Trong nhân sinh quan của J-P
Sartre có một khái niệm và một ý tưởng khó hiểu, bị trình bày bằng một câu văn
quái đản, hoàn toàn sai ngữ pháp PhuLăngXa: le soi n'est pas, il est été, (cái
tôi không là, nó đã bị là). Ngay người PhuLăngXa, ai chưa nhá gặm L'Être et le
Néant (Thực-thể và Hư-Vô) thì không thể hiểu chàng muốn nói gì…
Trong khi người đời thiết tha
trầy da tróc vẩy đi tìm hoặc khẳng định cái tôi của mình, Sartre ngông nghênh
tuyên bố: cái tôi không là cái gì cả, nó chỉ là toàn bộ những hành động, lời
nói, ý nghĩ đã qua của chính tôi. Cái tôi ấy có thực dưới hình-thái khách quan,
ai ai, kể cả tôi, cũng phải công nhận: hành động và lời nói công khai của tôi.
Nó cũng có thực dưới hình thái chủ quan, nhưng không ai biết được là gì, có khi
kể cả tôi: có những lúc chính tôi đã từng hành động, viết và nói một cách vô
thức, hồn nhiên, tuỳ hứng, theo bản năng hay cảm tính, theo tiềm thức hay vì
một trăm thứ linh tinh khác.
Nếu thế thật, ai cũng có một cái
tôi gồm ba phần: a/ một phần khách quan, không thể phủ nhận được ; b/ một phần
chủ quan không ai biết được ; c/ khi ta còn sống, một phần hoàn toàn mở, vô
định: ngày mai, ta sẽ nghĩ gì, làm gì, viết gì, nói gì? Chẳng ai, kể cả ta, có
thể khẳng định chắc chắn được. Tự do, kể cả trong bối cảnh, là như thế. Chỉ khi
ta đã chết, đã mất hết khả năng tư duy, hành động, viết và nói thì cái tôi vĩnh
cửu của ta mới hình thành: nó đích thực là toàn bộ những gì ta đã làm, đã viết
và đã nói với người đời[1]. Cái tôi ấy, chính tôi không bao giờ được biết tới.
Nó vĩnh viễn là tôi xuyên qua ánh mắt, tấm lòng của người đời. Và người đời,
cũng như tôi, (là) tự do. "Địa ngục, chính là tha nhân" là thế đấy.
Mấy năm qua, Chế Lan Viên, Nguyễn
Đình Thi, Nguyễn Khải và vài người khác đã từng viết và cho đăng (có khi sau
khi đã chết) thơ văn hàm ý ân hận mình đã từng dùng chữ nghĩa của mình để mua
quan, giành chiếu, đeo danh hão. Đương nhiên điều ấy chẳng thế nào
"xoá" được những văn bản, lời nói và hành động đã qua của họ. Chuyện
đã rồi, đã rồi, than ôi… Nạn nhân đã lãnh đủ, chẳng thể nào quên được. Mình
cũng đã hưởng đủ, chẳng thể nào phủ nhận được. Nhưng có người dám làm như thế,
có người thì không, như Tố Hữu chẳng hạn.
Có người sẽ cho rằng họ tiếp tục
khôn ngoan xuôi theo chiều gió: đời nay làm như thế ăn khách hơn. Tôi ngây thơ
quá khích, ít nhất là đối với nhà văn, tôi tin họ trung thực: phải trung thực
với chính mình mới dám viết và công bố đánh giá ấy về mình trước khi chết, khi
chẳng còn gì đáng toan tính nữa. Có thể tôi quá ngây thơ vì quá yêu cuộc sống
người, quá yêu con của người: có người vẫn thèm lừa người đời sau khi chính
mình đã chết để được tồn tại đẹp đẽ trong lòng người sống nhờ sự khôn ngoan của
mình.
Có người sẽ ca ngợi hành động của
họ như một lời sám hối, trong nghĩa cao cả của tôn giáo. Tôi lại không tin. Vì
tôi hết sức trần tục. Tôi yêu văn chương chữ nghĩa, sáng tác của con người trần
tục, đến mức "sùng bái". Khi ta sám hối kiểu tôn giáo, ta quỳ gối cúi
đầu, kết tội chính ta đối với một Đấng Thiêng Liêng nào đó xuyên qua một con
người xương thịt đã được chính ta cho phép là môi giới giữa ta và Đấng Thiêng
Liêng mà tự ta không với tới được. Những nhà văn này không làm như thế. Họ trực
tiếp nói chuyện với độc giả của họ, không nhờ vả trung gian của bất cứ ai. Họ
nói chuyện với người đời, với chính tôi, ngang tầm người: họ nói chuyện với tư
cách nhà văn. Trong tư cách ấy, họ dám nói như thế về mình, tôi phục: họ không
sám hối để được rửa tội, (rửa sao được!), được trở lại sự trong trắng nguyên
thuỷ hão, họ gánh trách nhiệm đời mình với người đời.
Trách nhiệm của kẻ cầm bút.
Họ đã chết, chẳng thể làm gì,
viết gì, nói gì nữa về cuộc đời và con người ở họ. Họ chẳng thể vung thêm một
nét bút, phết thêm một màu văn, ươm ở người đời một ý tưởng khác về họ. Họ đã
là họ. Vĩnh viễn. Chẳng ai có thể phủ nhận, thay đổi được gì nữa.
Họ cũng là những điều họ viết
trước khi chết. Những điều ấy đáng trân trọng? Tuỳ tâm của tôi, của bạn, của
người đời. Dám cho nhau điều gì, hãy cho.
Cái tôi cuối cùng của nhà văn như
thế: toàn bộ một đời cầm bút đối với người đời.
[1] Sâu sắc và đầy đủ hơn câu văn
trứ danh của Malraux: Con người là tổng cộng những hành động của chính nó,
"l'homme est la somme de ses actes". Nếu ta coi lời nói cũng là hành
động thì hai ý tưởng như nhau.