Tìm Cầu sự Bình An và Mãn Nguyện

Tầm Quan Trọng của Việc Khảo Sát Thực Tại Trong Một Hoàn Cảnh

Bình an nội tâm liên hệ đến sự tĩnh lặng trong tâm hồn. Những kinh nghiệm thuộc về cơ thể không nhất thiết định đoạt sự an bình trong tâm thức của chúng ta. Nếu tâm ta an lạc, thì tình trạng của cơ thể ở mức độ vật lý sẽ không giữ một vai trò quá quan trọng.

Thế thì hiện nay, liệu ta có phát triển được tâm bình an bằng cách cầu nguyện hay không? Không, điều này không thật sự xảy ra. Bằng sự rèn luyện thân thể thì sao? Không. Hay chỉ bằng cách tiếp thu kiến thức? Không. Bằng cách vô hiệu hóa cảm giác của mình? Không. Nhưng trong bất cứ tình cảnh khó khăn nào, nếu ta đối diện vấn đề bằng sự ý thức đầy đủ về lợi điểm và yếu điểm của bất cứ hành vi khả dĩ nào, cùng với hậu quả của nó, thì tâm ta sẽ không bị dao động và đó chính là sự bình an trong tâm hồn thực sự.

Lòng bi mẫn và sự tiếp cận vấn đề một cách thực tế là những điều cực kỳ quan trọng. Khi những hậu quả bất ngờ xảy ra và ta quá sợ hãi, đó là vì ta đã có cái nhìn không thực tế. Ta đã không thật sự thấy được tất cả những hậu quả khả dĩ và đó là vì ta thiếu sự tỉnh giác và hiểu biết. Ta sợ hãi vì ta đã không khảo sát vấn đề một cách kỹ lưỡng. Vì vậy, ta cần nhìn sự việc từ cả bốn phía, từ trên xuống dưới, để thấy được toàn bộ vấn đề. Luôn luôn có một khoảng cách giữa thực tại và bề ngoài của sự việc. Vì vậy, chúng ta phải khảo sát vấn đề từ mọi phương hướng.

Nếu ta chỉ nhìn một điều gì đấy, ta không thể thấy được là nó tích cực hay tiêu cực. Tuy nhiên, nếu chúng ta [khảo sát nó một cách rõ ràng và] nhận ra sự thật về một điều gì đấy, thì lúc đó, ta có thể đánh giá nó là điều tích cực hay tiêu cực. Vì vậy, chúng ta cần đánh giá hoàn cảnh của mình một cách hợp lý. Nếu ta bắt đầu khảo sát sự việc với lòng tham muốn, “tôi muốn có kết quả như thế này, kết quả như thế kia,” thì sự suy xét của ta đã có lòng thiên vị. Truyền thống Na-lan-đà (Nalanda) tại Ấn Độ cho rằng chúng ta luôn cần có sự hoài nghi và khảo sát mọi lĩnh vực một cách khách quan, kể cả tôn giáo.

Tầm Quan Trọng của Tấm Lòng Cởi Mở đối với Tha Nhân

Sự bất an và bất toại nguyện xảy ra là vì ta có một động cơ cực kỳ vị kỷ. Một cá nhân có quyền khắc phục khổ đau và có được hạnh phúc. Nhưng nếu ta chỉ nghĩ đến bản thân mình, thì tâm ta sẽ trở nên rất tiêu cực. Rồi thì một vấn đề nhỏ trở nên to lớn và tâm ta mất sự quân bình. Khi ta nghĩ về những người khác một cách thân thiết như chính mình, thì tâm ta sẽ cởi mở và rộng lượng hơn. Nhờ vậy, kết quả là thậm chí một vấn đề nghiêm trọng sẽ không có vẻ to lớn quá. Thế nên cách nhìn sự việc của ta sẽ tạo ra một sự khác biệt lớn lao trong cảm xúc của mình, đó là khi ta nhìn sự việc vì quyền lợi của riêng ta hay của mọi người.

Vì thế, có hai yếu tố quan trọng đối với sự bình an nội tại. Thứ nhất là sự tỉnh thức về thực tại. Nếu chúng ta tiếp cận sự việc một cách thực tế, thì sẽ không có những hậu quả bất ngờ. Thứ hai là lòng bi mẫn, nó mở ra cái mà ta gọi là “cánh cửa lòng mình”. Sự sợ hãi và ngờ vực chia cách chúng ta với những người khác.

Không Lo Ngại về Bề Ngoài của Mình

[Một điều khác khiến chúng ta mất sự an tâm là quá lo lắng về bề ngoài của mình]. Thí dụ như khi tôi viếng Bắc Kinh lần đầu tiên, tôi không có kinh nghiệm gì cả. Lúc đó, tôi hơi bồn chồn và băn khoăn. Nhưng rồi tôi thấy rằng có một số người khi quá lưu tâm về bề ngoài của họ, gương mặt họ sẽ đỏ bừng khi điều gì sai sót xảy ra. Nhưng nếu họ có thể cởi mở tấm lòng và không lo ngại nếu điều gì sai sót xảy ra, thì họ sẽ không có vấn đề gì cả.

Thí dụ, vào năm 1954, khi tôi ở Bắc Kinh, vị Đại sứ Ấn Độ đã đến gặp tôi tại phòng riêng. Chính quyền Trung Hoa đã chuẩn bị trang trí rầm rộ với nhiều hoa trái và v.v…, và họ một mực yêu cầu tôi phải có một thông dịch viên nói tiếng Hoa. Thế là câu chuyện của tôi phải được chuyển dịch từ Tạng ngữ sang Hoa ngữ, rồi đến Anh ngữ, mặc dù một số nhân viên của tôi biết tiếng Anh. Vào lúc ấy, đống trái cây rơi xuống đất và thế là những nhân viên người Hoa trước đấy rất bảo thủ và nghiêm trang, đã phải bò càng trên sàn nhà để lượm chúng lên. Nếu như trước đó, họ không lo ngại về bề ngoài của mình, có lẽ họ sẽ không có vấn đề gì. Nhưng điều này đã làm họ rất lúng túng.

Một lần nọ, ở thành phố Mễ Tây Cơ, trong một cuộc hội nghị liên tôn giáo, có một tu sĩ Nhật Bản. Ông cầm một tràng hạt trên tay và xâu chuỗi bỗng nhiên bị đứt. Ông vẫn tiếp tục lần tràng hạt mặc dù các hạt chuỗi đã rơi khắp nơi trên sàn nhà. Ông quá bối rối để nhặt chúng lên. Ông đã không có một thái độ tự nhiên vì ông quá lưu tâm đến phong cách của mình.

Dù thế nào đi nữa, lòng bi mẫn, vị tha, chân thành và trung thực là những yếu tố rất quan trọng trong việc mang đến sự tĩnh lặng trong tâm hồn của bạn, khiến bạn không quan tâm đến ngoại hình của mình. Tôi không bao giờ nói rằng tôi là một người đặc biệt, nhưng từ kinh nghiệm của bản thân, tôi không thấy lo lắng về cách hành xử của mình khi đứng trước mặt hàng nghìn người. Tôi thường nói chuyện với hàng nghìn người tại các buổi diễn thuyết như hôm nay và đối với tôi, nó giống như chỉ nói chuyện với một vài người. Nếu như có điều gì sai sót xảy ra, tôi sẽ quên nó đi và coi như không có vấn đề gì cả. Nếu những người khác cũng phạm phải sai sót, thì tôi chỉ cười xòa.

Chuyển Hóa Nội Tâm

Sự chuyển hóa nội tâm liên quan đến lĩnh vực cảm xúc. Có một loại chuyển hóa nội tâm xảy ra một cách tự nhiên qua sự trưởng thành theo tuổi tác, và một loại khác xảy ra vì những tình huống bên ngoài. Những loại chuyển hóa này xảy ra một cách tự động. Những loại chuyển hóa nội tâm khác xảy ra là nhờ sự nỗ lực của bản thân, và đây là loại chuyển hóa chính mà chúng ta muốn có được: chuyển hóa nội tâm theo ý muốn. Đây là ý nghĩa chính.

Ở đây, chúng ta không nói đến kiếp sống tương lai của mình, sự cứu rỗi, hay thiên đàng, mà đang tìm hiểu phải làm cách nào để cho đời sống hiện tại có được nhiều hạnh phúc và bình an hơn, bất kể những khó khăn và rắc rối nào có thể xảy ra. Đối với vấn đề này, những yếu tố chủ yếu mà ta phải đối diện gồm có tâm sân, hận, sợ hãi, ganh tỵ, nghi ngờ, cô độc, căng thẳng, và v.v… Tất cả những điều này liên hệ đến thái độ tinh thần căn bản của chúng ta.

Chúng xuất phát từ thái độ quá ư vị kỷ. Đối với chúng ta, khi ta trải qua những cảm xúc này, tự ngã là điều quan trọng tột đỉnh và điều này dẫn đến sự ganh tỵ. Từ thái độ ái ngã, ta chỉ cần một sự khó chịu nhỏ nhặt nhất để tạo ra sự giận hờn, và giận hờn đưa đến sợ hãi. Ta không quan tâm đến người khác; ta chỉ nghĩ về chính mình. Ta nghĩ rằng những người khác cũng chỉ lưu tâm đến bản thân họ, và chắc chắn là họ không quan tâm đến ta. Vì vậy, ta cảm thấy cô đơn. Ta nghĩ rằng, “mình không thể nương tựa vào những người khác,” và thế là ta nghi ngờ những người ở trước mặt ta, những người ở bên cạnh, và thậm chí càng nghi ngờ những người ở sau lưng ta hơn nữa.

Khi ta nghĩ về vấn đề này, điều đơn giản về tính chất của con người là ai cũng hoan nghênh sự thân thiện của người khác. Nếu ta mở rộng mối quan hệ thân hữu, hầu hết mọi người sẽ hưởng ứng một cách tích cực. Còn đối với những cảm xúc tiêu cực mang đến sự lo lắng và v.v…, ta cần một số biện pháp để đối trị chúng. Thí dụ, nếu ta cảm thấy quá nóng nực, ta sẽ giảm nhiệt độ của máy lạnh, hay nếu chúng ta muốn xua tan bóng tối, không có cách nào khác hơn là thắp đèn lên. Điều này đúng ở mức độ vật lý. Sự thay đổi có thể xảy ra khi ta áp dụng một năng lực đối kháng – nhờ vào thiên nhiên. Nhưng điều này không chỉ đúng trên lĩnh vực vật lý, mà còn đúng trên lĩnh vực tinh thần. Vì vậy, ta cần phải đối kháng quan điểm hay lập trường của mình bằng một quan điểm trái ngược [chẳng hạn như đối lập với tâm vị ngã và nghi ngờ là sự quan tâm đến người khác và thái độ thân thiện.]

Lấy thí dụ về một bông hoa vàng. Nếu tôi nói, “Nó màu trắng,” vì một nguyên nhân nào đấy và một lúc sau, tôi lại cho là nó màu vàng, thì đây là hai nhận thức mâu thuẫn nhau. Ta không thể có cả hai trong cùng một lúc. Ngay khi tôi có một nhận thức về màu vàng, ý thức của màu trắng lập tức biến mất. Chúng trực tiếp đối lập nhau. Vì thế, một phương pháp để tạo ra sự thay đổi trong nội tâm là phát sinh ra một trạng thái đối lập của tâm thức.

Một nguyên nhân đơn thuần khác có thể tạo ra khó khăn là sự vô minh. Năng lực đối kháng cho điều này là sự học hỏi, phân tích và khảo sát. Đó là vì vô minh căn cứ vào vấn đề không nhìn thấy rõ thực tại. Vì vậy, năng lực đối kháng với vô minh là sự phân tích. Tương tự như thế, năng lực đối lập với tâm ái ngã là sự quan tâm đến người khác và điều này thiết lập sự rèn luyện tâm thức [hay tịnh hóa thái độ của chúng ta.]

Đạo Đức Thế Tục

Về cách rèn luyện tâm thức của chúng ta [hay tịnh hóa thái độ của mình,] câu hỏi được đặt ra là liệu điều này có cần phải liên quan đến tôn giáo hay tâm linh hay không, và tôi nghĩ đơn giản là nó không có liên hệ gì với tôn giáo cả.

Còn về mặt tâm linh thì có hai loại: một loại gắn liền với tôn giáo và tín ngưỡng và một loại thì không có hai yếu tố này. Loại tâm linh không có tôn giáo và tín ngưỡng là điều mà tôi gọi là “đạo đức thế tục”. “Thế tục” không có nghĩa là bác bỏ tôn giáo, nhưng đúng hơn là một thái độ bình đẳng đối với tất cả các tôn giáo và tôn trọng mọi tôn giáo. Thí dụ, hiến pháp Ấn Độ tôn trọng tất cả các tôn giáo; nó là một hiến pháp thế tục. Vì thế, mặc dù cộng đồng Parsees hay Hỏa giáo (Zoroastrian) rất nhỏ ở Ấn Độ - chỉ có vài trăm nghìn tín đồ so với hơn một tỷ người ở Ấn Độ - tuy vậy, họ có một vị trí bình đẳng trong quân đội và lĩnh vực chính trị.

Khi chúng ta nói về đạo đức thế tục, điều này cũng bao gồm đạo đức cho những người không có tín ngưỡng. Trên nền tảng căn bản của đạo đức thế tục, ta có thể mở rộng đạo đức và sự tôn trọng của ta đối với cả loài vật. Và cũng như thế, một phần khác của tâm linh hay đạo đức thế tục là việc chăm sóc môi sinh. Thế nên, về mặt thế tục, chúng ta cần trau giồi tâm mình; chúng ta cần bồi bổ đạo đức thế tục. Sáu tỷ con người trên hành tinh này cần phải làm thế. Các hệ thống tôn giáo có thể giúp cho sự trưởng dưỡng đạo đức thế tục phổ quát phát triển lớn mạnh hơn – tôn giáo là một phương pháp bổ sung để hỗ trợ cho sự tăng trưởng của nhân tố này. Các hệ thống tôn giáo chắc chắn không có mục tiêu làm suy yếu nền đạo đức thế tục.

Thế thì khi chúng ta nói về đạo đức thế tục, ta có một thái độ bất bộ phái. Nếu một cá nhân theo bất cứ một tôn giáo nào mà dấn thân hoạt động để phát triển nền đạo đức thế tục, thì họ thật sự là một hành giả tôn giáo. Nếu họ không làm thế, thì dù cho họ có đi đến thánh đường hay một đền thờ Hồi giáo, hoặc một giáo đường Do Thái, tôi vẫn nghi ngờ họ có thật sự là một hành giả tôn giáo chân thành hay không.

Đức Dalai Lama thứ 14
Alexander Berzin sao chép
Previous Post
Next Post