Yếu chỉ Thiền tông

1. Mở đề

Thiền tông có một lối chỉ dạy quá độc đáo, khiến độc giả đọc sách thiền phải ngơ ngác, không tìm ra manh mối nghĩ suy, như người vớ tay vào tấm vách sắt không có chỗ để bám. Thật tình chủ yếu Thiền tông không muốn người học mắc kẹt vào ngôn ngữ bên ngoài, cũng không rơi vào tâm suy lự bên trong. Thiền sư chỉ thẳng, người học phải trực giác trực nhận, vừa mắc kẹt ngôn ngữ đã cách xa ngàn dặm, rơi vào suy tư đã cách xa bằng mấy năm ánh sáng. Phút giây tham vấn giữa Thiền khách với Thiền sư là phút xổ cờ khai trận. Sự đối đáp phải nhanh như điện chớp lửa nháng, vừa trầm ngâm suy tư là ăn đòn đuổi ra.

Cho nên trong khi đối đáp như thế, nhận được liền nhận, không nhận được thì về không, chớ không có thái độ lưng chừng, nửa hiểu nửa không. Mọi hành động, ngôn ngữ của Thiền sư chỉ dạy đều nhằm chỉ thẳng bản tâm của chúng ta. Không quay về mình tự nhận, chạy theo ngôn ngữ các Ngài là bị các Ngài lừa. Bản tâm là cái sẵn có nơi chúng ta, bởi do vọng chấp nên quên mất nó. Hiệu dụng của Thiền sư là phá chấp, cốt khiến chúng ta nhận ra bản tâm của chính mình. Vì thế, Thiền sư thường nói "Ta không có một pháp cho người, chỉ tháo chốt nhổ đinh cho họ thôi". Chúng ta mang quan niệm cầu pháp học đạo đến với các Ngài, rốt cuộc ôm lấy một mối thất vọng lớn lao. Chúng ta cần phải có quan niệm chính xác hơn, "Học thiền là học tâm", ngoài tâm không có thiền nào để học. Thế mới khỏi kinh ngạc khi nghe lời tuyên bố dưới đây của Tổ Bồ-đề-đạt-ma.

2. Chủ đích Thiền tông

Khi sang Trung Quốc, Tổ Bồ-đề-đạt-ma dõng dạc tuyên bố về pháp thiền này rằng: Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật, đã nêu rõ chủ đích của Thiền tông.

Văn tự kinh điển là Giáo tích chưa phải Giáo thể. Giáo tích là dấu chân của giáo pháp, Giáo thể là nguyên hình của giáo pháp. Ví như người tìm voi thấy được dấu chân voi, tuy biết được hướng đi của nó, song chưa thấy nguyên hình của nó. Nếu người tìm voi chỉ biết nghiên cứu dấu chân voi rồi hài lòng thỏa mãn nơi đó, thì ngàn đời cũng không thấy được con voi. Đây là bệnh của học giả thời đại xưa kia và hiện nay. Thiền tông không nỡ để cho chúng ta sa lầy nơi dấu chân voi, cốt dắt tay chỉ thẳng cho chúng ta thấy nguyên hình con voi.

Do đó mới tuyên bố "Chẳng lập văn tự, truyền ngoài giáo lý". Nói "truyền ngoài" thật sự nào có ngoài. Nếu có pháp truyền ngoài kinh điển, đó là pháp ngoại đạo, đâu phải Phật giáo. Vì kinh điển là tấm bản đồ vẽ dấu chân và hướng đi của voi, nương đó người tìm voi tìm tận đến con voi là đạt được mục đích. Nếu người tìm voi nương bản đồ tìm thấy tận con voi, với người nhờ kẻ khác dắt tay chỉ thẳng con voi, cả hai đều đạt mục đích như nhau. Vì thế câu "Chẳng lập văn tự, truyền ngoài giáo lý" mang sẵn tính chất trị bệnh và đầy đủ tinh thần chỉ bày sự thật. Thiền tông cốt chỉ cho chúng ta thấy đạo qua mọi phương tiện, đừng mắc kẹt phương tiện mà quên đạo.

Chính vì thế, nên nói "Chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật". Đạo không phải cái gì xa xôi huyền diệu, chính là tâm thể của chúng sanh. Nếu người nhận ra tâm chân thật của chính mình, sự tu hành không sớm thì chầy cũng sẽ thành Phật. Tâm chân thật này cũng gọi là tánh giác hay Phật tánh. Thấy được tánh giác thì thành Phật không nghi, vì đã biết Phật nhân nhất định sẽ đến Phật quả. Chỉ cho người nhận được bản tâm mình là chủ đích của Thiền tông.

Thế nên, Mã Tổ sai Thiền sư Tự Tại hiệu Phục Ngưu mang thơ sang cho quốc sư Huệ Trung. Đến nơi, Quốc sư hỏi: "Gần đây Mã đại sư dạy đồ chúng thế nào?" Phục Ngưu thưa: "Tức tâm tức Phật." Quốc sư bảo: "Là ngữ thoại gì?" Giây lâu lại hỏi: "Ngoài cái đó lại còn gì dạy chúng?" Phục Ngưu thưa: "Phi tâm phi Phật; bất thị tâm, bất thị Phật, bất thị vật." Quốc sư bảo: "Vẫn còn so sánh chút ít." Phục Ngưu thưa: "Mã đại sư dạy thế ấy, chẳng biết dạo này Hòa thượng dạy chúng thế nào?" Quốc sư bảo: "Ba điểm như dòng nước, uốn cong tợ chiếc liềm." (Tam điểm như lưu thủy, khúc tợ ngãi hòa liêm) Thế thì Mã Tổ dạy chúng cốt nhận ra tâm mình là Phật, Quốc sư Huệ Trung dạy chúng cũng tại một chữ tâm. Chỗ dạy của hai Ngài đều nằm gọn trong câu "Chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật".

Những sắc thái giáo ngoại biệt truyền ứng dụng đầy đủ qua sự đối đáp của các Thiền sư, được đơn cử dưới đây:

Thiền sư Vô Nghiệp đến tham vấn Mã Tổ, Sư lễ bái quỳ thưa:"Về kinh điển con hiểu biết đơn sơ, thường nghe thiền môn ‘Tức tâm là Phật’ thật chưa hiểu thấu?" Mã Tổ đáp: "Chỉ cái tâm chưa hiểu đó là phải, lại không có vật khác." Sư hỏi: "Thế nào là mật truyền tâm ấn của Tổ sư từ Ấn Độ sang?" Mã Tổ bảo: "Đại đức đang ồn, hãy đi! Khi khác lại." Sư vừa đi ra, Mã Tổ gọi: "Đại đức!" Sư xoay đầu lại. Mã Tổ bảo: "Là cái gì?" Sư liền lãnh hội.

Thiền sư Linh Mặc đến tham vấn Thạch Đầu, tự ước hẹn: "Nếu một câu khế hợp thì ở, chẳng hợp liền đi." Khi thưa hỏi vẫn không khế hợp, Sư bèn ra đi. Thạch Đầu theo sau đến cửa ngoài, liền gọi: "Xà lê!" Sư xoay đầu lại. Thạch Đầu bảo: "Từ sanh đến tử chỉ là cái ấy, xoay đầu chuyển não làm gì?" Sư liền đại ngộ.

Qui Sơn dạy chúng: "Bậc cao sĩ đi hành cước cần phải ở trong thanh sắc mà ngủ nghỉ, trong thanh sắc mà nằm ngồi mới được." Sơ Sơn bước ra hỏi: "Thế nào là câu chẳng rơi trong thanh sắc?" Qui Sơn dựng cây phất tử lên. Sơ Sơn thưa: "Đây là câu rơi trong thanh sắc." Qui Sơn trở về phương trượng.

Thiền sư Huệ Tịch đến tham vấn Nham Đầu. Nham Đầu thấy liền dựng cây phất tử lên. Sư trải tọa cụ. Nham Đầu đưa phất tử lại sau lưng. Sư vắt tọa cụ lên vai đi ra. Nham Đầu bảo: "Ta chẳng nhận ông buông, chỉ nhận ông thâu."

Thiền sư Huệ Tịch về thăm thầy là Qui Sơn Linh Hựu. Qui Sơn hỏi: "Con đã xưng là thiện tri thức, có biện được những người các nơi đến: biết có hay chẳng biết có, đã kế thừa thầy hay không kế thừa thầy, nghĩa học hay huyền học, thử nói xem!" Sư thưa: "Con có kinh nghiệm, khi thấy tăng các nơi đến, liền dựng cây phất tử dậy, hỏi y ‘Các nơi có nói cái này hay chẳng nói?’ Lại hỏi ‘Y Ù Lão túc các nơi thế nào?’". Qui Sơn khen: "Đây là nanh vuốt trong tông môn từ trước."

Qui Sơn lại hỏi: "Chúng sanh trên quả đất nghiệp thức mênh mang, không gốc có thể tựa, con làm sao biết họ co?cùng chẳng có?" Sư thưa: "Con có chỗ kinh nghiệm". Bỗng có vị tăng đi ngang qua, Sư gọi: "Xà lê!" Vị tăng xoay đầu lại. Sư thưa: "Bạch Hoà thượng, kẻ này là nghiệp thức mênh mang, không gốc có thể tựa." Qui Sơn khen: "Đây là một giọt sữa sư tử làm tan sáu đấu sữa lừa."

Có người đến hỏi đạo, liền dựng cây phất tử lên, hoặc đưa một vật gì khác lên cũng thế, đều là "Nanh vuốt trong tông môn từ trước". Đó là hình ảnh "Đức Phật đưa cành hoa sen lên, Tổ Ca-diếp cười chúm chím" trong hội Linh Sơn. Thuật kêu liền dạ, quả là "Một giọt sữa sư tử làm tan sáu đấu sữa lừa". Chính là chỗ Tổ A-nan hỏi Tổ Ca-diếp: "Ngoài chiếc y kim lan, Thế Tôn còn truyền cái gì cho sư huynh?" Tổ Ca-diếp gọi: "A-nan!" A-nan: "Dạ!" Tổ Ca-diếp bảo: "Cây phướn trước chùa ngã." Ngài liền ngộ đạo.

Hai diệu thuật này thường được ứng dụng nhiều nhất trong Thiền môn. Nó là hình ảnh linh động và cổ truyền nhất, cũng là hiện thân của "Giáo ngoại biệt truyền". Trong đây không tìm ra được câu nào có tính cách đạo lý hết. Những người quen sống với nghĩa giải, không sao chấp nhận được. Song với bậc xuất cách, nhân đây liền ngộ đạo. Vì thế, người ta nhìn vào Thiền tông dường như có cái gì bí mật lạ lùng không thể nào hiểu nổi.

Nguồn: thuongchieu.net
Previous Post
Next Post