Jean Paul Sartre - con người phi lý hiện sinh

Jean-Paul Sartre
Nói đến triết học hiện đại của thế kỷ 20 là phải nói đến triết học hiện sinh. Và nói đến trào lưu triết học này, không thể không nói đến một trong những đại diện tiêu biểu nhất. Đó là J. P. Sartre; hơn nữa triết gia hiện sinh chủ nghĩa lừng danh này còn được xem là đại diện của người “Trí thức phái tả phương Tây” với tất cả ý nghĩa chân thực và lương thiện của cụm từ này. Thật vậy, với ông: “Nhà văn buộc phải đứng về phe đông đảo nhất, phe của hai tỷ người nghèo đói…nếu không, y chỉ là người làm mướn cho giai cấp tư sản và cũng bóc lột như giai cấp này”. Phải nói ông không chỉ hạn định nhiệt huyết của mình cho hai tỷ người nghèo khổ mà cho tất cả con người nói chung – “Con người động vật bị nạn”.

Thật ra những quan điểm cấp tiến “Vì quần chúng lao khổ” xưa nay vốn chẳng hiếm hoi gì, vì rốt cuộc đâu vẫn hoàn đấy. Tuy nhiên với tên tuổi của Sartre người ta vẫn tin ở thiện chí của ông, bởi ông không chỉ nói mà làm cũng rất nhiều. Chẳng hạn ông phản đối rất kiên quyết trong các cuộc chiến tranh ở Đông Dương, ở Algerie… hoặc trong các vấn đề liên quan tới các nước thuộc thế giới thứ 3 như Cu-Ba và các quốc gia nghèo khổ ở Châu Phi…

Thế nhưng do đâu ông lại có cái lập trường dấn thân khuynh tả lương thiện, điều mà nhiều người nhận thấy nó phần nào xa lạ với triết thuyết của ông – cái triết thuyết có phần khó hiểu – mặc dầu nó đã khiến ông lừng lẫy tiếng tăm; nhất là từ sau thế chiến II. Đến độ không chỉ riêng ở Pháp hay ở Châu Âu mà khắp nơi cùng chốn, không đâu là không nhắc đến tên tuổi Sartre, với chủ thuyết hiện sinh của ông. Phải nói, ông không chỉ là một triết gia độc đáo, một tâm lý gia tài năng, một nhà hùng biện rất được kiêng nể; mà hơn nữa, ông còn là một nhà văn cực kỳ sắc bén, nhạy cảm với những vấn đề thời đại; dám viết về những đề tài cấm kỵ (tabou) một cách thản nhiên, điều mà ngay cả những nhà văn “hiện thực” bạo gan nhất cũng phải e dè. Nên trong những năm cao trào từ 1945 – 1955, giới trẻ tôn vinh ông làm thần tượng. Người ta đua nhau nói đến hiện sinh, sống theo hiện sinh và xem ông như giáo chủ của trào lưu triết học này.

Vậy trước hết cần hiểu sơ qua triết học hiện sinh là gì? - Đó là triết học vì con người, lấy con người làm trung tâm - để đối trị với những nguyên lý triết học cổ điển truyền thống, thường chỉ hướng con người tìm hiểu những lý lẽ huyền vi của tạo hóa mà quên đi thân phận của chính mình. Hơn ai hết triết học Sartre nhấn mạnh: Hiện sinh là tôi đang sống đây, bất kể người ta nói gì chăng nữa, thì việc tôi hiện hữu “như thế này” là một thực tế; do vậy, điều tôi quan tâm trước hết là tôi đang tồn tại, đang sống theo đúng nghĩa “hiện sinh” chứ không phải là chỉ “hiện hữu” như tảng đá, cái cây hoặc những loài cầm thú.

Những quan niệm trên đã được nhà hiện sinh chủ nghĩa Lavelle (La – ven) minh xác rất hay “Tôi cảm thụ vậy thì tôi tồn tại ”. Câu nói này của ông rõ ràng, sâu sắc hơn câu “Tôi tư duy vậy thì tôi tồn tại” của Descartes (Đề – các); bởi lẽ cảm thụ cụ thể hơn tư duy, đúng như nhà văn Balzac (Ban – Dắc) cũng từng nói “Sự sống của con người được đo bằng cảm thụ sống, chứ không phải bằng thời gian sống”. Tuy nhiên với Kirkegard tồn tại cũng đồng nghĩa với lo âu, do đó “tôi lo âu vậy thì tôi tồn tại”. Còn đối với A. Camus là lòng phẫn nộ “Tôi phẫn nộ vậy thì tôi tồn tại” mỗi người một vẻ. Song có thể nói, những triết gia đó đã nói về ‘hiện sinh’ rõ hơn Sartre nhiều, còn như việc Sartre nổi tiếng hơn, tiêu biểu hơn, thời thượng hơn, đó là chuyện chúng ta sẽ bàn tới trong tiểu luận này.

Trước hết phải thừa nhận sự khuynh loát của Sartre trên văn đàn triết học Châu Âu sau thế chiến II đã khuấy động sinh hoạt của một bộ phận lớn giới tinh hoa trí thức Châu Âu đương thời. Vậy điều gì đã khiến cho triết thuyết của ông chẳng những có được ảnh hưởng hơn những nhà hiện sinh cùng thời khác như Jasper,(Giát – Spơ) Marcel (Mac – xen), Heidegger (Hai - đơ - gơ), Camus (Ca-Muy) mà thậm chí còn hơn cả những bậc tiền bối lừng danh như Kirkegard (Kiếc - cơ - ga), Husserl (Hu – sớt), Nietzsche (Nít – xơ).

Có thể nói Sartre nổi trội trong thế giới hiện sinh chủ nghĩa, vì ông đã nêu lên một cách hăng hái nhất về tính thực tế đầu tiên của “tôi đang sống đây”, bằng định nghĩa “Chủ nghĩa hiện sinh chủ trương nơi con người và chỉ nơi con người, nó khẳng định hiện sinh có trước bản chất”. Bằng định nghĩa trên, ông tự xem mình như một nhà vô địch về chủ nghĩa nhân văn, đã dành cho thực tiễn nhân sinh tất cả trái tim khối óc của mình. Nói như Simone De Beauvoir (Si – Mon - Đơ - Bô - Voa) “Chổ nổi bật của Sartre là toàn tâm toàn lực chú trọng đến thực tại". Phải nói Sartre chú trọng đến thực tại, không chỉ có nghĩa ông quan sát, theo dõi hay phân tích để hiểu thực tại, mà theo nghĩa bao trùm tất cả; đó là “hành động”: Không có ai và không có cái gì tạo ra con người, ngoại trừ chính hành động của họ. Do đó “Con người là một dự tính của chính mình và tự tạo ra mình, chính việc làm mới mặc khải hữu thể”.

Có thể xem những lời trên là tuyên ngôn cho thuyết hiện sinh hành động của Sartre. Thế nhưng, những triết lý cơ bản của ông được trình bày trong cuốn sách nổi tiếng “Thực Thể và Hư Vô” (L’être et le néant) mà nhiều người thường xem là nền tảng của triết học Sartre, lại cho thấy những mặt khác trong tư tưởng của ông, và những mặt khác này khó có thể hài hòa về mặt luận lý để dẫn tới chủ nghĩa hiện sinh hành động nổi tiếng nói trên.

Tựu trung mỗi triết thuyết đều đưa ra quan điểm về ba vấn đề then chốt trong triết học: vũ trụ, thượng đế, con người. Trước hết hãy bàn về thượng đế; vì Sartre là một triết gia vô thần, nên sự phủ định thượng đế của ông là đương nhiên, và cái chính là cũng không có gì mới mẻ lắm, chẳng hạn ông cho rằng thượng đế chỉ là một dự phóng, một phóng thể (projet) của con người, nói một cách dễ hiểu, là chính con người đã tạo ra thượng đế; theo sự tưởng tượng của mình. Hegel (Hê –ghen) đã nói như thế, L. Feuerbach cũng nói như thế, và Marx (Mác) cũng lặp lại như vậy. Có khác là ở chỗ Hegel đã đưa ra một giải đáp về thượng đế, còn Marx thì tìm cách để chấm dứt cái phóng thể lớn nhất đó của con người.

Như vậy phải thấy rằng động thái phóng thể của Hegel nhằm tiến tới khẳng định vai trò của thượng đế. Trong khi Marx và các triết gia duy vật vô thần khác, thừa nhận sự phóng thể của triết học Hegel là nhằm phủ định thượng đế, bởi đó chỉ là hình ảnh được phóng chiếu từ bản thân con người mà thôi.

Đến đây thiết tưởng cũng nên tìm hiểu sơ qua về khái niệm thượng đế của triết học Hegel. Hegel cho rằng khởi thủy vũ trụ chỉ là Ý Niệm (Idée) tức thượng đế; qua quá trình biện chứng tự phân đôi mình, hiện hữu thành thế giới khách thể, tức trạng thái vong thân (Aliéné) cũng gọi là phóng thể. Để cuối cùng qua toàn bộ quá trình lịch sử của vũ trụ, đã tự nhận thức ra được chính bản thân mình. Tiến trình này được ông mô tả trong tác phẩm “Hiện tượng luận tinh thần”, trình bày về sự phát triển của ý thức, tinh thần qua những giai đoạn biện chứng của thực tại khách quan lịch sử.

Như vậy, phép biện chứng Hegel là phép biện chứng duy tâm. Bởi ông xem các giai đoạn tiến hóa trong vũ trụ là tất yếu, để dẫn đến sự tự nhận thức về bản thân mình của Ý Niệm Tuyệt Đối tức Thượng Đế. Thế nên, với ông, sự hình thành các quốc gia trong lịch sử, không đơn thuần chỉ là sự tiến hóa của quá trình vận động nơi bản thân lịch sử; mà nó chính là sự thể hiện các giai đoạn tiến hóa được gọi là “biện chứng” của Ý Niệm Tuyệt Đối.

Tư duy này đã dẫn đến mệnh đề nổi tiếng của triết học Hegel “những gì thực sự tồn tại đều có lý do của nó” nguyên văn tiếng Đức (Was Wirkliche Wird Vernunftig) nghĩa là mọi sự hiện hữu trên đời đều phải có lý do đích thực của nó – thay vì cho cách hiểu thực dụng theo quan điểm duy vật biện chứng “những gì thực sự hợp lý mới tồn tại”. Tóm lại phép biện chứng Hegel được triển khai trên con đường dài, nhưng khép kín trong vòng tròn của Ý Niệm Tuyệt Đối: Nhằm mục đích cho việc tự phát triển những nhận thức về chính mình của Thượng Đế. Và con người của triết học Hegel qua quá trình của các giai đoạn biện chứng, sẽ hóa giải được tình trạng vong thân phóng thể của mình. Để cuối cùng đồng nhất với những giá trị tinh thần cao quý của Ý Niệm Tuyệt Đối tức là Thượng Đế vậy.

Trong khi, quan niệm duy vật của Marx đã phủ định thượng đế, nên nó cũng chấm dứt luôn cả cái phóng thể về thượng đế của con người. Tuy vậy Marx giữ lại hạt nhân hợp lý của triết học Hegel: Đó là phép biện chứng mà với ông nó chỉ là những giai đoạn tiến hóa hợp lý đơn thuần trong quá trình vận động của chính bản thân lịch sử.

Từ những quan điểm trên, Mác cho rằng tình trạng phóng thể vong thân chủ yếu nơi con người là vong thân kinh tế. Như vậy trong xã hội tư bản, người lao động chính là kẻ bị vong thân. Bởi mọi hàng hóa họ làm ra đều bị chủ tư bản chiếm dụng qua giá trị thặng dư. Nên càng làm ra nhiều của cải cho xã hội, họ càng nghèo đi, càng đánh mất giá trị bản thân trong mối quan hệ xã hội. Marx cho rằng, quyền tư hữu chính là thủ phạm gây nên sự vong thân của người vô sản trong xã hội tư bản. Do vậy, ông chủ trương xã hội cộng sản để triệt phá tận gốc sự tư hữu như là nguồn gốc của sự vong thân nói trên. Và qua đó sẽ vãn hồi được những giá trị tinh thần như tự do – công bằng – bác ái của con người xã hội.

Điểm lại vài dòng đại cương về khái niệm Thượng đế qua phép biện chứng Hegel và Các – Mac. Vì triết học Sartre chịu ảnh hưởng nặng nề của hệ tư tưởng đó: Sartre cũng tạo dựng sinh hoạt của con người trên tính lịch sử và quá trình biện chứng. Song khác một điều và là điều quan trọng: Sartre cho rằng, con người không bao giờ có thể chấm dứt tình trạng vong thân phóng thể. Vì vậy mà Verneaux và nhiều học giả nghiên cứu về Sartre đều cho rằng: “thuyết hiện sinh của Sartre là học thuyết Hegel, nhưng thiếu phần tổng đề của Hegel”. Sartre lập luận: Dự phóng căn bản muốn đồng nhất với thượng đế của con người là một ảo tưởng điên rồ. Bởi cái bản tính muốn đồng nhất đó đã khiến con người sống trong sự đam mê, đến mức nó tự quên mình, mà không biết rằng, ý niệm thượng đế là một ý niệm mâu thuẫn. Và con người chúng ta đã uổng công khi theo đuổi những giá trị vô cùng đó. Đây chính là duyên do tính chất bi đát và phi lý của đời người. Vì vậy Sartre đã kết luận: Con người là một đam mê vô ích (L’ homme est une passion inutile).

Đây mới chỉ là phi lý đầu tiên của triết học Sartre: Thựơng đế là một phi lý, tiếp theo còn nhiều nữa những phi lý khác: Vũ trụ là một phi lý, và cuộc nhân sinh là một phi lý…

Chí Anh
Nguồn: chuaquansu.net
Xem thêm: ‘Sartre và Văn học
Previous Post
Next Post