Nền giáo dục thiết lập trên nền
tảng hiểu biết sự liên hệ giữa nhân duyên, nhân quả của cá nhân và cộng đồng
không phải trong một thời gian mà mọi thời gian, và không phải trong một không
gian mà mọi không gian là hết sức cần thiết cho đời sống hòa bình, an lạc và
văn minh của chúng ta, khiến tự nó có khả năng vãn hồi trật tự và hoàn thiện
cho xã hội của chúng ta ngày nay.
Hạnh phúc là từ ngữ không phải
tất cả chúng ta chỉ nói với nhau trên môi, mà còn là niềm ước mơ muôn thuở
trong lòng của mỗi chúng ta và nó cũng là định hướng cho chúng ta trong mỗi
việc làm hàng ngày.
Tuy ước mơ và định hướng như vậy,
nhưng ở trong đời đã có mấy ai có hạnh phúc và khám phá ra được ý nghĩa đích
thực của nó?
Có người cho rằng, hạnh phúc là
những cảm giác dễ chịu và lâng lâng khi mắt ta tiếp xúc với các hình sắc và màu
sắc thích ý; hay hạnh phúc là những cảm giác dễ chịu khi tai ta nghe những âm thanh
vi diệu; mũi ta ngửi những hương thơm; lưỡi ta tiếp xúc và nếm được những mùi
vị thích ý của các loại thực phẩm; thân ta xúc chạm với các đối tượng khả ái
của thân thể và những sự tiếp xúc ấy đã cho ta những cảm giác thích ý, vừa
lòng; ý ta tiếp xúc với các đối tượng làm phát sinh trong ta những cảm giác dễ
chịu từ một điểm đến toàn thể và phát triển từ một điểm thấp nhất đến một điểm
cao nhất.
Nếu ý nghĩa của hạnh phúc là như
thế, thì chúng cũng chưa bao giờ là ý nghĩa hạnh phúc hiện thực cho mỗi chúng
ta và trong mỗi chúng ta chưa một ai từng đạt được và sống với ý nghĩa hạnh
phúc như thế.
Vì không phải lúc nào và ở đâu,
ta nhìn mọi hình sắc cũng vừa ý; không phải lúc nào và ở đâu ta nghe mọi âm
thanh cũng vừa ý; không phải lúc nào và ở đâu ta ngửi các hương thơm cũng vừa
ý; không phải lúc nào và ở đâu lưỡi ta tiếp xúc với các mùi vị cũng vừa ý;
không phải lúc nào và ở đâu thân ta tiếp xúc với mọi đối tượng cũng vừa ý và
không phải lúc nào và ở đâu, ý ta tiếp xúc với mọi đối tượng cũng đều thích ứng
và vừa ý.
Tiếp xúc mọi đối tượng với tâm
vừa ý, thì cảm giác dễ chịu bắt đầu khởi lên trong ta và như vậy là ta bắt đầu
có hạnh phúc; tiếp xúc với mọi đối tượng với tâm không vừa ý, thì những cảm
giác khó chịu bắt đầu khởi lên trong ta và như vậy là ta bắt đầu có khổ đau.
Khổ đau và hạnh phúc đến với mỗi
chúng ta đều tùy thuộc từ các cảm nhận. Cảm nhận vừa ý là cho ta hạnh phúc và
cảm nhận không vừa ý là cho ta đau khổ. Và nếu ta sống ở trong trạng thái tâm
thức vô cảm, thì ta chẳng có hạnh phúc hay khổ đau gì cả. Sống với trạng thái
tâm thức vô cảm, thì ta đang sống mà ta như đã chết. Và một người đang sống mà
xem như đã chết, không ai bảo rằng, người ấy là người hạnh phúc cả.
Ta nhìn sâu vào trong tự thân của
mỗi chúng ta, ta thấy rằng, phần nhiều ta có khả năng đi tìm cầu hạnh phúc hơn
là khả năng tiêu diệt khổ đau. Và phần nhiều chúng ta có khả năng tiêu diệt
hạnh phúc hơn là có khả năng tiêu diệt khổ đau. Và mọi phương pháp giáo dục của
con người ở trong các xã hội quá khứ và hiện nay cũng đều thúc đẩy con người đi
tìm kiếm hạnh phúc hơn là đào tạo con người có khả năng trừ diệt nguyên nhân
gây ra đau khổ cho chính họ.
Mọi phương pháp dạy cho con người
tránh né khổ đau hay trốn chạy khổ đau để tìm kiếm hạnh phúc đều không phải là
những phương pháp giáo dục hoàn chỉnh. Phương pháp giáo dục hoàn chỉnh là
phương pháp giúp cho con người có cách nhìn chính xác đối với bản thân họ; đối
với các cảm giác của họ; đối với tâm thức của họ và đối với những gì liên hệ
với họ từ bên trong đến bên ngoài, từ bản thân đến gia đình và xã hội, cũng như
mọi môi trường sinh hoạt liên hệ từ đời nầy và đời sau của họ, khiến cho họ có
những hiểu biết chính xác về đời sống của chính họ và có khả năng tự bảo vệ
cũng như tự thăng hoa đời sống ấy.
Đời sống con người không thể nào
có hạnh phúc, khi chính trong đời sống của con người bị nợ nần và bị vây hãm
bởi vật chất, bị nợ nần và bị vây hãm bởi tình ái, bị nợ nần và bị vây hãm bởi
nghiệp báo.
Khi ta nhìn mọi hình sắc, ta nghe
mọi âm thanh, ta ngửi mọi hương thơm, ta nếm mọi mùi vị, ta xúc chạm mọi đối
tượng của thân và ý với tâm bận rộn, với tâm bị ràng buộc bởi các nợ nần và bị
vây hãm đủ các thứ nợ nần tình ái và nghiệp báo, thì không tài nào ta có được
cảm giác dễ chịu, chứ nói gì đến hạnh phúc.
Bị nợ nần và bị vây hãm bởi vật
chất, bị nợ nần và bị vây hãm bởi tình ái hay bị nợ nần và bị vây hãm bởi
nghiệp báo là kết quả do lòng tham, sự sân hận và tâm tà kiến của mỗi chúng ta
đem lại. Lòng tham, sự sân hận và tâm tà kiến là gốc rễ làm cho mọi khổ đau
trong đời sống của chúng ta phát sinh, làm cho hạnh phúc trong đời sống của
chúng ta không bao giờ hiện hữu.
Mỗi khi chúng ta nỗ lực tạo ra
vật chất bởi những tác động của lòng tham, thì càng có vật chất bao nhiêu là
chúng ta càng bị rơi vào những tình trạng nô lệ vật chất và càng bị khổ đau bởi
chúng bấy nhiêu. Và mỗi khi chúng ta càng nỗ lực tạo ra vật chất bởi tác động
của lòng hận thù và tâm tà kiến bao nhiêu, thì chúng ta càng bị trở thành nô lệ
vật chất và bị khổ đau bởi vật chất bấy nhiêu.
Mỗi khi chúng ta nỗ lực tạo ra
những tình cảm với nhau bởi sự tác động của lòng tham và tâm tà kiến, thì tình
cảm của chúng ta, càng ngày càng đầy ắp thất vọng và hận thù, và thất vọng, hận
thù sẽ chồng chất lên hận thù và thất vọng. Và bất cứ hành động nào của chúng
ta được tác động bởi tâm tham lam và tính ích kỷ, thì chúng đều dẫn chúng ta đi
tới nợ nần và nô lệ nghiệp báo khổ đau.
Nô lệ nghiệp báo mới là sự nô lệ
đáng kinh hăi nhất. Tại sao? Và nó là sự nô lệ chính xác nhất, do chính tâm
thức và hành động của ta tạo ra. Chính do lòng tham, sự sân hận và tâm tà kiến
của ta tạo ra. Sự nô lệ ấy dẫn ta đi từ đời nầy qua kiếp khác trong bóng đêm
của thất vọng và khổ đau.
Hạnh phúc thực sự chỉ có mặt với
chúng ta, khi chúng ta có một đời sống không bị nợ nần đối với vật chất, không
bị nợ nần đối với tình ái và không bị nợ nần với nghiệp báo.
Người không còn mắc bất cứ món nợ
nào của vật chất, của tình ái và của nghiệp báo mới là người thực sự có hạnh
phúc và tự do.
Nền giáo dục thực tiễn, hiện đại
và toàn diện là nền giáo dục, giúp cho chúng ta không phải chỉ biết tháo gỡ
những hiện tượng khổ đau và những hình thái sinh hoạt bất ổn của chúng ta, mà
phải giúp cho chúng ta một cách nhìn chính xác về khổ đau của con người và
phương pháp tháo gỡ nguyên nhân sinh khởi khổ đau ấy nơi mỗi con người chúng
ta.
Nền giáo dục ấy, phải biết giúp
cho ta tháo gỡ những nợ nần vật chất mà thân thể ta đã vay muợn, phải biết giúp
đỡ cho ta tháo gỡ những nợ nần đối với tình ái mà tâm ý ta đã vay mượn và phải
biết giúp đỡ cho ta tháo gỡ những nợ nần nghiệp báo do những hành động thiện ác
của ta đã vay mượn.
Một nền giáo dục, thực tiễn, hiện
đại và toàn diện đối với con người phải là nền giáo dục được thiết lập trên nền
tảng của chính kiến. Nghĩa là một nền giáo dục được thiết lập trên nền tảng của
sự hiểu biết giữa con người với con người, giữa con người với các vật thể và xã
hội qua quan hệ nhân duyên, nhân quả và nghiệp báo, không phải một dạng mà
nhiều dạng, không phải một đời mà nhiều đời và trong các sự quan hệ ấy, mỗi
người phải tự chịu trách nhiệm về hành vi thiện ác của chính mình, không phải
trước quan tòa phán xử luật pháp mà chính trước tòa án nhân quả nghiệp báo của
tâm mình.
Nền giáo dục ấy, phải biết dạy
cho con người chạm trán với sự thực của khổ đau và hạnh phúc của kiếp người;
phải biết dạy cho con người chạm trán được với những gốc rễ khổ đau của kiếp
người và những phương pháp làm thay đổi những gốc rễ khổ đau ấy, thành những
chất liệu của an lạc và hạnh phúc.
Một nền giáo dục, thực tiễn, hiện
đại và toàn diện là nền giáo dục ấy, dạy cho con người phải biết họ là gì trong
sự liên hệ giữa họ và nghiệp báo của chính họ, phải dạy cho con người biết họ
là gì trong mỗi suy nghĩ, hành động và lời nói của họ, để họ thực sự có khả
năng suy nghĩ và duy trì những gì cần thiết cho đời sống tốt đẹp của chính họ
và loại bỏ những gì đã cản trở sự bước tới đời sống cao thượng của chính họ.
Một nền giáo dục, thực tiễn, hiện
đại và toàn diện là nền giáo dục ấy, dạy cho con người biết đoạn tận những
nguyên nhân sinh khởi khổ đau, và những phương pháp diệt tận khổ đau, hơn là
chỉ biết trốn chạy khổ đau hay là ôm lấy những nguyên nhân khổ đau mà kiếm tìm
hạnh phúc, hay là vẽ ra những bức tranh hạnh phúc chứa đầy những ý niệm tưởng
tượng trong tương lai.
Một nền giáo dục, thực tiễn, hiện
đại và toàn diện là nền giáo dục ấy, dạy cho con người biết rõ những yếu tố tạo
nên hình thể của họ là gì, phải biết những cảm giác đang diễn ra trong họ là
gì, khi họ tiếp xúc với mọi đối tượng, ngay cả những đối tượng thuộc về không
gian hay tâm thức.
Sở dĩ, con người có quá nhiều khổ
đau và thụ động trong cuộc sống, là do con người không có khả năng nhìn lại tâm
mình để làm chủ và thanh lọc những gì không cần thiết cho hạnh phúc và nuôi
dưỡng những gì cần thiết cho đời sống cao thượng.
Vì vậy, nền giáo dục, thực tiễn,
hiện đại và toàn diện không phải chỉ nhắm tới phát triển những kiến thức hay là
những hiểu biết thuộc khoa học tự nhiên, mà còn phải biết nhắm tới làm chủ tâm
ý trong mọi trạng huống.
Nếu tâm ý của con người bị hỗn
loạn, thì con người không có khả năng sử dụng những phát minh của khoa học tự
nhiên để phục vụ con người. Và nếu con người không có khả năng làm chủ tâm ý
của mình, thì con người trở thành vật nô lệ cho những phát minh khoa học hơn là
làm chủ khoa học. Bấy giờ khoa học không phải phục vụ con người mà giết chết
con người và môi trường sinh thái của nó.
Mọi phương pháp giáo dục là nhắm
tới giúp cho con người, hiểu rõ chính họ và chung quanh họ là gì một cách chính
xác mà không phải áp đặt hay ru ngủ.
Tóm lại, một nền giáo dục thực
tiễn và toàn diện, nền giáo dục ấy phải hội đủ các yếu tố sau đây:
1- Nền giáo dục phải giúp cho
những đối tượng được giáo dục có cách nhìn chính xác và toàn diện đối với mọi
vấn đề không phải chỉ ở trong một khoảng không gian mà cả mọi không gian và
không phải chỉ ở trong một giai đoạn mà xuyên suốt mọi thời gian và không phải
chỉ một đối tượng mà hết thảy vạn hữu.
2- Nền giáo dục phải giúp cho mọi
đối tượng được giáo dục có cách suy tư chính xác và toàn diện đối với một vấn
đề hay mọi vấn đề, trước khi phát ngôn hay hành động. Không phát ngôn và hành
động theo những gì mà những suy tư của mình chưa chính xác đối với một vấn đề
có liên hệ đến nhiều không gian, nhiều thời gian và nhiều đối tượng.
3- Nền giáo dục phải giúp cho mọi
đối tượng được giáo dục có một cách phát ngôn chính xác. Cách phát ngôn ấy,
không đứng trên những lập trường, quan điểm hay thành kiến mà đứng từ nơi cái
thấy, cái biết và cái suy tư chính xác về sự thật đang liên hệ đến con người cũng
như môi trường sinh hoạt và tồn tại của nó.
4- Nền giáo dục phải giúp cho mọi
đối tượng được giáo dục có hành động hợp lý và chính xác. Hành động hợp lý là
hành động không gây thiệt hại cho người để mình được lợi và cũng không để cho
mình bị thiệt hại trước những mưu lợi của người khác. Hành động hợp lý là hành
động không phải chỉ biết đem lại cái lợi cho mình và người trong nhất thời mà
xuyên suốt cả mọi thời gian, không phải chỉ biết đem cái lợi cho mình và cho
người trong một điểm mà toàn thể. Và hành động chính xác là hành động không
viễn vông và mơ hồ. Hành động chính xác là hành động có khả năng làm dẫn sinh
những kết quả tất yếu, như chính nó đã hành động qua cái thấy và cái suy tư
chính xác.
5- Nền giáo dục phải giúp cho mọi
đối tượng được giáo dục nuôi dưỡng đời sống của họ một cách hợp lý giữa cung và
cầu. Cung và cầu không hợp lý sẽ dẫn sinh những tệ hại cho thân và tâm, và sẽ
phát sinh những tệ nạn khác của xã hội.
6- Nền giáo dục phải giúp cho mọi
đối tượng được giáo dục phát triển những khả năng hợp lý. Phát triển khả năng
hợp lý là phát triển khả năng đem lại những hạnh phúc và an lạc cho cả thân và
tâm của chính họ. Thân phát triển hạnh phúc mà tâm không phát triển hay ngược
lại đều là sự phát triển không hợp lý. Sự phát triển khả năng của thân và tâm
không hợp lý sẽ dẫn đến một đời sống bị thân bệnh hoặc tâm bệnh. Và mỗi khi
thân bệnh cũng chính là tâm bệnh và ngược lại.
7- Nền giáo dục phải giúp cho mọi
đối tượng được giáo dục cần có những sự nhớ nghĩ hợp lý. Nhớ nghĩ hợp lý là
luôn nhớ nghĩ đến sự có mặt thân và tâm của con người; nhớ nghĩ đến sự phát
triển và sự hủy diệt của thân và tâm con người; nhớ nghĩ đến sự nuôi dưỡng thân
và tâm của con người, qua các sự tiếp xúc liên hệ đến môi trường sinh thái của
thân và tâm, đồng thời biết rõ những gì đang liên hệ làm sinh khởi những cảm giác
và tri giác hợp lý hay không hợp lý đối với thân tâm, trong quá trình thăng hoa
ý nghĩa của cuộc sống. Những cảm giác và tri giác hợp lý là những cảm giác, tri
giác không đưa đến sự tàn hoại đối với thân và tâm không phải chỉ trong hiện
tiền mà còn cả dài lâu về sau. Ghi nhớ hợp lý là ghi nhớ lịch sử phát triển
thân và tâm của con người và thế giới của nó, qua những tác nhân và tác duyên
trong cả một dòng chảy của nhân duyên vô tận và trong dòng chảy của nhân duyên
ấy, nhân duyên của con người và thế giới của nó có thể thay đổi hoặc xấu hoặc
tốt.
8- Nền giáo dục phải giúp cho mọi
đối tượng được giáo dục cần có một tâm hồn định tĩnh và sâu lắng hợp lý. Tâm là
chủ của thân. Tâm không yên thì mọi sinh hoạt của thân đều bị rối loạn. Tâm của
con người càng định tĩnh bao nhiêu, thì những hành động của họ càng chính chắn
và ít sai lầm bấy nhiêu. Suy nghĩ, phát ngôn và hành động của con người ít sai
lầm hoặc không sai lầm, sẽ tạo nên một xã hội loài người văn minh. Một xã hội
loài người chỉ thực sự văn minh, khi nào xã hội ấy, biết thiết lập một nền giáo
dục con người hoàn thiện cả hai mặt thân và tâm cùng với những gì liên hệ đối
với chúng.
Một nền giáo dục có nội dung đầy
đủ tám yếu tố như vậy là một nền giáo dục thực tiễn và toàn diện. Nếu thiếu,
không hội đủ tám yếu tố ấy, sẽ không đáp ứng được nhu cầu hạnh phúc của con
người và nếu vượt quá tám yếu tố ấy sẽ làm cho đời sống con người bị đi hổng
chân và sẽ bị ngã quỵ trước khi bình minh xuất hiện.
Một nền giáo dục biết áp dụng và
điều hợp tám yếu tố ấy một cách linh động và thực tiễn, thì hạnh phúc và an lạc
không phải đến với thế giới con người từ những hứa hẹn hay ước mơ, mà chính là
từ cuộc sống mang tính giáo dục nhân quả dung hợp và chuyển hóa một cách hiện
thực và sống động.
Và một nền giáo dục như vậy, làm
phát sinh ý thức tự trách nhiệm về hành vi nhân quả thiện ác đối với cá nhân và
cộng đồng; làm dẫn sinh khả năng tự tín và sáng tạo nơi chính những đối tượng
được giáo dục. Và xã hội loài người chúng ta thực sự chỉ có văn minh, khi nào
nền giáo dục của chúng ta, biết khởi động và chuyển hóa từ cách nhìn nhân
duyên, nhân quả một cách sinh động nầy.
Một sự kiện xấu xảy ra cho ta,
không phải ta chỉ biết chấp nhận và khắc phục hậu quả, mà còn phải biết khắc
phục và chuyển hóa từ nhân duyên tập khởi của chúng. Không những vậy, mà ta còn
phải biết tập hợp và liên kết những nhân duyên tốt đẹp, khiến cho chúng tự dung
hợp, chuyển hóa và biểu hiện một cách đầy sáng tạo.
Trong đời sống con người có nhiều
bất an và khổ đau, vì tâm thức con người tích lũy và hiện khởi nhiều hạt giống
bất thiện. Những hạt giống bất thiện nơi tâm, mới chính là nguyên nhân sinh
khởi những kết quả khổ đau cho con người và xã hội của nó.
Và vì vậy, một khi con người
không tin và hiểu về nhân quả để hành động là con người đã đánh mất ý thức tự
giác và tự chủ, cuộc sống của chính họ tự nó rối loạn và xã hội nhiều người
hành động không đi từ niềm tin và hiểu biết về nhân duyên, nhân quả thì hạnh
phúc và an lạc chỉ là những ước mơ hão huyền mà những hỗn loạn xã hội là những
điều tất yếu.
Do đó, nền giáo dục thiết lập
trên nền tảng hiểu biết sự liên hệ giữa nhân duyên, nhân quả của cá nhân và
cộng đồng không phải trong một thời gian mà mọi thời gian, và không phải trong
một không gian mà mọi không gian là hết sức cần thiết cho đời sống hòa bình, an
lạc và văn minh của chúng ta, khiến tự nó có khả năng vãn hồi trật tự và hoàn
thiện cho xã hội của chúng ta ngày nay.