Những kẻ mơ tương hạnh phúc,
nhưng chỉ khát khao dục vọng, giàu sang, vinh quang, quyền lực và sự nổi tiếng
thì cũng ngây thơ chẳng kém gì những đứa trẻ tìm cách túm bắt cầu vồng để làm
áo choàng cho mình.
Dilgo Khyentsé Rinpoché
Muốn xác định được các nhân tố
bên ngoài và các trạng thái tâm thức mang lại an lạc và những yếu tố làm phương
hại đến nó, việc đầu tiên là phải phân biệt được hạnh phúc với một số trạng
thái có vẻ ngoài giống nó, nhưng thực ra lại khác xa. Thông thường, rất khó
nhận diện hạnh phúc thực sự giữa muôn vàn tâm trạng và thể trạng có bề ngoài na
ná như nó.
Hạnh phúc và khoái lạc: sự nhầm lẫn lớn
Nhầm lẫn phổ biến nhất là nhầm
lẫn giữa khoái lạc và hạnh phúc. Ngạn ngữ Ấn Độ đã nói: khoái lạc “chỉ là cái
bóng của hạnh phúc mà thôi”. Nó được tạo ra bởi những kích thích dễ chịu về mặt
xúc cảm, thẩm mỹ hoặc trí tuệ. Trải nghiệm khoái cảm tan dần phụ thuộc vào các
tình huống, nơi chốn cũng như những khoảnh khắc đặc biệt. Bản chất của nó là
thất thường và cảm xúc nó gợi lên nhanh chóng chuyển thành bình thường hoặc khó
chịu.
Cũng như vậy, sự lặp đi lặp lại
thường làm người ta thấy nhạt nhẽo, chóng chán, thậm chí ghê tởm, cũng như nếm
một món ăn ngon khiến ta thích thú, nhưng nó lại làm ta thờ ơ một khi đã được
chén no nê, và nếu cứ tiếp tục ăn nữa thì cảm giác buồn nôn sẽ xuất hiện. Cũng
vậy đối với một lò sưởi: khi đang tím tái vì rét thì được sưởi ấm quả là sung
sướng, rồi sau đó lại phải tránh xa ra vì nếu không sẽ bị bỏng rát.
Càng hưởng thụ thì khoái lạc càng
cạn dần, giống như một cây nến đang cháy. Hầu như bao giờ nó cũng gắn liền với
một hành động và đương nhiên dẫn tới tâm trạng chán chường, đơn giản bởi cứ lặp
đi lặp lại. Say sưa nghe một khúc dạo của nhạc sỹ thiên tài Bach đòi hỏi phải
tập trung, nhưng không thể cứ tập trung tư tưởng mãi được, dù không phải cao
độ. Đến một lúc nào đó, người ta sẽ mỏi mệt và cái thú nghe nhạc sẽ biến mất.
Nếu bắt ta ngày nào cũng phải nghe, điều đó sẽ trở thành không thể chịu nổi.
Vả lại, khoái lạc là một kinh
nghiệm cá nhân, chủ yếu tập trung vào bản thân, và vì thế, nó dễ dàng được gắn
với những tật xấu của thói vị ngã và mâu thuẫn với tâm trạng an lạc của người
khác. Người ta cũng có thể cảm thấy thú vị khi gây phương hại cho người khác,
nhưng không thể có được hạnh phúc từ việc làm đó. Khoái lạc có thể đồng nghĩa
với độc ác, bạo lực, ngạo mạn, tham lam và những trạng thái tâm thức khác, xung
khắc với hạnh phúc thực sự.
Barbey d’Aurevilly đã viết:
“Khoái lạc là hạnh phúc của những kẻ mất trí, còn an lạc (hay hạnh phúc) là cảm
khoái của những bậc thông thái”. Một số kẻ tìm thấy khoái lạc trong việc trả
thù và tra tấn. Những hành vi như vậy chỉ có thể đem lại một khoái cảm vô đạo
đức và nhất thời cho một kẻ điên khùng. Nhưng điều không thể tưởng tượng được,
đó là tìm thấy nguồn an lạc lâu dài trong nỗi khổ đau giáng xuống người khác.
Một kẻ tra tấn hoặc một tên bạo chúa có thể sung sướng khi trừng trị những nạn
nhân của mình bằng bạo lực, nhưng nếu hắn chịu khó nhìn sâu vào nội tâm, thử
hỏi hắn có thấy thanh thản chút nào không?
Cũng tương tự như thế khi một
doanh nhân đắc chí trước sự phá sản của người cạnh tranh với mình, khi một tên
trộm hí hửng chiêm ngưỡng thỏi vàng mới cướp được, khi khán giả bốc lửa trước
cảnh hạ thủ bò tót; song đó chỉ là những trạng thái phấn khích thoáng qua, đôi
khi bệnh hoạn, hệt nhưng những lúc khoan khoái ngất ngây, chẳng có gì giống với
hạnh phúc.
Một ví dụ khác về khoái cảm là
sôi sục đi tìm những thú vui xác thịt, một sự tìm kiếm máy móc, điều này luôn
kèm theo sự ám ảnh, thèm khát, lo âu và rốt cuộc là cảm giác chán chường. Thông
thường, khoái cảm không mang lại những hứa hẹn. Nhà thơ Robert Burns người Scotland
đã nói:
“Khoái cảm cũng giống như những bông hoa mỹ nhân
Vừa mới được cảm nhận thì đã bị hủy hoại;
Giống như những bông tuyết rơi xuống dòng suối
Biến thành một gợn trắng rồi vĩnh viễn tan đi.”
Ấy vậy mà chúng ta vẫn thích
những khoái cảm với những hậu quả của nó hơn là được hưởng một niềm hạnh phúc
lâu dài.
Ngược lại với khoái cảm, hạnh
phúc nảy sinh từ nội tâm. Nó có thể chịu ảnh hưởng của những tình huống bên
ngoài, nhưng không bị chúng áp đặt. Nó kéo dài và phát triển chừng nào con
người còn kinh nghiệm được nó, chứ không bị chuyển hóa thành điều đối lập với
nó. Nó tạo ra một cảm giác sung mãn và, theo thời gian, trở thành một nét cơ bản
trong tâm tính chúng ta.
Hạnh phúc không gắn liền với hành
động, đó là một “trạng thái sinh tồn”, một sự cân bằng sâu sắc về phương diện
tình cảm có được nhờ sự hiểu biết tinh tế về cách vận hành của tâm thức. Các
khoái cảm tầm thường nảy sinh khi tiếp xúc với những vật mang lại cảm giác dễ
chịu và biến mất ngay khi hết tiếp xúc; trong khi đó, an lạc vẫn luôn luôn được
cảm nhận chừng nào con người vẫn còn sống hài hòa với bản chất chân thật của
mình. Tố chất của trạng thái an lạc là lòng vị tha tỏa rạng ra bên ngoài thay
vì chỉ tập trung vào bản thân mình.
Người sống an lạc với chính mình
tự nhiên sẽ góp phần mang lại bình yên cho gia đình, cho hàng xóm láng giềng,
cho quê hương và nếu hoàn cảnh đưa đẩy, cho đất nước và cho cả thế giới. Bằng
sự tỏa sáng tâm linh, bằng trạng thái thanh tịnh và sung mãn của mình, nhà minh
triết và người an lạc khiến cho xã hội nơi họ sống đương nhiên được hạnh phúc
dễ dàng. Theo Alain thì: “Nhắc đi nhắc lại điều này vẫn chưa đủ: điều tốt lành
nhất mà chúng ta có thể làm được cho những người yêu thương của mình là trở
thành một người hạnh phúc.”
Tóm lại, ta lấy lại lời kết của
nhà viết tiểu luận Christian Boiron như sau: “Không có mối liên hệ trực tiếp
giữa khoái cảm và an lạc. Thú vui có một gia đình, một mái ấm, ham thích được
ngưỡng mộ, giàu sang, hài lòng vì được khỏe mạnh, vì sống có đôi, thú ăn ngon,
vui vì có công ăn việc làm, khoái vì được nhàn rỗi, được vùng vẫy giữa biển
khơi, được phơi nắng trên bãi cát …, tất cả những niềm vui và sở thích đó chắc
chắn là dễ chịu, song chúng không làm nên và không phải là hạnh phúc. Tóm lại,
hạnh phúc được định nghĩa như là cảm giác sung mãn có được khi không bị thúc
bách thường xuyên. Người ta có thể ốm đau hoặc ngay cả lúc lâm chung mà vẫn
hạnh phúc, có thể nghèo, xấu xí mà vẫn hạnh phúc […] Khoái cảm và an lạc là
những cảm nhận có tính chất tự nhiên, ở các mức độ khác nhau”.
Sự phân biệt giữa khoái cảm và an
lạc không bao hàm ý không được tìm kiếm những cảm giác dễ chịu. Chẳng có lý do
gì để không ngắm một phong cảnh tuyệt đẹp, để khước từ một món ăn ngon miệng,
để không thưởng thức hương thơm của một đóa hồng hay cảm giác dịu dàng của một
cái vuốt ve hoặc một âm thanh du dương, cốt là chúng không làm chúng ta bị tha
hóa.
Như hiền triết Ấn Độ Tilopa của
đạo Phật ở thế kỷ IX đã nói: “Sự vật không trói buộc ta, nhưng ta lại bám chấp
vào chúng.” Khoái cảm chỉ trở thành chướng ngại một khi chúng làm cho tâm trí
ta bị mất thăng bằng, khiến ta bị ám ảnh do yêu thích hoặc ghét bỏ những gì cản
trở khoái cảm. Như vậy, chúng hoàn toàn ngược lại với trải nghiệm về trạng thái
an lạc. Chúng ta thấy cách giải thích về việc người ta có thể thèm muốn một thứ
gì đó dù không thích, hoặc thích thứ đó mà không thèm muốn theo sinh lý học của
não bộ.
Tuy khác hạnh phúc về bản chất,
nhưng không phải vì thế mà lạc thú lại trở thành kẻ thù của nó. Mọi thứ đều phụ
thuộc vào cách thức trải nghiệm lạc thú. Lạc thú gây chướng ngại cho hạnh phúc
khi nó cản trở tự do nội tâm; còn nó tô điểm cho hạnh phúc chứ không làm lu mờ
khi ta kinh nghiệm lạc thú với tự do nội tâm trọn vẹn. Một trải nghiệm về cảm
giác dễ chịu, dù là thấy, nghe, chạm, ngửi, nếm, chỉ làm mất đi trạng thái an
lạc khi nó nhuốm màu bám chấp và làm nảy sinh lòng thèm khát và lệ thuộc. Lạc
thú trở thành đối tượng bị nghi ngờ ngay khi nó đẻ ra nhu cầu đòi lặp đi lặp
lại, không biết đủ.
Trái lại, nếu trải nghiệm trọn
vẹn khoảnh khắc hiện tại như một con chim bay ngang bầu trời mà không để lại
dấu vết thì lạc thú sẽ không làm phát khởi bất cứ một cơ chế chấp thủ, lệ thuộc
mệt mỏi và vọng tưởng nào; đây là những thứ thường kèm theo sự định hình về
những thú vui xác thịt. Buông xả – không phải chối bỏ, mà là tự do thắng thế
khi ta thôi bám víu vào chính những nguyên nhân gây ra khổ đau. Trong một tâm thái bình an, trí tuệ minh mẫn, lạc
thú sẽ không che mờ hạnh phúc. Vì vậy, nó không phải là không thể thiếu được,
nhưng nếu có, nó cũng không đáng ngại.
Cường độ muôn năm!
“Đừng lề mề! Hãy tăng tốc lên,
hãy bồn chồn, hãy bay lên, hãy lên đường!” Cũng tương tự như bài hát phổ nhạc
rap này, “Hãy sống gấp lên” đã trở thành lẽ sống của con người hiện đại. Phải
sắp xếp thời gian sao cho lúc nào cũng ở trạng thái hoạt động, không “hở” một
lúc nào, một chút xíu thời giờ nhàn rỗi nào vì lo sợ phải đối diện với chính mình.
Ý nghĩa không quan trọng, chỉ cốt ở cường độ!
Từ đó nảy sinh lòng ham thích và
say mê bạo lực, chiến công, kích động tối đa các giác quan và những môn thể
thao quá khích. Phải lao xuống thác Niagara
trong một chiếc thùng sắt, mở dù khi chỉ còn cách mặt đất vài mét, hoặc nhịn
thở lặn sâu 100m dưới nước… Phải liều mạng để làm những việc không đáng, phải
nỗ lực vượt qua chính mình chẳng để làm gì, phải làm rùm beng những chuyện vô
bổ và khuấy động dư luận về những điều phi lý.
Vậy thì hãy bật hết cỡ năm chiếc
đài và mười chiếc vô tuyến cùng một lúc đi! Hãy đập đầu vào tường và lăn vào
vũng dầu nhớt bẩn thỉu đi! Sống hết mình là như thế đấy.
Ôi. Những kỳ diệu của cuộc đời!
Trong cuộc chạy đua tìm cảm hứng
này, lạc thú và khổ đau vẽ nguệch ngoạc những nét vội vàng, những gam màu lóe
sáng trên trang giấy cuộc đời của chúng ta. Tựa như ngọn lửa khi đốt một tờ
giấy, không đủ để sưởi ấm, cũng chẳng được bao lâu. Vậy nên cần phải khuấy động
những gì phi lý để mang lại cho cuộc sống một tầm cỡ. Như Christian Boiron đã
viết: “Người ta sẽ đọc những cuốn sách hoặc xem những bộ phim khiến rơi nước
mắt, người ta sẽ trở nên sôi động trên các sân vận động để kích thích tính hiếu
thắng của mình, hoặc trong các rạp xiếc để làm tăng cảm giác sợ hãi. Các cảm
xúc đó không được trải nghiệm như những trạng thái đan xen đưa tới hạnh phúc,
mà ngược lại, thường được thể hiện như những dấu ấn không thể thiếu của cuộc
sống tốt đẹp. Không có chúng, cuộc sống sẽ nhạt nhẽo hết sức”.
Jean, một người bạn của tôi khẳng
định rằng anh không thể sống thiếu những kích thích cực mạnh về tình cảm và tâm
lý. Anh có “nhu cầu” phiêu lưu tình ái và chấp nhận khổ đau do chuyện đó đưa
lại, bởi vì nó là đối trọng tất yếu của tình yêu. Anh luôn luôn cần sự thúc ép
của cường độ: “Tôi muốn sống một cách say mê, rung động, thậm chí gấp gáp.” Lúc
nào Jean cũng có nhu cầu yêu. Điều đó không bao giờ có được, bởi những đòi hỏi
tức thì thái quá của anh, cũng như thói thích chiếm hữu đã khiến người bạn gái
mất cảm hứng; song anh chấp nhận nỗi đau khổ và cảm giác trống trải do chính
mình gây ra. Bởi lẽ theo anh, đó chính là âm hương đối lập của trạng thái sảng
khoái khi đang yêu.
yên nội tâm ngoài vòng đam mê
không khiến anh quan tâm, bởi vì nó đòi hỏi một kỷ luật và anh cảm thấy nó quá
xa vời, phẳng lặng và đơn điệu. Một hôm, khi nói về chuyện đó, anh bảo tôi: “Tớ
biết là cậu có lý, nhưng dù sao tớ vẫn thích cường độ hơn. Tớ sống hơi đau khổ
một chút, song tớ yêu thích tình trạng đau khổ đó. Tớ không đủ dũng khí để thay
đổi. Ngay cả khi phải trải qua những lúc cơ cực, những lúc cực kỳ đau đớn về
tâm lý, tớ vẫn yêu những khoảnh khắc ấy.”
Có phải nhu cầu hoạt động không
ngừng, sự lăn xăn liên tục của chúng ta xuất phát từ chỗ chúng ta không chịu
khó tìm hiểu để biết rõ hơn tâm thức vận hành như thế nào? Hãy nghe Sénèque:
“Chỉ cần không có việc gì để làm là học trở nên rồ dại, bởi lẽ họ phải đối mặt
với chính mình”. Những người bạn thường xuyên làm hướng dẫn viên du lịch văn
hóa ở châu Á kể với tôi rằng khách của họ không chấp nhận bất kỳ chỗ trống nhỏ
nào trong chương trình tham quan. “Không dự kiến làm gì từ 17 – 19h hay sao?”,
họ hỏi vậy với một tâm trạng lo lắng. Vậy là chúng ta sợ nhìn vào nội tâm của
mình. Chúng ta cần phải sống gấp, song cường độ gấp gáp đó hoàn toàn gắn liền
với thế giới bên ngoài, với những cảm giác nhìn, nghe, ngửi, nếm, chạm. Khi
chúng ta quan tâm tới nội tâm thì đó chỉ là những mộng mơ, những ảo ảnh như
nhắc lại quá khứ, hoặc đánh mất mình trong tưởng tượng vô bổ về tương lai mà
thôi.
Phải chăng điều đó thực sự khiến
cuộc sống của chúng ta trở nên phong phú? Có ngây thơ không khi tin rằng một
lối sống buông thả như vậy có thể đảm bảo chất lượng cho cuộc đời? Một cảm giác
an lạc với tự do nội tâm cũng mang lại một cường độ cho từng khoảnh khắc, nhưng
với một phẩm chất hoàn toàn khác: đó là sự trải nghiệm tỏa sáng trong một tâm
thái bình yên, khiến con người có khả năng cảm nhận được vẻ đẹp của vạn vật. Đó
là biết cách thụ hưởng thời điểm hiện
tại, không bị tác động bởi các trạng thái kích động xen kẽ với mệt mỏi do bị
kích thích liên tục gây ra. Đam mê cũng được, song không phải sự đam mê làm tha
hóa chúng ta, hủy hoại chúng ta và làm tâm thức ta mờ mịt, khiến ta lãng phí
từng ngày quý báu trong cuộc đời mình. Hơn cả niềm vui sống, nhiệt huyết làm
nảy sinh lòng vị tha, tâm trạng thanh thản và khiến con người phát triển ở mức
cao nhất: đó là sự chuyển hóa bản thân, giúp ta thay đổi thế giới theo chiều
hướng tốt đẹp hơn.
Trạng thái khoan khoái giả hiệu
Người ta có thể cho rằng bỗng
chốc được vinh quang hay giàu có thì có thể thực hiện được mọi mơ ước của mình,
nhưng thường những sự kiện như vậy chỉ làm cho ta thỏa mãn được chốc lát và
không hề khiến ta hạnh phúc hơn. Tôi đã gặp một cô ca sỹ nổi tiếng người Đài
Loan. Sau khi kể cho tôi nghe nỗi bất hạnh và tâm trạng chán chường của mình
trước giàu sang và vinh quang, cô bật khóc và kêu lên: “Ôi! Giá mà tôi không
bao giờ trở nên nổi tiếng!”
Một công trình nghiên cứu cũng
chứng minh rằng những tình huống bất ngờ như trúng số độc đắc chẳng hạn – chỉ
làm người ta thay đổi nhất thời trong cảm nhận vui thích, nhưng ít thay đổi lâu
dài trong trạng thái an lạc hoặc đau khổ. Đối với những người trúng xổ số, đa
phần trong số họ trải qua một thời kỳ vui sướng sau khi nhận giải thưởng, nhưng
một năm sau, họ lại trở về mức độ thỏa mãn bình thường. Thậm chí, sự may mắn mà
ai cũng ao ước đó có khi còn gây mất thăng bằng cho người trúng giải. Nhà tâm
lý học Michael Argyle kể về trường hợp của một cô gái Anh 24 tuổi, trúng giải
độc đắc hơn một triệu bảng. Cô ngừng làm việc, và điều này làm cô nhanh chóng
thấy buồn chấn; cô tậu một ngôi nhà mới, trong một khu sang trọng, điều này
khiến bạn bè xa lánh cô; cô sắm một chiếc xe hơi đẹp, mặc dù không biết lái;
mua rất nhiều quần áo nhưng phần lớn không bao giờ mặc; cô thường xuyên lui tới
các nhà hàng sang trọng, nhưng lại thích ăn món bột cá ép rán rẻ tiền. Một năm
sau, cô bị hoảng loạn thần kinh vì thấy cuộc sống của mình trở nên trống rỗng
và không còn gì khiến mình thỏa mãn nữa.
Như vậy, một niềm hân hoan sâu
sắc mang bản chất của hạnh phúc khác xa tâm trạng khoái trí, hứng khởi do một
kích động nhất thời gây ra. Mọi mừng vui giả tạo không có cơ sở là sự thỏa mãn
lâu dài chắc chắn sẽ làm người ta rơi
vào tình trạng ủ ê, rầu rĩ. Xã hội tiêu thụ của chúng ta rất tinh vi trong việc
sáng tạo không ngừng vô số những thú tiêu khiển giả tạo, khiến con người sảng
khoái và những thú vui đó cứ lặp đi lặp lại một cách có tính toán cốt để duy
trì một trạng thái phấn khích; trạng thái này phát khởi thành một hình thái làm
tê liệt tư duy tinh vi. Giữa những “lạc thú trong hộp” và niềm hạnh phúc nội
tâm có một hố sâu phân cách ư? Chúng ta hãy quan sát trên vô tuyến truyền hình
những người tham gia vào chương trình tối thứ bảy: họ nhảy cẫng lên vì vui
sướng khi vỗ tay cổ vũ một người dẫn chương trình có nụ cười như máy. Pascal
Bruckner thường gọi họ là “những thập tự chinh cuồng nhiệt”. Làm sao có thể
không ngao ngán trước những biểu hiện điên cuồng, khác xa với hạnh phúc thực sự
đến thế?
Ma túy có nguồn gốc từ thực vật
hoặc được tổng hợp từ hóa chất là một sự chọn lựa khác của con người để đạt tới
cảm giác cực lạc theo ý muốn. Song tìm kiếm những thiên đường giả tạo thường
dẫn tới địa ngục của lệ thuộc và trạng thái suy sụp, hoặc khiến người ta kiêu
căng cho mình là độc nhất, không chấp nhận xã hội mình đang sống, muốn xã hội
này vận hành tốt theo cách của mình.
Rượu và cần sa, những loại ma túy
được chấp nhận hơn cả trong xã hội cũng dẫn tới một trạng thái phiêu diêu và đờ
đẫn ở nhiều mức độ: tờ chỗ thư giãn với chén rượu khai vị, đến lúc say xỉn, từ
chỗ chỉ hút một điếu cần sa vào buổi tối cho vui đến nghiện ngập mụ mẫm cả đầu
óc. Trạng thái say sưa có thể tương ứng với những nhu cầu rất khác nhau: xả bỏ
căng thẳng, quên đi chốc lát một nỗi đau tâm lý, chạy trốn thực tại. Cơ man nào
là những hình thức xả hơn giả tạo mà nếu cứ lặp đi lặp lại chúng, con người sẽ
đi tới chỗ bị lệ thuộc vào đó. Giả vờ hạnh phúc chỉ làm tăng thêm nỗi bất hạnh
mà thôi. Một trạng thái hân hoan kéo dài không thể có được từ những chất phụ
gia bên ngoài.
Hạnh phúc và niềm vui
Sự khác nhau giữa niềm vui và
hạnh phúc thì tế nhị hơn. Hạnh phúc tỏa sáng bộc phát dưới dạng niềm vui. Một
niềm hân hoan an lạc nội tâm không nhất thiết được biểu lộ một cách phô trương,
mà thông qua một thoáng cảm nhận đầy ý nghĩa về giá trị của giây phút hiện tại.
Những điều ngạc nhiên, những niềm vui mạnh mẽ và bất ngờ cũng làm hạnh phúc
tăng lên, như những bông hoa nở rộ làm tăng vẻ đẹp của mùa xuân vậy. Tuy nhiên,
không phải bất cứ niềm vui nào cũng từ hạnh phúc mà ra. Như Christophe André đã
nhấn mạnh trong cuốn sách rất có tính thuyết phục của ông về tâm lý con người
khi hạnh phúc: “Có những thú vui không
lành mạnh, khác xa trạng thái an lạc của hạnh phúc, ví dụ như thích thú trả thù
[…] Cũng có những trạng thái hạnh phúc bình lặng, đôi khi rất khác với sự phấn
khích của vui sướng […] Người ta nhảy lên vì vui mừng, chứ không nhảy lên vì
hạnh phúc”.
Khó mà thống nhất với nhau về
định nghĩa hạnh phúc, nhưng chúng ta đã chỉ rõ điều gì là hạnh phúc chân thật.
“Niềm vui” là một từ rất mơ hồ, bởi vì như nhà tâm lý học Paul Ekman đã miêu
tả, nó gắn với những cảm xúc đa dạng như những khoái cảm thuộc về giác quan, sự
thích thú (từ cười mỉm tới cười ra nước mắt), trạng thái hài lòng (thỏa mãn một
cách âm ỉ), hưng phấn (trước điều mới lạ hoặc trước một thách thức), xả hơi
(sau khi đã bị sợ hãi, lo lắng hay thậm chí cả thích thú nữa), ngây ngất (trước
điều khiến ta ngỡ ngàng và thán phục, hoặc vượt qua lý trí của chúng ta), say
sưa (làm tâm hồn ta bay bổng), hớn hở (khi hoàn thành một nhiệm vụ khó khăn,
giành được một chiến công), tự hào ràng rỡ (khi con cái ta được nhận một phần
thưởng xuất sắc), cao thượng (khi chứng kiến những hành động đầy thiện tâm,
quảng đại và cảm thông), biết ơn (đánh giá cao một hành động vị tha được dành
cho mình) và sự khoái trí tàn bạo (khi sung sướng trên đau khổ người khác, bằng
cách trả thù chẳng hạn); có thể liệt kêt thêm những trạng thái khác như hân
hoan, khoái trí, đắm say…
Mỗi loại cảm xúc được kể trong
danh sách trên đều chứa đựng niềm vui, đa phần thể hiện bằng nụ cười, bằng vẻ
mặt và giọng nói đặc biệt. Nhưng để là một bộ phận gắn liền hoặc góp phần vào
hạnh phúc, cảm xúc phải được giải phóng khỏi mọi tình cảm tiêu cực. Chỉ cần
giận dữ hoặc ghen tuông nổi lên cũng đủ để niềm vui tắt ngấm. Chỉ cần hơi có
thái độ bám chấp, ích kỷ hoặc kiêu mạn là niềm vui dần tắt lịm đi.
Để niềm vui có thể kéo dài và
chín muồi một cách êm ả, để cho nó trở thành “một trạng thái rạng ngời, sung
mãn”, cần phải thêm vào đó những tố chất cấu thành một niềm hạnh phúc chân thật
như trí tuệ, thiện tâm, giảm thiểu dần những cảm xúc tiêu cực và chấm dứt những
thói đỏng đảnh của “cái tôi”.
Làm tan biến các ảo vọng
Thông thường, chúng ta vụng về
tìm kiếm hạnh phúc theo bản năng, trên cơ sở những miếng mồi giả và vọng tưởng
về thực tại. Chẳng lẽ chuyển hóa tâm thức lại không hơn là ra sức nhào nặn thế
giới theo những mường tượng của mình và thay đổi giả tạo các trạng thái tư
tưởng ư? Tư tưởng có thể thay đổi một cách vĩnh viễn và triệt để như vậy không?
Kinh nghiệm cho thấy rằng sự rèn luyện lâu dài và chuyên chú sẽ giúp ta nhận
dạng và làm chủ được những cảm xúc và những sự kiện của tâm thức mỗi khi chúng
xuất hiện.
Việc tập luyện này bao gồm sự
phát triển những cảm xúc lành mạnh như giác tha, cảm thông và yêu thương người
khác. Nó cũng đòi hỏi phải vun trồng trí
tuệ một cách có hệ thống, điều này giúp cho chúng ta rút ngắn khoảng cách giữa
thực tại và những tư tưởng mà chúng ta phóng chiếu về nó. Thay đổi cách diễn
giải của mình về thế giới và cách thức trải nghiệm những cảm xúc nhất thời sẽ
khiến cho tính khí của chúng ta thay đổi và mở ra một sự chuyển hóa lâu dài cho
tâm tính chúng ta. Cách “trị liệu” này không phải dành để chữa trị những “chứng
bệnh” tâm thần đặc thù, nó liên quan đến những nỗi khổ niềm đau mà đa phần con
người mắc phải. Mục đích của nó là giảm thiểu khổ đau và gia tăng an lạc, giúp
con người phát triển một cách tối đa.
Ngay cả khi những điều kiện bên
ngoài không thuận lợi để chúng ta thật sự tự do thoải mái trong hành động và
trong suy nghĩ, tự bản thân chúng cũng không thể tạo ra trạng thái an lạc kia
được. Như ngài Dalai Lama giải thích:
“Nếu quan sát những cảm giác thể
chất và tinh thần lúc sung sướng và đau khổ, người ta sẽ nhận ra rằng tất cả
những gì diễn ra trong tư tưởng đều mạnh mẽ hơn. Khi lo âu hoặc sầu não, ta sẽ
ít quan tâm tới quang cảnh bên ngoài đẹp đẽ nhất. Ngược lại, lúc cảm thấy hạnh
phúc sâu sắc, ta sẽ dễ dàng đương đầu với những hoàn cảnh khó khăn nhất”.
Chúng ta đã thấy mức độ hạnh phúc
của những người trúng xổ số chẳng mấy thay đổi so với trước khi nhận giải. Điều
đáng ngạc nhiên là tình trạng ấy cũng diễn ra đối với phần lớn những ai phải
kinh qua những sự kiện thê thảm. Loại trừ những nạn nhân bị chấn thương tinh
thần nặng nề sau những cuộc tra tấn, đánh đập, hãm hiếp, đa số những người bị
khiếm thị hoặc bị liệt nhanh chóng tìm được mức hạnh phúc trước khi bị tai nạn.
Trong một nghiên cứu về 128 người
bị liệt tứ chi, đa số công nhận rằng lúc đầu, họ đã nghĩ đến chuyện tự tử. Một
năm sau, chỉ còn 10% cho rằng đời họ thật khốn khổ, đa số còn lại đánh giá cuộc
sống của họ là tốt. Các sinh viên của trường Đại học Illinoise ở Mỹ do không hề
trải qua những kinh nghiệm như vậy nên tuyên bố 50% là thời gian sung sướng,
22% là khổ, còn 29% là thời gian không sướng cũng không khổ. Các sinh viên tàn
tật cũng có cùng ý kiến như vậy, chỉ chênh lệch có 1%.
Khổ đau và bất hạnh
Chúng ta đã phân biệt hạnh phúc
và khoái lạc. Cũng như vậy, cần thấy rõ sự khác nhau giữa khổ đau và bất hạnh.
Người ta chịu đựng đau khổ, nhưng lại tạo ra nỗi bất hạnh. Những khổ đau là do
vô số nguyên nhân gây nên, trong đó chỉ đôi khi chúng ta mới có thể can thiệp
được, còn thường là bất lực. Sinh ra đã bị tật nguyền, ốm đau, mất một người
thân, bị lôi vào cuộc chiến hoặc là nạn nhân của thiên tai; tất cả những thứ đó
đều vượt ra ngoài ý muốn của chúng ta.
Bất hạnh thì hoàn toàn khác, có
nghĩa là chúng ta trải nghiệm như thế nào những khổ đau đó. Chắc chắn bất hạnh
có thể kèm theo những đau đớn về thể xác và tinh thần do những điều kiện khách
quan gây ra, song về cơ bản, nó không gắn liền với chúng. Chừng nào tư tưởng
còn xem nỗi đau là điều bất hạnh,, chừng đó tư tưởng phải có trách nhiệm làm
chủ những cảm nhận về chúng. Tâm thường dễ uốn nắn. Một thay đổi thậm chí rất
nhỏ trong cách xử lý những suy nghĩ, trong cách nhìn nhận và diễn giải về thế
giới có thể làm biến đổi một cách ghê gớm cuộc đời của chúng ta.
Từ đó, sao lại không thấy rằng
những người đàn ông hoặc đàn bà biết làm chủ tâm thức của mình và phát triển
một trạng thái an lạc sâu xa thì luôn có bản lĩnh và vững vàng trước mọi hoàn
cảnh? Trên đời này ít có những con người như vậy, nhưng chỉ cần thừa nhận sự
tồn tại của họ cũng đã mang ý nghĩa lớn lao trong việc định hướng cho cuộc đời
của chúng ta.
Matthieu Ricard
Nguồn: luonhanhphuc.com