Vì yêu nên nhớ. Vì yêu nên ghen. Vì yêu nên mới cố gắng hoàn thiện bản thân, chỉnh sửa một vài lối sống cá nhân cho phù hợp với người mình yêu và yêu mình…
Vì nhớ nên lòng đôi khi bất an. Vì bất an nên đôi khi tưởng tượng đủ thứ. Vì tưởng tượng đủ thứ nên càng bất an hơn. Vì bất an nên cần một lời an ủi, vỗ về, cần một điểm tựa tinh thần đủ vững chãi để vượt qua nỗi bất an ấy…
Vì ghen nên mới nói những câu đối thoại có tính chất nghi ngờ, và cần những câu trả lời chân thành, đáng tin cậy để không vu vơ làm cho cơn ghen lớn dậy…
Cuộc sống là vậy, những lý do được nêu ra để biện dẫn cho một hành động, lời nói, suy nghĩ nào đó. Và hành động, lời nói, suy nghĩ vừa diễn ra lại trở thành nguyên nhân để cho ra một kết quả mới, đôi khi tệ hại hơn trước và đôi khi là tốt đẹp hơn.
Đường dẫn của vì… nên… này có lúc logic và rất thuyết phục nhưng có khi cũng rất võ đoán, vô lý, là một sự ngụy biện của người nào đó (con người ta vốn có vô vàn lý do cho một suy nghĩ, lời nói, hành động). Lý do để làm, nói, nghĩ một điều gì đó tôi gọi là ý niệm. Nếu nghĩ, làm, nói một điều gì đó, việc gì đó với ý niệm lành (lợi mình, lợi người) thì kết quả sẽ lành. Bởi đó là chuỗi phản ứng nhân - quả nên nó tuân theo quy luật nhân quả.
Vì gieo hạt bưởi nên ta có trái bưởi. Vì đã gieo ớt nên ta sẽ thu hoạch ớt. Đương nhiên. Nhưng, thu được nhiều bưởi hoặc ớt hay không còn tùy thuộc vào sự chăm sóc hạt giống đã gieo, cây con và cả quá trình ra hoa, cho quả. Thời tiết (hay là những điều kiện khách quan) bên cạnh chánh nhân và điều kiện chủ quan (như sự chăm sóc…) cũng góp phần cho sự hình thành kết quả của một vụ mùa. Khi mình nhìn được như vậy, trong tư duy nhân - quả đã quán triệt trong nếp nghĩ, hành động thì mình sẽ biết chế tác những nhân lành, gieo vào mảnh đất tâm và chăm sóc cho nó ra những quả lành.
Vì biết “gieo gió gặt bão” nên mình sẽ không “gieo gió”. Vì biết gây khổ đau cho người khác là nhân và quả là mình sẽ khổ đau thì người ta sẽ không dám gây ra bất kỳ khổ đau nào cho bất kỳ ai (có con người và chúng sanh khác).
Và nếu biết, hạt giống đã gieo cần có sự chăm sóc tử tế để cho quả nhiều, quả to thì mình sẽ biết điều chỉnh, chăm sóc cho từng hạt giống nhằm làm cho nó tăng thượng duyên hoặc giảm thiểu kết quả không lành. Ví như, khi lầm lỗi, mình nhận ra đây là nhân xấu bởi hạt giống này đã gây ra nỗi khổ đau cho người, “đốt tan” cả mớ lành tốt mà mình đã dựng xây trước đó thì mình sẽ biết sám hối, xin lỗi, biết làm cho hạt giống ấy không mọc tốt tươi… Và quan trọng hơn là sau lần lầm lỗi ấy mình sẽ cẩn trọng hơn trong tư duy, hành động, nói năng; đạo Phật gọi sự cẩn trọng có ý thức ấy là chánh niệm!
Vẫn biết “hoa thường hay héo, cỏ thường tươi” nhưng nếu chịu khó nhìn sâu, có chánh niệm, có “phản quan tự kỷ”, biết tự phê bình một cách nghiêm túc, miên mật hầu cải tạo những hạt giống chưa tốt, tưới tẩm những hạt giống lành tốt thì mình sẽ có một mùa bội thu với những trái lành, trái ngọt…
Vì hiểu tình thương là gốc của hạnh phúc nên mình sẽ chế tác tình thương chân thật, không tính toán, không chiếm hữu… Vì hiểu rằng thương yêu cần phải hiểu người thương, hiểu bản thân mình hơn thì mình sẽ biết lắng nghe thật sâu, biết hài hòa lối sống của mình với người thương, biết tha thứ, biết bao dung, biết nâng đỡ…
Do vậy, kết quả của một nhân không phải là chết cứng, là nhất như không đổi thay mà nó cũng vô thường, chịu sự chi phối của vô thường nên đừng ngại lầm lỗi. Bởi có lỗi lầm mà biết lỗi lầm và cố gắng bước qua, chỉnh sửa thì có khi kết quả còn tốt hơn bội phần. Điều này phù hợp với lời đức Phật dạy: Ở đời có hai hạng người mạnh mẽ; một là người không bao giờ phạm lỗi (thánh nhân), hai là người phạm lỗi và biết sửa lỗi!
Lưu Đình Long
Nguồn: daophatngaynay.com