Danh và Thực

Xưa nay có kẻ danh để không “nát với cỏ cây” thường hiếm. Vì hiếm nên quý. Quý nên được ngưỡng vọng, tôn kính. Giàu có chưa là gì. Quyền thế chưa là cái đinh gì so với danh vọng, danh tiếng. Chính thế mà chữ danh luôn luôn là nỗi khao khát đầy màu sắc bi kịch của biết bao người. Có cả muôn vạn cách để lưu danh ở đời. Nhưng có lẽ cái cách mà nhiều người tìm đến nhất là học.

Thuận theo lẽ trời sẽ là: học để thành tài, để có dịp đem cái tài ra phụng sự đất nước, "ích quân trạch dân" rồi danh tiếng sẽ tự đến, sẽ lưu truyền đời nào sang đời khác, thành tên đất, tên làng… tồn tại cùng trời đất. Có danh là để dễ bề làm sáng nghiệp tổ tiên, làm cho ngay thẳng công lý. Khổng Tử bảo: "Danh có chính thì ngôn mới thuận" vừa nói nên khát vọng của kẻ sĩ nhưng đồng thời cũng gắn cho họ một sứ mệnh thật lớn lao mà một kẻ vô đạo cũng sẽ vô dụng nếu như không là tai họa cho nhân quần.

Vì thế, chỉ cần có thực tài thì hiển nhiên là sẽ có danh. Tài cao, đức trọng, lĩnh hội được mệnh trời thì có danh lớn. Tài hèn, sức mọn thì chỉ cần sống cho ra một con người, cũng là có danh rồi. Cái "thực" trong trường hợp này chính là tự biết mình không có tài cao.

Danh là thế, thực là thế, từ cổ đã thế, tưởng mãi về sau vẫn thế. Nhưng bắt đầu từ khi chữ danh đi kèm với chữ lợi, với quyền lực thì cái thuận trình trên kia bị đảo ngược. Vốn bắt đầu từ sự ghi nhận, suy tôn của mọi người, chữ danh trở thành vật có thể chiếm đoạt, mua bán, với không ít người. Nó bị biến thành một thứ giả trang hào nhoáng, dễ lòe bịp, che đậy những toan tính tầm thường.

Giờ đây không phải thực tài tạo ra danh tiếng mà là tiền, vàng, ngoại tệ mạnh, là thói xu thời hèn nhát, là sự vô đạo không bị nguyền rủa. Khi đã không bắt đầu từ tài (thực cái mình có) thì cái thứ danh khoác lên mình hiển nhiên là danh hão, danh giả. Tức là "Hữu danh vô thực", "danh bất xứng thực". Điều đáng nói là những kẻ "hữu danh" kiểu ấy biết rất rõ họ không xứng với cái danh ấy. Họ biết rằng: vì mưu lợi cho bản thân họ phải chui luồn đi cổng hậu, dùng tiền mua một cách khuất tất cái thứ danh bán lại không được nửa xu ấy. Họ biết nhưng họ không xấu hổ, không thấy vô liêm sỉ mà còn coi như một sự khôn ngoan. Mục tiêu của họ là phải "hữu danh" và họ cần đạt được bằng mọi cách. Bởi vì thứ danh mà họ có chỉ được dùng vào việc vụ lợi, leo lên những nấc thang quyền lực để dễ bề đục khoét, vơ vét mà lại an toàn.

Chưa có thời kỳ nào mà công việc vật lộn để "hữu danh" sôi động, trắng trợn và đầy tính bi hài như mấy chục năm qua. Kẻ dốt nát kiên quyết chứng tỏ mình không dốt nát bằng đủ thứ bằng cấp, học hàm, học vị mà cả đời họ không thể có bất cứ cơ hội nào đem ra dùng. Tình trạng Phó Tiến sĩ, Tiến sĩ, Giáo sư… chưa có bằng Phổ thông trung học, chưa có bằng Đại học, một chữ nước ngoài không biết, viết sai cả lỗi chính tả, văn hóa tối thiểu còn chưa đủ... như báo chí và dư luận nêu ra, là sản phẩm tất yếu của cơ chế dung túng thứ danh hão, danh suông. Nhưng nếu chỉ có thế thì họ cũng chẳng hơn vì bọn người đáng thương hại được cuộc đời cho mượn chiếc sân khấu để càng múa máy càng lố (ngoại trừ một sự xúc phạm đến cái đạo học xa vời và vô hình nào đó).

Vấn đề là chuyện không chịu dừng ở đấy. Khi có được bộ phục giả trang, khi từ cục đất được nặn thành tượng, họ muốn thiên hạ phải quỳ mọp dưới chân mình. Chúng ta đang chịu đựng một sự quá tải cái nghịch lý này. Và rồi ở đâu cũng cứ phải gặp những kẻ "học làm phép" ngồi chồm chỗm, lì lợm, tráo trở, bất luân...

Hàng ngày, ở bất cứ đâu cũng rung lên những hồi chuông khẩn thiết báo động về tệ nạn chuyên quyền, tham nhũng, tệ hàng rởm, văn bằng rởm, người rởm…. Nhưng chưa thấy ai nhắc đến tệ nạn danh rởm, “hữu danh vô thực" - là nguyên nhân của các tệ nạn kia. Trong văn học, nhân vật khoác áo Giáo sư, Tiến sĩ cả đời không đọc nghiêm chỉnh, trọn vẹn một cuốn sách mới chỉ lác đác xuất hiện ở đâu đó trong khi ngoài đời có thể gặp nhan nhản. Họ không chỉ chầu chực ăn nhờ vào cơ chế mà còn làm bẩn, làm hoen gỉ chính cái cơ chế đó.

Hơn thế, nó khuyến khích một lối học thực dụng học hình thức, về thực chất còn hại gấp nhiều lần sự thất học. Nó đánh tráo những tiêu chí quan trọng thường là định hướng cho một đời người, một thế hệ. Có khá nhiều vấn đề nhức nhối mà xã hội đang xoay trần ra tháo gỡ, có nguyên nhân cắm rễ từ việc trọng dụng những người không có thực tài. Đã đến lúc cần phải hiểu đến nơi, đến chốn về chữ đức trong cặp phạm trù tài - đức.

Tôi thiển nghĩ rằng, cái đức của kẻ có học, có tài là cái đức lớn, là lương tri có thể tạo ra không chỉ lòng tốt, sự thuần hậu mà còn biết nương theo quy luật để thay đổi cuộc sống theo hướng tốt lên, không thể đánh đồng với thứ đạo đức thông thường theo lối gọi dạ, bảo vâng, chỉ biết nghe theo, làm theo, đành rằng đôi khi cũng cần nhưng lắm khi vô dụng thậm chí còn vô tình tạo ra tai họa. Sự lựa chọn giữa tài và đức phải là sự lựa chọn giữa tài và đức lớn trên kia. Một người chỉ tốt bản năng, thậm chí tốt mù quáng chắc gì đã là tốt?

Có lẽ tôi đã hơi lạc xa vấn đề ban đầu. Tôi xin dừng ở đây với lời biết ơn thành kính giáo sư N, người đã khích lệ tôi viết bài này không chỉ bằng lời đề nghị, mà còn bằng cả vẻ đau khổ của một bậc Thầy trước sự quay cuồng, điên đảo của đạo học.

Sưu tầm

Previous Post
Next Post