Cuộc mua danh

Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu là một nhà thơ chuyên viết những tiểu phẩm trào phúng nổi tiếng của văn học hiện đại Việt Nam. Trong tác phẩm Dòng nước ngược, ông có một bài thơ phản ánh về tệ nạn mua chức danh nghị viên - một chức danh “đại diện cho dân” thời thuộc Pháp. Bài thơ thật thú vị, phong phú nụ cười. Bất cứ ai có tiền cũng có quyền ra ứng cử nghị viên và bỏ tiền ra mua từng phiếu bầu để trở thành nghị viên. Ông viết:

… Nghe đâu mỗi vé một rồng xanh.
Phen này ắt hẳn gà ăn bạc.
Mà nghị viên ta khối phỗng sành.
Nhìn cuộc mua danh đó, nhà thơ kết luận một cách hóm hỉnh:
Xem cuộc mua danh thật dữ dội.
Trò hay, kẻ dở, người thơm thối.
Quốc dân được lợi cuộc mua vui,
Cũng đỡ tốn tiền xem hát bội!

Danh là “Tên gọi của người hoặc của sự vật” (Hán - Việt từ điển, Đào Duy Anh). Một con người có chân tài thực học, đóng góp được nhiều công trạng hay làm đẹp cho cuộc sống thì được mọi người biết đến và nhắc mãi về họ. Tên tuổi của họ được mọi người kính trọng, tán thưởng. Họ trở thành người nổi danh. Cho nên, danh còn được hiểu là sự nổi tiếng. Chữ “danh” đi trước kết hợp với một danh từ khác nhằm ca ngợi sự nổi tiếng ấy. Ta gọi Anh Ngọc, Ngọc Bảo là danh ca; Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Đỗ Mục, Nguyễn Du là danh sĩ; Văn Vỹ là danh cầm…

Danh dù lớn, dù tốt bao nhiêu cũng là yếu tố ở ngoài con người. Người xưa gọi nó là vật ngoại thân. Có câu chữ “Danh cương lợi tỏa” – Sợi dây danh, cái khóa lợi để chỉ cái phiền phức khi danh lợi làm hệ lụy con người. Mua danh chính là một hệ lụy đáng sợ.

Ngán nhẽ kẻ tham bề khóa lợi, mũ cánh chuồn đội trên mái tóc, nghiêng mình đứng chực cửa hầu môn.

Quản bao kẻ mang cái giàm danh, áo giới lân trùm dưới cơ phu, mỏi gối quỳ mòn sân tướng phủ.
Cao Bá Quát

Người ta đã từng cười những gia đình đủ ăn muốn mua một chức danh hão dưới triều Nguyễn chỉ để khi làng có đám tiệc thì mình cũng được ngồi trước ăn trên. Họ mua một chức danh nhỏ như vậy cũng đủ khiến cho gia đình họ nghèo đi, vợ con họ nheo nhóc. Thế nhưng họ phải mua để trở thành quan viên trong làng.

Trước đây vài chục năm, tôi biết một vị cỡ… trung gia. Ông có con gái học cấp 2. Cháu rất ngoan ngoãn. Trong một lúc cao hứng, ông muốn con gái mình thành… nhà thơ nhỏ. Ông bèn đưa tiền nhờ một “thợ thơ” lớn tuổi làm những bài thơ với ngôn ngữ thiếu nhi và đề tên tác giả là cháu gái. Ông kính mời một vị gọi là giáo sư, một vị gọi là nhà văn viết lời bạt và lời bình cho tập thơ. Tập thơ in ra cực sang, đứng tên cháu là tác giả!

Sự việc không dừng lại ở đó. Ông còn bỏ tiền ra mời một số nhạc sĩ phổ… thơ của cháu thành ca khúc. Thế là sau đó có cả một buổi ngâm thơ và hát những ca khúc được phổ từ thơ của cháu tổ chức hoành tráng. Chương trình được quay video kính biếu mọi người quen biết. Tôi cứ nghĩ và cảm thấy thương cháu gái nhỏ, nạn nhân từ hệ lụy háo danh của người cha. Cuộc mua danh cho mình dữ dội đến vậy thời thôi.

Những người mua danh đôi khi phải làm trò cười cho thiên hạ. Trong giới hoạt động văn hóa, việc “cầm nhầm” những tác phẩm nhiếp ảnh, kịch bản phim, ca khúc đã từng xảy ra. Người ta muốn được nổi tiếng nhanh, đã làm những việc không nên làm sao chép tác phẩm của người khác rất mất văn hóa và phi sáng tạo. Trong đời sống, một mẹ sinh một con nhưng trong chuyện “cầm nhầm văn hóa” này, một con mà có hai cha đòi nhận. Những chuyện tranh nhau làm đồng tác giả hay kiện nhau để đòi quyền sở hữu tác phẩm khiến công chúng cảm thấy ngán ngẩm.

Chuyện gần đây nhất là chuyện cãi nhau để được phong tặng các danh hiệu nghệ sĩ. Chính công chúng là những người giám khảo thông minh, vô tư và sáng suốt nhất. Văn nghệ sĩ tài năng tới đâu, có tác phẩm gì xuất sắc họ đều biết cả. Họ tin nghệ sĩ là người có tấm lòng rộng mở. Họ quý nghệ sĩ vì nghệ sĩ là người tài năng. Việc các nghệ sĩ kiện tụng tới lui và công khai khiếu nại để tự chứng minh rằng mình xứng đáng đạt danh hiệu này hơn người kia khiến công chúng nghĩ người nghệ sĩ chưa có được tấm lòng thanh thản lắm. Họ thất vọng về danh xưng nghệ sĩ.

Than ôi, ở ta có cái truyền thống vinh danh khá lạ lẫm. Đáng lẽ cơ quan chức năng phải đặt ra một (hoặc nhiều) bộ phận chuyên trách để theo dõi, thẩm định các sản phẩm văn hóa để tặng danh hiệu thì nước ta lại muốn cho anh chị em nghệ sĩ phải làm đơn xin. Ô hay, phải làm đơn xin, phải kể lể ra thì còn đúng với tinh thần vinh danh làm sao được? Mà một khi đã để cho cá nhân tự kể ra thì người ta thường… kể trật, nhớ lộn. Khuynh hướng bè nhóm, phường hội cũng nảy nở từ đó. Cái chưa hay trở thành cái hay, cái hay có thể trở thành cái dở ẹc. Cho nên lại phải cãi nhau. Quả thật đáng buồn.

Người lớn đã quá chộn rộn trong cuộc mua danh, tìm kiếm sự nổi tiếng khiến bạn trẻ cũng cầm lòng không đậu. Người trẻ cũng dấn thân vào cuộc mua danh, tìm kiếm sự nổi tiếng nhanh nhất.

Hễ cạn nghĩ một chút, họ có thể có những phát biểu gây sốc dư luận, ăn mặc kỳ dị, biểu diễn quái chiêu… Họ tin những việc làm ấy có thể khêu gợi sự tò mò, sự quan tâm của công chúng và dư luận. Hễ nghĩ sâu hơn một chút, họ có cách tự quảng bá kín đáo. Họ bỏ tiền ra mua tác phẩm của một người đi trước rồi ký tên mình y như mình là người sáng tác ra tác phẩm ấy. Họ bỏ tiền ra lập các nhóm người hâm mộ để khi họ biểu diễn thì người hâm mộ ngồi dưới hội trường hò reo, vỗ tay, múa theo.

Gần đây có một em (có lẽ là em trai?) tự nhận mình là ca sĩ. Em cho người xịt tên mình bằng bình sơn xịt lên các bức vách, hàng rào tôn chung quanh thành phố. Tôi rất quý các em ca sĩ trẻ, muốn tìm nghe tiếng hát của em thế nào nhưng hỏi các nơi bán băng đĩa thì chưa thấy có.

Giữa hai cuộc mua danh của người nghệ sĩ lớn tuổi và các em nghệ sĩ trẻ, tôi thấy đáng buồn cho người lớn tuổi hơn. Đáng lẽ tuổi tác, lòng tự trọng không thể cho phép mình dấn thân vào những cuộc cãi vã như vậy. Thế nhưng đã có những vụ thưa kiện để mong có tên trong danh sách được đề nghị phong thưởng xảy ra. Nhận được một danh hiệu theo cách ấy, ta nào đâu có hạnh phúc gì?

Cho nên đối với những bạn nghệ sĩ trẻ mới vào đời, tôi nghĩ công chúng và giới báo chí nên rộng lòng hơn nữa với họ. Tuổi trẻ hay có việc làm nông cạn. Cái cần thiết là ta góp ý chân tình với họ để họ sửa chữa, trở thành những con người tài năng đúng nghĩa. Cười cợt họ làm gì khi những người lớn tuổi gấp đôi, gấp ba họ vẫn hăng hái trong cuộc mua danh?

Mua một cái danh hão bằng tiền, bằng quyền, bằng sự quen biết là điều có thể làm được. Thế nhưng, cái danh ấy có phản ánh đúng thực chất tài năng của cá nhân hay không thì lại là một chuyện khác. Việc một người quá đỗi gầy gò mặc một bộ quần áo sang trọng quá đỗi rộng rãi là không nên làm.

Thế giới có những giải thưởng lớn về khoa học, văn hóa, nghệ thuật, báo chí như Nobel, Grammy, Oscar, Pulitzer, MTV… diễn ra hằng năm. Những người điều hành giải chọn ra những nhân tố xuất sắc nhất, trân trọng trao giải thưởng cho họ. Toàn thế giới chẳng có ai khiếu nại, tố cáo. Chúng ta - con dân của một dân tộc văn hiến thâm hậu, lẽ nào lại thua người ta về tính công bằng trong tuyển trạch và lòng tự trọng trong đề xuất?

Previous Post
Next Post