Viktor Frankl – Học thuyết nhân cách hiện sinh

Viktor Frankl
1. Dẫn nhập

Vào tháng 9 năm 1942, một bác sĩ trẻ cùng với vợ mới cưới, cha mẹ của ông và một người anh ruột bị bắt ở Vienna rồi được đưa đến trại tập trung ở Bohemia. Đó là một sự kiện đã xảy ra và trải qua 3 trại tập trung khác nhau đã khiến vị bác sĩ trẻ này – tù nhân mang số 119.104 – phát hiện ra điều kỳ diệu tuyệt vời nhất trong cuộc đời của mình.

Sự kiện đầu tiên là ông bị đuổi ra khỏi nhà với tất cả những bản thảo bị mất sạch. Đó là tất cả những công trình làm việc của ông – ngay lần người ta đưa ông đến Auschwitz. Mặc dù ông đã khâu kỹ vào áo khoác nhưng vẫn bị phát hiện và bị tịch thu vào phút chót. Sau đó ông đã trải qua nhiều đêm cố gắng xây dựng lại toàn bộ công trình của mình trong trí óc. Rồi ông cắm cúi ghi lại trên những mảnh giấy vụn mà ông cóp nhặt được.

Vào một buổi sáng trong lúc ông cùng đoàn tù nhân đi làm việc trên một tuyến đường sắt trước lúc mặt trời mọc, một giây phút kỳ diệu đã xảy ra: Một bạn tù lớn tiếng lo lắng hỏi về tin tức số phận người vợ của mình. Điều đó đã khiến vị bác sĩ trẻ này nghĩ đến người vợ của ông và ông nhận ra rằng cô ấy cũng đang ở với ông.

Sự giải cứu đến từ tình yêu. Một người đã mất tất cả, chẳng còn gì để ham sống nhưng đã tìm thấy hạnh phúc, nhưng đấy chỉ là một phút giây ngắn ngủi trong tâm tưởng của ông về người vợ thân yêu của mình.

Rồi trải qua cơn đau của mình, ông không thể làm gì hơn, chỉ có thể nhìn thấy những lựa chọn mà ông dựa vào đó để sống sốt – chính là nhìn vào tương lai – dù đó là một nỗi đau tàn nhẫn nhất. Tuy nhiên ông vẫn hy vọng được nhìn thấy người thân của mình sau này. Và ông tin chỉ có hy vọng mới giúp ông vượt qua được những nỗi đau của nhà tù.

Đó là điều kỳ diệu nhất mà ông đã tìm thấy trong nỗi đau xa cách. Và đây cũng là điều khiến ông rất bất ngờ. Ông phát hiện ra con người còn có cả mục đích của cuộc sống nữa. Tuy mục đích cuộc sống trần trụi nhưng vẫn tồn tại giữa hai cực sáng tạo và hưởng thụ, sẵn sàng chờ đợi tinh thần trách nhiệm của con người góp sức để có một quyết định hướng đến khả năng cao hơn của hành vi đạo đức. Đây chính là thái độ không chịu đầu hàng của con người, chính là động cơ tồn tại ở trong mỗi con người. Khát khao tồn tại này được điều khiển từ những nguồn trợ lực từ bên ngoài. Không có đau khổ và cái chết, đời sống của con người không bao giờ được kiện toàn. Đó là những suy nghĩ của một bác sĩ trẻ, tên của ông là Vicktor Emil Frankl.

2. Tiểu sử của Viktor Frankl

Viktor Frankl sinh tại Vienna vào ngày 26 tháng 3 năm 1905. Cha của ông, tên là Gabriel Frankl, một người có tính kỷ luật cao. Đến từ Moravia, một nhân viên tốc ký khiêm tốn và sau đó trở thành giám đốc bộ Phúc Lợi Xã Hội của chính phủ. Mẹ của ông, Elsa Frankl, một người đàn bà tần tảo, nhu mì đạo đức đến từ Prague.

Là con trai giữa trong 3 người con, cậu bé Viktor rất thông minh và hiếu kỳ. Mặc dù chỉ mới 4 tuổi nhưng cậu bé đã nằng nặc đòi lớn lên sẽ trở thành một bác sĩ. Khi học trung học, cậu bé đã nhiệt tình tham gia tổ chức Công nhân xã hội thanh niên địa phương. Với cá tính rất thích được tiếp xúc với người khác đã khiến ông có hứng thú với môn tâm lý. Ông tốt nghiệp cấp 3 với bài luận phân tích tâm lý về triết gia Schopenhauer, được chọn đăng trên một tạp chí Thế Giới về phân tích tâm lý, sau đó ông bắt đầu có những liên hệ mật thiết với Sigmund Freud.

Năm 1925, một năm sau khi tốt nghiệp cấp 3 và chuẩn bị học Đại học ngành y, ông gặp Freud. Frankl có vẻ thích học thuyết của Alfred Adler và năm đó ông có một bài đăng trên tạp chí của Alfred Adler. Năm sau ông giới thiệu khái niệm ý chí đi tìm ý nghĩa cuộc đời (logotherapy) với đông đảo công chúng lần đầu tiên, sau đó ông tiếp tục gọt dũa và chuẩn bị tách ra một nhánh tâm lý riêng trong cộng đồng tâm lý Vienna lúc bấy giờ.

Vào năm 1928 và 1929, Frankl tổ chức một trung tâm tư vấn miễn phí cho các trẻ em tuổi dậy thì ở Vienna với 6 thành phố khác và bắt đầu làm việc với phòng khám của các trường đại học. Năm 1930, ông hoàn tất chương trình đào tạo bác sĩ y khoa và được mời vào chức phó giáo sư. Sau vài năm, Frankl bắt đầu tiếp tục học về thần kinh học.

Năm 1933, ông được giao nhiệm vụ trưởng khoa chăm sóc các bệnh nhân nữ có ý định tự tử tại một bệnh viện tâm thần với nhiều bệnh nhân trong năm. Năm 1937, Frankl mở phòng mạch đầu tiên với hai chuyên ngành tâm thần và thần kinh. Một năm sau đó, quân đội của Hitler tấn công Áo. Và rồi ông có được thông hành đi Hoa Kỳ năm 1939 nhưng vì lo lắng cho cha mẹ đã lớn tuổi nên ông cứ nấn ná mãi. Cuối cùng thông hành của ông đã hết hạn.

Năm 1940, Frankl được giao chức giám đốc ban thần kinh của bệnh viện Rothschild là nhà thương duy nhất giành cho người Do Thái tại Vienna trong suốt thời gian chính quyền Đức quốc xã cai trị. Ông đã chẩn đoán cho nhiều bệnh nhân để giúp họ tránh khỏi bị chích thuốc cho chết áp dụng đối với những bệnh nhân tâm thần. Trong thời gian này ông bắt đầu viết cuốn Árztliche Seelsorge, dịch sang tiếng Anh có tên gọi The Doctor and the Soul (Bác sĩ Và Tâm hồn).

Frankl làm đám cưới năm 1942 và trong tháng 9 năm đó, bản thân ông cùng vợ, cha mẹ và người anh tất cả đều bị bắt giam rồi đưa đến trại tập trung ở Theresienstadt, Tỉnh Bohemia. Cha của ông chết rũ trong trại tập trung vì đói. Mẹ và anh của ông bị giết ở trại Auschwitz vào năm 1944. Vợ của ông chết tại Bergen–Belsen năm 1945. Chỉ có cô em gái Stella là sống sót, vì cô đã cố gắng tranh thủ di dân đến nước Úc vào thời gian sớm hơn.

Khi ông được chuyển đến Auschwitz, bản thảo Bác Sĩ Và Tâm Hồn bị phát hiện và phá hủy. Khát khao được hoàn thành công việc của mình, hy vọng được đoàn tụ cùng vợ và gia đình, đấy là động lực đã giúp ông tràn đầy hy vọng trong tình huống tuyệt vọng như ở lúc này.

Sau đó ông được chuyển trại thêm 2 lần nữa, rồi Frankl mắc bệnh sốt thương hàn. Ông cố gắng phấn đấu bằng cách tái tạo lại bản thảo của mình trên những mảnh giấy giành dụm được. Tháng 4 năm 1945, trại tập trung của ông được giải phóng, ông được đưa về Vienna và lúc ấy mới biết là tất cả những người thân của ông đã chết hết. Gần như sụp đổ và cô độc một mình trong thế giới này, ông được người ta giao chức điều hành ban thần kinh của bệnh viện Đa khoa Vienna, một nhiệm vụ mà ông đã liên tục giữ trong 25 năm liền.

Rồi ông lại tiếp tục xây dựng cuốn sách của mình và đã được phát hành. Ông được mời dạy học tại trường Đại học Y khoa Vienna. Chỉ trong vòng 9 ngày, ông đọc cho người khác chép một cuốn sách khác có tên: Con Người Đi Tìm ý Nghĩa Của Mình (Man's Search for Meaning). Trước khi ông nằm xuống, cuốn sách ấy bán hết 9 triệu bản, trong đó 5 triệu bản được bán ở Hoa Kỳ.

Trong thời gian cuốn sách ấy ra đời, ông gặp một phụ tá ở phòng mổ tên là Eleomore Schwindt (Elly) và ông đã yêu ngay cô vào lần đầu gặp gỡ. Dù cô chỉ bằng nửa tuổi của mình, ông nói chính cô đã cho ông can đảm để xây dựng lại tất cả bắt đầu từ con số không. Họ cưới nhau vào năm 1947 và có một bé gái tên là Gabriele sinh vào tháng 12 năm đó.

Năm 1938 Frankl nhận bằng tiến sĩ triết học. Luận án của ông với tên gọi Thượng Đế Vô Thức – vốn là một khảo sát về mối liên hệ giữa tâm lý và tôn giáo. Năm đó ông được mời làm phó giáo sư thần kinh học và tâm thần học của Đại học Vienna. Năm 1950, ông sáng lập và trở thành chủ tịch của Tổ chức y học nước Áo về Tâm Lý liệu Pháp.

Sau khi chính thức trở thành giáo sư, ông càng trở nên nổi tiếng hơn bên ngoài nhóm bạn thân của mình ở Vienna. Công việc của ông đã khiến nhiều tổ chức cấp bằng tiến sĩ danh dự, chức vụ giáo sư danh dự và rất nhiều bằng khen, trong đó có cả giải Oskar Pfister do Tổ chức Tâm Thần Học Hoa Kỳ và được đề cử vào danh sinh giải thưởng Nobel Hòa Bình.

Frankl tiếp tục giảng dạy tại trường Đại học Vienna cho đến năm 1990 khi ông đã 85 tuổi. Cần nhắc thêm ông là một người hăng say leo núi và thi được bằng lái máy bay vào tuổi 67.

Năm 1992, bạn bè và gia đình đã thành lập Học viện Viktor Frankl để tôn vinh và ghi nhớ thành quả của ông. Năm 1995, ông hoàn thành cuốn hồi ký của mình. Vào năm 1997, ông xuất bản cuốn sách sau cùng: Con Người Đi Tìm ý Nghĩa Tối Hậu Của Mình (Man's Search for Ultimate Meaning), dựa trên luận án tiến sĩ của mình. Ông viết tất cả 32 cuốn sách mang tên mình và sách được dịch ra 27 ngôn ngữ.

Viktor Emil Frankl từ trần ngày 2 tháng 9 năm 1997 vì bệnh trụy tim. Ông để lại vợ và con gái, tiến sĩ Gabriele Frankl–Vesely, có cháu ngoại là Katharina và Alexander, chắt là Anna Viktoria. Nhiều người tin rằng ảnh hưởng của ông đến tâm lý học và tâm thần học sẽ kéo qua những thế kỷ sau này.

3. Học thuyết của Viktor Frankl

Học thuyết và liệu pháp của Viktor Frankl thai nghén và nảy sinh trong khoảng thời gian ông sống trong trại tập trung của Đức quốc xã. Trong thời gian này, ông đã quan sát ai là người sống sót và ai không vượt qua được (ngay cả việc có được cơ hội để sống!) và thế là ông bắt đầu tin vào nhà triết lý Friedrich Nietzsche đã nói rằng: Bất cứ ai có một lý do để sống sẽ vượt qua được hầu như tất cả những khó khăn trước mặt. Frankl nhìn thấy những ai đang hy vọng được gặp lại người thân yêu, hoặc những ai tin rằng họ có một chương trình kế hoạch cần phải được thực hiện và những người có niềm tin mãnh liệt… Đây chính là những con người có cơ hội sống sót cao hơn những người đã mất hết hy vọng.

Ông gọi liệu pháp của mình là logotherapy, từ Tiếng Hy Lạp, logos có các nghĩa sau: học tập, từ ngữ, Ngôi Lời, tinh thần, Thượng đẽ hoặc có ý nghĩa. Với Frankl, ông chọn nghĩa sau cùng: Có ý nghĩa, tuy nhiên các nghĩa khác của từ logos này đều có những gián tiếp liên hệ đến học thuyết của ông. So với Sigmund Freud khi cho rằng động cơ phấn đấu của con người vì khoái cảm lạc thú và Alfred Adler cho rằng động cơ phấn đấu của con người đến từ muốn có quyền lực. Viktor Frankl cho rằng động cơ phát triển của con người là đi tìm ý nghĩa và mục đích của mình.

Ông còn sử dụng một khái niệm khác trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là tâm trí hay tinh thần – noos. Trong truyền thống của ngành Tâm lý, ông đề nghị rằng chúng ta tập trung quá nhiều vào động năng tâm thần, trong đó cách chúng ta nhìn vào tâm lý như một ngành học có thể được phân tích và làm cho tâm lý trở thành một ngành học đơn giản. Frankl khuyến cáo rằng, chúng ta nên chú ý nhiều hơn nữa đến động năng ý thức tinh thần, trong đó sự hoà quyện linh hoạt của động năng này là điều cần thiết cho sức khỏe của mỗi chúng ta, ít nhất nó sẽ giúp chúng ta tìm ra ý nghĩa của mình. Con người cần đến sự hòa quyện linh hoạt để phấn đấu vì một ý nghĩa cao cả hơn.

Có lẽ vấn đề đầu tiên Frankl quan tâm đến trong thời gian ông mới bắt đầu sự nghiệp bác sĩ của mình là sự nguy hiểm của phân tích (danger of reductionism). Sau đó, như ta thấy hiện nay tâm lý trở thành một ngành học mà các nhà khoa học đang kéo nó gần với sinh lý. Họ cho rằng tâm lý có thể phân tích thành những khu vực nhỏ hơn, ví dụ tâm thức tư tưởng có thể là phản ứng phụ của những vận hành của não – và khía cạnh tinh thần của con người chẳng có giá trị đáng kể để ta phân tích. Ông tin rằng những thế hệ bác sĩ và các nhà khoa học đang quảng bá và cổ xúy những tư tưởng phân tích và điều này sẽ dẫn đến những chỉ trích sai lầm trong tiến trình nghiên cứu về sự hiện diện của con người.

Mục tiêu của ông là đem thái độ cách nhìn sinh lý của tâm lý học đến gần hơn với lăng kính tinh thần và ông coi đây là một bước quan trọng trong việc đem lại một hướng trị liệu hiệu quả. Như ông đã phát biểu (1975): Sự phân tích quá máy móc về con người trên bình diện thần kinh học cần đến những liệu pháp có khả năng xây dựng lại con người.

4. Lương tâm

Một trong những khái niệm cơ bản nhất của ông là lương tâm. Ông coi lương tâm như một đại lượng tinh thần vô thức, khác hẳn với bản năng vô thức mà Freud và nhiều người khác vẫn tin theo. Theo ông, lương tâm không đơn thuần là một bộ phận của con người, mà nó là một phần cốt lõi trung tâm của con người và là nguồn năng lượng chủ yếu của đạo đức cá nhân.

Theo ông: Làm người đồng nghĩa với có trách nhiệm – có trách nhiệm với sự hiện diện của chính mình. Lương tâm thuộc trực giác đã được cá nhân hóa ở một mức rất cao. Nó là đại diện của con người thật trong điều kiện hoàn cảnh thật và không thể phân giảm dựa trên những qui luật vũ trụ đơn giản. Lương tâm cần phải được sống qua trải nghiệm.

Ông gọi lương tâm là sự khôn ngoan của trái tim, nhạy cảm hơn những gì mà chúng ta vẫn cho là đã nhạy cảm đủ. Ông cho rằng lương tâm là trạng thái hiểu biết chính mình, được cài đặt trước những phản ứng của một cá nhân và có tính năng bản thể.

Tương tự như Erich Fromm, Frankl nhận xét rằng thú vật có những bản năng để hướng dẫn chúng. Trong những chế độ xã hội Nguyên Thủy, chúng ta đã dần dần thay thế bản năng đó bằng những giá trị truyền thống. Và hiện nay, chúng ta đã không còn những bản năng như thế. Chúng ta cố gắng tìm hướng dẫn trong những giải thích từ sự phục tùng chung và những thông lệ đã thành nếp. Điều này đã là một cản trở chúng ta trong việc sử dụng tự do của mình để đi tìm ý nghĩa giá trị thật sự của riêng mình.

Theo ông: ý nghĩa con người phải được tìm thấy chứ không ai có thể dạy cho chúng ta được. Ý nghĩa cũng giống như tiếng cười không ai có thể bắt người khác cười được mà ta phải kể một câu truyện tiếu lâm trước. Khái niệm này áp dụng với các mảng tinh thần khác của con người như: niềm tin, hy vọng, tình cảm… Chúng ta không thể tin yêu, hy vọng và yêu thương dưới sức ép của người khác.

Theo ông, ý nghĩa là một quà tặng được khám phá chứ không phải do chế tạo. Ý nghĩa có một thực thể riêng của nó và độc lập với tâm trí của chúng ta. Giống như một bức hình ẩn.

Đây là hai bức tranh hiện diện để bạn nhìn thấy không phải do trí tưởng tượng của chúng ta. Nhưng không phải ai cũng nhìn thấy những hình thể ẩn chìm trong các hình vẽ A và B này, hoặc ý nghĩa của bức tranh này – nhưng chúng thật sự nằm ở đó. Khám phá ra ý nghĩa cũng tương tự như hiện tượng con mắt nhìn khi chúng ta khám phá ra những hình ảnh chìm trong hai bức tranh nói trên. Hãy thử xem. Khi nhìn hình A, bạn có tìm đủ được các hình vẽ các dụng cụ. Hoặc ở hình B, bạn có nhìn thấy một bãi biển có mặt trời thật lớn nằm ở phía trái của bức hình?

Những giá trị cổ truyền và những ứng xử truyền thống đang dần đần biến mất khỏi tâm thức của con người hiện đại. Tuy có gây cho chúng ta nhiều hoang mang nhưng không nhất thiết sẽ khiến chúng ta phải đau khổ và tuyệt vọng. Ý nghĩa không gắn liền với những giá trị xã hội. Tất nhiên là mỗi xã hội đều cố gắng trong việc tổng kết những giá trị ý nghĩa và vận dụng chúng vào một hệ thống xử thế, nhưng tựu trung lại, ý nghĩa vẫn là một phạm trù rất đặc trưng độc đáo và riêng biệt đối với mỗi chúng ta.

Theo ông: Con người cần được trang bị với khả năng lắng nghe và phục tùng nhiều yêu cầu và những lệnh truyền ẩn chứa trong muôn và n tình huống đến từ thử thách của cuộc sống. Vì thế trách nhiệm của bác sĩ và nhà trị liệu cũng như các nhà giáo dục nằm trong vai trò giúp đỡ con người phát triển lương tâm cá nhân, để họ đi tìm và xây dựng ý nghĩa đặc biệt nhất trong cuộc đời của họ.

5. Lực hút hiện sinh

Phấn đấu để đi tìm ý nghĩa của mình có thể gây ra những khó chịu. Những khó chịu này có thể dẫn đến những bệnh thần kinh liên hệ đến động năng hòa quyện thần kinh, hoặc được nhiều người gọi là thần kinh hiện sinh. Con người hiện đại thường có cảm xúc cô đơn trống rỗng, vô nghĩa, không mục đích, không có phương hướng xác định, mất phương hướng. Họ đã đối phó bằng cách vay mượn những ứng xử lệch hướng dẫn đến đau khổ cho chính mình, cho người xung quanh, cho xã hội.

Một trong những ẩn dụ so sánh mà ông thích nhất đó là ẩn dụ lực hút hiện sinh. Theo ẩn dụ này, nếu ý nghĩa cuộc sống là những gì ta khao khát thì trạng thái vô nghĩa sẽ trở thành một lỗ hổng, một sự trống rỗng bên trong mỗi chúng ta. Khi chúng ta có những khoảng trống, chúng sẽ trở thành một lực hút (như máy hút bụi). Lỗ hổng này sẽ hút mọi thứ để lấp vào khoảng trống ấy.

Frankl cho biết trạng thái lỗ hổng gây ra hiệu ứng lực hút hiện sinh trong xã hội hiện đại của chúng ta mà hiệu ứng của nó là sự nhàm chán. Ông chỉ ra rằng con người hôm nay thường có thói quen khi có điều kiện thuận lợi để làm điều họ rất muốn nhưng họ lại ngãng ra, không còn tha thiết làm nữa. Nhiều người khi về hưu (một sự kiện cần được chúc mừng) lại bị cuốn vào vòng lẩn quẩn với trạng thái bất an. Nhiều sinh viên vất vả dốc hết sức để vào được đại học nhưng sau đó lại quay ra mải chơi, đua đòi và lười biếng. Chúng ta chìm vào những thứ giải trí thụ động (thay vì văn hóa đọc, chúng ta vùi vào văn hóa nghe nhìn). Và cứ mỗi ngày chủ nhật qua đi lại là nỗi ám ảnh của ngày thứ hai đầu tuần với tâm trạng uể oải phải tiếp tục đi làm.

Thế là chúng ta lấp khoảng trống lực hút hiện sinh với những giá trị vất chất vì chúng cung cấp những thoải mãn tức thời. Nhiều người vẫn hy vọng rằng những giá trị vật chất này sẽ đáp ứng những thỏa mãn tối hậu. Chúng ta tranh thủ để có thật nhiều giá trị vật chất trong những phạm trù khoái cảm lạc thú, qua ăn uống, đi tìm cảm giác mạnh, ngoại tình, thuốc phiện, thể hiện đẳng cấp, chạy đua để tìm quyền lực, đeo đuổi danh vọng bằng tiền bạc và của cải, hoặc vùi mình vào công việc, phục tùng những giá trị xu hướng vay mượn, tuân thủ theo những giá trị truyền thống chung…

Hoặc tệ hơn nữa chúng ta tranh thủ khỏa lấp lực hút hiện sinh bằng những hành động hằn học, thiếu lành mạnh, bất chấp những tôn trọng cần thiết, tự hủy hoại mình và tấn công những đối tượng giá trị mà ta tin là nguyên nhân dẫn đến những bất hạnh của chúng ta. Chúng ta có thể sẽ trầm mình vào vòng xoáy thần kinh lẩn quẩn chẳng hạn như lo lắng thái quá, ám ảnh bởi đủ mọi nỗi lo âu mơ hồ, sợ sệt, co cụm, mất hết thái độ tự tin và tâm tình trong sáng với cuộc sống. Kết quả là chúng ta đã định nghĩa về những giá trị tạm bợ này trong mê cung vòng xoáy thần kinh lẩn quẩn rằng: Tất cả những phấn đấu chúng ta bắt tay vào làm sẽ chẳng bao giờ thành công và hoàn thiện.

Ông cho rằng trạng thái vòng xoáy thần kinh lẩn quẩn là trạng thái lo lắng tự nguyện. Một số người có thể quá sợ hãi mà vướng vào những triệu chứng có liên hệ đến một số cảm giác lo lắng đến độ các triệu chứng ấy được tin là không thể tránh khỏi. Đây là một hình thái mà ta quen gọi là tự kỷ ám thị. Chính những trạng thái lo lắng tự nguyện ấy đã dẫn đến nỗi lo sợ. Chẳng hạn như ví dụ lo lắng khi đi thi, vì bạn sợ đề thi khó hoặc khả năng làm bài thi của mình kết quả thấp, lo lắng khi đi thi ấy sẽ ngăn cản khả năng làm bài thi của bạn, dẫn đến trạng thái sợ các kỳ thi. Theo ông thì chúng ta đã tự nguyện rơi vào não thức lo lắng.

Một khái niệm tương tự khác là cố gắng một cách quá đáng. Đây là hội chứng cố gắng quá mức cần thiết, dẫn đến việc cản ngăn một cá nhân trong việc đạt được những gì anh ta muốn. Ví dụ chứng mất ngủ, nhiều người do sức ép công việc đã không thể ngủ được, tuy nhiên họ vẫn cứ cố gắng, qua rất nhiều biện pháp mà họ được chỉ định. Dĩ nhiên càng cố dỗ giấc ngủ họ càng thất bại và chu kỳ mất ngủ càng kéo dài hơn. Một ví dụ khác là chúng ta muốn mình là người bạn tình lý tưởng do sự giật dây của phương tiện truyền thông đại chúng. Đàn ông muốn mình phải bền bỉ và dai sức trong hoạt động giao hợp, hoặc phụ nữ phải có nhiều lần đạt được xúc cảm khi giao hợp. Vì những lo lắng thái quá này, nhiều người tuy có hoạt động tình dục bình thường đã nghĩ rằng mình không có khả năng đáp ứng. Cuối cùng vì tự kỷ ám thị và rồi điều lo sợ cuối cùng đã trở thành vấn đề thật sự. Họ đã đánh mất những cơ hội hưởng thụ từ người phối ngẫu. Nhiều người đã trở thành bất lực hoặc lạnh cảm.

Một trạng thái khác thường thấy nơi con người là trạng thái tự phản tỉnh quá mức cần thiết: Đây là trạng thái nghĩ quá sâu. Nhiều lúc ta mong đợi một điều gì đó sẽ xảy ra và chúng đã xảy ra thật, đơn giản bởi vì những hiện tượng xảy ra có sự gắn bó đến niềm tin và thái độ của chúng ta – một hiện tượng lý giải cho khái niệm nhập tâm mà tục ngữ Việt Nam có câu: Có thờ có thiêng, có kiêng có lành.

Frankl cung cấp một ví dụ về một phụ nữ có một kinh nghiệm tình dục tiêu cực khó quên từ thời thơ ấu và vì thế khi lớn lên đã phát triển không lành mạnh về khu vực này. Khi cô đọc những trang viết tâm lý về phạm trù đời sống tình dục và tin theo những giải thích viết trong ấy như. Những kinh nghiệm khó chịu thời bé sẽ có tác động tâm lý lâu dài sau này. Cuối cùng cô đã trở thành nạn nhân từ sự lý giải của chính mình (dựa trên những trang viết tâm lý kia).

Những khám phá của ông về lực hút hiện sinh được bắt nguồn từ những kinh nghiệm của mình trong thời gian sống ở trại tập trung của Đức quốc xã. Ông tìm thấy nhiều điều xảy ra trong cuộc sống hàng ngày đáng lẽ sẽ cung cấp cho chúng ta những cảm giác ý nghĩa như: công việc, gia đình và những niềm vui nho nhỏ của đời thường đã bị tước đoạt khỏi những tù nhân và tương lai của họ có vẻ cũng biến mất. Frankl đã nhận xét: Con người chỉ sống bằng cách nhìn vào tương lai. Những tù nhân mất niềm tin vào tương lai sẽ đánh mất cả cơ hội ham sống của mình.

Ngày nay rất ít người tìm trợ giúp từ liệu pháp tâm lý đã trải qua những tình huống tương tự như trong các trại tập trung. Frankl tin rằng đây là những vấn đề bắt nguồn từ trạng thái lực hút hiện sinh không chỉ phổ biến mà còn đang lan rộng và ăn sâu vào ngõ ngách các tầng lớp xã hội khác nhau. Ông nhận thấy những lời ca thán xảy ra ở khắp nơi về cảm giác vô dụng và bất lực mà ông cho rằng đó là kinh nghiệm xảy đến khi con người không còn hy vọng.

Ngay cả những cố gắng kinh tế và chính trị của thế giới hôm nay có thể xem là những dư âm của trạng thái vô dụng. Chúng ta nhận ra mình bị kẹt giữa xu hướng phục tùng tự động với ảnh hưởng của văn hóa tiêu thụ Tây phương, chủ nghĩa công xã, chủ nghĩa phát xít, cùng với những hình thái dân chủ khác... Tất cả đều ẩn chứa trong xã hội rộng lớn, vĩ mô, hoặc ẩn giấu trong chủ nghĩa độc đoán, dù ở thái cực nào vẫn khiến một cá nhân có những khát khao muốn lấp đầy những khoảng trống trong cuộc đời của họ.

Frankl tin rằng trầm uất, nghiện ngập và có thái độ hằn học là bộ ba tạo nên bệnh lý thần kinh công cộng. Ông đã mượn những kết quả nghiên cứu để chứng minh mối liên hệ giữa trạng thái vô nghĩa trong cuộc sống và những hành vi thiếu trách nhiệm như: tội phạm và nghiện ngập. Ông cảnh báo rằng bạo lực, sử dụng thuốc phiện và những hành vi tiêu cực vẫn thấy trên ti vi, trong phim ảnh, trong âm nhạc, đã thuyết phục rằng có người đói khát đi tìm ý nghĩa tin rằng họ chỉ có thể được cải thiện và đáp ứng bằng cách bắt chước những anh hùng trong ti vi và phim ảnh. Ngay cả trong thể thao, ông tin rằng đấy cũng là một kênh mô hình dẫn đến những biến thể phản ứng mang tính chất tranh đua hằn học.

6. Nguồn gốc bệnh lý các bệnh tâm thần

Frankl cung cấp những chi tiết về nguồn gốc của nhiều dạng bệnh lý tâm thần. Ví dụ, lo lắng được thấy do kết tụ của những lo lắng hiện sinh, những châm chọc của lương tâm. Khi một cá nhân không hiểu được nỗi lo lắng của mình đến từ cảm giác không hoàn thành được trách nhiệm và vì tin rằng mình thiếu những giá trị ý nghĩa, nên họ đã đem những lo lắng ấy gán cho những chi tiết khó khăn trong cuộc sống và coi đó là nguyên nhân gây ra những vấn đề. Ví dụ như chứng nghi bệnh, cá nhân mắc hội chứng này thường tập trung quá nhiều về những tín hiệu của cơ thể dẫn đến lo lắng thái quá về những căn bệnh nguy hiểm khác. Những người có nỗi lo sợ vô lý bắt đầu qui về những đối tượng trong quá khứ đã khiến họ lo lắng như rắn, rết, bóng tối. Chẳng hạn như người sợ tiếp cận với đời sống công cộng tin rằng nguy hiểm sẽ đến từ thế giới bên ngoài. Người sợ leo cao sẽ không thích leo cao. Vì thế lo lắng sẽ dẫn đến trạng thái khó chịu và hành vi của họ trở nên rất giới hạn.

Ông nhận xét rằng: Thỉnh thoảng, những căn bệnh thần kinh đã biến một thành viên trong gia đình trở thành một người độc tài. Nhiều người ngang bướng thái quá và tin đấy là cách để họ chứng minh mình đúng khi đối chiếu với người khác hay đối với chính họ.

Hội chứng rối loạn ám ảnh, không cưỡng được: có nguồn gốc hình thành tương tự. Người mắc hội chứng này thường hoang mang khi đi ra khỏi nhà và cứ sợ là mình đã chưa khóa cửa. Họ là những người không có cảm giác mình đã hoàn thành một công việc. Hầu như tất cả mỗi chúng ta bằng lòng với tất cả mọi việc mình thực hiện, chẳng hạn như đóng cửa vào ban tối, hoặc tắt bếp sau khi nấu xong nồi xúp, trong khi đó người có rối loạn ám ảnh không cưỡng được, cần đến một sự chắc chắn tuyệt đối vốn thường rất khó đạt được. Đơn giản là trạng thái luôn cầu toàn và hoàn thiện tuyệt đối là rất khó thực hiện được.

Nhà liệu pháp cần cố gắng giúp thân chủ của mình thư giãn và tránh những cố gắng chống lại các xu hướng trái ngược với tư tưởng và hành vi của họ. Xa hơn nữa, các thân chủ cần được mời gọi trong việc nhận ra những khuynh hướng tính khí tập trung vào não thức cầu toàn khó đạt được của họ. Để từ đó họ sẽ học cách chấp nhận những sự không chắc chắn lắm một chút. Thân thủ được khuyến khích rằng, những lo lắng là kết quả của trạng thái thiếu vắng một ý nghĩa của chính mình (thiếu tin tưởng nơi mình). Mục đính tối hậu của liệu pháp là những hội chứng rối loạn ám ảnh không cưỡng được (vốn là những lo lắng thần kinh) sẽ được giải phóng khi ý nghĩa thực sự được khám phá và khôi phục. Và lúc đó những lo lắng sẽ không còn thật sự cần thiết nữa.

Giống như nhiều nhà tâm lý hiện sinh khác, Frankl tin rằng tầm quan trọng của di truyền và những tác nhân sinh lý có một tác động rất rõ lên nguồn gốc gây ra bệnh tâm thần. Ông tin rằng trầm uất là do cơ thể trải qua tình trạng năng lượng ở mức thấp nhất, một trạng thái triệt tiêu hao mòn những năng lượng sinh lý. Ở cấp độ tâm lý, ông cho rằng trầm uất là những cảm giác không có khả năng bình thường khi chúng ta đối diện với những đòi hỏi vượt quá khả năng xử lý của chúng ta, kể cả khả năng tinh thần và khả năng sinh lý.

Ở cấp độ đời sống tinh thần, Frankl cho rằng trầm uất là tình trạng căng thẳng giữa những cảm giác dằn vặt vì có sự chênh lệch giữa con người yếu đuối cố hữu của một cá nhân và mô hình con người tuyệt đối lý tưởng. Khi mục đích có vẻ không đạt được, anh ta sẽ dễ đánh mất cảm giác về tương lai của chính mình. Theo thời gian, anh ta sẽ cảm thấy ghét bỏ chính bản thân mình, có thể anh ta sẽ hướng cảm giác tiêu cực hằn học ấy lên những người xung quanh và cả nhân loại nói chung. Khoảng cách chênh lệch không bao giờ biến mất kia giữa hiện thực và mô hình cầu toàn đã trở thành một khoảng cách không bao giờ lấp được.

Bệnh tâm thần phân liệt được Frankl hiểu có nguồn gốc đến từ những rối loạn chức năng tâm lý và tình trạng này xảy ra khi cá nhân mất hẳn sợi dây liên lạc với thực tế, vì thế anh ta coi mình là một hay nhiều đối tượng chứ không còn là một chủ thể độc lập nữa.

Hầu như tất cả mỗi chúng ta khi có một ý tưởng sẽ dễ nhận ra chúng đến từ bên hệ thống tâm thức của mình, chúng làm chủ những tư tưởng ấy. Với những người có bệnh tâm thần phân liệt (vì những lý do cho đến bây giờ chúng ta vẫn chưa hiểu rõ hết nguyên nhân) đã bị ép có một cái nhìn tiêu cực về những tư tưởng tiếng vọng trong đầu. Họ nhận ra những tư tưởng tiêu cực như những tiếng nói, họ sẽ quan sát và theo dõi chính họ, cuối cùng dẫn đến không còn tin tưởng vào bản thân của mình nữa. Kết cuộc là họ sẽ có những trải nghiệm thụ động, giống như chuyện họ đang bị theo dõi và sẽ bị đem ra xét xử.

Frankl tin rằng trạng thái thụ động này có cội rễ từ quá trình phóng đại xu hướng tự quan sát mình. Đây là trạng thái khi não thức của bệnh nhân có một sự tách rời bản thân thành hai phần: Mình là người quan sát và đồng thời mình cũng là người bị theo dõi, vì thế phần bản thân đang quan sát trở thành chủ thể có thật và phần bản thân bị quan sát trở thành chủ thể ảo. Hai chủ thể này sẽ tương tác và cá nhân ấy trở nên xa rời với thực tế hiện tại.

Mặc dù liệu pháp ý nghĩa không được thiết lập để đối diện với những trường hợp rối loạn tâm thần nặng, Frankl vẫn có cảm giác rằng liệu pháp này có thể giúp các thân chủ ít nhiều. Chẳng hạn ông tin rằng các bệnh nhân tâm thần phân liệt được khuyên hãy ngưng lại chuyện lắng nghe những tiếng nói trong đầu họ và ngừng hẳn việc quan sát bản thân mình, đồng thời hướng họ đến việc tìm lại những hành vi có ý nghĩa và nhà trị liệu có thể ngăn chặn được vòng khu kỳ tâm thần luẩn quẩn.

7. Đi tìm ý nghĩa

Vậy chúng ta sẽ đi tìm ý nghĩa như thế nào? Frankl thảo luận về 3 hướng chính. Qua những giá trị trải nghiệm, bằng cách chính chúng ta phải trải nghiệm về một điều đó, hoặc về ai đó mà chúng ta rất quan tâm đến. Điều này có thể trải nghiệm như kinh nghiệm cao nhất mà Maslow đã giới thiệu, hay như những trải nghiệm về cái đẹp (từ những tác phẩm của những họa sĩ lớn hay từ những kỳ quan thiên nhiên).

Ví dụ quan trọng nhất của giá trị trải nghiệm là tình cảm chúng ta giành cho người mình thương yêu nhất. Thông qua tình cảm, chúng ta có thể giúp người thân phát triển những giá trị ý nghĩa và thông qua quá trình ấy, chúng ta sẽ giúp mình hoàn thiện những giá trị bản thân. Theo Frankl, tình yêu là mục đích tối hậu và là mục đích cao nhất mà con người có thể khát khao vươn đến.

Frankl chỉ ra rằng trong đời sống hiện đại, nhiều người trong chúng ta đã có những nhầm lẫn về khái niệm và giá trị của tình yêu thật sự. Theo ông, đời sống tình dục không có tình yêu sẽ không khác gì là tình trạng thủ dâm. Đồng thời tất cả những phạm trù khác, khi không có tình yêu sẽ trở thành một dụng cụ được đem ra sử dụng, một phương tiện sinh ra kết quả. Đời sống tình dục chỉ có thể thật sự đạt được tính năng trọn vẹn và sung mãn khi có mặt của giá trị tình yêu.

Tình yêu là quá trình nhìn nhận và quý trọng nét đẹp riêng biệt của người thương bằng một tâm tình hiểu biết rất chân thật. Frankl tin rằng tình yêu thật sự chỉ tồn tại trong bối cảnh quan hệ cố định giữa hai cá nhân hoàn toàn giành cho nhau, không có người thứ ba khác. Đấy phải là một quan hệ một vợ một chồng. Nếu quan hệ thay đổi, đây sẽ là quá trình thay đổi đối tượng chứ không còn là quan hệ gắn bó giữa hai chủ thể.

Cách thứ hai để đi tìm ý nghĩa là qua những giá trị sáng tạo bằng cách làm một cái gì đó có ý nghĩa. Đây là ý tưởng của thuyết Hiện sinh và là phương cách để cung cấp cho mình một cơ hội nhìn thấy mình thông qua việc gắn bó và có trách nhiệm liên hệ với một đối tượng giá trị nào đó trong đời sống của mình. Những việc cần làm để tìm giá trị ý nghĩa của mình có thể về nghệ thuật chẳng hạn như hội họa, làm thơ, tự sáng chế và những việc làm có tính sáng tạo.

Frankl coi sáng tạo là một chức năng của cõi vô thức tinh thần và đây chính là lương tâm. Tính phong phú đa dạng của sáng tạo nghệ thuật chính là trực giác đã cho phép chúng ta nắm bắt được điều thiện. Ông ví dụ:

Một nghệ sĩ vĩ cầm luôn cố gắng kéo đàn hoàn toàn ý thức, điển hình là anh ta sẽ đặt cây đàn lên vai và bắt đầu kéo những động tác kỹ thuật cơ bản, anh ta muốn kéo đàn một cách có ý thức để lột tả được những cung bậc cảm xúc, nhưng điều này sẽ bó buộc và kìm hãm trạng thái xuất thân. Nghệ thuật chỉ đạt được đỉnh cao trong trạng thái xuất thân, đến từ cõi vô thức. Và để người nghệ sĩ tiếp tục biểu diễn thật xuất thần, người ta sẽ phải nói với anh: Anh hãy cứ kéo đàn như ma nhập đi - lúc đó nhạc của anh mới thật sự thoát xác và hóa kiếp!

Cách thứ ba để đi tìm giá trị ý nghĩa là tìm đến với những giá trị thái độ: Đây là những giá trị tinh thần thuộc phạm trù tình thương, lòng can đảm, biết khôi hài, những mất mát, đau khổ... Trong đó Frankl có vẻ rất hứng thú với những nỗi đau đớn của con người và coi đây là một phương cách để tự tìm thấy mình.

Ông đưa ra một câu chuyện: Một vị bác sĩ có một cô vợ trẻ qua đời và anh ta khóc thương thảm thiết. Frankl đã hỏi anh ta: Nếu anh chết trước cô ấy, chuyện gì sẽ xảy ra với cô ấy. Người bác sĩ trả lời: Sẽ rất thảm hại cho cô ấy! Frankl giải thích: Cô ấy chết đi là vừa được giải thoát khỏi điều thảm hại ấy và hiện giờ anh phải trả giá bởi đau khổ và khóc lóc. Nói khác đi, đau khổ là cái giá chúng ta trả cho tình yêu. Người bác sĩ nhận ra rằng suy nghĩ đau buồn về cái chết của vợ và nỗi đau hiện tại của anh đã cho phép anh ta đối diện với hiện thực. Sự đau khổ của anh có một giá trị ý nghĩa mới, lớn hơn chính những giọt nước mắt và tâm tưởng dằm xóc. Với giá trị ý nghĩa, đau khổ có thể chịu đựng được với những giá trị ý nghĩa tinh thần mới.

Ông cho rằng nhiều người có bệnh ung thư nặng đã không có được những cơ hội chịu đau một cách thật can đảm, để từ đó đạt được những giá trị nhân cách. Ta thường nói với họ: Vui lên nào! Hãy can đảm lên! Cứ lạc quan vào nhé! Chúng tôi sẽ chích thuốc giảm đau cho bạn. Và như thế, ta đã vô tình khiến họ cảm thấy nhỏ bé, yếu đuối, ngại ngùng, xấu hổ về sự đau đớn và nỗi buồn của họ. Hãy im lặng! ánh mắt cổ vũ của chúng ta sẽ là người đồng chí trong hành trình can đảm giúp họ cảm nghiệm được giá trị ý nghĩa trong nỗi đau.

Trong cuốn Con Người Đi Tìm ý Nghĩa (Man's Searchinh for Meaning), Frankl đã nói: Tất cả có thể bị tước đoạt khỏi tay con người trừ một thứ: Những giá trị tự do cuối cùng của họ - được chọn cho mình một thái độ trong bất cứ tình huống nào để xử lý vấn đề của mình.

8. Cõi siêu nhiên

Dù sao thì những giá trị vừa thảo luận như: giá trị trải nghiệm, giá trị sáng tạo và giá trị thái độ chỉ là những giá trị trỗi lên trên bề mặt của những khung cơ bản. Theo Frankl còn có nột ý nghĩa khác sâu hơn hay còn gọi là trạng thái siêu nhiên hay được hiểu như vượt qua giới hạn của mình. Và đây là lúc ta nhìn thấy quan điểm tôn giáo trong con người của Frankl đã được uốn cong: Suprameaning là ý tưởng cho rằng còn có một ý nghĩa tối hậu trong đời sống - một ý nghĩa - không phụ thuộc vào người khác, không ăn nhập gì đến những kế hoạch của chúng ta, kể cả phẩm cách của chúng ta. Ý nghĩa này được coi là đến từ Thượng Đế, là ý nghĩa tâm linh.

Chính tư tưởng này đã khiến tính hiện sinh trong học thuyết của Frankl khác với tính hiện sinh tìm thấy nơi Jean Paul Sartre. Sartre và những nhà hiện sinh học vô thần khác cho rằng đời sống hoàn có ý nghĩa chỉ khi nào chúng ta biết cách tìm ra can đảm để đối diện với điều vô nghĩa. Sartre nói rằng chúng ta phải học tập để chấp nhận sự vô nghĩa tối hậu, Frankl thì ngược lại tin rằng chúng ta cần học cách để chấp nhận sự bất lực của chúng ta, để từ đó có thể hoàn toàn hiểu được ý nghĩa tối hậu, bởi vì ý nghĩa tinh thần có giá trị sâu lắng hơn cả lý luận lôgíc rất nhiều.

Tất nhiên kinh nghiệm của Frankl trong trại tập trung đã đưa ông đến những kết luận này: Mặc dù với tất cả những áp lực sinh lý, những chức năng tâm thần nguyên thủy (dù trong trại tập trung) vẫn không ngăn cản đời sống tinh thần có cơ hội phát triển và vươn dậy, trong nhiều trường hợp sẽ trở nên sâu sắc lắng đọng hơn. Họ vẫn có thể co cụm để tránh né những khắc nghiệt của môi trường và bảo tồn trong đời sống nội tâm phong phú, tự do tinh thần. Đây là một tuyên ngôn trái ngược hẳn với cách nhìn của Sigmund Freud, nhất là khi Frankl nhận xét: Tôn giáo là một dạng thần kinh không cưỡng được mang tính toàn cầu của nhân loại.

Có thể hiểu rằng tư tưởng của Frank về tôn giáo và đời sống tinh thần rộng hơn tất cả những người khác. Thượng Đế qua lăng kính của Frankl không phải là Thượng Đế có chân dung như Thượng Đế trong cái nhìn truyền thống. Thượng Đế, theo ông, không phải là Thượng Đế có mẫu số chung cho tất cả mọi người. Càng không phải là Thượng Đế trong những mô hình tôn giáo. Thượng Đế theo Frankl chính là Thượng đế bên trong mỗi con người của một cá nhân, Thượng Đế của trái tim. Ông tin rằng ngay cả những người vô thần hay những người dị giáo và những người hoài nghi về sự hiện diện của Thượng Đế vẫn có thể chấp nhận ý tưởng siêu nhiên mà không cần đến khái niệm Thượng Đế. Có thể đây là lý do khi ông tin rằng:

Khái niệm tôn giáo vô thức: được bày tỏ qua những phân tích mang tính hiện tượng học, được hiểu như những liên hệ có khả năng siêu nhiên được cài đặt sẵn bên trong một con người.

Nếu có người hỏi tiếp, ông có thể trình bày hiện tượng này như một sự liên hệ qua mô hình mối quan hệ giữa bản thân nội tại và một thực thể siêu nhiên đối diện nào đó. Tuy nhiên sẽ có người muốn có một công thức cụ thể về Thượng Đế, ông sẽ đưa ra khái niệm siêu nhiên vô thức, vốn là một khái niệm tin rằng con người luôn luôn đứng trong một liên hệ với trạng thái siêu nhiên một cách không cố ý, thường ở cấp độ vô thức. Và nếu chúng ta cứ cố tình coi tiêu chuẩn không cố ý như một đặc tính của một Thượng Đế trong quan hệ vô thức, Thượng Đế ấy sẽ trở thành Thượng đế vô thức.

Cần chú ý là Thượng Đế vô thức không phải là một nguyên mẫu được nhắc đến trong học thuyết của Jung. Thượng Đế này là một Thượng Đế hoàn toàn siêu nhiên, nhưng mang tính năng cá nhân có liên hệ sâu sắc với con người. Theo Frankl, Thượng Đế tồn tại trong mỗi con người chúng ta, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng nhận ra sự hiện diện của Ngài và đó cũng chính là ý nghĩa tối hậu bên trong mỗi chúng ta. Nếu ngoảnh mặt với Thượng Đế bên trong mỗi chúng ta, đây sẽ là cội rễ của tất cả những bất an và những rối loạn đã được chúng ta đã thảo luận. Theo Frankl: Một khi vị thiên thần nhỏ bé bên trong mỗi chúng ta bị chèn ép, hắn sẽ nổi loạn trở thành một con quỷ.

9. Ứng dụng vào liệu pháp

Viktor Frankl được biết đến qua những chi tiết áp dụng trong kinh nghiệm lâm sàng về phương pháp trị liệu trong toàn bộ học thuyết của ông. Kỹ năng đầu tiên được nhắc đến là cố ý nghịch lý được áp dụng trong việc phá vỡ vòng xoáy tâm thần lẩn quẩn, hoặc tấn công vào những lo lắng tự nguyện vốn được nhìn thấy từ trước và não thức cố gắng quá đáng.

Liệu pháp cố ý nghịch lý là hãy ước muốn tất cả những điều ta sợ sẽ xảy ra. Một chàng trai trẻ luôn toát mồ hôi hột mỗi khi anh ta có việc tiếp xúc với đám đông được Frankl nói rằng, hãy cứ tiếp tục ước mình sẽ toát mồ hôi nhiều hơn nữa: Tôi toát một ca mồ hôi và giờ đây tôi muốn mình sẽ toát ra 3 ca mồ hôi nữa. Khi nghe thế, người thanh niên trẻ sẽ không làm được. Tuy nhiên đây là cách cố ý gây ra hiệu ứng phá vỡ vòng xoáy tâm thần lẩn quẩn, dù cách này thoạt nghe qua có vẻ rất mâu thuẫn, nhưng được chứng minh là có hiệu quả.

Khả năng tiếp cận một đối tượng vật cản đứng án ngữ giữa ta và cuộc đời hay những lần tự bước ta khỏi phạm vi giới hạn quen thuộc của mình luôn cần đến một khả năng và thái độ hài hước đối với cuộc sống. Theo ông: Tính khôi hài là vũ khí của tinh thần chống lại những thế lực khác để bảo vệ chính mình.

Để khắc phục tình trạng mất ngủ, một ví dụ khác được Frankl đưa ra: Bạn đừng lăn lộn trên giường và cố ép mình đi ngủ. Hãy ngồi dậy, hãy cố gắng thức càng lâu càng tốt mà khả năng bạn có thể. Mãi rồi bạn sẽ tự mình leo lên giường và ngủ.

Kỹ năng trong liệu pháp thứ 2 là tránh phản tỉnh. Frankl tin rằng nhiều vấn đề có cội nguồn từ việc chúng ta đã nhấn mạnh quá đáng về bản thân chúng ta. Bằng cách chuyển tập trung từ bản thân chúng ta sang nơi người khác, vấn đề thường tự thân nó sẽ biến mất. Chẳng hạn một cá nhân có khó khăn trong sinh hoạt đời sống tình dục của mình vì không có cảm giác thỏa mãn, nếu anh ta cố gắng nhắm đến mục đích đem lại những phút giây thoải mái cho đối tác của mình (chứ không phải vì mình) và quên đi nhu cầu khoái cảm của mình, rất có thể những ưu tư về tình trạng cương cứng dương vật sẽ biến mất, cảm giác thỏa mãn sẽ quay trở lại. Còn nếu cứ tập trung vào bản thân mình, anh ta rất có thể sẽ gặp nhiều nguy hiểm hơn. Hoặc ít nhất anh ta có thể lựa chọn không phải thỏa mãn cho ai cả.

Frankl tin rằng trong xã hội hôm nay, có quá nhiều những tập trung về phản tỉnh cá nhân: Từ những nghiên cứu của Freud, chúng ta được khuyến khích hãy nhìn vào bên trong chính bản thân chúng ta để tìm ra những động cơ sâu nhất cho những hành vi của mình. Frankl tin rằng đây là xu hướng xảy ra khi chúng ta trải qua những trạng thái thần kinh ám ảnh chung.

Frankl tin rằng việc nhìn vào chính mình, đặt quá nặng những tập trung vào bản thân chính là dấu hiệu vấn đề liên hệ tới những nhu cầu đi tìm giá trị ý nghĩa cho mình. Vì thế, những kỹ năng tránh phản tỉnh là bước đầu tiên cho liệu pháp, tuy nhiên đây không hẳn là mục đích của liệu pháp.

Có lẽ nhiệm vụ quan trọng cho nhà trị liệu là giúp đỡ các thân chủ trong quá trình khám phá lại những giá trị tôn giáo đang ngủ đông mà Frankl tin rằng luôn được cài đặt sẵn bên trong mỗi chúng ta. Quá trình này không thể là một quá trình cưỡng bức, tuy nhiên theo ông, tính năng tôn giáo chân thật tiềm ẩn bên trong chúng ta đến một lúc nào đó sẽ tự thể hiện. Sẽ chẳng ai có thể khơi dậy giá trị tôn giáo bằng cách bị thúc ép. Nhà liệu pháp phải tôn trọng thân chủ để họ tự khám phá ra ý nghĩa tôn giáo của thân chủ. Nên cần thiết chú ý đến giá trị tôn giáo ở nghĩa trung dung không nên coi một tôn giáo với giáo lý như vẫn thấy ngoài xã hội. Theo Frankl hãy để cho chính thân chủ tự khám phá ra ý nghĩa tôn giáo theo lăng kính của riêng họ.

Theo Frankl, sự hiện diện của cá nhân - ít nhất trong thời gian không bị tác động bởi những trạng thái nhiễu sóng do khúc xạ thần kinh - luôn luôn hướng đến những giá trị khái niệm tinh thần. Họ quan tâm đến những cá nhân khác bên ngoài khung hiện diện của họ. Đây là cách họ thể hiện ý nghĩa được làm một cái gì cho ai và tiếp cận với người khác qua những kênh tình cảm khác nhau. Frankl gọi đây là quá trình vượt qua chính bản thân mình. Đây là khái niệm khác hẳn với khái niệm đạt cảnh giới giác ngộ. Khái niệm đạt cảnh giới, khoái lạc, hạnh phúc chỉ là những phản ứng phụ của trạng thái vượt qua chính mình và sự khám phá ra ý nghĩa.

Ông đã mượn lời của Albert Schweitzer để nêu lên triết lý của mình: Ai trong các bạn biết tìm ra cách phục vụ người khác là người hạnh phúc nhất.

10. Kết luận

Nếu chúng ta không phải là người có xu hướng tôn giáo, chúng ta vẫn khó né tránh được thông điệp của Frankl: ở đó sẽ tồn tại, vượt qua cả những bản năng và những hệ gien ích kỷ, đàng sau cả những thí nghiệm phản xạ có điều kiện cổ điển, vượt qua những phạm trù văn hóa và sinh học vốn luôn có những áp lực rất rõ, ở đó sẽ có những tồn tại giá trị rất đặc trưng của nhân loại. Đấy là những giá trị đặc trưng riêng biệt của mỗi cá nhân.

Với lịch sử của ngành Tâm lý học và nhìn từ lăng kính khoa học chúng ta đã nhìn thấy những cố gắng của nhiều người trong việc gạt giá trị linh hồn ra khỏi danh sách ngữ vựng chuyên môn. C. George Boeree (2006) tin rằng: Đã đến lúc chúng ta cần đi theo bước của Frankl để khôi phục lại Tâm lý học sau bao nhiêu năm dã bị phân tích, nhất là qua thí nghiệm và mổ xẻ. Phải chăng khoa học đã đi quá xa và quá sâu (?)

Có thể nói rằng Frankl đã cố gắng đem tôn giáo vào tâm lý, ông đã làm được công việc đó một cách rất tế nhị và khéo léo mà vẫn không tạo ra cơn sốc nào. Thật khó có thể cãi với ông về những gì ông đã trải qua trong cuộc đời của mình. Và tuy nỗi đau đớn mất mát trong tù không thể tự động trở thành bảo chứng cho sự thật, nhưng ông đã lồng tôn giáo vào tâm lý bằng một ngôn ngữ uyển chuyển. Ông đã kêu mời chúng ta hãy đặt hiểu biết của mình về tôn giáo và ý nghĩa sự hiện diện của chúng ta, hoàn toàn không bởi những bằng chứng mà bằng những cảm giác, qua những trực giác và những liên hệ với những ai đã có niềm tin. Đây là một bước đi mạo hiểm và nhiều nhánh tâm lý hiện đại đã xây dựng từ những ý tưởng mang tôn giáo này. Nhất là ta bắt gặp những học thuyết nặng về tôn giáo như học thuyết của Carl Jung và Abraham Maslow.

Frankl, giống như Rollo May và nhiều người khác đã coi mình là những nhà học thuyết Hiện sinh. Nhiều học giả có xu hướng tìm đến gần với mảng tôn giáo cũng đều nghĩ như thế. Một điều thú vị là Kierkegaard đã đặt nền móng cho thuyết Hiện sinh, một khái niệm mà chính ông từ những ngày sinh tiền chưa bao giờ nghe thấy. Và niềm tin, tín lý, những khái niệm ấy yêu cầu mỗi chúng ta hãy từ bỏ sự hoài nghi của mình với Thượng Đế và hãy khiêm tốn trước một định luật nguyên lý vũ trụ nào đó. Nực cười thay chúng ta lại phải quay trở về với những nguyên tắc khái niệm cơ bản nhất của chủ nghĩa hiện sinh. Tôn giáo, kể cả tôn giáo tự do cởi mở – luôn luôn tin rằng điểm trung tâm của những giá trị tinh thần này là cội rễ về sự hiện diện của con người.

Và chủ nghĩa hiện sinh đã không đòi hỏi con người phải chấp nhận những điều rất khó chấp nhận này. Tuy nhiên họ chỉ mời gọi thân chủ trong việc mạnh dạn đi qua một lần trải nghiệm để tìm ra ý nghĩa hiện diện của mình.

Tác giả: Nguyễn Thơ Sinh
Previous Post
Next Post