Krishnamurti: Chúng ta là kết quả của quá khứ. Tư tưởng của chúng ta đã được xây dựng trên nền tảng của ngày hôm qua và muôn ngàn ngày hôm qua. Chúng ta là kết quả của thời gian và những sự đáp ứng của chúng ta, những thái độ hiện tại của chúng ta là hậu quả tích trữ của muôn ngàn khoảnh khắc, những sự việc ngẫu nhiên và những kinh nghiệm trong đời. Vì thế đối với phần đông chúng ta, quá khứ là hiện tại, đó là một sự kiện không thể nào phủ nhận được, những tư tưởng của các bạn, những hành động của các bạn, những sự đáp ứng của các bạn chính là kết quả của quá khứ.
Người đặt câu hỏi muốn biết rằng quá khứ có thể nào được bôi sạch lập tức, nghĩa là không chờ đúng lúc mà được bôi sạch ngay lập tức, hay là quá khứ tích trữ này lại cần thời gian để cho tâm trí được giải phóng trong hiện tại? Hiểu được câu hỏi này là một điều quan trọng, câu hỏi rõ rệt như vầy: vì mỗi người trong chúng ta là kết quả của quá khứ với bối cảnh gồm đầy những ảnh hưởng, thường xuyên thay đổi, thường xuyên biến thể, vậy có thể nào bôi sạch bối cảnh kia mà không phải trải qua tiến trình thời gian?
Quá khứ là gì? Đối với chúng ta, quá khứ có nghĩa là gì? Chắc chắn là chúng ta không đề cập quá khứ theo nghĩa niên đại. Chắc chắn là chúng ta muốn nói đến những kinh nghiệm chồng chất, những đáp ứng được lưu trữ, những kỷ niệm, những truyền thống, kiến thức, kho chứa vô thức gồm đầy vô số tư tưởng, những cảm giác, những ảnh hưởng và những đáp ứng. Với bối cảnh ấy, không thể nào hiểu được thực tại, vì thực tại không thuộc vào thời gian: thực tại thì phi thời gian.
Vì thế mình không thể hiểu điều phi thời gian với tâm trí, kết quả của thời gian. Người đặt câu hỏi muốn biết có thể nào giải phóng tâm trí, hoặc để cho tâm trí, tức là kết quả của thời gian, được chấm dứt ngay lập tức; hoặc là mình phải trải qua một loạt khảo sát và phân tích dài hạn để giải phóng tâm trí ra ngoài bối cảnh của nó.
Tâm trí là bối cảnh; tâm trí là kết quả của thời gian; tâm trí là quá khứ, tâm trí không là tương lai. Tâm trí có thể tự phóng ảnh đến tương lai và tâm trí dùng hiện tại như sự lướt đi hướng đến tương lai, vì thế tâm trí vẫn còn nằm trong lưới của thời gian, dù tâm trí làm gì đi nữa, dù sinh hoạt tâm trí thế nào đi nữa, sinh hoạt tương lai, sinh hoạt hiện tại, sinh hoạt quá khứ, sinh hoạt nào đi nữa thì vẫn vướng kẹt trong lưới thời gian.
Tâm trí có thể nào chấm dứt hẳn, tiến trình tư tưởng có thể nào chấm dứt? Dĩ nhiên là có nhiều tầng lớp trong tâm trí; lãnh vực mà chúng ta gọi là ý thức có nhiều tầng lớp, mỗi tầng lớp tùy thuộc nương tựa vào tầng lớp khác, tác động hỗ tương; toàn thể ý thức của chúng ta không chỉ là thể nghiệm mà cũng là đặt tên hoặc gọi danh là tích trữ làm thành trí nhớ. Đó là toàn thể tiến trình của ý thức phải thế không?
Khi chúng ta nói về ý thức, phải chăng chúng ta muốn nói đến việc thể nghiệm, đặt tên hoặc sắp loại sự thể nghiệm ấy và tích trữ sự kinh nghiệm trong trí nhớ? Tất cả những thứ này, ở những cấp độ khác nhau, chính là ý thức. Tâm trí, tức là kết quả của thời gian, có thể nào trải qua tiến trình phân tích từng bước một để mà tự giải phóng khỏi bối cảnh hoặc có thể nào giải thoát toàn triệt ra ngoài thời gian và nhìn thẳng thực tại một cách trực tiếp?
Muốn giải thoát khỏi hậu cảnh, bối cảnh, nhiều nhà phân tâm nói rằng bạn phải khảo sát tất cả mọi đáp ứng, tất cả mọi phức cảm, tất cả mọi chướng ngại, tất cả mọi trạng thức ngăn ngại, tất nhiên việc làm ấy ngụ ý một tiến trình thời gian. Việc ấy có nghĩa rằng nhà phân tâm phải hiểu điều mình đang phân tích và không được giải thích sai lầm những phân tích. Nếu diễn dịch sai lầm những điều hắn phân tích thì sự việc ấy sẽ đưa hắn đến những kết luận sai lầm và do đó thiết lập thêm một bối cảnh khác nữa.
Người phân tích phải có khả năng phân tích những tư tưởng, những cảm giác của hắn mà không sai lạc một mảy may nào cả, và hắn không nên để lỡ một bước nào trong sự phân tích của hắn, vì đi lạc một bước, rút ra một kết luận sai lầm có nghĩa là thiết lập thêm một bối cảnh trên một chiều hướng khác hẳn, ở một cấp độ khác hẳn. Rồi vấn đề này lại hiện lên. Có phải người phân tích khác hẳn sự việc hắn phân tích? Phải chăng người phân tích và điều được phân tích chỉ là một hiện tượng liên kết, đồng nhất?
Nhất định người thể nghiệm và điều kinh nghiệm là một hiện tượng đồng nhất; đó không phải là hai tiến trình gián cách, vì thế trước tiên hết chúng ta hãy nhìn thấy sự khó khăn trong việc phân tích. Dường như không thể nào phân tích toàn thể nội dung của ý thức chúng ta và nhờ cách ấy mà giải thoát bằng tiến trình ấy.
Sau rốt, ai là kẻ phân tích? Kẻ phân tích không khác điều hắn đang phân tích, dù hắn có thể nghĩ rằng hắn khác. Hắn có thể tự phân ly với điều hắn phân tích, nhưng người phân tích là thành phần của điều hắn phân tích.
Tôi có một tư tưởng, tôi có một cảm giác – chẳng hạn tôi đang giận dữ. Người phân tích sự giận dữ vẫn là thành phần của sự giận dữ, vì thế người phân tích và điều được phân tích đều là một hiện tượng liên kết đồng nhất, đó không phải là hai thế lực hoặc hai tiến trình ly biệt. Vì thế sự khó khăn trong việc tự phân tích, tự phơi bày, tự nhìn bản thân từng đợt một, ngắm nhìn tất cả mọi phản ứng, tất cả mọi thoại ứng, việc này khó khăn vô cùng, lâu dài lắm.
Vì lẽ ấy, đó không phải đường lối giải vây bản thân khỏi bối cảnh, phải thế? Phải có một con đường giản dị hơn nhiều, trực tiếp hơn, và đó là điều các bạn và tôi đang sắp khám phá. Muốn khám phá tìm thấy chúng ta phải gạt bỏ những gì sai lầm và không ghi giữ điều sai lầm ấy. Vì thế, việc phân tích không phải là đường hướng thích ứng, và chúng ta phải giải thoát khỏi tiến trình phân tích.
Những gì các bạn còn để lại? Bạn chỉ quen thuộc với việc phân tích, phải thế không? Người quan sát đang quan sát – người quan sát và điều được quan sát là một hiện tượng đồng nhất – người quan sát cố gắng phân tích điều hắn quan sát thì sẽ không giải thoát bản thân khỏi bối cảnh. Nếu sự việc là thế; và sự việc thì đúng là thế, vậy bạn bỏ tiến trình ấy đi, phải không?
Nếu bạn thấy rằng đó là một đường lối sai lầm, nếu bạn ý thức điều ấy không phải chỉ ở mặt ngôn từ thôi mà phải ý thức đúng như thực tế rằng đó là một tiến trình sai lầm thì lúc ấy cái gì xảy ra trong sự phân tích của bạn? Bạn ngừng lại việc phân tích, phải thế không? Lúc ấy bạn còn để lại gì? Hãy ngắm sự việc ấy, theo dõi nó, và bạn sẽ thấy rằng mình có thể giải thoát khỏi bối cảnh nhanh chóng biết bao. Nếu đó không phải là đường lối thích ứng thì bạn còn lại những gì khác? Trạng thái quen thuộc với việc phân tích, dò dẫm, khảo sát, mổ xẻ, kết luận, vân vân, trạng thức ấy là gì? Nếu tiến trình kia ngừng lại thì trạng thức của bạn thế nào?
Bạn nói rằng tâm thức chỉ còn sự trống vắng. Bạn hãy tiến sâu hơn nữa vào tâm thức trống vắng kia. Nói một cách khác, khi bạn gạt bỏ những gì được coi như sai lầm, những gì đã xảy ra trong tâm thức bạn? Sau rốt, bạn đã loại bỏ những gì? Bạn đã loại bỏ tiến trình sai lầm, tức là kết quả của một bối cảnh. Có phải thế không? Bạn đã loại bỏ toàn thể sự việc trong một thoáng động nhanh vô cùng. Do đó khi bạn đã loại trừ tiến trình phân tích cùng với tất cả ẩn ý tiềm mặc trong đó và nhìn thấy sự sai lầm thì tâm thức bạn được giải phóng khỏi ngày hôm qua và qua tiến trình thời gian, và nhờ đó mà loại bỏ bối cảnh lập tức.
Đặt trọn câu hỏi trên ở bình diện khác thì tư tưởng là kết quả của thời gian, phải thế không? Tư tưởng là kết quả của hoàn cảnh, của những ảnh hưởng tôn giáo và xã hội, tất cả những thứ này đều thuộc vào thời gian. Tư tưởng có thể nào thoát khỏi thời gian? Nghĩa là tư tưởng, tức là kết quả của thời gian, tư tưởng có thể ngừng lại và thoát khỏi tiến trình thời gian?
Mình có thể kìm chế, uốn nắn tư tưởng; nhưng sự kìm chế tư tưởng vẫn nằm trong lãnh vực của thời gian, vì thế sự khó khăn của chúng ta là: làm thế nào một tâm thức, kết quả của thời gian, của hàng ngàn ngày quá khứ, làm thế nào một tâm thức như vậy có thể được tự do lập tức, giải thoát tức thì ra khỏi bối cảnh phức tạp này? Bạn có thể giải thoát được khỏi bối cảnh ấy, không phải vào ngày mai nhưng ngay trong hiện tại, ngay bây giờ.
Việc ấy chỉ có thể làm được khi bạn ý thức điều sai lầm; và dĩ nhiên điều sai lầm ấy là tiến trình phân tích và đó là điều sở hữu duy nhất của chúng ta. Khi tiến trình phân tích chấm dứt hoàn toàn, không phải bằng sự ép buộc mà bằng sự lĩnh hội về điều sai lầm không thể tránh được của tiến trình kia, lúc ấy bạn sẽ thấy rằng tâm trí bạn được hoàn toàn ly khai với quá khứ - việc ấy không có nghĩa là bạn không tri nhận quá khứ mà có nghĩa rằng tâm trí bạn không có sự tiếp thông trực tiếp với quá khứ nữa.
Vì thế tâm thức ấy có thể tự giải phóng khỏi quá khứ một cách tức khắc, liền bây giờ, và sự ly khai với quá khứ, sự tự do trọn vẹn thoát khỏi ngày hôm qua có thể thực hiện được liền, (sự thoát khỏi ngày hôm qua ở đây không phải hiểu theo nghĩa niên đại mà phải hiểu theo nghĩa tâm lý): đó là đường lối duy nhất để hiểu thực tại.
Nói một cách rất giản dị, khi bạn muốn hiểu một điều gì thì tâm trạng bạn là thế nào? Khi bạn muốn hiểu đứa con bạn, khi bạn muốn hiểu một người nào đó, một việc gì đó mà người ta đang nói thì tâm trạng của bạn như thế nào? Bạn không phân tích phê phán xét đoán những gì người khác đang nói; bạn chỉ lắng nghe thôi, phải bạn làm thế không?
Tâm thức bạn đang ở trong trạng thái mà tiến trình tư tưởng không hoạt động nữa mà lại rất tỉnh thức linh động. Sự tỉnh thức linh hoạt ấy không thuộc về thời gian, phải thế? Bạn chỉ tỉnh thức, cởi mở đón tiếp một cách thụ động thế mà vẫn hoàn toàn có trực thức mẫn tiệp; chỉ trong trạng thái tâm tư này mới có sự hiểu biết giao cảm. Khi tâm động, cật vấn, âu lo, mổ xẻ, phân tích thì không có sự giao cảm được. Khi mình có lòng mãnh liệt muốn tìm hiểu cảm thông thì tâm trí mình cố nhiên rất là trầm lặng.
Hiển nhiên, bạn phải thể nghiệm lấy điều này, đừng nô lệ vào lời nói thôi, nhưng bạn có thể thấy rằng bạn càng phân tích nhiều chừng nào thì bạn lại càng hiểu ít chừng ấy. Bạn có thể hiểu một số biến cố, một số kinh nghiệm, nhưng toàn thể nội dung của ý thức vẫn không thể trút bỏ đi được bằng tiến trình phân tích. Ý thức ấy chỉ có thể trống vắng được là khi nào bạn thấy sự sai lầm của lối đối trị theo điệu phân tích. Khi bạn thấy điều sai là sai, lúc ấy bạn mới bắt đầu thấy được sự thật; và chính chân lý mới giải phóng bạn ra khỏi bối cảnh, hậu cảnh.
Tác phẩm: Tự do đầu tiên và cuối cùng
Phần 2 – Qanda 24: Về thời gian