Cái ác trỗi dậy từ sự hẹp hòi cá nhân

Cũng giống như các tội phạm khác, việc tìm hiểu những yếu tố dẫn đến việc phát sinh các tội phạm xuất phát từ mâu thuẫn tình cảm cá nhân trong những ngày gần đây đều phải dựa vào hai yếu tố. Đó là nguyên nhân từ phía người phạm tội và các điều kiện hỗ trợ cho tội phạm xảy ra.

Nhu cầu cá nhân sai lệch

Nguyên nhân từ phía người phạm tội được hiểu là tất cả yếu tố thuộc về người phạm tội bao gồm các đặc điểm sinh học, các đặc điểm xã hội và các đặc điểm nhận thức, tâm lý của người phạm tội. Trong ba nhóm đặc điểm nêu trên, nhóm đặc điểm thứ hai và thứ ba giữ vai trò quan trọng, còn các đặc điểm sinh học như giới tính, độ tuổi, tình trạng sức khỏe, thể lực… chỉ đóng vai trò hỗ trợ.

Có thể thấy rõ nguồn gốc hình thành động cơ của những người có hành vi phạm tội nêu trên đều xuất phát từ sự mất cân đối, sự hạn hẹp của nhu cầu cá nhân. Trong tâm lý của một con người bình thường luôn tồn tại nhiều loại nhu cầu như nhu cầu vật chất, nhu cầu tinh thần, nhu cầu sinh học hay nhu cầu xã hội và các nhu cầu này cùng tồn tại song song. Tuy nhiên, ở những người này, nhu cầu về mối quan hệ trai gái, vợ chồng trở thành nhu cầu chủ đạo, trong khi đó các nhu cầu xã hội khác như nhu cầu tình cảm gia đình, nhu cầu làm việc… bị lấn lướt.

Khi con người bị các nhu cầu này chi phối hầu như mọi sinh hoạt trong cuộc sống, họ không còn suy nghĩ về những nhu cầu, giá trị tốt đẹp khác và sẵn sàng thực hiện hành vi phạm tội khi nhu cầu đó không được đáp ứng. Bên cạnh đó, cũng có thể xem trong những tội phạm cụ thể này có sự mâu thuẫn giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng nhu cầu, tức là người phạm tội có nhu cầu gắn bó yêu thương với người khác nhưng khả năng của họ (thông qua lối sống, cách xử sự) không khiến người khác đáp trả tình cảm.

Ý thức đạo đức, ý thức pháp luật kém

Điểm nổi bật trong định hướng giá trị của những người phạm tội trong những vụ án này là quá thiên về giá trị tinh thần (tình cảm cá nhân như không được thay đổi trong tình yêu, cuộc sống không còn ý nghĩa khi không có người yêu bên cạnh), hiểu sai lệch về giá trị của tình yêu (sự tự nguyện trong tình yêu, sự tự do trong việc lựa chọn người yêu cũng như quan niệm về sự chung thủy). Định hướng giá trị sai lệch này nó chi phối, hướng cuộc sống của người phạm tội theo những khuôn mẫu có sẵn mà họ tự vạch ra và họ sẵn sàng làm mọi thứ, kể cả giết người để bảo vệ những giá trị ấy.

Với sự tồn tại của nhu cầu và định hướng giá trị nêu trên, có thể thấy rằng ý thức đạo đức và ý thức pháp luật của người phạm tội kém, thể hiện ở thái độ không tôn trọng tính mạng, nhân phẩm của người khác, khi diễn biến mối quan hệ không được như ý nguyện thì lạnh lùng làm nhục, giết người dã man.

Bắt chước người khác

Các đặc điểm thuộc về tâm lý của người phạm tội được hình thành trong quá trình xã hội hóa mà các đặc điểm thuộc về sinh học đóng vai trò là nền tảng vật chất cần thiết. Trong hoàn cảnh xã hội hiện nay cần tập trung vào các yếu tố sau đây:

- Sự buông lỏng trong việc giáo dục đạo đức từ trong gia đình, nhà trường và xã hội. Khi cuộc sống bị vật chất chi phối quá nhiều, người ta có xu hướng không quan tâm đúng mức việc giáo dục lối sống, ý thức đạo đức cho học sinh, sinh viên cũng như các công dân khác trong xã hội mà chỉ tập trung vào nhồi nhét kiến thức, đạt chỉ tiêu bằng cấp, việc làm có thu nhập cao…

- Có sự thay đổi lớn về văn hóa, tâm lý xã hội, tiêu biểu là tâm lý đề cao, tuyệt đối hóa nhu cầu của cá nhân bất chấp các giá trị đạo đức, xã hội. Sự tràn ngập các phim ảnh bạo lực, các màn bạo lực trong các phim tâm lý xã hội hay các bài hát bi lụy về tình yêu trên các phương tiện thông tin đại chúng đã tác động sâu sắc đến nhận thức của người phạm tội, dần hình thành ở người phạm tội những suy nghĩ, hành vi tiêu cực, xem bạo lực là cách tốt nhất để giải quyết những mâu thuẫn về mặt tình cảm.

- Sự lây lan tâm lý tiêu cực bạo lực trong xã hội. Điều có thể nhận thấy trong những vụ án gần đây là thủ đoạn phạm tội của người phạm tội giống nhau: Khi tình cảm cá nhân không được như ý thì xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tính mạng của người khác. Sống trong môi trường tình hình tội phạm phức tạp như hiện nay, khi hình thành động cơ phạm tội, người phạm tội sẽ có xu hướng quan sát, “bắt chước” những người phạm tội khác.

Các điều kiện hỗ trợ cho tội phạm xảy ra

Một trong những điều kiện hỗ trợ cho hành vi phạm tội xảy ra trong những vụ án gần đây có thể thấy là khía cạnh nạn nhân. Điều này không đồng nghĩa là nạn nhân có lỗi nhưng dưới góc độ của tội phạm học, nạn nhân có những đặc điểm nhất định tạo điều kiện cho tội phạm xảy ra. Như: nạn nhân là phụ nữ yếu đuối không có khả năng phản kháng khi bị người phạm tội tấn công; nạn nhân có mối quan hệ nhất định với người phạm tội; nạn nhân chưa khôn khéo trong mối quan hệ với những người có đặc điểm tâm lý yêu đương cố chấp, bất thường… Các cá nhân phải hiểu rõ các vấn đề này để có những biện pháp phòng ngừa tội phạm xâm hại bản thân mình trước khi chờ sự bảo vệ từ gia đình, xã hội.

Ngoài ra, sự thiếu nhiệt tình của các cơ quan chức năng, đoàn thể tại địa phương trong việc xử lý tin tố giác của người dân cũng là yếu tố quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm xảy ra.

ThS Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh
Previous Post
Next Post