Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy
chúng ta rằng, có sự sống là có khổ bao gồm: khổ khi sinh ra, khổ khi lớn lên
già đi, khổ khi tật bệnh, khổ vì chết đi, khổ vì ân ái không được ở bên nhau,
khổ vì oán thù gặp gỡ, chung đụng, khổ vì ước nguyện chưa toại, khổ vì thân năm
ấm nung đốt, gọi chung là tám điều khổ. Khổ là sự thực của cuộc đời, vì bản
chất cuộc đời là khổ thế nên suốt đời người đều mong muốn tìm kiếm được hạnh phúc.
Vì thế đức Đạt Lại Lạt Ma từng nói “mục đích của sự sống là theo đuổi hạnh
phúc”. Sở dĩ ngài nói thế ý là muốn tiếp lời của đức Phật Thích ca, Phật Thích
ca nói “lìa khổ” ngài nói “được hạnh phúc” cả hai vị thầy đó đều nói với chúng
ta về thực tướng của đời người.
Tuy nói mưu cầu hạnh phúc là bản
năng của con người nhưng trước hết chúng ta phải làm rõ vẫn đề: cái hạnh phúc
mà chúng ta muốn mưu cầu, tìm kiếm kia rốt cục như thế nào?
Thực ra con người từ khi mới chào
đời cho đến khi trút hơi thở cuối cùng không hẳn đều mưu cầu hạnh phúc, cái
hạnh phúc thông thường kia bất quá chỉ là những biện pháp, những việc làm nhằm
thỏa mãn dục vọng, thỏa mãn tham muốn bản năng như sự thỏa mãn về ăn uống ngủ
nghỉ. Một khi những tham muốn kia được thỏa mãn thì họ cảm thấy “hạnh phúc”.
Nhưng vấn đề là hạnh phúc đích thực khác hẳn so với sự thỏa mãn dục vọng.
Theo đuổi sự thỏa mãn vật chất,
đáp ứng dục vọng cá nhân là xu hướng chung của con người hiện đại có lẽ vì thế
mà nền văn minh vật chất hiện nay phát triển như vũ bão. Tuy nhiên song song
với việc theo đuổi sự thỏa mãn về vật chất bất chợt con người nghi ngờ rằng cái
hạnh phúc mà trước giờ họ theo đuổi phải chăng là niềm hạnh phúc đáng tin cậy,
trường tồn vĩnh cửu?
Mưu cầu hạnh phúc vật chất, thỏa
mãn dục vọng trong tương đối và biết điểm dừng
là điều tất nhiên và cũng không nên trách cứ nhiều, nhưng nếu theo đuổi
chúng với lòng tham vô độ, không hợp lí, không biết dừng, không biết đủ thì
ngay phút sau của những thỏa mãn đó chỉ là đau khổ vô bờ. Từ điểm này cho chúng
ta thấy, nếu không có quan niệm đúng đắn về hạnh phúc thì dù tìm kiếm chúng cả
đời bất quá cũng chỉ là bạn đang tìm đau khổ vì tất cả hạnh phúc mà bạn tìm đều
phải trả cái giá đau khổ hơn nữa hạnh phúc kia không phải hạnh phúc lâu dài
thực sự, nó chỉ là biểu hiện tạm thời, nói thẳng ra đó chỉ là ảo giác.
Hơn nữa khi người ta tìm được cái
mà người ta cho là hạnh phúc kia họ lại không tận hưởng chúng mà lại hồi tưởng
về quá khứ, về chặng đường gian nan vất vả tìm hạnh phúc đó. Con người như khúc
gỗ trên dòng sông lượn vòng, quanh co khúc khuỷu, hết ghé bờ hạnh phúc lại đâm
vào bờ khổ đau và ngược lại và kéo dài mãi như thế, hết khổ lại vui hết vui lại
khổ như vòng tuần hoàn bất tận. Chẳng qua con người muốn tự an ủi, tự huyễn
hoặc mình rằng những gì mình theo đuổi kia là hạnh phúc kết quả là mãi mãi chìm
đắm trong biển khổ.
Mật Tông trong Phật giáo đặc biệt
chú trọng đến “tư tưởng đại lạc”, nhưng đó là “đại lạc” trong quá trình tu tập,
là niềm hỷ lạc về phương diện tinh thần. Ví như khi tu tập thiền định có niềm
vui gọi là “niềm vui thiền định- định duyệt”, chỉ cần tu tập đến mức độ thân
tâm là một thì sẽ có cảm giác thoải mái, sung sướng vì không còn bị ràng buộc
nào nữa về thân và tâm, cảm giác đấy được gọi là “khinh an – nhẹ nhàng, yên
ổn”. Những người tu tập theo tịnh độ tông lấy việc được vãng sinh về nước cực
lạc ở tây phương là mục tiêu cuối cùng
cũng là lấy “cực lạc” để hình dung về trạng thái cuối cùng của việc tu tập. Từ
những ví dụ này cho thấy, tu hành quả thực có một kết quả hạnh phúc đích thực.
Tuy vậy, mục đích của việc tu hành theo Phật giáo không đơn giản chỉ mưu cầu
cho hạnh phúc cá nhân mà còn phải giúp người khác lìa khổ được vui, được hạnh
phúc như chính mình nữa.
Nếu chúng ta chỉ lấy việc mưu cầu
hạnh phúc cá nhân làm mục tiêu cứu cánh cho mình e rằng chúng ta sẽ rơi vào cực
đoan, lạc vào đường hướng của những người theo chủ nghĩa hưởng thụ cũng rất có
thể bạn sẽ lạc vào đường sai lệch và càng làm mình thêm đau khổ. Sở dĩ đức Đạt
Lại Lạt Ma nói “ mục đích của con người là mưu cầu hạnh phúc” là ngài đứng ở
lập trường của chúng sinh nhằm đánh vào tâm lí cầu vui tránh khổ của con người
hiện đại, chúng ta tuyệt đối không được hiểu lầm ý nghĩa của câu nói đó.
Vì thế, theo đuổi, mưu cầu hạnh
phúc chỉ là điểm khởi đầu, là niềm mong cầu, hy vọng chung của loài người chứ
không nên hiểu lầm rằng mưu cầu hạnh phúc là mục đích cuối cùng của đời người.
Nếu không, chúng ta chỉ một mực theo đuổi hạnh phúc vật chất nhất định sẽ dẫn
đến kết cục là đau khổ khôn nguôi mà thôi. Hơn nữa xét từ lập trường quan điểm
của đạo Phật thì không nên độc thiện kì thân, không nên chỉ cầu hạnh phúc cho
riêng mình mà phải lấy hạnh phúc của người khác làm hạnh phúc của mình, xem
việc giúp người khác có hạnh phúc đó mới là hạnh phúc của mình, chừng nào con
người hết đau khổ thì chừng đó ta mới có niềm hạnh phúc đích thực, đấy chính là
hạnh nguyện của ba đời chư Phật, chư Bồ tát.
Hòa
thượng Thánh Nghiêm (Quang Định dịch)