Chân trời không có gì và mặt trời vẫn mọc...

Chân trời không có gì và mặt trời vẫn mọc...

Một cậu bạn hỏi tôi: “Đạo là gì?”. Tôi chỉ mỉm cười. Cậu ấy hỏi lần nữa với giọng điệu: “Theo mình nghĩ...”. Tôi nhận ra con người ta đa số rất thích nói ra những điều mình mới biết và biết chưa thấu đáo, đặc biệt là muốn cho thiên hạ thấy được những thành tựu của mình, ham hiểu biết cũng là một dục vọng. Con người ta thường có những điểm chung, tất nhiên tôi không nói đến cơ chế sinh hóa của cơ thể mà muốn nói đến cơ chế tinh thần. Đa phần chúng ta thích được khen ngợi (thường là thích nghe người khác khen sau lưng) khi làm được điều gì đó có giá trị, ai cũng thích được nhìn bằng đôi mắt trọng vọng và trìu mến giống như những đứa trẻ thích được cho quà, được nhiều quà hơn đồng nghĩa với việc yêu thương nhiều hơn. Bởi vì trong chúng có một sự quy đổi giá trị. Và, tất nhiên cách quy đổi của chúng có thể đúng, có thể sai.

Ông tổ Nho giáo bảo rằng: “Nhân chi sơ, tính dã trực”, nghĩa là sinh ra nó là như thế. Sau này các học trò của ông mỗi người lại chọn một hướng cực đoan để luận thuyết: Mạnh Tử thì cho rằng “Nhân chi sơ, tính bản thiện”; Tuân Tử thì bảo: “Nhân chi sơ, tính bản ác”. Nhìn chung, Nho giáo cho rằng con người có Tứ Đoan, nghĩa là con người sinh ra có 4 bản tính không ai dạy dỗ mà tự có. Thứ nhất, biết đâu là đúng sai (thị phi), thứ hai, biết thế nào là xấu hổ, tủi thân (tu ố); thứ ba biết nhường trên kính dưới, tôn ti trật tự (từ nhượng) và thứ tư là luôn có lòng trắc ẩn bên trong. Nho giáo coi trọng đạo đức và trách nhiệm của con người trong những mối quan hệ xã hội từ thời phong kiến gọi là tam cương (quân thần, phu phụ, phụ tử) và ngũ thường bao gồm 5 mối quan hệ thường xuyên (Vua – tôi, cha – con, vợ – chồng, anh – em, bạn – mình) gắn bó mật thiết với những phẩm chất đạo đức tương ứng là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Những giá trị phẩm chất này đến nay vẫn còn nguyên những giá trị tích cực của nó.

Nho giáo yêu cầu con người phải “tồn tâm dưỡng tính”, nghĩa là nuôi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp sẵn có của mình. Đến lượt Đạo giáo do Lão Tử sáng lập thì lại cho rằng con người chỉ “tồn tâm dưỡng tính” thì chưa đủ, phải “rèn tâm luyện tính” để nâng cao phẩm chất người. Vì có những điều diễn ra trước mắt, tưởng là sai nhưng lại đúng, tưởng là đúng nhưng lại sai. Do đó Đạo giáo có xu hướng quy nguyên phản bản (hướng vào bên trong chính mình) để mở ra cái nhìn sáng suốt, nên Đạo giáo có xu hướng tu luyện Tinh, Khí, Thần để nâng cao đẳng cấp người thành: “Trường sinh bất lão”, “An lạc phiêu diêu”. Họ lên núi tu tiên, không màng thế sự đổi thay. Họ là những con người lựa chọn cách sống đạm bạc, thanh tịnh như lão tiều phu ở núi Na trong Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ: “Ta là kẻ dật dân trên trời, ông lão già lánh bụi, gửi tính mệnh ở nơi lều tranh quán cỏ, tìm sinh nhai ở búa gió dìu trăng, (...) chỉ biết đông kép mà hè đơn, nằm mây mà ngủ khói”. Tinh thần của Đạo giáo coi danh lợi như áo phù du, xem cuộc đời như một giấc mộng thể hiện rất rõ trong Đạo Đức Kinh và Nam Hoa Kinh.

Đến lượt Phật giáo, Bụt lại hướng chúng ta vào sự quán chiếu vô thường về kiếp người và vạn vật. Nếu Nho giáo hướng con người đến “tồn tâm dưỡng tính”, Lão giáo hướng đến “rèn tâm luyện tính” thì Phật giáo xoáy sâu vào việc “minh tâm kiến tính”, nghĩa là Giác ngộ lẽ vô thường. Hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục... vốn dĩ nằm sâu trong bản năng con người, những mối quan hệ xã hội sẽ khơi nó thức giấc.

Mọi đau khổ phiền não đều xuất phát từ thất tình lục dục và vô minh. Kinh Phật có một số lượng khổng lồ với 12 bộ kinh được chia thành 5 thời và sau này chia thành 3 bộ gồm: Kinh – Luật – Luận, nhưng tất cả tinh thần đều được đúc kết thông qua Tứ diệu đế và Bát chánh đạo. Cũng xuất phát từ quan điểm Tỵ thế, Bụt hướng nhân loại đến Giác ngộ lẽ vô thường rồi dần dần từ bỏ ái dục, từ bỏ cái tôi để đi đến sự giải thoát, Ngài đã từng nói: “Nếu biển chỉ có một vị mặn thì giáo lý của ngài cũng chỉ có một vị là Giải thoát. Ngài còn khẳng định: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”.

Tất cả các tôn giáo dù phương Đông hay phương Tây đều hướng con người đến đạo đức, tình thương và lòng bác ái. Nhưng vấn đề nhân đạo không ai có thể làm thay chính bản thân mỗi con người. Con người trong thực tế vẫn không ngừng tiến hóa để làm trong sáng tâm hồn mình nhằm hướng đến một hạnh phúc thường cửu. Muốn như thế không có gì khác ngoài việc tự mình rèn luyện, tự mình tu tâm dưỡng tính, tự mình rèn tâm luyện tính và tự mình minh tâm kiến tính. Chẳng ai có thể thay ta làm những việc ấy. Đức Giêsu từng bảo: “Hãy lật đá, các ngươi sẽ tìm thấy ta, hãy chẻ gỗ và ta ở đó”, nghĩa là đấng sáng tạo nằm ngay bên trong vạn vật và nằm trong chính bản thể của mỗi con người. Nhà triết học người Đức Meister Eckkart (1260 – 1328) cũng nói với chúng ta rằng: “Con mắt tôi nhìn Thượng đế cũng chính là con mắt Thượng đế nhìn tôi”.

Đã có bao nhiêu vị thầy minh triết của nhân loại giảng cho ta về đạo đức, đã chỉ cho ta cách sống có tình thương, sự bao dung, lòng trắc ẩn. Sự ích kỷ của chúng ta tăng lên theo cấp số nhân, kinh tế càng khó khăn, mưu sinh và tham dục càng lớn, bi kịch vì thế càng khổng lồ. Tranh chấp, giết người, lừa gạt, thủ đoạn, khủng bố, chiến tranh,... tất cả xuất phát từ lòng tham và sự mù quáng. Ma và Phật khác nhau ở chỗ một bên thì Mê bên kia thì Giác, chính vì mê mờ nên Phật tính trong con người chúng ta bị chìm khuất. Kênh Atula, kênh địa ngục, kênh ngạ quỷ, súc sanh một khi đã xuất hiện thì biến thế giới thành chiến trường, thành địa ngục, thành sa mạc đói khát, trôi nổi... khổ đau chẳng có điểm dừng.

Con người là động vật ác nhất trên quả đất nhưng cũng là loài có tình yêu thương rộng lớn nhất, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”,... là một dạng Tình thương cao quý của con người. Đó cũng chính là Thiên thần, là Bụt, là Đức mẹ bao dung...

Bạn có thấy những đứa trẻ nhà mình thích trèo lên cây để tự hái những chùm nhãn đầu mùa hơn là được mẹ mua cho rồi cứ thế bỏ vào miệng. Hay chúng ta cũng thấy những bậc vua chúa thời xưa dùng cung tên và những đại gia thời nay sắm riêng một khẩu súng để săn bắn thú rừng,... Đấy là chưa nói đến những trò chơi mạo hiểm như leo núi, chinh phục độ cao, đua xe,... Tinh thần hướng ngoại đã khiến xã hội chúng ta có những biến chuyển thật diệu kỳ. Diệu kỳ này được xét ở góc nhìn dục vọng.

Trong mỗi chúng ta có rất nhiều thứ quý giá, ta không chịu tìm kiếm nên cứ muốn lấy nó từ người khác. Trước khi thành Thiên đạo hay Phật đạo thì hãy làm tròn Nhân đạo. Nhân đạo không bắt chúng ta phải ăn chay, không bắt chúng ta phải diệt dục... điều cốt lõi của nhân đạo chính là đạo lý làm người, tình thương giữa con người với con người. Con người thời xưa đã xây cho mình rất nhiều cung vàng điện ngọc, tráng lệ nguy nga, nhưng cũng sáng tạo nên những dụng cụ giết người và tra tấn vô cùng khủng khiếp... Nhân đạo đã đi một quãng đường rất xa từ dã man đến văn minh, những điều tàn ác dã man đã giảm đi. Quyền con người đã được thế giới đề cao, nhưng Đạo làm Người phải xuất phát từ đời sống tâm hồn bên trong.

Michael Shermer trong cuốn Sự tuyệt chủng của con người kinh tế đã mượn những lời trong tác phẩm Tặng Phẩm và Cặn Bã của nhà triết học Đức lỗi lạc Arthur Schopenhauer (1788 – 1860) làm lời đề từ cho cuốn sách của mình như sau: “Đàn nhím quây quần bên nhau để sưởi ấm trong mùa đông giá rét; nhưng khi những chiếc gai trên người chúng đâm vào nhau, chúng buộc phải tản ra... Sau nhiều lần sát lại rồi tản đi, chúng buộc phải tản ra... Tương tự, nhu cầu hình thành xã hội đã đưa con người đến gần nhau nhưng rồi bản tính gai góc và khó ưa lại đẩy họ ra xa nhau. Cuối cùng con người cũng hiểu cần giữ một khoảng cách vừa phải mới mong giao tiếp cùng nhau được, khoảng cách đó cũng chính là chuẩn mực của phép lịch sự và hành xử”. Trong thiên Dương Hóa của Luận Ngữ (một trong tứ thư của Nho giáo) Khổng Tử nói: “Tính tương cận dã, tập tương viễn dã” nghĩa là bản tính người ta vốn gần như nhau, chính thói quen, lối sống khiến người ta xa nhau. Do đó, vấn đề con người là vấn đề hàng đầu trong hành tinh của chúng ta.

Cứu một con người khó khăn biết bao nhiêu, nhưng tàn sát hàng chục, trăm, triệu người thì thật đơn giản trong thời đại hạt nhân này. Nếu vấn đề lòng Nhân đạo không xuất phát từ bên trong thì mọi hoạt động từ thiện, cứu người của tất cả các tổ chức có lương tâm chỉ như một trò hề trong một vở hý kịch. Sinh mạng con người mỏng manh như trứng treo đầu gậy, vở tuồng quá lớn và huy động một lực lượng diễn viên quá đông, bi kịch chiến tranh là như vậy.

Không có sinh thì có diệt, Bụt dạy ta cách thảnh thơi chấp nhận vô thường. Nhưng cuộc sống nhân gian này chất chứa dục vọng từ thuở hồng hoang, bây giờ không nên đặt câu hỏi vật chất có trước hay ý thức có trước nữa, hãy thử đặt câu hỏi: Con người có trước hay dục vọng có trước? Trả lời được câu hỏi này ta sẽ hiểu hơn về chính ta. Vì sao chúng ta lại sinh ra ở cuộc đời này nếu không phải ông bố và bà mẹ chúng ta muốn hoặc vô tình tạo ra. Để rồi khi chúng ta sinh ra, những bản năng sinh tồn, những thiết chế của kiến trúc thượng tầng và cơ sở hạ tầng cùng với cả những quan niệm, tập tục, lề thói xã hội đã bắt chúng ta phải tuân theo, chúng ta khó cưỡng lại hoàn cảnh mà dần dần chúng ta lệ thuộc vào hoàn cảnh.

Có sự khác biệt gì đó đối với ý niệm và tôn chỉ của các nhà tu hành khiến họ xa rời cuộc sống đầy bon chen, cám dỗ và đau khổ của con người? Đơn giản vì họ không muốn trở thành một diễn viên trong một tấn kịch nhân loại ở trên. Họ muốn tự làm chủ chính bản thân mình vì họ hiểu mình cần gì và mình sẽ được gì. Họ hiểu được mọi thứ... chẳng qua là tồn tại.

Chúng ta hoài nghi không dứt về nguồn gốc của chính mình, một số tôn giáo cho rằng vũ trụ này được sáng tạo nên (có thể đúng), số khác thì phủ nhận đấng sáng tạo (có thể sai) nghĩa là cái gì cũng có thể đúng hoặc sai theo từng góc nhìn. Trong cuốn Đợt Sóng Thứ Ba, Alvin Toffler đã có những băn khoăn rất thú vị và tất nhiên không thể nói đó là ngớ ngẩn, đó là việc liệu những chiếc ro-bot, máy tính mà con người tạo ra chúng có biết chúng đang bị điều khiển hay không? Hay có bao giờ chúng ta tự hỏi liệu những nhân vật trong game AOE (Age of Empires – một loại trò chơi chiến thuật trên máy tính có tên gọi Đế chế qua các thời đại) có nhận thức được số phận của mình phụ thuộc vào những cậu bé, những sinh viên đang miệt mài đêm ngày với những chiến thuật chạy dân, chăn dân ra sao, bo nhà, thu hoạch lương thực, rong voi, lùa hươu như thế nào hay không?... 

Tất cả như là cuộc sống được tái hiện trong nền văn minh con người, và tất nhiên đó là cuộc sống trong không gian ảo được game thủ thao tác trên bàn phím, con chuột và các mã lệnh hiện lên trên một chiếc mành hình. Bằng ngôn ngữ lập trình máy tính, các chuyên viên phần mềm có thể tạo nên hàng loạt các nhân vật có cuộc sống như con người mà tất cả chúng ta có thể chiêm lãm thông qua màn hình của chiếc máy tính. Liệu rằng, những nhân vật đó có biết chúng là một sản phẩm hay không? Có bao giờ chúng khám phá được một màng lưới kỳ ảo nào đã tạo ra chúng và cho chúng hoạt động như vậy?

Có lẽ chúng ta nên quay trở về hiện thực, trong game ảo có các ông trùm, các boss lợi hại thì ngoài đời thực cũng có những vĩ nhân, quan lớn. Dẫn dụ trên đưa ta đến một sự thực là, ta cũng như những nhân vật trong thế giới game ảo, chúng ta đang tự khám phá khả năng của chính mình, chúng ta đang tìm mọi cách để hiểu về chính mình và hiểu về vũ trụ.

Tác giả: Nguyễn Công Cảng
Xem thêm: Phần 1; Phần 3
Previous Post
Next Post