Không suy niệm

Cái nghiệp quái gỡ nhất của con người chúng ta là... suy nghĩ. Thật vậy, ta nghĩ suốt ngày đêm, khi đi đứng nằm ngồi, và cả trong giấc ngủ. Xem tranh đọc sách cũng là nghĩ. Tưởng nhớ cũng là nghĩ. Chiêm bao cũng là nghĩ. Lắm khi bực mình ta muốn ném quách sự đời, không thèm nghĩ nữa. Nhưng không nghĩ cũng là nghĩ: nghĩ cái không nghĩ. Cái vòng lẩn quẩn! Ta có cảm tưởng có nghĩ thì trong người mới được thăng bằng, bằng không ta sẽ mất thế đứng, và rơi vào hư vô mất. Ta sợ cái hư vô ấy. Càng sợ càng nghĩ. 
    
Vậy, suy nghĩ tức chạy trốn cái hư vô ấy, chạy trốn trong thế giới ảo tưởng do mình tạo ra bằng những ý nghĩ. Chính cái việc chạy trốn ấy mà ta gọi là tìm chân lý. "Không phải ta không đủ khả năng hiểu chân lý mà chính ta xua đuổi chân lý bằng cách bám níu vào ảo tưởng". Bám níu: đó là bản năng tự vệ của con người.

Con người không thể sống được với một trí óc trống không, mà luôn luôn phải bám níu hết ý nghĩ này đến ý nghĩ khác, có thế mới được thăng bằng - cái thế thăng bằng mỗi lúc bị phá đổ và lập lại mãi. Cả cuộc đời chúng ta đều kết bằng những chuỗi sợ và mưu toan trốn ấy. Có bao giờ chúng ta dám đừng sợ, đừng trốn nữa, mà thử gan lỳ nhìn thẳng vào cái hư vô ấy coi nó là cái quái gì, thực hay giả? Nếu ta dám nhìn thẳng vào hư vô ấy, vào dòng tâm niệm ấy, ta sẽ thấy gì?     

"Mặc dầu tư tưởng tác động mau, chuyển gấp, vẫn có những lỗ trống, những khoảng ngưng từ ý nghĩ này nhảy qua ý nghĩ khác. Giữa hai ý nghĩ luôn luôn có một khoảng lặng im cắt đứt hẳn dòng diễn tiến của tư tưởng. Xét kỹ, ta sẽ thấy khoảng lặng im ấy không thuộc về thời gian. Khám phá, nhận rõ được khoảng trống ấy là thoát ly khỏi mọi ràng buộc".     

Thật vậy, chúng ta nghĩ liên miên như dòng nước chảy, nhưng thỉnh thoảng có lúc ta không nghĩ. Đó là những phút giây kỳ diệu nhất của cuộc sống, trong ấy hoàn thành tất cả công trình siêu việt nhất của loài người. Trong khoảng vô biên không tư tưởng ấy, con người trở thành bao la giữa cái bao la của vũ trụ. Trí óc không bồn chồn nữa mà lặng im đi; tự khối im lặng ấy, ánh sáng tự bừng ra, và ta hiểu, hiểu thấm thía, rốt ráo, chứ không phải hiểu vụn vặt bằng trí thức suy luận.     

"Sự hiểu biết đến với chúng ta bằng những tia chớp, và phải có những khoảng im lặng thì tia chớp mới xẹt được. Sự hiểu biết không phải ở lời nói xuông, mà cũng không dính dấp gì đến suy luận. Suy luận chỉ là nói xuông, nên suy luận không hiểu gì ráo."

Sự hiểu biết đến với chúng ta tự khoảng cách giữa hai tiếng nói, trong khoảng ấy tiếng nói chưa thốt ra, chưa tạo thành ý nghĩ. "Khoảng cách giữa hai tiếng nói", ấy là cái hiện tại không có thời gian, cái hiện tiền không có tư tưởng, phi lý mà huyền vi, không mà là tất cả. Đó là nguồn động lực tự đó muôn vật hóa sanh. Đó là nguồn ánh sáng và tình thương, tự đó hàng đạt đức phát ra những đợt sóng bác ái, hàng đạt đạo chứng ngộ chân lý, và ở một bình diện thông thường hơn, hàng văn nghệ sĩ khơi nguồn mỹ cảm.     

Hơn ai hết, người nghệ sĩ thường được diễm phúc sống những phút giây bao la không suy niệm ấy, tâm tư ngưng đọng, trí óc lắng im, những phút giây "không" để cho nghệ thuật tự chọn chữ, gieo vần, pha màu, nắn cung bực. Say sưa trong sáng tạo, người văn nghệ hòa đồng với tác phẩm, với trời đất, thân chứng vào vĩnh cửu.     

Vĩnh cửu không có thời gian, nên văn nghệ phẩm không hề lỗi thời, giữa giòng biến dịch chứng lẽ Bất Động.     

Vĩnh cửu không có tư tưởng, nên văn nghệ phẩm không nhằm nói lên gì hết, thể hiện cái Vô Cùng.     

Vĩnh cửu không có tâm, nên văn nghệ phẩm tùy duyên mà thành tựu cái Tâm Đại Đồng. 
    
Nhưng rồi tác phẩm chấm hết, rồi nghệ sĩ nắn nót ghi thêm vào đó một danh hiệu, kèm theo ngày tháng. Quả là một trò sang đoạt phủ phàng!     

Tác phẩm vốn vô tâm mà tạo ra, nay chuyển sang làm của riêng của một cái tôi xấu hổ.     

Tác phẩm xây dựng lên trong một cơn hứng không thời gian, nay thời gian in dấu vào làm một vật lưu niệm giữa dòng đời trôi chảy.     

Tác phẩm thành hình trong khoảng nhập thần không suy niệm, nay niệm dấy lên, và so đo cân nhắc, tung ra chợ đời làm mồi câu danh lợi. 

"Thử xem các nhà thi sĩ nhạc sĩ văn nghệ sĩ: lẽ ra các ông ấy phải là vô danh, tách lìa khỏi tác phẩm mình. Nhưng hầu hết lại thích ký tên vào tranh. Họ muốn chức tước và địa vị đó".

Trúc Thiên
Previous Post
Next Post