Immanuel Kant |
Như ta đã biết, vấn đề con người
được đặt ra và nghiên cứu trong triết học từ rất sớm trước Kant. Chẳng hạn,
Protagore khẳng định: "Con người là thước đo của mọi vật". Socrate
đưa ra mệnh đề nổi tiếng: "Con người hãy tự nhận thức chính mình".
Aristote cho rằng, "con người là động vật chính trị". Các nhà triết
học kiêm thần học thời trung cổ coi con người như là sản phẩm của Thượng đế,
còn đời sống của nó là sự thực hiện mệnh trời. Các nhà khai sáng Pháp xem con
người như là giá trị cao nhất sáng tạo ra tất cả mọi giá trị văn hoá trên trái
đất, là thực thể có lý tính của vũ trụ mà tất cả phải xuất phát từ đó và quay
về đó.
Khi tiếp thu những thành qủa
nghiên cứu về con người của các nhà triết học tiền bối, Kant đã nhận ra rằng,
vấn đề con người trong siêu hình học cũ mới chỉ dừng lại ở mức độ chung chung
mà chưa giải đáp được những câu hỏi cụ thể như: Lịch sử hình thành loài người
diễn ra như thế nào? Con người có mối quan hệ ra sao với tự nhiên và xã hội? Và
đặc biệt là: Con người là gì? Kế thừa những quan điểm triết học tiền bối về con
người và những ý tưởng nhân đạo trong huyền thọai và cả trong Kinh thánh, bằng
những hiểu biết của mình, Kant đã thực sự định hình một hướng mới trong nghiên
cứu triết học - triết học nhân học.
Trong tác phẩm "Dự đoán ban
đầu về lịch sử loài người" (1786), Kant đã đưa ra giả thuyết cho rằng,
lịch sử được tính từ thời điểm hình thành loài người. Lịch sử đó gắn liền với
việc loài người chuyển từ vương quốc của tất yếu (tự nhiên) sang vương quốc của
tự do (xã hội), về cơ bản quá trình đó được phân thành bốn giai đoạn:
"Con người đầu tiên - Kant
viết đã biết đứng thẳng và đi lại, biết nói, biết giao tiếp, nghĩa là biết diễn
đạt các khái niệm". Con người cũng biết biểu lộ ý chí và lý tính, hướng
hành động của mình theo mục đích xác định. Các họat động của con người không
phức tạp mấy. Mọi quyền lợi và mục đích không vượt ra ngoài giới hạn của nhu cầu
ăn uống. Bản năng sinh tồn quy định mọi hành vi của con người nguyên thuỷ.
"Bản năng đó tạo nên thói quen trong con người, dạy con người rằng, cái
này có thể dùng để ăn, cái kia thì bị cấm". Bản năng ăn uống như một
phương tiện bảo toàn sự tồn tại của mọi cá thể người, con người buộc phải lệ
thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Nhưng những nhu cầu tự nhiên của người nguyên
thuỷ dần dần được nhân cách hoá, bởi sự đáp ứng các nhu cầu đó không đơn thuần
mang tính động vật. Theo dõi quá trình hình thành và phát triển của nhân tính,
Kant tập trung chú ý đến sự hình thành tính chủ thể.
Con người, theo quan điểm của
Kant, phát triển trước tiên với tư cách là một chủ thể nhận thức. Lý tính đã
thức tỉnh con người, giúp nó thoát khỏi giới hạn của bản năng ban đầu trong sự
nhận biết phương tiện và đối tượng sinh nhai. Nếu trước đấy bản năng sinh tồn
dạy con người nhận biết một số đối tượng nhất định có thể đáp ứng cho nhu cầu
tồn tại của nó, thì nay con người bỗng nhận ra rằng số lượng đối tượng như vậy
là vô hạn trong tự nhiên. Từ đó trong con người xuất hiện khả năng lựa chọn
điểm khởi đầu của tự do. "Kể từ thời điểm đó Kant viết con người nhận thấy
rằng nó không còn khả năng tự quay về trạng thái lệ thuộc (sự thống trị của bản
năng)". Sự lựa chọn các phương tiện và đối tượng sinh tốn như đã nói ở
trên là điểm khởi đầu của tự do, nó giúp con người thoát khỏi tình trạng thống
trị của bản năng kết thúc giai đoạn đầu của lịch sử loài người.
Nhưng vấn đề không dừng lại ở sự
tồn tại của từng cá thể. "Lý tính trong con người bắt đầu thức tỉnh. Con
người bắt đầu để ý rằng cảm xúc giới tính vốn có ở loài động vật đã khơi dậy
trong nó trí tưởng tượng và tiếp đến là bản năng giới tính, với tư cách là
phương tiện dê bảo toàn nòi giống". Ở thời điểm này, sự mong muốn cảm tính
tự nhiên trong con người chuyển thành mong muốn lý tưởng (nhờ trí tưởng tượng),
nhu cầu tự nhiên sinh học chuyên thành tình yêu, cảm giác chuyển thành sự cảm
nhận cái đẹp trong con người và tự nhiên. Giờ đầy "con người hướng tới
việc làm cho người khác kính trọng mình với tư cách là cơ sở cho việc giao tiếp
trong hiện thực" xuất hiện yếu tố đạo đức trong con người đó là thời điểm
bắt đầu của văn hoá, kết thúc giai đoạn thứ hai của lịch sử loài người.
Bước phát triển tiếp theo của
lịch sử loài người, Kant liên hệ với sự xuất hiện khả năng dự báo tương lai.
Khả năng dự báo là đặc tính cơ bản của chủ thể nhận thức và hành động, bởi
không có sự dự báo thì sẽ không có hiện tượng ý thức. Khả năng dự báo tương lai
tạo điều kiện cho con người chuẩn bị mục đích xa hơn. "Người chồng cần
phải nuôi mình, nuôi vợ và các con cái sắp sinh, đã nhìn thấy sự nhọc nhằn
trong lao động của mình tăng lên. Người vợ cảm thấy đau khổ vì tự nhiên cản trở
giới tính của bà, vì những việc mà người chồng vũ phu đè nặng lên vai. Trong
cuộc sống nhọc nhằn, cả hai người bị ám ảnh bởi nỗi lo sợ vì họ đã nhìn thấy
trong tương lai cái chết điều xảy ra đối với các động vật mà chúng không ý thức
được. Và họ sẵn sàng quở trách, cho rằng lý tính là tội ác, vì lý tính mà họ
phải chịu những đau khổ của cuộc đời. Ý nghĩ cho rằng sống cho đời sau thế hệ
có thể có một cuộc sống tốt đẹp hơn đã giảm nhẹ sự nhọc nhằn trong lao động, ý
nghĩ đó trở thành niềm hy vọng an ủi duy nhất đối với họ.
Bước thứ tư và cũng là bước cuối
cùng trong sự phát triển của lịch sử loài người nguyên thuỷ gắn liền với việc
xuất hiện tự ý thức về loài. Con người đã ý thức được một cách mơ hồ rằng
"bản thân nó là mục đích của tự nhiên và không một tồn tại nào trên trái
đất có thể so sánh được với nó". Đồng thời con người có quan hệ bình đẳng
với các tồn tại khôn ngoan khác nhằm đạt mục đích của mình, chứ không coi chúng
là phương tiện. Kể từ thời điểm đó, thời thơ ấu của loài người kết thúc, loài
người từ bỏ cái nôi người mẹ tự nhiên để bước sang một thế giới đầy thử thách,
đau khổ và trăn trở. Lý tính thức tỉnh con người, hướng nó tới sự phát triển
các năng lục và tư chất bẩm sinh, đồng thời ngăn trở con người không được trở
về trạng thái ngu muội, thù địch mà nó đã từng thoát khỏi. Lý tính cũng mách
bảo con người cần phải lao động. Sự thoát khỏi trạng thái tự nhiên theo Kant
"là bước chuyển từ trạng thái động vật hoang dã sang trạng thái có nhân
tính, từ trạng thái thống trị của bản năng sang trạng thái thống trị bằng lý
tính nói cách khác, là bước chuyên từ trạng thái bảo trợ của tự nhiên vào trạng
thái tự do.
Trạng thái lịch sử đầu tiên của
tự do, theo Kant, chính là giai đoạn chuyển từ thời đại yên tĩnh hoà bình vào
thời đại lao động và bất hoà với tư cách là một bước chuyển tiếp đến sự hình
thành xã hội. Trong trạng thái tự do, con người là chủ thể lao động, cuộc sống
săn bắt và hái lượm cơ bản đã chấm dứt, loài người chuyển sang nghề trồng trọt,
chăn nuôi, chế tác công cụ lao động và các phương tiện sinh họat (thủ công).
Theo Kant, xã hội xuất hiện ở giai đoạn lý tính con người đã phát triển. Sự
xuất hiện xã hội kéo theo sự hình thành con người xã hội đó chính là một bước
ngoặt lớn trong lịch sử nhân loại. Nhưng cũng từ đó làm phát sinh nhiều mâu
thuẫn xã hội mà hạt nhân là tính đối kháng.
Vấn đề đối kháng xã hội được Kant
lý giải khá rõ trong tác phẩm, ý niệm (về lịch sử phổ biến trên bình diện công
dân toàn cầu (1784). Kant cho rằng, trong giao tiếp xã hội, con người luôn cảm
thấy mình có những tư chất bẩm sinh. Nhưng nếu hành động của con người phù hợp
với sự hiểu biết của nó thì tất yếu sinh ra phản kháng của những cá nhân khác
và chính bản thân nó cũng chính là sự phản kháng. "Chính sự phản kháng đó
- Kant viết: khơi dậy nơi con người nguồn sức lực, buộc nó khắc phục sụ lười
biếng bẩm sinh và thức tỉnh bởi thói háo danh, say mê quyền lực hay vụ lợi, nó
tự tạo cho mình địa vị đối với những tha nhân mà thực ra nó không thể chịu đựng
được nhưng khó mà lẩn tránh. Thiếu kháng thì con người không còn là con người
nữa, vì mọi tư chất bẩm sinh của nó sẽ không được bộc lộ. Bởi vì "phương
tiện được tự nhiên sử dụng để phát triển mọi tư chất bấm sinh của con người là
tính đối kháng của họ trong xã hội, mà tính đối kháng xét đến cùng chính là
nguyên nhân lập nên trật tự hợp pháp của họ".
Kết quả của sự đối kháng xã hội,
theo Kant, chính là sự thiết lập một xã hội công dân pháp quyền phổ biến, trong
đó các thành viên có thể dành được tự do trên cơ sở phải tôn trọng quyền tự do
của người khác. Chỉ trong một xã hội như vây mới có thể đạt tới mục đích tối
cao của tự nhiên là phát triển mọi tư chất bẩm sinh vốn có ở con người. Phương
tiện để đạt tới một xã hội như vậy chính là một nền hoà bình vĩnh viễn. Nghĩa
là phải loại bỏ mọi cuộc chiến tranh, bởi chiến tranh đồng nghĩa với đói nghèo,
bất hạnh và chia rẽ. Nền hoà bình vĩnh viễn sẽ góp phần hợp nhất các dân tộc
trên toàn cầu lại với nhau thành một khối thống nhất, giúp nhân loại tránh được
những hiểm họa có tính toàn cầu (bạo lực, chiến tranh, đói nghèo...).
Quan niệm về lịch sử nhân loại
như đã nêu trên là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ triết học xã hội của Kant. Nó
cũng là phương pháp luận cơ bản để ông lý giải về vấn để con người, với tư cách
là một cá thể của loài. Ẩn náu đằng sau bức tranh lịch sử nhân loại mà Kant đã
phác họa ra là biện chứng của cá thể và loài, của cá nhân và xã hội. Chỉ với tư
cách là một cá thể của loài, con người mới phát hiện ra sự sáng suốt và tính
hợp mục đích tuyệt diệu của một trật tự xã hội đã được thiết lập, với phương
châm đó, Kant tiếp cận vấn đề con người cùng một lúc từ nhiều khía cạnh khác
nhau:
Con người với tư cách là
"Homo Phaenomenon", nó là tồn tại cao nhất trong mọi tồn tại, phải
phục tùng các quy luật tất yếu, nhưng cũng luôn hướng tới tự do.
Con người là chủ thể có nhân cách
hàm chứa trong mình các nhân tố đạo đức và giá tri văn hoá. Con người là chủ
thể, đồng thời là sản phẩm của giáo dục. "Con người chỉ có thể trở thành
con người bằng con đường giáo dục".
Con người với tư cách là
"homo noumenon" - một tồn tại giàu trí tưởng tượng, bởi "trí
tưởng tượng là người họa sĩ vĩ đại, hơn nữa là người có phép thần thông ... Con
người là tồn tại sáng tạo nên nền văn hoá nhờ có một năng lực ký diệu đó là trí
tưởng tượng được thực hiện dưới sự kiểm soát của giác tỉnh, lý tính và năng lực
phán đoán trong giới hạn của trực quan cảm tính". Nhờ được trang bị bằng
trí tưởng tượng đó mà con người luôn hướng tới một xã hội lý tưởng - xã hội
công dân toàn cầu.
Kant không lý giải một cách rõ
ràng và cụ thể những vấn đề mà ông đã đặt ra, ông cũng không trả lời một cách
dứt khoát câu hỏi: Con người là gì? Tuy vậy qua các tác phẩm của ông, chúng ta
nhận thấy "Kant rất quan tâm đến vấn đề vai trò họat động cải tạo của con
người với tư cách là chủ thế của thế giới, bởi theo ông con người về bản chất
là một thực thể họat động tích cực.
Bản chất họat động của con người,
theo Kant được biểu hiện đầy đủ nhất trong lĩnh vực đạo đức. Nhà tư tưởng vĩ
đại đã nhìn thấy sự không tương hợp nhất định giữa bản chất con người và vị trí
của con người trong hiện thực. Ông đã vạch rõ khả năng "xuyên tạc"
phong thái con người bởi những hoàn cảnh "bắt buộc” trong điều kiện đời
sống quan liêu của xã hội phong kiến. Ông đã nhìn sâu vào những vấn đề xã hội,
vạch ra những điều kiện cần thiết nhầm giúp con người nhận ra vị trí của mình
trong thế giới và hiểu đúng đắn mình phải như thế nào để trở thành một con người.
Mong ước lớn nhất của nhà tư
tưởng mang nặng tinh thần nhân đạo chủ nghĩa là sự giải phóng con người khỏi
mọi khổ đau, bất hạnh, áp bức bóc lột và sự lệ thuộc. Bởi vì "con người lệ
thuộc người khác thì không còn là người nữa. Anh ta đã tự đánh mất danh hiệu
của mình và trở thành nô lệ của người khác... mà nô lệ là cái ác lớn nhất trong
bản chất con người". Con người là chủ thể của hành động xã hội, nó cũng là
mục đích tối cao của tự nhiên, cho nên "con người có mục đích tự thân,
nghĩa là không một ai (thậm chí cả thượng đế) có thể sử dụng nó như một phương
tiện nếu không vì mục đích của chính con người".
Nhìn lại những quan điểm của Kant
về vấn đề con người, chúng ta thấy còn nhiều điểm đáng phải tranh luận. Tuy
nhiên, điều đáng quý trong triết học nhân học của Kant là ở chỗ, thông qua lĩnh
vực tri thức mới mẻ này ông muốn gửi tới đương thời và hậu thế bức thông điệp
về sự thống nhất giữa chân lý, cái đẹp và cái cao cả. Chính ở đây, trong nhân
bản học của Kant, chúng ta chợt nhận ra rằng chân - thiện - mỹ là ba giá trị
cao quý nhất làm cho nhà triết học trăn trở suất cả cuộc đời.
Lê Công Sự
Nguồn: Tạp chí
Nghiên cứu con người