Tâm chúng ta đôi lúc như một dòng
sông êm đềm lững lờ trôi rất nhẹ nhàng thanh thản, nhưng cũng có lúc lăn tăn
gợn sóng, rồi nổi bão táp phong ba.
Khởi lên một ý niệm làm chấn động
cả tam thiên đại thiên thế giới, cũng có lúc đạt tâm tỉnh chỉ thành Phật tác
Tổ, thế nhưng được bao người biết rõ sự vận hành sinh diệt của tâm.
Vì vậy, con người mãi bị đoanh
vây trong kiếp sống luân hồi, luôn luôn chạy theo, ôm chặt cái bóng dáng của
khách trần vọng tưởng, chưa có một lúc nào được thảnh thơi dừng nghỉ. Nếu tự
mình biết được tâm như thế nào, rồi sau đó chúng ta tự chủ, khởi lên một niệm
thiện thì lợi biết bao người, còn khởi lên một niệm bất thiện khiến cho bao
người phải khổ đau phiền não.
Vì sao vậy? Tâm là tịnh, là
thường, hay là nhiễm, là động? Phải chăng trong từng ý niệm đi qua của chúng ta
không được soi sáng, không được cân nhắc bởi trí tuệ, hay vì bị chi phối bởi
một yếu tính bản năng mà chúng ta không tự chủ được.
Phải chăng đó là những vấn đề mà
xưa nay con người cứ để mặc cho nó loanh quanh luẩn quẩn theo dòng luân chuyển
của biển khổ.
Thật vậy, bấy lâu nay chúng ta cứ
thản nhiên vô tâm, mặc kệ tâm thức vướng lụy theo biển ái si mê, để rồi ta mãi
mãi đảo điên, lặn hụp, cuộn quay theo con sóng dập dồn. Trong kinh, đức Phật
dạy, “tâm chúng sinh như con vượn chuyền cành” hay nói cách khác là “tâm viên ý
mã”.
Lời nói ấy sẽ không sai khi chúng
ta thật sự chiêm nghiệm cuộc sống hằng ngày. Chúng ta ngồi lại, tĩnh tâm, chú ý
vào hơi thở, hay nhìn lại mình thì sẽ thấy tâm chuyển vận như thế nào. Chúng ta
không cần phải ngồi lâu, chỉ cần ngồi năm phút nhắm mắt, sẽ thấy rõ tâm mình
đang vận chuyển ra sao?
Chúng ta sẽ thấy tâm có giống như
con vượn chuyền cành hay không? Nó có đứng yên một chỗ hay là lúc nghĩ này lúc
nghĩ nọ không có một phút giây nào được yên tịnh. Chúng ta mãi bám víu theo
dòng suy tưởng, vô định, không biết đâu là đích đến nên có thể nói đó chính là
mấu chốt khiến cho con người mãi là kẻ nô lệ của dục vọng khổ đau, không làm
chủ được chính mình.
Vậy thì thử hỏi, đến giây phút
nào chúng ta mới thật sự có mặt của chính ta, và đạt được thảnh thơi trong giây
phút hiện tại để ngắm nhìn, mỉm cười với cái biến động của tâm, và nói chuyện
với chính mình.
Hãy thử quan sát một con khỉ,
chúng ta sẽ thấy rõ tâm của mình như thế nào? Con khỉ không bao giờ đứng yên,
mà nó luôn luôn di chuyển từ cành này sang cành khác một cách nhanh nhẹn. Mỗi
khi thấy điều ấy chắc bạn sẽ cảm thấy rất buồn cười. Và đặt câu hỏi tại sao
vậy? Con khỉ hay nói đúng hơn đó là một ảnh dụ rất thực tế nói về tâm. Trong
kinh Phật dùng ẩn dụ này để nói tâm con người.
Tâm con người có rất nhiều đặc
tính, chủng loại. Tùy theo mức độ mà người ta chia chẻ tâm ra nhiều lãnh vực để
cho dễ hiểu và dễ làm chủ tâm. Ở đây, chúng ta chỉ cần bàn tới một đặc điểm là
đủ. Vì tâm ấy là tâm luôn luôn rong ruổi theo ngoại vật, phân định và đúc khuôn
lên mọi thứ, mà chưa thực sự có một giây phút nào dừng lại để biết mình như thế
nào. Vì thế, nếu trong suy nghĩ của chúng ta không có bóng dáng của tỉnh thức
và chánh niệm, hẳn nhiên sẽ thay vào đó bằng những tạp niệm vu vơ và cứ thế để
cho nó mặc nhiên sinh khởi, ngày càng kết dính cái định kiến cố chấp và dính
chặt cái ngã và ngã sở, trở thành thói quen huân tập tư tưởng bất thiện.
Một khi để cho đất tâm sản sinh
nhiều cỏ dại thì ta khó làm chủ được chính mình. Lúc ấy, ta xử việc, việc hỏng,
nói lời, lời hư… đem đến sự bất an cho chính mình và cho mọi người. Cho nên, sự
trở về nội tại là vấn đề lớn nhất đối với người xuất gia cũng như tại gia. Sự
trở về ấy chính là phương pháp thực hành sống tỉnh giác chánh niệm trong mọi cử
chỉ hành vi. Luôn “phản quan tự kỷ” tức là nhìn lại chính mình, thấy lỗi nơi
chính bản thân ta để rồi sửa đổi, thấy những điểm tốt của bản thân mình để phát
huy thêm.
Cho nên, trong kinh Phật dạy:
“Thắng hàng ngàn quân giặc chưa phải là chiến thắng tối thượng. Chiến thắng tối
thượng chỉ khi nào con người chiến thắng với chính bản thân mình.”
Chiến thắng mà đức Từ Phụ chỉ ra
ở đây là chiến thắng và làm chủ năm món dục (tài, sắc, danh, thực, và thùy) nơi
thân mình. Chính năm món dục này đã câu thúc, sai khiến cuộc đời mình phải bảy
nổi ba chìm trong vòng luân hồi lục đạo.
Trong kinh Pháp cú, đức Phật cũng
dạy:
Không nên nhìn lỗi người
Có làm hay không làm,
Nên nhìn lại chính mình
Có làm hay không làm.
Bốn câu kệ tuy ngắn gọn nhưng lại
ẩn chứa một triết lý sống rất hữu ích cho những người muốn xây dựng hạnh phúc
cho mình, cho gia đình, cho xã hội và bà con xung quanh mình. Chỉ khi con người
biết nhìn vào chính mình, biết mình đang làm gì, đang nghĩ gì, việc làm đó có
lợi cho người cho mình không, suy nghĩ đó đem lại đau khổ hay hạnh phúc, v.v…
Chính những cách quán niệm như
vậy, tâm con người biết dừng lại, biết trở về, không thấy một điểm xấu nào nơi
người khác, vì người khác xấu chẳng qua là đang thể hiện cái bản tánh xấu nơi
con người của mình. Tánh xấu, lỗi lầm của mình sở dĩ không sinh khởi được là vì
nó chưa có điều kiện, một khi nó có điều kiện thì nó cũng không thua kém gì
tánh xấu của người đang sinh khởi trong hiện tại.
Vì thế, nếu chúng ta là người
biết học, biết tu, chúng ta sẽ thấy rằng không nên nhìn vào lỗi của người mà
nên nhìn vào việc làm của mình xem việc làm đó có đem lại lợi lạc hay không.
Nếu thực hành được như vậy, chúng ta sẽ không để cho tâm rong ruổi theo ngoại
cảnh, vui buồn chẳng qua chỉ là khách trọ qua đường, là ảo ảnh chập chờn của
những cơn khát khi đi trên sa mạc hoang vắng, là bóng trăng chập chờn trong đêm
khi một gợn sóng lăn tăn tác động trên mặt hồ…
Vui hay buồn, khổ đau hay hạnh phúc chưa thật sự
buông xả chỉ là những giả tạm của cái tâm chấp thủ vọng duyên hướng ra bên
ngoài, tồn tại bên ngoài. Chính vì nhận thức được như vậy, mình sẽ hướng về với
đời sống nội tại, làm chủ chính mình.
Qua đó, chúng ta thấy, nếu như
mọi người con Phật ai ai cũng thực hành thì tất cả những ý niệm tham sân trong
ta sẽ không có cơ hội sinh khởi, hạnh phúc trong tâm hồn chúng ta sẽ có cơ hội
nảy mầm. Mọi người chính là đóa hoa lòng tươi mát, vậy hãy làm sao để đóa hoa
đó tỏa hương thơm của từ bi và mang tính giải thoát cho mình và cho cuộc đời.
Lợi mình lợi người thì sợ gì tâm
không an? Lo gì không nhận ra những tên giặc đang đột phá, hiện khởi trong tâm?
Do đó, mục tiêu của người con
Phật là phải lắng đục khơi trong, để tâm hồn ta lúc nào cũng thanh tịnh an vui.
Muốn thế thì chúng ta phải hết lòng vì lợi lạc chúng sinh, phải thực tâm học
hỏi và chuyển hóa tất cả những phiền toái, bụi trần đang bám víu vào chúng ta.
Hơn nữa, chúng ta cần mở rộng tâm bao dung và tha thứ, biết nhìn vào thực tại
để thấy những cái không vừa ý trong tâm sinh khởi, rồi sau đó áp dụng phương
pháp Phật dạy để chuyển hóa. Có như vậy thì hạnh phúc mới hiện hữu và ta sẽ
được an vui, còn không thì ta sẽ thấy cuộc đời này vô vị. Chúng ta hãy cùng
nhau cố gắng.
Nguồn: phattuvietnam.net