Đây là bài học mà chúng ta nhận
hiểu được từ ngay cuộc đời của đức Phật. Khi Ngài còn là Thái tử sống trong cung
vua, từ trên vua cha đến ngay như công chúa Da Du Đà La không ai muốn Ngài đi
tu cả. Điển hình là vua cha luôn tìm đủ mọi phương cách cột chân Ngài ở lại để
giữ ngai vàng, vì vậy khi Ngài vừa lớn lên là đã vội lập gia đình cho Ngài và
tạo nhiều thú vui, ngõ hầu làm cho Ngài quên lãng ý nguyện xuất gia. Nhưng dù
ngũ dục đầy đủ, ngai vàng chờ sẵn vẫn không cột giữ được Ngài. Thái tử đã vượt
ra bỏ lại hết tất cả, chỉ bao nhiêu đó thôi là chúng ta lạy Ngài suốt đời vẫn
chưa đủ.
Quí vị thử kiểm lại bản thân mình
xem đã bị cột mấy phần so với sự trói buộc của Ngài? Ít hơn, nhẹ hơn đối với
Ngài nhiều lắm! Vậy mà chúng ta không thể vượt ra được. Còn Ngài, nhiều sự trói
buộc như thế mà vẫn vượt qua hết.
Ngài đã vượt qua hết mọi chướng
ngại, vượt thành xuất gia để giải quyết việc lớn của thế gian này là vấn đề sinh
tử, không phải chỉ riêng cho bản thân mình mà còn vì ích lợi cho tất cả chúng
sinh. Đó đúng là ý nghĩa ở trong trần lao mà vượt khỏi trần lao. Và sức mạnh đó
mới là sức mạnh tinh thần phi thường, còn sức mạnh của người lực sĩ mạnh nhất
thế gian vẫn không thể sánh.
Nhà thiền có kể câu chuyện về
Thiền sư Thâm và Hòa thượng Minh. Hai vị trên đường đi đến sông Hoài nhìn thấy
một người lưới cá, chài được con cá to. Con cá ấy từ trong lưới nhảy vọt ra về
sông lại, Thiền sư Thâm nhìn thấy bèn thốt: “Giỏi thay! Này huynh Minh, giống
hệt một nạp tăng.” Hòa thượng Minh nói: “Đâu bằng buổi đầu đừng vào trong lưới
thì hay hơn.” Khi ấy, Thiền sư Thâm nói: “Huynh Minh, ông vẫn còn chưa ngộ.”
Hòa thượng Minh vẫn còn chưa
tỉnh. Đến khi hai huynh đệ về nhà trọ nghỉ đến khuya thì Hòa thượng Minh mới
nhận ra được điều ấy.
Quí vị chọn trường hợp nào? Như
có nhiều người cũng nghĩ như Hòa thượng Minh là buổi đầu đừng bị mắc lưới để
khỏi tốn công vượt ra thì hay hơn. Lý luận này mới nghe thì hay nhưng nghĩ lại
thì chưa. Chỗ thực tế là chúng ta đang ở trong lưới mà từ trong đó nhảy ra được
mới hay, còn nếu chỉ lý luận thì suốt đời cũng ở trong lưới. Vì vậy mà Thiền sư
Thâm mới nói: “Huynh Minh chưa ngộ.”
Đây là điểm để chúng ta thấy dù
lý luận cao siêu hay trí thức thế gian cũng rất dễ gạt người. Vừa mới nghe điều
gì đó thấy có lý nhưng thực tế ngẫm lại thì không phải. Bởi thực tế chúng ta
đang ở trong cái lưới sinh tử trần lao, điều quan trọng là chúng ta khéo vượt
ra được thì mới quý, nếu chỉ lo lý luận: “Phải chi trước kia đừng vào hay hơn,
vào làm gì để ngày nay phải nhọc tìm cách thoát ra …,” nếu lý luận như vậy suốt
đời thì vẫn ở mãi trong lưới.
Chúng ta thường bị lý luận gạt
gẫm, bởi trí thức thế gian thì luôn ở trong chiều tương đối, nên nhiều khi nghe
thì thấy hợp lý nhưng cần phải xét sâu để khỏi bị lý luận gạt. Xin nhắc tất cả
là chúng ta đang ở trong lưới trần lao, trong bùn lầy sinh tử đây mà vượt ra
được thì đó mới là người giỏi. Đây là “bài học” để tất cả chúng sinh sau này
thấy gương sáng đi theo. Cho nên, Đức Phật ra đời không giống các vị thần linh
hiện xuống liền thành Phật, mà Ngài ở thế gian giống như một con người, cũng có
sinh ra lớn lên, có cha mẹ, có hưởng ngũ dục mà vẫn từ đó vượt ra.
Qua đó, chúng ta thấy rằng Đức
Phật là một con người như mọi người mà vẫn giác ngộ, chúng ta bắt chước theo
thì cũng sẽ giác ngộ được như Ngài. Nếu như Ngài ở trên trời hiện xuống liền
thành Phật thì ngày nay sẽ không có mấy ai tu để cầu giác ngộ thành Phật hết vì
nghĩ : ‘Ngài là siêu nhân, là Thánh thiện quá, còn ta là phàm phu thì làm sao
theo được!’. Ở đây, Ngài hiện thân là một con người khéo biết vượt qua trần
lao.
Như câu chuyện Ngài dạo bốn cửa
thành, khi thấy cảnh người già, người bệnh, người chết liền thức tỉnh và hình
ảnh giải thoát của vị Sa-môn đã thúc đẩy Ngài quyết tâm xuất gia cầu giải
thoát. Ngược lại, chúng ta thấy cảnh người già, bệnh, chết ấy được bao lần rồi?
Và tỉnh được bao nhiêu? Chính nhờ Đức Phật đi trước, Ngài để lại đầy đủ công
thức và con đường đi đến giác ngộ, vậy mà chúng ta vẫn chưa chịu đi. Còn lúc
ấy, Đức Phật chưa có gì phải tự mò mẫm, và Ngài băn khoăn thắc mắc tìm phương
tiện để giải quyết vấn đề.
Ngài thấy người sống trên đời tại
sao lại phải già, phải chết …, nên hỏi Sa-nặc: “Có phải ai trên đời này cũng
đều phải bị già bệnh rồi chết không?”, Sa-nặc đáp: “Thưa Thái tử, đúng như
vậy.”
Khi ấy, Ngài nghĩ là phải tìm cho
ra phương cách giải quyết vấn đề này, không chịu cúi đầu chấp nhận. Đó, chính
là chỗ khác người của Ngài. Còn chúng ta vì thấy ông bà tổ tiên của mình đều
như vậy thì mình cũng như vậy là việc thường nên dễ chấp nhận. Còn Ngài thì
không chấp nhận như vậy mà quyết tìm con đường vượt ra, quyết tìm cho được
nguyên nhân đưa đến sinh già bệnh chết, tìm được nguyên nhân thì có cách giải
quyết và Ngài đã thành công. Chính lý 12 nhân duyên mà Ngài đã phát minh là
nguyên nhân sinh tử, nếu cắt được 12 nhân duyên là giải thoát.
Như vậy để thấy rằng đức Phật đã
mở đường đi và để lại công thức cho chúng ta rồi nên chúng ta chỉ còn một việc
là đi theo bài học giác ngộ đó. Tức là không để đời mình phải đắm mê trong sinh
tử này mãi, người giác khác người mê là ở chỗ biết vươn lên. Đó là điểm thứ
nhất.
2. Buông tất cả tìm cầu bên ngoài mà quay trở về tìm lại chính mình
Đọc lịch sử Đức Phật, chúng ta
thấy khi Ngài vượt thành xuất gia tìm đạo, ban đầu, trên đường đến Tỳ-xá-ly
Ngài học đạo với tiên nhân Bạc-già-bà. Nhóm này tu khổ hạnh như: Có vị đứng co
chân suốt ngày, có vị nằm trên gai, đất hay miểng chai, có người nằm trên lửa …
Quý vị so thấy chúng ta không thể sánh kịp với công hạnh cần khổ của những vị
ấy, chỉ tiếc là các vị chưa có chánh kiến, chưa tìm được con đường giải thoát
rõ ràng.
Khi ấy, Ngài hỏi: “Các ông tu khổ
hạnh như vậy để cầu quả báo gì”, tiên Bạt-già-bà đáp: “Chúng tôi cầu tiêu
nghiệp khổ được sinh lên cõi trời.” Ngài nói: “Chư
thiên tuy hưởng nhiều sự vui nhưng khi phước hết cũng phải chịu luân hồi, cũng
lạc vào trong khổ thú. Lối tu của các ông là đem cái khổ để đổi lấy cái vui giả
tạm. Ví như khách hàng hải vì của báu mới chịu khó nhọc ra biển, vị quốc vương
vì đất đai mới đem binh đánh dẹp các nơi, nhưng của báu và đất đai không phải
lúc nào chúng cũng thuộc về mình. Vậy lý tưởng của các ông không phải là con
đường giải thoát cứu cánh.”
Ý nói những người đi buôn ngoài
biển cốt tìm của báu, và vị vua đem quân mở rộng bờ cõi để có đất đai. Nhưng sự
giàu có và uy quyền chỉ được thời gian nào thôi, rồi cũng tắt thở, cũng bỏ lại
tất cả, nào có đem theo được gì! Đó chỉ là cái vui giả tạm, chưa phải là con
đường giải thoát cứu cánh, nên Ngài chưa mãn nguyện, lại từ giã và tiếp tục đi
tìm đạo giác ngộ.
Kế đó, Ngài đi đến gặp đạo sĩ
A-la-la-ca-lan dạy về pháp thiền Vô sở hữu xứ. Đối với thế gian thì đây là pháp
thiền rất cao, người Phật tử chúng ta chưa chắc đã đạt đến trình độ này. Bởi
đây là kiếp sống chót của đức Phật nên chỉ trong thời gian ngắn là Ngài đã học
hết sở học, giáo lý của vị thầy. Và Ngài cũng chứng đạt được đến trạng thái
định Vô sở hữu xứ của ông thầy, tức thấu suốt và thực chứng những điều thầy đã
dạy chứ không phải chỉ trên lý thuyết. Cuối cùng, Ngài đến hỏi: “Này đạo hữu
Ca-la-ma có phải đây là mức tận cùng của giáo lý mà đạo hữu nói rằng đạo hữu đã
chứng ngộ bằng trí tuệ và trực giác và sống ẩn náu trong sự thành đạt ấy
chăng?”. Đạo sĩ đáp: “Đúng vậy, đây chính là giáo lý mà tôi đã chứng ngộ và ẩn
náu trên sự thành đạt ấy. Đây là mức sâu rộng tận cùng của giáo lý.” Ngài nói:
“Hỡi đạo hữu, tôi đã chứng ngộ và cũng ẩn náu trong sự thành đạt ấy rồi.”
Nếu ở thế gian, khi người học trò
chỉ trong thời gian ngắn mà đã học hết chỗ sở trường của thầy thì sao? Thì
người thầy sẽ không vui và đố kỵ. Thường người thầy thế gian luôn để lại một ít
nghề phòng thân mà không dạy hết cho học trò, nhưng vị đạo sĩ này rất tốt, nghe
học trò trình bày như thế mà không khởi lòng ganh tị, lại vui vẻ mời học trò ở
lại để cùng chia phần giáo hóa.
Đạo sĩ nói: “Hỡi này đạo hữu, tôi
lấy làm hoan hỉ! Thật vậy tôi vô cùng hoan hỉ được gặp một người bạn đồng tu
đáng kính như đạo hữu.”
Đây là điểm mà từ người cư sĩ cho
đến người xuất gia nên học bài học này. Nếu có được một người đồng tu như vậy
là quá hay rồi! Nhưng thường người ta hay đố kỵ, sợ người sau bằng mình hay hơn
mình, đó là điều không tốt. Ở đây, ông mừng vui nói: “Giáo lý mà tôi đã chứng
ngộ và tuyên bố thành đạt, đạo hữu cũng chứng ngộ bằng tuệ giác và ẩn náu trong
sự thành đạt ấy thì chính tôi cũng chứng ngộ bằng tuệ giác và tuyên bố thành
đạt. Và như vậy giáo lý mà tôi đã biết thì đạo hữu cũng biết, ngược lại giáo lý
mà đạo hữu biết thì tôi cũng đã biết, tôi như thế nào thì đạo hữu cũng như thế
ấy, vậy hãy đến đây để cùng nhau hợp sức dẫn dắt nhóm đạo sĩ này.”
Đây là điều khiến chúng ta phải
kính nể. Thấy học trò bằng mình vẫn không có lòng đố kỵ, lại mời ở lại để cùng
nhau giáo hóa, đó chính thật là tâm của người thầy.
Bấy giờ, Thái tử không chấp nhận
vì Ngài thấy giáo lý này chưa đáp ứng được con đường giải thoát rốt ráo nên
Ngài lại từ giã đi tìm gặp đạo sĩ Uất-đầu-ca-ma-la-tử, có chỗ gọi là
Uất-đầu-lam-phất tại khu rừng ngoài thành Vương-xá. Vị đạo sĩ này dạy cho Ngài pháp
định Phi tưởng phi phi tưởng xứ, là pháp định cao nhất thế gian.
Cũng như lần trước, học không bao
lâu là Ngài học hết của ông thầy và chứng đạt được thiền định cao nhất, song
Ngài cũng thấy đây chưa phải là rốt ráo viên mãn. Nên trong kinh Quá Khứ Hiện
Tại Nhân Quả, Ngài có kể một đoạn là Ngài hỏi vị tiên nhân: “Môn định Phi tưởng
phi phi tưởng mà đạo trưởng nói là có ta hay không có ta? Nếu không có ta thì
chẳng gọi là phi phi tưởng, nếu có ta thì cái ta ấy là có biết hay không có
biết? Nếu không biết thì đồng với gỗ đá, còn có biết thì tâm đó phan duyên, tâm
đã theo duyên thì tất có nhiễm trước mà đã nhiễm trước thì đâu phải là giải
thoát.” Vị tiên nhân nghe Ngài nói im lặng không trả lời. Ngài biết chưa rốt
ráo nên cuối cùng cũng từ giã luôn.
Đây cũng là những bài học giác
ngộ cho chúng ta. Nếu người ham danh một chút thì gặp trường hợp này liền cho
là đủ rồi liền ở lại, vì được vậy là mình đã ngang bằng thầy rồi, được chia
phần giáo hóa với thầy. Nhưng Ngài thấy rằng nếu ở lại thì không tiến nữa, chưa
đến được giải thoát.
Riêng Ngài khi nhận thấy lối tu
chưa rốt ráo liền sẵn sàng bỏ đi không hối tiếc, cuối cùng Ngài từ giã hết và
quay lại chính mình. Rồi Ngài tự mình tu tập bằng con đường khổ hạnh suốt 6
năm, thấy chưa có kết quả lại buông bỏ và đến cội Bồ-đề ngồi thiền định suốt 49
ngày đêm và cuối cùng được giác ngộ viên mãn.
Do vậy, mà sau này Ngài thường
tuyên bố là “Ta học đạo không thầy”. Vì đạo này không ai chỉ cho Ngài, những
lối tu khác đều có thầy hướng dẫn thì Ngài đã từ giã tất cả. Sau khi thành đạo,
trên đường từ Bồ-đề đạo tràng đến thành Già-da, vị đạo sĩ Upaka tu khổ hạnh
nhìn thấy vẻ mặt của Phật sáng sủa khác người nên cảm kích liền hỏi: “Này đạo
hữu, ngũ quan của đạo hữu thanh tịnh, nước da của đạo hữu thật tươi sáng. Đạo
hữu xuất gia với ai? Thầy đạo hữu là ai? Và đạo hữu truyền bá giáo pháp của
ai?”. Đức Phật liền nói bài kệ đáp: “Như Lai đã vượt qua tất cả, đã thông suốt
tất cả, đã thoát ly tất cả mọi ràng buộc, từ bỏ tất cả không còn ái nhiễm, tự
mình từ bỏ tất cả thì không còn ai là thầy.”
Ngài học đạo không thầy, nhờ vượt
qua tất cả nên Ngài đã thành tựu. Tức là phải từ ngay nơi mình phát ra, sự giác
ngộ chân thật không có từ bên ngoài. Nghĩa là không ai có thể thay thế điều này
cho mình được, giác ngộ là từ tâm giác ngộ chứ đâu thể tìm bên ngoài. Ông thầy
đâu thể giác ngộ cho mình được; Kinh điển cũng không giác ngộ cho mình được.
Quí vị có thể học kinh điển nhưng giác ngộ không có trong kinh điển.
Kinh điển chỉ là văn tự ghi chép
lại sự giác ngộ chứ không có giác ngộ trong đó, những mẫu tự ABC thì đâu thể
giác ngộ. Con người hiện nay dễ lầm điều này, chỉ lo phân tích trên kinh điển,
trên ý nghĩa giác ngộ… nhưng không tìm sự giác ngộ nơi chính mình. Đó là đi xa,
là mất gốc nên tìm hoài không thấy giác ngộ. Đôi khi trong quá trình tìm và
nghiên cứu nhiều sinh lao nhọc nên chẳng những không thấy giác ngộ mà còn thêm
phiền não. Như quí vị đọc tụng kinh hay dụng công nhiều quá sẽ bị mệt mỏi, nếu
khi ấy ai nói động đến thì dễ nổi sân hơn lúc bình thường.
Khi chúng ta đã hiểu được ý nghĩa
giác ngộ chân thật không có từ bên ngoài, thì phải tìm lại ngay tự tâm của mình
mới có sự giác ngộ. Bởi tánh giác ở ngay nơi tự tâm của mỗi chúng sinh, tức là
tự tánh của chúng sinh vốn thanh tịnh, sáng suốt không hề ô nhiễm nên gọi là
Phật tánh, chính đó là chỗ mà mỗi người cần phải phát minh để sống trở lại, là
chỗ giác ngộ chân thật. Còn tìm những sự giác ngộ bên ngoài thì chỉ là phương
tiện, là giác ngộ trên chữ nghĩa.
Nên trong kinh Vô Thượng Y, phẩm
Như Lai Giới có đoạn nói: “Tất cả các đức Như Lai thuở xưa, lúc còn ở địa vị tu
nhân khi chưa thành quả Phật, thì các ngài đã biết chúng sinh giới tự tánh là
thanh tịnh mà bị khách trần phiền não làm vẩn đục. Các đức Như Lai đều nghĩ
rằng khách trần phiền não chẳng vào trong tánh thanh tịnh của chúng sinh được,
bợn nhơ phiền não này ngăn che bên ngoài là do sự suy tư hư vọng tạo thành.
Chúng ta vì tất cả chúng sinh mà nói pháp vi diệu sâu xa để trừ phiền não
chướng cho họ. Chúng ta chẳng nên sinh tâm khinh thường mà vì lòng đại lượng
đối với các chúng sinh khởi tâm tôn trọng, cung kính như bậc thầy. Khởi
Bát-nhã, khởi trí huệ, khởi đại bi, Bồ-tát y theo năm pháp này được vào ngôi vị
bất thối chuyển.”
Tức lúc còn là Bồ-tát tu hành
Phật nhân thì biết rõ tự tánh của chúng sinh là thanh tịnh, có sẵn tánh Phật
nên các Ngài không dám khinh chúng sinh. Ngài nói chúng ta chẳng nên khinh
thường một ai, đối với các chúng sinh khởi tâm tôn trọng … được vậy là Bồ-tát
vào ngôi vị bất thối.
Nếu các vị hiểu sâu nghĩa đó thì
sống với nhau rất tốt, không dám khinh ai. Giống như Bồ-tát Thường Bất Khinh
trong kinh Pháp Hoa không dám khinh ai vì Ngài thấy ai cũng đều có tánh Phật.
Mọi người sở dĩ có sự khác biệt là do mê lầm của nghiệp riêng, Phật tánh thì
không có tướng này, tướng kia, không có tướng lớn nhỏ, đen trắng nên đâu có sai
biệt, vậy đâu dám khinh ai. Mỗi khi có niệm khinh thường ai thì tánh Phật bị
che rồi, đây là lẽ thật.
Điều này không phải do Ngài suy
tư rồi lý luận ra mà chính nó là như vậy, Ngài giác ngộ nó là như vậy, lẽ thật là
như vậy. Mỗi chúng sinh và tất cả chúng ta đều có tự tánh thanh tịnh sáng suốt
dù bị những bợn nhơ che đậy nhưng phải biết nó chỉ che bên ngoài chớ không dính
gì trong đó hết. Chính vì không dính nên khi mọi người tu hành tương ứng thì
liền có giác ngộ, nếu có dính mắc thì nó làm hư mất tánh giác, rồi lại bị vô
thường nên khó có giác ngộ. Còn đây dù có bợn nhơ nhưng chỉ dính bên ngoài
giống như cái gương, bụi chỉ dính bên ngoài mà không liên quan gì đến ánh sáng
của gương, nếu chúng ta lau thì gương sáng trở lại.
Thường chúng ta hay dùng ngôn ngữ
thế gian khi lau gương thì nói “Tôi lau gương” lời này chưa chính xác. Nếu
gương mà lau được thì nó không còn là gương. Lau được thì nó sẽ mất sáng của
gương, là lau được cái sáng luôn rồi. Sự thật lau là lau bụi chớ không phải lau
gương nhưng ngôn ngữ thế gian thường nói là lau gương, dùng từ đúng là phải nói
“lau bụi”. Bụi dính bên ngoài, lau hết bụi thì gương sáng chớ đâu phải lau
gương. Thì đây cũng vậy, bợn nhơ phiền não dính bên ngoài, những phiền não bị
gạn lọc thì tự tánh thanh tịnh tự hiện chớ không phải do mình tu mà nó sáng.
Nhà thiền thường nhắc đến tinh
thần “vô sở đắc” (không chỗ được). Tức không phải do mình tu mà được, thấy có
được là bị bệnh. Nhà thiền luôn nhắc nếu cho mình “được” là bị bệnh, bởi đâu có
gì đâu là được. Chỉ gạn những cái dối ra và tánh giác đã sẵn có. Mỗi người đều
có tự tánh thanh tịnh, là cái gốc sáng suốt cao quý như vậy, tại sao mình không
sống với cái cao quý mà lại sống với bợn nhơ bên ngoài rồi than thở? Cho nên,
chư Phật luôn nhắc chúng sinh phải hằng nhớ lại tánh thanh tịnh sáng suốt sẵn
có của mình để trở về nguồn giác.
Vậy, sự giác ngộ này không thể
tìm cầu bên ngoài mà phải tìm ngay chính mình, nên Thượng sĩ Tuệ Trung ở Việt
Nam là người cư sĩ nhưng tâm giác ngộ đạt đến trình độ cao siêu, đó cũng là tấm
gương để nhắc Phật tử đừng mặc cảm mình là người cư sĩ khó tu đến giác ngộ.
Ngài Tuệ Trung vốn là một vị tướng, tuy bận nhiều việc mà vẫn giác ngộ được.
Thượng sĩ có làm bài kệ “Thị Chúng” để nhắc nhở mọi người cũng giống như ý này:
Thôi tìm Thiếu Thất với Tào Khê
Thể tính sáng tròn chẳng từng mê.
Nào ngại xa gần trăng vẫn chiếu
Thấp cao gió thổi chẳng ưa chê.
Ánh thu đen trắng tùy duyên hiện
Sen nở hương nồng chẳng dính nhơ.
Khúc nhạc xưa nay nên gảy hát
Chớ tìm Nam
Bắc với Đông Tây.
Thôi tìm Thiếu Thất với Tào Khê,
thể tính sáng tròn chẳng từng mê. Ý nói không cần phải tìm đến Thiếu Thất nơi
Tổ Bồ-đề-đạt-ma ngụ hay chốn ở của Lục Tổ cho xa xôi, bởi thể tính sáng tròn
chưa từng mê, không phải chạy tìm bên ngoài.
Nào ngại xa gần trăng vẫn chiếu,
thấp cao gió thổi chẳng ưa chê. Tức trăng lúc nào cũng chiếu mà không nói xa
gần. Gió thổi cũng chẳng chê chỗ cao chỗ thấp, vẫn bình đẳng.
Ánh thu đen trắng tùy duyên hiện,
sen nở hương nồng chẳng dính nhơ. Sen từ trong bùn mọc lên, hương sen tỏa ra
không dính trong bùn. Để chỉ tánh giác của mình ở trong bùn lầy trần gian nhưng
không dính. Tìm là tìm chỗ đó chớ đừng tìm xa xôi.
Khúc nhạc xưa nay nên gảy hát,
chớ tìm Nam Bắc với Đông Tây. Khỏi phải tìm đâu xa hết. Không cần chạy qua đến
Thiếu Lâm Tự hay đến Tào Khê để tìm giác ngộ nơi đó, cũng vậy không phải qua
đến Bồ-đề đạo tràng để tìm giác ngộ, đó chỉ là di tích. Chúng ta đến viếng lễ
di tích của Phật Tổ thôi chớ không phải tìm giác ngộ ở những nơi đó, mà chính
vì giác ngộ chỉ có ở chính mình. Đó là nhắc chúng ta phải soi lại chính mình
chớ chạy tìm bên ngoài, thể tánh vốn tự tròn sáng chưa từng mê, phải nhớ để
sống trở lại. Tức là khách trần phiền não không thể đến được trong đó, cho nên
phải buông những cái bên ngoài, những cái hư dối thì tự nó sáng.
Vì vậy, Ngài nhắc chớ tìm Nam Bắc
với Đông Tây. Chạy tìm bên ngoài thì không thể thấy được mà càng lạc. Nhắc
chúng ta tìm giác ngộ là tìm ngay tự tâm của mỗi người chớ không thể tìm ở bên
ngoài. Chính cái tâm đi tìm đó là chỗ cần tìm chớ không đâu khác. Chúng ta lo
đi tìm cái này cái kia, giờ chỉ cần tìm lại chính cái tâm đi tìm đó là xong.
Nhưng mọi người thường lo đi tìm lung tung bên ngoài còn chính cái tâm đi tìm
này lại bỏ quên, trong khi chính nó là gốc. Nhà thiền gọi đó là đem tâm đi tìm
tâm, còn ngay cái tâm đi tìm nhớ lại nó là liền sáng, là xong việc. Tóm lại, chúng
ta phải xoay lại ngay tự tâm chính mình.
Phật dạy trong kinh Kim Cang,
Bồ-tát phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên sinh tâm không có chỗ trụ.
Còn chúng ta phát tâm thì phải có chỗ này chỗ kia để trụ, ở đây dạy là không có
chỗ trụ. Mà sinh tâm không chỗ trụ tức là sao? Tức là buông hết tất cả để trở
về chính mình. Có chỗ trụ là bên ngoài, sinh tâm không chỗ trụ tức là buông hết
không trụ nơi nào cả, trở về chính mình thì đó là tâm Bồ-đề.
Học đạo rất là đơn giản nhưng
chúng ta không chịu đơn giản, muốn trụ chỗ này chỗ kia chỗ nọ, trụ đủ thứ hết
thành phức tạp. Khi buông hết thì sẽ trở về chính mình. Như trong kinh Kim Cang
nói Bồ-tát không trụ nơi nào cả tức là an trụ. Tâm mà không trụ chỗ nào hết là
an trụ, mà an trụ là tâm Bồ-đề. Vì có trụ là còn đang chạy nên phải trụ, còn
buông hết không chỗ nào trụ thì tự nó an trụ, đó là tâm Bồ-đề. Học giác ngộ là
học trở lại chỗ này thôi chứ không gì khác.
3. Quyết tiến không lùi
Đây là điểm quan trọng. Đọc sử
Phật, khi Ngài tu khổ hạnh không mãn nguyện nên cuối cùng nhận bát cháo sữa của
nàng Sujata rồi đến tòa kim cang ngồi và phát nguyện: “Nếu không thành đạo thì
quyết không rời khỏi đây.” Đó là bài học giác ngộ lớn cho chúng ta. Chúng ta
nên học theo Ngài nhưng cũng nên học vừa sức thôi, phải liệu sức. Vì đây là
cuộc đời cuối cùng của Ngài trước khi thành Phật nên sức mạnh tròn đủ, chắc
chắn thành Phật. Còn sức chúng ta chưa bằng Phật mà muốn bắt chước thì không
nổi đâu. Nhưng ở đây chúng ta học tinh thần quyết tiến không lùi đó, chớ đừng
bắt chước hôm nay về ngồi thiền không thành đạo thì không đứng dậy. Phải lượng
sức mình.
Người phát tâm học đạo tu hành
cần học tinh thần tiến tới, tức học đạo càng lâu, càng sâu thì phiền não càng
bớt chớ không thể thêm. Học đạo lâu phải thêm sức tỉnh giác chớ không thể thêm
sức mê, đó là tinh thần phải học theo. Phải tiến lên chớ không được lùi. Chúng
ta tự kiểm học đạo được mấy năm rồi thì phiền não thêm hay bớt? Nếu không bớt
hoặc đứng tại chỗ cũng không được, ít nhất là phải nhích tới một chút chớ không
được đứng tại chỗ. Đó là tinh thần cần phải học theo.
Phải quyết tiến, khi gặp khó khăn
khổ nạn chừng nào thì chí mình càng kiên cố, đừng gặp khó khăn rồi buông xuôi,
mà càng gặp khó thì chí mình càng cứng chắc, càng vững để vươn lên như cá nhảy
khỏi lưới. Nên mỗi năm khi lễ kỷ niệm ngày Phật thành đạo thì chúng ta phải thế
nào? Là phải tiến sâu thêm vào đạo, rồi đem tâm đó để dâng lên cúng Phật và lễ
Phật thì mới thật có ý nghĩa. Mỗi người phải luôn nhớ bài kệ Tứ Hoằng Thệ
Nguyện để luôn luôn sách tấn chính mình.
- Chúng Sinh Vô Biên Thệ Nguyện
Độ: Chúng sinh dù nhiều vô biên không có bờ mé nhưng phải thệ nguyện độ hết chứ
không phải độ nửa chừng, không phải nhìn ai đó không thích rồi không độ, đó mới
là tinh thần tiến tới. Tinh thần Bồ-tát là dù chúng sinh thuận hay nghịch cũng
đều nguyện độ hết, chớ không phải chúng sinh này nghe lời nên độ, còn chúng sinh
kia không nghe lời nên không độ. Phải tập mình có cái tâm rộng lớn để vươn lên
và đây cũng là tinh thần phá ngã. Phật tử trong đạo tràng học theo tinh thần như
vậy thì sống với nhau rất là vui vẻ. Chúng sinh nguyện độ hết thì huynh đệ
trong đạo tràng chẳng lẽ không độ? Do đó lâu lâu có buồn vui chút chút thì nên
xóa, hiểu được vậy rồi thì luôn tiến chớ không lùi.
- Phiền Não Vô Tận Thệ Nguyện
Đoạn: Thệ nguyện độ hết phiền não, độ sạch chớ không phải độ một chút, phần còn
lại thì để dành. Có nhiều Phật tử sợ độ hết phiền não rồi buồn, theo tinh thần
này thì phải độ sạch hết, chưa hết thì chưa thôi. Thông thường ở thế gian nếu
ai đó làm cho mình bực tức nóng giận thì hay nói là tôi chỉ nhịn lần thứ nhất
thôi chứ lần hai lần ba thì không nhịn nữa, vì người đó chỉ đoạn lần thứ nhất
chứ những lần sau thì không đoạn nữa, còn đây là phải nguyện đoạn dứt. Đó là
tinh thần quyết tiến không lùi.
- Pháp Môn Vô Lượng Thệ Nguyện
Học: Nghĩa là pháp môn nhiều vô lượng thệ học hết, không phải học chút ít rồi
cho là đủ mà phải học hoài, không được học nửa chừng. Có người thấy mình học
vài bộ kinh là thấy đủ, nhưng đây thì càng học càng thấy mình còn mê, không có
là tinh thần tự mãn nên sẽ tiến bộ luôn luôn.
- Phật Đạo Vô Thượng Thệ Nguyện
Thành: Dù Phật đạo vô thượng nhưng chúng ta vẫn quyết phải thành tựu, không
phải chỉ tu cầm chừng để được quả báo cõi trời là mãn nguyện. Phải quyết tu đến
thành Phật đạo mới thôi.
Đây là bốn thệ nguyện rộng lớn
nhằm mở rộng lòng người tu hành để luôn tiến không lùi.
Kinh Duy Ma có câu: “Trực tâm thị
đạo tràng”, tức tâm ngay thẳng chất trực đó là đạo tràng. Nếu tất cả khéo học
đạo như vậy thì mau có kết quả tốt. Trực tâm tức là tâm ngay thẳng. Từ khi mới
phát tâm cho đến hết cuộc đời hiện tại chỉ thẳng một tâm là bảo đảm học Phật
rất tinh tiến. Nhưng thường thì chúng ta không được như vậy. Khi mới phát tâm
thì rất dũng mãnh, đến nửa chừng thì cong cong trở lại. Người tu mới quyết tâm
xuất gia rất mạnh, không ai cản được, nhưng vào chùa ít lâu rồi thì một hai cái
nhỏ nhỏ cản cũng được nữa, đó là tâm đã cong rồi. Chúng ta phải giữ “Trực tâm
là đạo tràng”, ngay đây là đạo tràng chớ không phải tìm đạo tràng đâu xa hết.
Học Phật là học theo tinh thần đó, cũng là những bài học giác ngộ. Quý Phật tử
thấy ba điểm đó chúng ta học suốt đời đủ chưa?
Đây xin nhắc lại lời của Thiền sư
Đạo Nguyên: “Học đạo là học tự ngã, học tự ngã là để quên tự ngã.” Nói học đạo
chủ yếu là học tự ngã chớ không gì hết! Tức là để sáng tỏ lại chính mình, rõ
được mê lầm của mình, biết cái nào là thật - không thật, cái nào là lầm - không
lầm để rõ lại chính mình. Nếu chúng ta sáng tỏ chính mình thì càng sáng đạo,
còn chúng ta chỉ lo học điều này điều kia, tìm ở đâu đâu có khi tìm hoài không
thấy đạo.
Khi đã rõ được cái mê tức là
giác, bởi vì giác là giác cái mê. Phật cũng từ chúng sinh mà thành Phật, tất cả
chúng sinh đều có Phật tánh, tức đều có tánh giác, điều này đã được đức Phật
xác nhận trong kinh Đại Bát Niết-bàn. Vậy thì ai ai cũng đều có cội nguồn giác
ngộ, trí tuệ sáng suốt như Phật, chớ không phải là chúng sinh tối tăm này. Và
quê hương của chúng ta là tánh giác, còn tánh chúng sinh không phải là quê
hương của chúng ta. Nên chúng ta hiện giờ cần phải trở về quê giác chớ không
thể sống mãi trong kiếp lầm mê, tức là không thể làm khách phong trần, lang
thang xứ người mãi. Như trong kinh Pháp Hoa nói chàng cùng tử gốc là con ông
trưởng giả chứ không phải là người đi xin ăn, là sở hữu cả gia tài đồ sộ, vì
vậy mà cần trở về nhận lấy gia tài đó, đừng để đi xin ăn từng ngày.
4. Tóm kết
Xin nhắc lời Phật vừa thành đạo
đã thốt lên: “Xuyên qua nhiều kiếp sống luân hồi, Như Lai thênh thang đi và đi
mãi. Như Lai đi tìm mãi mà không gặp, Như Lai đi tìm mãi người xây cất nhà này.
Lặp đi lặp lại mãi đời sống thật là phiền muộn. Này hỡi người thợ làm nhà, Như
Lai đã tìm được người rồi, từ nay ngươi không còn cất nhà cho Như Lai được nữa.
Tất cả sườn nhà đều gãy, cây đòn dông của người dựng lên cũng bị phá tan. Như
Lai đã chứng quả vô sinh bất diệt và Như Lai đã tận diệt mọi ái dục.”
Đó là lời “tuyên ngôn chiến
thắng” trong kiếp luân hồi. Ngài kể là đã đi qua và đi mãi trong nhiều kiếp
sống luân hồi. Giống như chúng ta hiện nay đã đi được mấy lần rồi? Thật ra
chúng ta đã đi không biết bao nhiêu lần rồi, nhưng đã thấy đủ chưa? Vẫn còn
muốn tiếp tục nữa!!!
Ngài nói là Như Lai đi tìm mãi mà
không gặp người thợ cất căn nhà, bởi vậy mà đời sống này cứ lặp đi lặp lại. Cứ
mỗi lần sinh ra rồi chết, sinh ra rồi chết mãi. Đến đây Ngài lại nói: “Này hỡi
người thợ làm nhà, Như Lai đã tìm được ngươi rồi, không thể cất nhà cho Như Lai
nữa.” Ngang đây Ngài giải thoát không còn sinh tử nữa, dứt khoát không xây nhà
ngũ uẩn này. Ngài chứng vô sinh, tận diệt mọi ái dục nên mới gọi là tuyên ngôn
chiến thắng trong kiếp luân hồi. Tất cả người học Phật nhất định phải có một
lần tuyên ngôn chiến thắng này. Trên lịch sử nhân loại đây là lần đầu tiên Đức
Phật đã mở màn đạo giác ngộ trên thế gian, Ngài là con người có lịch sử, còn
những vị Phật như Phật Ca-diếp, Phật Nhiên Đăng thì đã quá xa, nên sự thành đạo
của Ngài là sự kiện rất trọng đại.
Đây là điều nhắc cho tất cả chúng
ta chớ có đi theo con đường mê lầm này mãi, mà phải quay đầu trở lại không để
cho kẻ làm nhà này gạt. Dù chưa được như Phật dứt khoát không làm nhà, nhưng
chúng ta cần điểm mặt nó để không bị gạt.
Tất cả chúng ta có duyên lành lớn
là có người mở đường đi trước rồi chỉ lối đi nên không phải mò mẫm khó khăn như
Phật. Chúng ta đã có sẵn bản đồ, đã vượt qua một giai đoạn khó, nên việc tu
hành dễ dàng hơn Phật nhiều, mà không chịu đi nữa thì đúng là đáng trách. Cho
nên, mỗi người nhớ mình đã đi qua dòng luân hồi quá lâu quá nhiều, bây giờ trở
về là vừa, không có thiệt thòi hay tiếc nuối gì nữa, đã quá đủ rồi! Nếu chúng
ta có được túc mệnh thông hay chịu khó xét kỹ thì sẽ thấy mình đi đủ hết sáu
cõi luân hồi không sót cõi nào. Như vậy, thì ngang đây dừng lại là vừa rồi,
không có gì phải tiếc cả.
Tất cả chúng ta đều có duyên lớn
được gặp Phật pháp, được học Phật, được có người chỉ đường, có bản đồ sẵn hết
rồi, chỉ còn một việc là bước đi để trở về. Nói đi trở về cũng là nói theo ngôn
ngữ thế gian, chớ không trở về đâu hết, mà về ngay tại chỗ ngồi đây, rất là đơn
giản, vậy mà không chịu trở về thì không biết nói sao!
Kết thúc lại, mong rằng tất cả
quý vị học bài học giác ngộ này để được thuần thục cho đến khi không cần đợi ai
nhắc nhở. Chúc tất cả lên đường và thành công!