Trong tâm của mỗi con người bình
thường đều có di sản của những ham muốn nguyên thuỷ được truyền lại từ những tổ
tiên trước khi có loài người và tổ tiên người sơ khai của nhân loại trong cuộc
đấu tranh sinh tồn của họ. Nhận ra những ham muốn nguyên sơ tồn tại trong bản
thân là một trong những bước đầu tiên bạn phải làm trong tiến trình đi lên trên
con đường hiểu biết bản thân; khước từ nhận ra chúng, chối bỏ nhìn nhận chúng
như là những phần làm nên tâm bạn là xây lên ngay trong tâm bạn một bức tường
tự lừa dối mình.
Thuở đầu đời, vì những người khác
phản đối những ham muốn nguyên sơ đó, bạn đã học cách che đậy chúng và trong
một số trường hợp xấu hổ vì chúng. Đầu tiên, bạn học từ chối thừa nhận chúng
với những người khác, rồi ở giai đoạn sau bạn từ chối – ít nhất là cố gắng từ
chối thừa nhận chúng với bản thân mình.
Một lý do của sự chối bỏ này là
bạn muốn nghĩ tốt về bản thân, để bằng mọi giá giữ cho bản ngã của mình không
bị đụng chạm. Thật ngẫu nhiên, chính ý thức bản ngã này là tâm điểm của sự tự
lừa dối mình và cũng chính ý thức bản ngã này là tiêu điểm mà giáo lý của Đức
Phật tập trung công kích.
*
Xét về các cơ chế mà tâm sử dụng
trong nỗ lực tự lừa dối, sẽ hữu ích nếu chúng ta xem xét chúng về khía cạnh cấu
trúc và chức năng của não.
Theo một cách nào đó bạn có thể
coi não là một hệ thống rất phức tạp gồm các đường dẫn nhỏ và đường vòng theo
đó năng lượng thần kinh di chuyển. Mỗi đường dẫn đó được gọi là một dây thần
kinh (neurogram). Khi năng lượng thần kinh di chuyển trong một đường dẫn cụ thể
hay một dây thần kinh nào đó, một ý tưởng tương ứng có khuynh hướng nảy sinh
trong ý thức, khi năng lượng thần kinh chạy sang một đường hay dây thần kinh
khác, tư tưởng đầu tiên sẽ phai mờ và một ý tưởng khác lại nảy sinh trong ý
thức.
Nếu một trong những dây thần kinh
ấy bị suy yếu hay bị hư hại thế nào đó, nếu còn có thể chuyên chở năng lượng
thần kinh, nó sẽ chỉ chuyên chở một cách khó khăn. Bạn có thể so sánh tình
huống này với một con đường với các ổ gà, ô tô chạy qua đó sẽ bị xóc và chao
đảo. Bất cứ khi nào có thể, người lái xe đều tránh con đường xóc, khó khăn và
đau đớn đó.
Sự ví von này sẽ giúp bạn hiểu
"cơ chế tránh né" của tâm, vì theo cách tương tự như vậy năng lượng
thần kinh sẽ tránh đi theo hay đi qua dây thần kinh đã trở thành khó khăn và
đau đớn.
Không cần đến một biệt ngữ kỹ
thuật hay sự đào tạo tâm lý học nào để nói rằng tất cả chúng ta đều hay tránh
né sự đau đớn và khó chịu. Tất nhiên, chúng ta hay tránh né cái được xác định
là đau đớn và khó chịu.
Hãy xem xét một ví dụ. Một đứa
trẻ trải qua một kinh nghiệm hãi hùng, trải nghiệm đó thuộc loại gì không phải
là vấn đề quan trọng lắm, nhưng điều đó làm nó rất khiếp đảm. Khi điều đó đã
qua đi một thời gian, nó cố gắng không nghĩ tới nữa bởi vì khi nghĩ tới, nó lại
trở nên sợ hãi. Điều này là hợp lý và dễ hiểu, và tất cả những điều đó xảy ra ở
cấp độ ý thức. Sau đó, nó trở thành tiềm thức.
Nhưng điều này không có nghĩa là
đứa trẻ ngay lập tức xoá nhoà tất cả trí nhớ về trải nghiệm hãi hùng đó; quá
trìnhh này diễn ra từ từ theo quy luật, và lúc đầu việc đứa trẻ từ chối nghĩ về
trải nghiệm ấy không có hiệu quả. Tuy nhiên về sau, việc đó dần dần thành công
và đồng thời trở thành thói quen. Khi một hoạt động nào đó, thuộc tâm hay thân,
trở thành thói quen, nó cũng trở nên ít có ý thức hơn.
Do vậy cơ chế tránh né lúc đầu là
có ý thức sau đó dần dần chìm xuống tầng tiềm thức.
Có những loại kinh nghiệm khác
bên cạnh nỗi sợ hãi khởi đầu sự vận động cơ chế tránh né; ví dụ sự khiếp sợ;
kinh tởm, và nỗi đau thể chất. Mặc cảm tự ti cũng là một loại trải nghiệm, cảm
giác tội lỗi và vô giá trị cũng vậy. Không ai muốn cảm thấy mình thấp hèn, tội
lỗi và vô giá trị, và tâm thức ở cả cấp độ ý thức và tiềm thức đều có khuynh
hướng tránh những cảm giác này.
Nhưng hãy quay trở lại ví dụ về
người lái xe; nhận thấy con đường đầy ổ gà, khó đi và thậm chí gây đau đớn, anh
ta tránh nó; tuy nhiên anh ta vẫn mong muốn đến đích bằng cách nào đó và không
từ bỏ hành trình chỉ vì điều kiện con đường xấu. Anh ta tìm thấy một con đường
khác cho dù đó là con đường vòng dài và hành trình xa hơn.
Cũng giống như vậy, năng lượng
thần kinh không chịu dừng hoạt động vì một dây thần kinh nào đó bị ngăn trệ do
bị đau, nó tìm ra một dây thần kinh khác cho nó đường đi dễ chịu. Khi điều này
xảy ra trong não bộ, trong tâm sẽ nảy sinh một ý tưởng thay thế, vì trong khi
tâm từ chối cho phép ý tưởng bị cái đau ngăn chặn phát sinh trong ý thức, nó
chuyển hướng năng lượng của nó đến một ý tưởng dễ chấp nhận hơn. Đây là cơ chế
"làm trệch hướng".
Do cơ chế làm trệch hướng này, có
những lúc bạn trải qua cảm xúc nhưng lại tự lừa dối về đối tượng thực sự của
nó. Vì lý do nào đó bạn không muốn gắn cảm xúc cụ thể này cho đối tượng riêng
biệt đó.
Ví dụ một đứa trẻ vừa yêu vừa
ghét mẹ nó. Cần phải thấy rằng trên thực tế tất cả mọi đứa trẻ đều có những
tình cảm lẫn lộn đối với cha mẹ chúng. Trên thực tế, nó có những thái độ lẫn
lộn đối với nhiều thứ quan trọng trong đời, có nghĩa là nó vừa yêu vừa ghét
chúng. Nó yêu quý cha mẹ lúc này vì họ chăm sóc nó và ghét họ lúc khác khi họ
mắng chửi và trừng phạt nó; nhưng cả hai điều đối lập này đều luôn tồn tại tiềm
ẩn trong cấu trúc tâm thức của nó.
Trong khi sự biểu lộ tình cảm yêu
quý của đứa trẻ được cha mẹ đón nhận thì sự biểu lộ lòng căm ghét mang đến cho
nó sự chê bai, chửi, đánh và có thể cả những bài thuyết giảng về tính xấu xa
của việc không yêu quý cha mẹ.
Trong trường hợp một đứa trẻ nhạy
cảm, tất cả sự chê bai và thuyết giáo này sẽ đem lại một cảm giác tội lỗi và
đáng khinh và sau đó khi trở nên ý thức được sự căm ghét của mình, nó sẽ cố
gắng kiềm chế. Nhưng không có hiểu biết thực sự về cách mà tâm thức của mình
hoạt động, những nỗ lực kiểm soát những bột phát bản năng sẽ chỉ dẫn đến sự đè
nén chúng.
Nhưng bất cứ yếu tố tinh thần nào
bị đè nén đều không vì thế mà bị tiêu diệt, cảm xúc thù hận bị đè nén sẽ phải
tìm lối thoát. Vì tình cảm căm ghét của đứa trẻ không thể chĩa vào bà mẹ, nó
phải chĩa vào thứ gì khác, một thứ gì đó có vẻ ít gây ra sự phản đối chê bai
của những người lớn. Ví dụ, đối tượng thay thế này có thể là giáo viên ở trường
của nó.
Do đó cảm xúc bị chê bai được
chuyển từ đối tượng thật là người mẹ sang đối tượng thay thế là giáo viên.
Bạn có thể dễ nhận thấy rằng cơ
chế tránh né và cơ chế làm trệch hướng đi cùng với nhau. Năng lượng thần kinh
tránh đi trên đường dẫn của não hoặc dây thần kinh làm nảy sinh những tư tưởng
và cảm xúc tội lỗi, mặc cảm tự ti, vô giá trị, đau đớn, và nó được chuyển hướng
sang những dây thần kinh tránh những cảm giác khó chịu này. Và nếu những dây
thần kinh này làm nảy sinh những tư tưởng tự phụ, tự cao, hoặc tự đại, điều đó
sẽ tốt hơn nhiều, hay ít ra nó có vẻ như vậy theo nghĩa thiển cận.
*
Tương tự như nỗi đau và những cảm
xúc khó chịu có thể phá huỷ một dây thần kinh, khoái lạc về thể chất hay tình
cảm có thể xoa dịu và cải thiện dây thần kinh khác và do đó tạo thuận lợi cho
dòng năng lượng thần kinh chảy qua nó.
Lại quay trở lại thí dụ về người
lái xe, anh ta sẽ tránh một con đường chật hẹp đầy ổ gà và chuyển hướng sang
một con đường khác tốt hơn. Nhưng nếu có một con đường thứ ba đã được mở rộng,
mặt đường tốt và có khung cảnh đẹp, thú vị suốt chặng đường thì anh ta sẽ đi
trên con đường đó bất cứ khi nào có thể. Anh ta làm như vậy không phải lúc nào
cũng vì nó dẫn đến một đích đặc biệt mà chỉ vì sự vui thích đi trên con đường
đó cùng với các quang cảnh và viễn cảnh của nó. Thậm chí anh ta có thể làm vậy
khi đáng lẽ anh ta nên đi đến nơi làm việc hoặc tập trung vào những trách vụ
khác.
Cũng như vậy, năng lượng tinh
thần sẽ chảy theo một dây thần kinh đem lại sự vui thích, mặc dù không có mục
đích nào khác ngoài niềm vui thích mà nó mang lại, và thậm chí nó chẳng giải
quyết vấn đề gì khác và không đưa lại một quyết định cụ thể nào. Điều này mô tả
cơ chế "ngưng đọng”.
Ví dụ, nếu một đứa trẻ bị làm hư
bởi sự nuông chiều, nếu bà mẹ quá chú ý đến sự thoải mái và vui thích của nó,
nếu bà ta che chở quá mức và khen ngợi con quá đáng, tất cả bằng cái giá sự
phát triển tính cách của đứa trẻ, thì năng lượng tinh thần của đứa trẻ sẽ trở
nên gắn bó với hình ảnh tinh thần của bà mẹ.
*
Ở đây bạn có ba cơ chế tinh thần
cơ bản – né tránh, gây ra bởi một dây thần kinh nào đó bị ngăn trệ vì đau đớn;
trệch hướng, tuỳ thuộc vào dây thần kinh thay thế; và sự ngưng đọng phát sinh
từ một dây thần kinh được tạo thuận lợi quá mức.
Nếu bạn chấp nhận ý tưởng rằng
cùng với nhân loại nói chung, tâm bạn tận dụng những phương thức tự lừa dối
khác nhau, bạn sẽ thấy những cơ chế đó là gốc rễ của nhiều sự tự lừa dối này và
chính những dây thần kinh bị ngăn trệ vì đau giải thích cho sự chống đối rất tự
nhiên đôi lúc nổi lên khi trong quá trình tự hiểu biết bản thân bạn buộc phải
đối diện với những khía cạnh ít dịu ngọt trong tâm trí bạn.
Sự phản kháng này xuất hiện khi
ai đó chất vấn sự đúng đắn hay giá trị của sự tự dối mình mà bạn hằng quý
trọng. Sự phản kháng đó xuất hiện trên bề mặt như là sự khó chịu, sợ hãi, hoặc
một loại thái độ tinh thần không hợp lý nào đó. Chức năng của nó – nếu bạn có
thể gọi nó là chức năng- là giữ cho sự tự dối lừa được nguyên vẹn.
Cho đến khi bạn có thể vượt qua
sự phản kháng này và đối diện với mọi sự tự lừa dối mình thì bạn vẫn bất lực
với chúng; chúng ngự trị tư duy của bạn, và đây là một trong những khó khăn lớn
nhất trong việc tự hiểu bản thân.
Minh Nguyệt dịch