Đi tìm chân giá trị

Có thể nói tôi là một người theo chủ nghĩa duy vật, nhưng thú thật nếu có ai hỏi tôi chủ nghĩa duy vật là gì, có lẽ tôi cũng không định nghĩa cho họ được, vì tôi đã học tiết nào về môn triết đâu. Tuy vậy tôi vẫn luôn ghi nhớ một câu trong tư tưởng mac-anghen (mặc dù tôi không ưa học thuyết chính trị của hai ông này chút nào) mà một người bạn đã bảo cho tôi biết, rằng: Vật chất quyết định ý thức. Ta phải nhìn thấy có một bông hoa thì ta mới nhận thức được đó là bông hoa, ta xét đoán được như thế là nhờ vào hình dáng của bông hoa đó, nhờ vào màu sắc đẹp đẽ của nó, nhờ vào hương thơm quyến rũ mà nó toả ra, nhờ vào sự sinh trưởng của nó. Nếu bông hoa đó không tồn tại, thì trong tự điển của mình hẳn con người sẽ không có từ “hoa”, và họ không làm sao hình dung được cái thứ đó là gì.

Ai có thể tưởng tượng ra được một cái gì đó mà họ chưa bao giờ ý thức qua, không tồn tại được? Khi chúng ta nhìn ngắm những bông hoa đó, tâm hồn của chúng ta trở nên đa cảm hơn, cảm xúc nhờ đó mà thăng hoa, nhờ vậy mà những người nghệ sĩ mới có được lòng nhiệt tình và sự lãng mạn để sáng tác ra các tác phẩm nghệ thuật. Có ai phủ nhận rằng việc được thưởng thức một món ăn ngon, hay mua được một cái áo hợp mốt sẽ khiến cho ta thấy vui hơn, yêu đời hơn không. Có phải mức lương vài mươi ngàn đô Mỹ sẽ giúp một nhà khoa học có nhiều sáng kiến hơn không, và tôi tự hỏi nếu họ phải chật vật với cuộc sống thì làm sao mà chuyên tâm nghiên cứu được. Vật chất quyết định ý thức của chúng ta một cách hoàn toàn như thế đó. Bất kể chúng ta sinh hoạt hay làm việc, tâm tính của chúng ta như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào một đời sống vật chất như vậy.

Tôi nói thế là có ý nhắc nhở rằng, chúng ta có một thân thể và mọi thứ trên đời này đều là thực thể. Vì thế mà mọi triết lý sống đúng đắn đều phải xoay quanh một vấn đề là, làm sao thoả mãn được nhu cầu thiết thực trong sinh hoạt của mỗi cá nhân. Có câu hỏi nào mà luôn thường trực trong đầu chúng ta hơn những câu hỏi này: Hôm nay mình ăn cái gì đây, mặc thế nào cho hợp để ra ngoài đây, làm sao kiếm được nhiều tiền để đáp ứng đủ cho nhu cầu của mình đây, giải trí bằng trò gì đây, còn phải sinh hoạt tình dục, sinh con để duy trì nòi giống nữa. Tất tần tật đều phục vụ cho nhân sinh cả. Nếu không phải những câu hỏi ấy thôi thúc trong tâm trí mỗi chúng ta, khiến cho chúng ta biết suy tư hơn để sáng tạo ra các giá trị vật chất và tinh thần để phục vụ cho đời sống của chúng ta tốt hơn, thì là cái gì khác? Giá trị nào không nhằm mục đích làm cho đời sống mỗi cá nhân được thoải mái, sung túc hơn thì đó là một giá trị rởm.

Thế nhưng, kể từ khi ý thức hệ của nhân loại bước một bước tiến dài, văn minh hơn thì đời sống của chúng ta hoá ra khó khăn hơn, các mối tương quan & những quy tắc ứng xử trong xã hội bắt đầu phiền phức hơn, các giá trị về phạm trù đạo đức được đặt ra nhiều đến mức khiến đời sống tinh thần của chúng ta nặng nề và bị ràng buộc đủ thứ. Cái đời sống vật chất của chúng ta, trên thực tế vẫn là yếu tố quyết định, lại bị đẩy ra sau, nhường chỗ cho những giá trị nhân văn mới của nhân loại. Chúng ta bắt đầu học cách làm bộ làm tịch là vì thế. Cứ chia ngôi thiện ác xem, có phải chính cái thiện mới là nguyên nhân nảy sinh ra cái ác không. Nhân loại đề cao cái thiện, quy ước với nhau những giá trị nào là thiện, từ đó phát sinh quan niệm về cái ác. Họ hô hào theo đuổi cái thiện và tiêu diệt cái ác, một cách chủ tâm, làm đánh mất đi bẩm tính của mình.

Nền văn minh mà loài người chúng ta đang sống là như thế đấy, quá đặt nặng cái thị kiến nhị nguyên mà sinh ra nhiều trí trá, hư nguỵ. Và đành rằng cái nền văn minh như thế đem lại cho chúng ta một niềm kiêu hãnh vô cùng, vì sự tiến bộ & khai sáng của nó, thì nó cũng đã tước đi của chúng ta ít nhiều bẩm tính tự nhiên trong sáng rồi. Tôi không có ý trách móc nền văn minh của chúng ta đâu, vì đó là tất yếu trong lịch sử tiến hoá của nhân loại. Tôi chỉ cảm thấy rằng, nhân loại đang cố gắng chạy theo những giá trị mà tự họ đặt ra và quy ước với nhau, đến hụt hơi, mà quên đi một điều rằng mình còn có một đời sống thực. Những người như thế thật đáng thương hại, họ bị những giá trị ảo phỉnh gạt, như biết bao cái bả khác ở đời, chỉ khác là cái bả này nó mới nhân văn và cao thượng làm sao.

Chúng ta ăn phải bả của chính mình và còn được kẻ khác tung hê khuyến khích ăn thêm nữa, thậm chí chúng còn tạc tượng biểu dương ta vì hành động đó. Con người loá mắt bởi những giá trị phù phiếm như thế, nhưng họ sẽ phản đối ngay là họ nào có ham mê gì cái bả đó đâu. Có thể là họ thật lòng đấy, nhưng cứ thử hỏi xem họ có hãnh diện sung sướng khi được người ta tung hê thế không? Họ sẽ cười khiêm tốn mà bảo rằng mình chỉ làm theo lương tâm. Họ thực thà ngây thơ đến mức cho rằng mình làm đúng, điều mình làm là nhân danh lẽ phải, là công lí, là cái chân cái thiện cái mỹ. Họ tin tưởng tuyệt đối vào lí tưởng của mình – hay của chung nhân loại? – và sống chết để bảo vệ lí tưởng đó, vì một niềm tin rằng giá trị tốt đẹp phải được thượng tôn.

Có hai hạng người mà tôi rất ngại cho họ, hạng người có lí tưởng quá và hạng người không có lí tưởng gì. Hạng thứ hai bất quá chỉ ngồi im một chỗ, không đem lại ích lợi thiết thực gì cho đời sống, và hiển nhiên họ cũng chẳng làm gì tổn hại đến đời sống, nhưng thời nay hạng này hiếm. Hạng thứ nhất mới thật là nguy hiểm, vì họ làm được nhiều mà phá hoại cũng nhiều nữa, và quan trọng là họ chiếm tỉ lệ hầu hết. Tiêu biểu nhất cho hạng này là những tên quân tử, anh hùng trong truyện kiếm hiệp Tàu, mà chúng ta cũng có thể bắt gặp nhan nhản ngoài đời thực, có khác chăng là trong tiểu thuyết thì những tên này được tô vẽ và hình tượng hoá một cách quá đáng lên thôi. Mà những người như thế không chỉ gây nguy hại cho bản thân họ mà còn có thể gây nguy hại cho mọi người chung quanh nữa. Khi chúng ta xem thường sự tôn nghiêm của bản thân, thì chúng ta cũng xem thường sự tôn nghiêm của người khác, mà thứ tôn nghiêm nhất trên đời này là gì, ngoài cái nhục thể trần tục của mỗi – sinh vật - con người chúng ta?

Vậy rõ ràng là, nền văn minh mà chúng ta gây dựng nên đã vô tình tạo ra những con người hư nguỵ tồn tại trong nó. Có người ý thức được sự hư nguỵ của bản thân, cũng có người không, nhưng tựu trung lại thì đều như nhau cả. Chúng ta tự đẩy mình vào guồng quay do chính chúng ta tạo nên. Chúng ta tự phỉnh gạt lấy mình một cách vô thức, hòng lờ đi cái nhục thể đầy ham muốn trần tục này, mà nếu không có thì nhân loại không thể nào tồn tại được.

Vì lẽ đó mà tôi cho rằng cái thế giới vật chất này mới là quan trọng hơn hết, còn những giá trị phù phiếm xa rời thực tế cần phải dẹp bỏ đi. Khi đó thì con người mới trở nên lương thiện hơn, tâm hồn không vấy bẩn, thiên lệch nữa mà trở về với thiên chân nhất. Những ai suy nghĩ và làm được như thế – tức là biết từ bỏ các giá trị vô nghĩa để trở về với bản năng con người thật của mình – thì họ thường có một đời sống và tư duy thực tế hơn, mà cũng rộng lượng hơn nữa, vì tinh thần họ chân giản và họ không phải đi đâu xa để tìm kiếm lí tưởng & mục tiêu cho đời sống của mình. Tự bản thân mỗi người đã là lí tưởng và mục tiêu cho mình rồi. Vì nếu chúng ta biết yêu thương trân trọng bản thân một cách đúng đắn, thì chúng ta cũng sẽ yêu thương trân trọng người khác giống như vậy.

Cái đời sống vật chất rõ ràng như thế đấy, mà nếu không có nó tác động đến thì tinh thần của ta không làm sao sáng sủa được, tâm hồn của ta không thể lãng mạn được, niềm kiêu hãnh của ta về cuộc sống này không sao thăng hoa được, nhưng ít ai chịu nhìn nhận một cách đúng đắn bản chất của nó. Chúng ta vẫn cứ loay hoay mãi trên con đường đi tìm chân giá trị, mà không nhìn xuống, nó ở ngay dưới chân đây thôi.

Previous Post
Next Post