Thấy, nghe, suy tư, cảm xúc của
ta đều có những hạn chế khi đối diện với ngoại cảnh. Lịch sử văn minh của nhân
loại cho thấy con người đã không ngừng tìm cách đẩy lùi sự giới hạn ấy, nới
rộng tầm tri nhận thực tại, bằng cách dựa vào kỹ thuật, chế biến ra công cụ.
Tuy giác quan của ta không nhạy
bén thêm, nhưng với sự giúp sức của kỹ thuật và công cụ, ta đã tăng trưởng sự
hiểu biết về ngoại cảnh và nhờ đó khắc phục được nhiều lầm lẫn do sự hạn chế
của giác quan tạo ra. Như viễn vọng kính, giúp ta thấy rõ hơn hình dạng các
tinh tú. Rồi những kỹ thuật như radio imaging, infrared, X-ray và gamma-ray
imaging, càng làm ta hiểu sâu hơn cấu thể những ngôi sao xa xôi ấy. Nhờ hiểu
biết hơn một chút về những ngôi sao ấy, đương nhiên người ta bớt đi những mê
tín gắn liền mạng sống của con người với các vì sao kia.
Vấn đề bên ngoài đôi khi dễ thấy,
dễ giải quyết. Vấn đề của tâm thì khó thấy hơn. Ðó âu cũng là điểm mù của chúng
ta: làm sao ta thấy được mặt mình?
Thật vậy, cũng như thị giác bị
giới hạn bởi điểm mù và ảo ảnh, trí óc của ta cũng có điểm mù vào ảo ảnh.
Ðiểm mù (lacuna) của tâm ta là
bản ngã, và sự chấp trước vào bản ngã. Ta có thể ngồi xuống, phê bình bất tận
lỗi lầm, với đủ chi tiết rành mạch của một người nào đó, nhất là kẻ ta thù ghét
ghen tỵ, mà ta không hề nhàm chán mỏi mệt. Càng nói càng hăng, càng hứng thú!
Nhưng ta không thể tự phê bình và thấy rõ những chỗ xấu xa, sai lầm của mình.
Cái ngã chặn đứng sự suy tư của ta.
Ðặc tính điểm mù của bản ngã thì
tạo ra đủ thứ ảo ảnh. Như mặc cảm. Mặc cảm là một điểm mù tai hại vô cùng.
Có anh nọ cứ luôn mặc cảm mình
nghèo, nên chẳng ưa ai nói về chuyện kẻ giàu. Khi nói tới chuyện tài sản, thành
công vật chất thì anh ta tìm ra đủ thứ lỗi lầm, tội ác của kẻ giàu. Rồi bản ngã
của anh tạo ra ảo tưởng rằng: ai giàu cũng đều là tội lỗi, nghèo như anh mới
đúng. Nhưng mặc cảm nghèo và phản ứng tạo ra ảo tưởng của mỗi người thì hoàn
toàn khác biệt, chẳng ai giống ai.
Có người tài hoa vô cùng, nhưng
chẳng may không đỗ đạt, lại gặp nhiều thất bại, nên cũng sinh ra mặc cảm, cứ
than trời trách đất, cho rằng đời bất công. Thế rồi anh ta bắt đầu nghiên cứu
số mạng, cuối thành lập một ảo tưởng về định mạng, cho rằng mọi chuyện đều do
tiền định. Núp dưới sự mê tín ấy, mặc cảm thất bại của anh tìm được chỗ an
toàn, yên ổn.
Tự ái cũng là một thứ mặc cảm
khác: Cô nọ bị bạn đồng sự chê là mặc áo quần lỗi thời mỗi khi đi làm việc. Tuy
ngoài miệng vẫn chuyện trò vui vẻ, nhưng mỗi khi cô ta vào sở, tự nhiên cô ta
luôn tìm cách tránh mặt anh bạn đồng sự kia. Nhưng cô làm một cách vô ý thức,
không phải cố ý tránh né bạn mình. Bản ngã của cô khó chịu, nó không thể chấp
nhận lời chỉ trích. Do đó nó làm cô mù lòa về nhiểu chuyện liên quan tới anh
đồng sự này. Bữa đó, khi họp bàn về công việc, anh bạn kia góp ý kiến vô cùng
đúng đắn để cải thiện công tác, nhưng cô ta chẳng có chút chú ý, chẳng để lòng
nghe theo. Kết quả: công tác của cô gặp trở ngại rồi thất bại. Một thứ thất bại
có thể tránh được nếu cô ta làm theo lời anh bạn. Ðó là vì bản ngã đã tạo ra
một ảo ảnh, vẻ ra một bức tranh về người bạn của cô ta: ‘Y là kẻ xấu, vì y chỉ
trích TA.’