở ngoài da và ở những nơi tiết ra chất nhờn. Các vùng ấy có những đặc điểm y như của các vùng gây các rối loạn thần kinh. Cho nên, bạn chớ ngạc nhiên khi nghe Moebius nói - tất cả chúng ta, ai cũng điên điên tí chút. Có thể chia ra hai vùng, vùng gọi là trung tâm (centrale), vùng gọi là ngoại biên (périphérique). Một kích thích ở vùng này có thể lan sang vùng lân cận, ra ngoại biên, hoặc từ ngoại biên vào.

Sự tự khoái của trẻ em (masturbation enfantile)

Lúc bé, trẻ dùng ngón tay ngoáy ngoáy, sờ sờ vào lỗ đít, vùng hậu môn, tạo ra một khoái cảm. Khoái cảm này vẫn còn lại lâu dài sau này.

Lớn lên thì sờ vào cơ quan sinh dục. Khoái cảm được đánh thức dậy. Tất cả các em bé đều có khoái cảm này. Có hai cách gây kích thích, sờ tay trực tiếp (phần lớn đối với các cháu trai) và kẹp vào đùi riết (với các cháu gái).

Có 3 pha trong tự khoái của trẻ: 1- lúc đang bú, 2- chừng 3-4 tuổi và 3- lúc đậy thì. Mỗi pha kéo dài trong một thời gian rồi lắng xuống. Nhưng để lại dấu vết sâu sắc nhất là pha thứ hai, khi trẻ lên 3-4 (có hai xu hướng sain et névrose - lành mạnh hay bệnh tật). Các cháu gái ở tuổi này thường thủ dâm (onanis me) và làm tiết chất nhờn. Nhiều cháu bé bắt đầu thích thú về những khoái cảm từ cơ quan sinh dục và trở đi trở lại với thói quen này. Nguyên nhân của trẻ là từ bên trong cơ thể.

Trẻ em tìm hiểu về tính dục. Từ 3 đến 5 tuổi trẻ em quan tâm đến những chuyện tính dục, cứ hỏi mãi quanh chuyện đại loại như “trẻ con ở đâu ra”. Bạn không nên lo. Sự tìm hiểu ấy đánh thức tri thức trí tuệ của trẻ, giúp cho trẻ thông minh hơn. Chẳng thế mà nó đưa ra nhiều lý thuyết (và sau này các học… giả gọi là giả thuyết nghiên cứu) về sự sinh đẻ. Trẻ ra đời từ nách, từ bụng, từ nàng tiên, v.v...

Lớn lên chút nữa, trẻ thấy những giả thuyết “khoa học” của mình hình như không đúng, khi trông thấy người chửa mỗi ngày một phình phình ra. Nhưng nó không biết tại sao, vì nó còn chưa biết đến vai trò đích thực của các cơ quan sinh dục và các nhân tố sinh lý của sự thụ thai. Sự quan tâm ấy lắng sâu xuống trong một thời gian dài (thường là tuổi học sinh cấp I). Sau đó lại dậy lên. Bấy giờ người lớn mới “à ra thế”, cuống cuồng lên, lo sợ. Họ giục con chăm học, đọc nhiều sách, v.v… Nhưng, làm như vậy, bạn biết không, chính là làm tăng thêm những kích thích tính dục. Tôi muốn nói rõ hơn: sự tập trung chú ý vào những công việc trí óc và tinh thần căng thẳng cũng là cách tạo ra sự kích thích liên quan đến tính dục, dù ở trẻ em hay ở người lớn. Chẳng là trong cơ thể có một cơ chế dồn sự quá căng thẳng từ trí óc sang chuyện ấy. (Không thì “vỡ đầu” ra mất).

Tôi muốn dừng lại ở ngưỡng dậy thì, vì câu chuyện sau đó còn dài hơn. Tất nhiên, vấn đề không phải nhiều hay ít số vấn đề, nhiều hay ít thời gian, mà nhiều hay ít chính bản thân vấn đề tính dục của trẻ em. Tôi đã nói về quãng tuổi rất non dại để hy vọng có ý nghĩa thuyết phục hơn. (Vâng, cũng dễ bị phản đối hơn. Nhưng vì vậy mà có thể thuyết phục được). Xin cám ơn sự chú ý của bạn.

Hồ Ngọc Đại

Chú giải:

(*) Mác nói lịch sử là lịch sử tụ nhiên. Tôi nhét vào từ “phát triển” chỉ để nhấn mạnh thêm. H.N Đ.
(**) Mọi sự thưởng thức đều ở trong hoàn cảnh ấy. Dù tôi đang ngồi trong rạp hát hay giữa công viên, thì thực ra cũng chỉ có MỘT mình tôi với một mình đối tượng gọi là partenaire, như bạn nhảy với tôi trong dạ hội.
(***) L’ogasma đọc là oóc-gat, là lúc khoái cảm nhục dục đạt đến đỉnh cao nhất và chỉ khi nào đạt đến đấy thì mới gọi là một hành vi thành đạt. Nhiều người không lên được đến cao độ ấy, cứ lưng lửng.
(****) Thượng đế có một hành vi công bằng duy nhất là đã ban phát khoái cảm tính dục cho tất cả mọi người, không kể thành phần xuất thân và nơi sinh sống của cá thể ấy.

(1) C. Mác và Ăng-ghen. Xem C.Mác và Ăng-ghen. Hệ tư tưởng Đức, ST. 1984, tr. 27
(2) C. Mác và Ăng-ghen. Xem C.Mác và Ăng-ghen. Hệ tư tưởng Đức, ST. 1984, tr. 38. Đối chiếu với C.Mác và Ăng-ghen. Hệ tư tưởng Đức, ST. 19624.
(3), (4) C. Mác và Ăng-ghen. Xem C.Mác và Ăng-ghen. Hệ tư tưởng Đức, ST. 1984, tr.39
(5). C. Mác. Xem C. Mác và Ph. Ăngghen. Tuyển tập, 6 tập, T.I, ST, 1980, tr. 118.
(6) C. Mác. Xem C.Mac. Góp phần phê phán kinh tế chính trị học. ST. 1964, tr. 119-120.
(7) C. Mác. Xem C.Mac. Góp phần phê phán kinh tế chính trị học. ST. 1964, tr.303.
(8) C. Mác. Xem C.Mac. Góp phần phê phán kinh tế chính trị học. ST. 1964, tr. 306.
(9) C.Mác. Xem C.Mac. Góp phần phê phán kinh tế chính trị học. ST. 1964, tr. 308.
(10) Freud. Trois essais sur la théorie de la sexualité. Gallimard, 1962, tr.65.
(11) Freud. Sđd, tr.65-111.
(12) Freud. Sđd, tr.12-13.
(13) S. Freud. Sđd, tr.65.

Nguồn: chungta.com
Previous Post
Next Post