Xã hội đang “nóng” lên vì bạo lực

Xã hội của chúng ta đang “nóng” lên từng ngày bởi sự gia tăng của các hành vi bạo lực nhan nhản trên các phương tiện truyền thông. Thế giới chúng ta cũng đang “nóng” lên bởi các cuộc xung đột đẫm máu liên tiếp diễn ra nhiều nơi. Nguyên nhân do đâu?

Thứ nhất, lòng tham lam ích kỷ của thiểu số con người có thế lực. Ở bất cứ xã hội nào đều có sự hiện diện của tầng lớp người có thế lực ích kỷ và tham lam. Ích kỷ là vì mưu cầu lợi ích cho họ trước hết, sở hữu hay chiếm hữu cho bằng được những gì họ muốn.

Thứ hai, lòng sân hận sẵn sàng bộc phát khi có cơ hội. Dường như càng ngày, con người càng ít tính kham nhẫn hơn, dễ bị kích động, và do đó, hạt giống sân hận có đất để phát triển thành những suy nghĩ, lời nói và hành vi bạo lực, gây thương tổn người khác và cả môi trường sống.

Thứ ba, thiếu lòng khoan dung, tha thứ cũng là một trong những nguyên nhân xảy ra bạo lực. Người có tính hay nóng nảy, họ sẽ văng ra những lời thô tục rất khó nghe mỗi khi gặp điều trái ý. Chính vì vậy, đối phương sẽ càng bất bình, không ai nhịn ai được thì bạo lực tất sẽ xảy ra. Thiếu lòng khoan dung, tha thứ, con người ít có cơ hội sống với nhau trong tinh thần hài hòa, tôn trọng nhau, tế nhị trong ứng xử và giải quyết vấn đề hàng ngày.

Thứ tư, lối sống văn hóa truyền thống bị lãng quên, sống theo sở thích riêng mình, xuôi theo bản năng. Do đó, những giá trị sống cộng đồng, lợi ích chung bị đẩy lùi vị trí ưu tiên, cao cả và thiêng liêng mà thay vào đó là lợi ích cá nhân nhỏ bé. Khi lợi ích cá nhân nhỏ bé bị xúc phạm, chính lúc đó mầm mống bạo lực xuất hiện.

Thứ năm, chưa bao giờ tiền bạc trở thành yếu tố quan trọng như trong xã hội ngày nay. Có suy nghĩ cực đoan rằng nếu không có tiền thì không làm được gì, không mua được gì, và cũng không… vui được gì. Tiền đồng nghĩa với các giá trị “sành điệu”, “sang trọng”, “hạnh phúc”, thậm chí lấn sang cả giá trị “lễ”, “nghĩa”, “đạo đức”...

Sự vận hành của xã hội, của tâm lý con người, dưới cái nhìn của đạo Phật cơ bản có hai hướng. Đó là tiêu cực và tích cực, hay hướng thiện.

Hướng vận hành tiêu cực có động lực là lòng tham lam, ích kỷ, sân hận, không tôn trọng nhân quả, coi trọng các giá trị vật chất, đặt nặng quyền lợi cá nhân lên trên tất cả..., nói chung động cơ đó là vô minh.

Hướng vận hành tích cực, hướng thiện có động cơ xuất phát từ tâm từ bi hỷ xả, sự quan niệm sống là sống trong tương quan duyên sinh, không bo bo nắm giữ cho riêng mình mà luôn chia sẻ, rộng lượng..., những động cơ này bắt nguồn từ cái nhìn trí tuệ trong Chánh pháp.

Đó cũng là con đường dẫn đến bạo lực, chiến tranh, những bất ổn và bất an trong đời sống hàng ngày và con đường xây dựng hòa bình, đời sống hạnh phúc, xã hội văn minh, tốt đẹp.

Nhận thức điều đó, người Phật tử không làm gì khác hơn là tích cực giáo dục con cháu những đức tính làm người và ngay cả bản thân của người Phật tử phải là người gương mẫu trong gia đình, trong môi trường nơi mình sống để con cháu noi theo. Những phẩm tính đó có trong mỗi con người chúng ta. Quan trọng là điều mỗi người chúng ta suy nghĩ, nói năng, hành động mỗi ngày theo hướng nào.

Chúng ta chọn hạt giống nào để gieo trồng vào mảnh đất cuộc sống này, hãy cân nhắc, vì chính chúng ta, con cháu chúng ta sẽ gặt hái kết quả của chúng mà không phải ai khác.

Previous Post
Next Post