Nhà tôi treo một “lốc” lịch to
nơi phòng khách, mỗi sáng thức dậy, tôi gỡ một tờ quăng đi… Khi ló tờ mới, tôi
xem kỹ câu danh ngôn nếu có, coi đấy như lời dạy dỗ đầu ngày của các bậc tiền
bối! Không biết ai sao, riêng tôi thấy tâm đắc việc này lắm!
Ví như, sáng thứ 2 tuần trước,
ngủ dậy liền đến bóc tờ lịch, tờ mới có ghi câu danh ngôn của Turenne: “Tôi có
ý kiến này muốn tặng bạn: Đó là, mỗi khi bạn muốn nói, bạn hãy làm thinh”.
Xem câu ấy xong, tôi ngẫm nghĩ…
và thấy có lý, hay lắm. Quá hay đi chứ! Lời khuyên răn này rất xác đáng, đã đúc
kết một kinh nghiệm quí báu trong cuộc sống đầy những chuyện khôn lường của
lòng dạ con người! Và, ngày hôm đó tôi cẩn ngôn hơn! Tôi chỉ thực hành nửa câu
nói ấy mà cũng thấy mình khá rồi! Còn thực hành nguyên câu dĩ nhiên là không
nổi! Xin cảm ơn ông hay bà Turenne người nước nào tôi không rõ, đã cho tôi một
chút của báu giắt lưng phòng thân trên đường đời gian truân! Tôi không muốn coi
tiếp câu danh ngôn của ngày kế tiếp… Ừ, cứ giữ bí mật để đó, vội gì!
Đến sáng ngày thứ 3, ngủ dậy, tôi
lại gỡ lịch, gặp câu nói của Swift:
“Nổi giận là tự gánh giùm lỗi của
người khác!”.
Chí lý! Dại gì mà nổi giận cơ
chứ! Quả nhiên, câu ấy tác động nơi từng sâu thẳm tâm hồn, ngày hôm đó nhiều
việc bực mình, mà tôi đâu có thèm giận! Ngu gì gánh lỗi kẻ khác! Lại phải cảm
ơn cái ông Swift hay bà Swift gì đó nữa!…
Rạng đông ngày thứ 4, lại ló tờ
lịch ghi câu của Montesquieu: “Phải khóc con người lúc sinh ra, chứ đâu phải
lúc chết”.
Chết rồi có phải làm gì nữa đâu
mà cực với nhọc! Thế thì cũng chả nên khóc lóc mà làm chi! Ừ nhỉ! Lạ thật! Cái
chết đột nhiên giảm bộ mặt khủng khiếp trong tâm tưởng tôi, nói chí tình cũng
phải có chút ít tác dụng của Montesquieu mới ra thế! Và, ngày hôm đó tôi nghị
lực hơn, yêu đời hơn! Lại cảm thấy mình cứng cáp lên!
Sang ngày thứ 5, tờ lịch hiện lên
câu ngạn ngữ Ba Tư:
“Lưỡi dài thu ngắn đời sống”.
Ôi, quá chất lượng! Dân Ba Tư
kinh nghiệm quá dày dặn! Nói lắm chỉ được cái “nguy to”, chỉ được cái “rước họa
vào thân”! Còn nhớ trong ngày ấy, lúc nhậu cùng bạn bè, vậy mà tôi cũng ráng
tịnh khẩu! Cứ sợ sa vào cái “vạ mồm”!
Đến ngày thứ 6, tờ lịch lấp lánh
câu danh ngôn khác, thật cao siêu của Villier de l’Isle Adam: “Người nhục mạ
bạn, họ chỉ nhục mạ ý nghĩ của họ có về bạn, tức là họ nhục mạ chính họ!”.
Câu này trong tầng sâu là đúng,
nhưng thực hiện quả là thiên nan vạn nan! Lên hàng thánh mới xài được! Tâm đắc
lắm nhưng cứ cất yên đấy! Công lực chưa đủ, chờ thời gian nữa hẵng hay!
Sáng ngày thứ 7, lại ló câu của
Cervantes:
“Ăn to thì di chúc nhỏ”.
Úi cha! Cũng có lý quá! Tôi coi tiếp luôn ngày
Chủ nhật xem sao… Đó là câu của G. Herbert: “Ai cũng có một thằng điên trong
ống tay áo”.
Trời đất! Lại cũng quá đúng!
Những lúc bưng ly bia, cốc rượu chỗ đông người, trong ống tay áo tôi thường rớt
ra thằng điên, thậm chí đôi lúc rớt ra hai thằng! Say quá, có khi rớt tới ba
thằng!
Ôi chao! Riêng về phần danh ngôn,
tờ lịch vậy mà hay! Một lần nữa xin cảm ơn, cảm ơn… tờ lịch gỡ mỗi ngày! Việc
gì phải đi thư viện đọc sách hao thời gian, cứ lịch đấy mà học mãn đời không
hết!…
Trần Gian Một Khúc
Con người ta sinh ra, ai thoát
khỏi: sinh, lão, bệnh, tử?
Sinh, Trụ, Hoại, Diệt là định
luật của tạo hóa, không có cách chi thay đổi được.
Cây cối đâm chồi nảy lộc vào muà xuân,
xanh tốt xum xuê trong mùa hè, lá héo vàng vào mùa thu, đến mùa đông thì lá
vàng rơi rụng, chỉ còn trơ trụi cành cây. Rồi tới mùa xuân năm sau, cây lại đâm
chồi nảy lộc. Cái chu kỳ sinh, trụ, hủy, diệt cứ tiếp nối nhau, không ngưng
nghỉ.
Ðời người là bể trầm luân, cõi
thế gian đầy những ưu tư phiền não. Vạn vật đều bị chi phối bởi luật vô
thường.. Vừa mới sinh ra cất tiếng khóc oa oa chào đời. Rồi lớn lên, bước vào
đời với bao nhiêu mộng đẹp. Thoắt một cái, mái tóc đã điểm sương, mắt đã mờ,
lưng đã mỏi, 2 chân đã chậm chạp. Rồi cuối cùng, là hai tay buông xuôi, đi vào
lòng đất, bỏ lại trên thế gian tất cả các thứ mà cả đời phải bôn ba vất vả mới
làm ra được..
Ðời người như giấc mộng. Người
ngoại quốc cũng có câu: Life is too short. (cuộc đời quá ngắn) Thế mà, con
người ta khi còn sức khỏe thì mải mê kiếm tiền, lo củng cố địa vị, danh vọng,
không có thì giờ để hưởng đời đúng nghĩa.
Cũng ít ai sửa soạn tâm tư để đón
nhận những cái vô thường của tuổi gìa. Ðến khi mái tóc đã điểm sương, da đã
nhăn, mắt đã mờ, chân đã chậm thì mới giật mình, rồi buồn phiền, thất vọng,
nuối tiếc. Khi đó, bao nhiêu tiền của cũng trở thành vô dụng. Ăn uống thì phải
kiêng thứ này, cữ thứ kia vì đường lên cao, cholesterol lên cao. Ăn đồ cứng
không được vì hàm răng cái rụng, cái lung lay. Ði chơi xa thì không dám, vì sức
khỏe kém, đầu gối đau nhức. Nghe nhạc, xem phim cũng không được vì tai đã
nghễng ngãng, mắt đã kèm nhèm.
Người VN mình vốn cần kiệm, chăm
làm, chắt bóp để có của ăn của để. Làm việc thì liên miên quên cả cuối tuần, bất
kể ngày lễ hay ngày Tết. Làm thì nhiều, mà ít dám vui chơi huởng thụ như người
Âu Mỹ…
Suốt đời cặm cụi, nhịn ăn nhịn
mặc, để dành, mua cái nhà cái cửa để một mai khi chết thì để lại cho con cháu.
Sống như vậy quả là thiệt thòi.
Người xưa đã nói:
Một năm được mấy tháng xuân
Một đời phỏng được mấy lần vinh hoa
Và:
Chẳng ăn, chẳng mặc, chẳng chơi
Bo bo giữ lấy của trời làm chi
Bẩy mươi chống gậy ra đi
Than thân rằng thuở đương thì chẳng chơi
Con người có tham vọng, có nhu
cầu nên mới bon chen. Suốt đời cứ miệt mài lo tìm kiếm những thứ vô thường mà
quên mất chữ “nhàn”. Những thứ vô thường này là nguyên nhân đưa đến lo âu, căng
thẳng, mất ăn, mất ngủ. Và nếu kéo dài có thể đưa đến Strock, bệnh tâm thần.
Ông Cả ngồi trên sập vàng
Cả ăn, cả mặc, lại càng cả lo
Ông bếp ngồi cạnh đống tro
Ít ăn, ít mặc, ít lo, ít làm
Ðời người sống mấy gang tay
Hơi đâu cặm cụi cả ngày lẫn đêm
Hoặc là
Ăn con cáy, đêm ngáy o..o
Còn hơn ăn con bò, mà lo mất ngủ.
Người xưa tuổi thọ kém, ngay tới
vua chúa cũng chỉ sống tới khỏang 50 tuổi. Tới 60 tuổi đã ăn mừng “lục tuần
thượng thọ. Còn tới 70 tuổi, thì thực là hiếm hoi. Bởi vậy mới có câu:
“nhân sinh thất thập cổ lai hy" (tức là,
người ta có mấy ai mà sống được tới 70).
Ngày nay nhờ khoa học tiến bộ.
Con người được sống trong điều kiện vật chất vệ sinh, và thoải mái hơn.
Những phát minh của ngành Y, Dược
đã giúp nhân loại vượt qua được các bệnh hiểm nghèo, mà người xưa kêu là bệnh
nan y như bệnh lao, bệnh phong cùi, bệnh suyễn. Ngày nay người ta sống tới 80,
90 tuổi không phải là ít. Tuy nhiên sống lâu chưa phải là hạnh phúc. Hạnh phúc
là luôn cảm thấy vui vẻ, yêu đời, biết tận hưởng cuộc sống. Muốn vậy thì cần
phải giữ cho thân tâm được an lạc.
Tâm thân an lạc là biết vui với
những cái trong tầm tay của mình, chấp nhận những điều mình không thể nào tránh
khỏi. Sống hòa hợp vui vẻ với mọi người xung quanh, không chấp nhất, tỵ hiềm.
Lớn tuổi thì không làm ra tiền, nhưng cũng may, ở những nước tân tiến đều có
khoản tiền trợ cấp cho người gìà để có thể tự lực mà không cần nhờ cậy vào con
cháu. Các cụ gìà nên mừng vì sang được xứ này, thay vì ấm ức với số tiền quá
khiêm nhượng, không thể tiêu pha rộng rãi như bạn bè.
Già thì phải chịu đau nhức, mắt
mờ, chân chậm, đừng nên than thân trách phận, cau có, gắt gỏng, đã không làm
được gì hơn mà còn tạo sự áy náy, thương cảm cho những người xung quanh.
Ở đời mỗi người một cảnh, vui với
cảnh của mình, không suy bì, thèm muốn, ganh ghét với những người xung quanh.
Biết đủ thì đủ (Tri túc, tiện
túc).
Người ta bảo trên 60 tuổi, mỗi
ngày sống là một phần thưởng cho thêm (bonus_jackpot) của Thượng Đế_nếu đi kéo
máy slotmachine....dzui hết biết đi!!
Vậy thì hãy nên vui vẻ, tận hưởng
những ân sủng mà không phải ai cũng có được: Ðời sống của mình vui tươi hay
buồn khổ,đều do ở mình cả!