Thành kiến

Bức tường ngăn cách

Ta hay có thói quen nhìn vào bất kỳ đối tượng hay tình huống nào đang xảy ra trong thực tại bằng kinh nghiệm mà mình đã tích lũy được trong quá khứ. Có thể do một số kinh nghiệm cũ thích ứng phần nào với tình trạng thực tại, nên ta thường rất tin tưởng và tự hào về sự thông minh và nhạy bén của mình mà không chịu khám phá hay xét nét cẩn thận.

Nếu quan sát kỹ và công tâm nhìn nhận ta sẽ thấy cũng không ít lần mình đã tiên đoán sai và có những bước trượt rất đáng tiếc trong quyết định. Bởi vì mọi sự vật sự việc trong vũ trụ này vốn không ngừng vận động, có khi nó biến chuyển nội dung bên trong nhưng cũng có khi thay đổi cả hình dáng bên ngoài. Nó có thể hay hơn hoặc tệ hơn, chứ không bao giờ giữ nguyên một trạng thái.

Nhưng cuộc sống quá bận rộn nên ta thường không có nhiều thiện chí để nhìn bất cứ đối tượng nào cũng bằng tâm thức mới, sử dụng kinh nghiệm cũ có vẻ như khỏe và mau chóng giải quyết được vấn đề, và kết quả như thế nào thì may nhờ rủi chịu.

Một phần cũng do bản năng tự vệ của con người chưa thuần hóa còn nhiều vụng về thô thiển, nên khi phát hiện ra cái gì có tính cách ảnh hưởng đến quyền lợi của mình là phản ứng bảo vệ ngay lập tức, bằng những tâm lý như: nổi giận, phán xét, nghi ngờ, độc tài, kỳ thị… mà không chịu bình tâm để kiên trì quan sát và tìm hiểu rõ sự thể. Cho nên hầu hết mọi người đều không có thói quen tách rời kinh nghiệm cũ của mình khi quan sát thực tại, chính vì thế mà họ vẫn thường rơi vào nhận thức sai lầm và đánh mất đối tượng.

Như trong quá khứ ta đã từng bị người thân yêu lừa dối hay phản bội, cái vết thương ấy sẽ khắc ghi sâu đậm trong tâm thức, nên khi muốn thiết lập tình cảm với người mới thì ta rất hoang mang lo sợ. Đó là một lỗi lầm của tâm lý, vì có thể người mà ta đang tiếp xúc trong hiện tại hoàn toàn khác biệt với người cũ. Nhưng ta không đủ sức để vượt qua bản năng tự vệ của mình, ta đã cố nhiều lần nhìn người ấy như chính họ đang là, ta đã nhiều lần nhắc nhở mình người này không phải là người trước, và rồi cuối cùng ta cũng vẫn thất bại. Cố nhiên là vết thương lòng thì khó mà quên được, nhưng thay vì ta cần cho đôi bên những cơ hội vừa đủ để tìm hiểu nhau và tin tưởng nhau hơn, thì ta lại mang tâm thức nghi ngờ sự lừa dối hay phản bội ấy trong suốt cuộc hành trình chung bước với nhau. Bức tường ngăn che ấy chính là thành kiến.

Thành kiến chỉ đơn thuần là thái độ bám víu vào kinh nghiệm cũ để áp đặt lên thực tại, nên có thành kiến tốt và thành kiến xấu. Nói dễ hiểu là ta thường đeo mắt kính màu hồng và mắt kính màu đen khi nhìn người, nhìn đời. Nếu ta đã từng biết người kia rất dễ thương, bằng kinh nghiệm trực tiếp hay thông qua kinh nghiệm của người khác, thì khi gặp họ ta sẽ có thiện cảm và hết lòng ngay mà không cần phải quan sát hay khám phá gì thêm nữa. Đó là ta đang đeo mắt kính màu hồng, thấy họ nói cái gì cũng hay, làm cái gì cũng tuyệt. Bây giờ phương tiện truyền thông và quảng cáo rất mạnh mẽ, chỉ cần một bài báo ca ngợi hết lời về nhân vật đó thì lập tức trong ta nảy sinh ngay cảm tình, sau này có cơ hội tiếp xúc ta sẽ dễ dàng bỏ qua bước quan sát và thận trọng căn bản.
Trường hợp ta được biết người kia là kẻ xấu, dù thông tin ấy chưa có gì đảm bảo là chính xác, nhưng ta vẫn có khuynh hướng thích đeo mắt kính màu đen trước cho chắc ăn. Cho đến một ngày ta không còn khả năng lấy chiếc mắt kính màu đen ấy ra nữa, nhìn đâu cũng thấy một màu tăm tối, nhìn ai cũng dị ứng, thấy họ là những kẻ đang muốn hơn thua hay hãm hại mình. Từ thành kiến đi tới cố chấp là một khoảng cách rất nhỏ, nếu thiếu bản lĩnh để sẵn sàng tiếp nhận bất kỳ điều gì mới lạ xảy ra thì ta sẽ dễ dàng đóng băng những nhận thức mà mình đang có. Những người bị thành kiến khống chế sẽ không còn cơ hội để thấy được những giá trị màu nhiệm của sự sống đang hiện hữu, sẽ trở thành nạn nhân của lối sống u uất nặng nề, rất dễ đi tới mặc cảm lạnh lùng và bế tắc.

Giữ gìn con mắt trong

Cho nên tổ tiên thường khuyên “thấy sao để vậy”, hãy nhìn đúng sự vật sự việc như chính nó đang biểu hiện ra, chứ đừng nhìn như chính tâm trạng hay kinh nghiệm mà mình đang có. Cái đó là cái nhìn của con mắt trong, cón mắt không bị bụi đời làm vẩn đục. Từ lâu rồi, ta đã quên sử dụng con mắt thật thà và hồn nhiên vốn có của mình. Nhìn nhận bằng con mắt ấy ta thấy dễ chịu và gần gũi hơn, cơ hội thấu hiểu và thương yêu nhau sẽ dễ xảy ra hơn. Nhưng xã hội hiện đại có quá nhiều chiêu thức tinh xảo, vì nhu cầu hưởng thụ mà người ta không màng đến thật giả hay đúng sai, nếu không có một đời sống tỉnh thức và bản lĩnh thì ta sẽ khó phát hiện ra kịp thời và đủ sức để tách ly sự đồng hóa ấy.

Sống trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, ai ai cũng tranh thủ quyền lợi mà không quan tâm đến sự ô nhiễm tâm hồn thì ta cũng khó tránh khỏi. Lâu dần nó hình thành thói quen như một bản tính tự nhiên, mỗi khi ta phát hiện một vài hành vi của đối phương tương tợ như kinh nghiệm đã có thì ta vội vàng kết luận, phán xét. Đôi khi chỉ vì một người mà ta coi khinh rồi kỳ thị cả một đoàn thể, một truyền thống, hay một dân tộc. Bởi thói quen ích kỷ của con người là hễ thấy cái gì trái ngược hay tác hại đến mình là phòng ngự và sẵn sàng loại trừ nếu có thể. Cho nên một người có hiểu biết sẽ luôn ý thức giữ gìn con mắt trong của mình, can đảm chấp nhận những hư hao về tài sản và danh dự, tại vì nó quyết định cho một đời sống an bình và một liên hệ tình cảm tốt đẹp.

Ta nên nhớ là bản chất của vạn sự vạn vật là vô thường, thì con người cũng vô thường và kinh nghiệm cũng vô thường. Trong quá khứ người kia còn nhiều vụng về lầm lỡ thì bây giờ họ có thể đã thay đổi rất nhiều, ta hãy cho họ có một cơ hội được sống với con người mới trước ta, và ta hãy tự cho mình một cơ hội sống bằng tâm thức mới trước họ. Khó khăn nhất là đối với những người thân sống chung quanh ta, ta thường không dễ nhìn thấy sự chuyển biến và phát triển của họ. Người mẹ lúc nào cũng thấy con mình khờ dại chẳng biết gì, sự quan tâm và mong muốn luôn dựa trên kinh nghiệm cũ, nên vô tình giới hạn cơ hội trưởng thành của người con. Người vợ lúc nào cũng cho rằng mình đã hiểu hết chồng rồi, khả năng lắng nghe và quan sát không hề mài dũa, nên vô tình cô lập hóa cảm hứng sáng tạo và chuyển hóa của đối phương.

Sống với một người không biết ghi nhận những biến chuyển của mình, không thấy được mình đang có những nếp nhăn trên trán hay những khó khăn bế tắc trong lòng, để có một lời an ủi hay giúp đỡ kịp thời, thì đời sống ấy sẽ rất nhàm chán. Đó cũng là lý do mỗi khi ta gặp một người mới thì rất hân hoan vui sướng và muốn duy trì mãi giây phút được quan sát bằng con mắt không thành kiến. Đời sống vốn xuôi theo chiều hối hả, con người lại bị ảnh hưởng quá nhiều bởi kỹ thuật điện tử nên rất dễ trở thành kẻ sống hời hợt và cứng nhắc, cái gì lưu trữ vào não bộ của mình rồi thì không dễ gì lấy ra. Lối sống ấy là lối sống nhút nhát và tụt hậu, không can đảm mở lòng ra để cập nhật thông tin mới nhất từ đối phương, thì đừng hỏi tại sao sống với nhau mà không thể hiểu và thương nhau. Hiểu và thương là một quá trình luyện tập chứ không chỉ là vấn đề của ý chí.

Phần lớn ai cũng sợ buông bỏ xuống những kinh nghiệm của mình, vì nó được tích lũy trong một quá trình lâu dài gian khó, nên người ta thường xem nó như sinh mệnh của mình, nếu ai coi thường nói là coi thường chính mình, nếu không sử dụng nó thì ta sẽ không còn gì nữa cả. Lẽ dĩ nhiên có những kinh nghiệm rất hữu dụng, nhưng cái khó là ta không biết nên dùng vào lúc nào và liều lượng bao nhiêu. Vì trong khi sử dụng kinh nghiệm cũ thì ta thường không còn thiện chí để tìm hiểu khám phá thêm, mà kinh nghiệm cũ dù hay ho tới đâu cũng không bao giờ diễn đạt hết về thực tại. Cho nên giới hạn lối dùng kinh nghiệm cũ một cách máy móc là để ta không bị nó khống chế và cũng để ta trau dồi kỹ năng khám phá, sáng tạo. Bởi bản chất của con người và vũ trụ này luôn kỳ bí, ta phải có một con mắt trong suốt, vững vàng thì mới hy vọng tìm ra đáp số đúng.

Mỗi ngày ta hãy tập ngồi yên để thanh lọc lại kinh nghiệm vừa mới tích góp của mình. Nếu kinh nghiệm đó không có tính chất nuôi dưỡng khả năng hiểu biết và thương yêu thì ta không cần phải để nó chiếm quá nhiều dung lượng tâm thức. Những kinh nghiệm nào chỉ tồn tại như một thói quen ngẫu nhiên, trong vô thức mà ta đã lưu trữ, thì hãy đem nó ra phân tích và buông bỏ từ từ. Mỗi khi tiếp xúc với bất kỳ đối tượng nào, ta cũng luôn tự nhắc nhở hãy nhìn vào thái độ của mình, xem mình có đeo mắt kính màu hồng thiện cảm hay mắt kính màu đen ác cảm không? Nếu có thì sớm tìm cách dừng lại cuộc tiếp xúc đó mà trở về chỉnh đốn lại tâm lý của mình. Bằng lối sống tỉnh thức như thế, ta sẽ luôn có cơ hội nâng cấp nhận thức, mở rộng tầm nhìn, không để nó bị chai cứng hay xói mòn chỉ vì những quyền lợi ích kỷ nhỏ nhen.

Cái cũ tuy quen thuộc nhưng nghèo nàn, cái mới thường không dễ chịu nhưng có khả năng đem tới một không gian rộng rãi cho đời sống. Vậy ta còn ngại ngần chi mà không dám khai tử những ý niệm hay những kinh nghiệm vốn chỉ để bảo vệ cảm xúc nhất thời. Sự an bình và thảnh thơi của tâm hồn chỉ thật sự hiện bày ra khi nào những phiền não trong ta rơi rụng xuống.

Minh Niệm
Nguồn: cuclacgioi.com
Previous Post
Next Post