Trong đời sống, rất nhiều người
không có sự thư giãn. Chúng ta cần phải học cho được cách thư giãn. Ví dụ, tập
đi thiền hành là cơ hội để tập thư giãn. Sự căng thẳng và thư giãn đi đôi với
nhau, chúng có mặt cùng một lúc. Vấn đề là cái nào nhiều, cái nào ít mà thôi.
Trong chúng ta có sự căng thẳng, nhưng cũng có sự thư giãn. Tùy cách sống của
mình mà ta có nhiều sự căng thẳng hay nhiều sự thư giãn.
Phát triển sự thư giãn, buông bỏ
những lo lắng, sợ hãi và bạo động là hạnh phúc đang có mặt. Mỗi người đều có
khả năng chế tác ra sự thư giãn với tư cách cá nhân và năng lượng đó sẽ ảnh
hưởng tới tập thể. Thí dụ một người giáo viên nếu có ý thức nuôi dưỡng sự thư
giãn trong mình và chế tác sự thư giãn đó cho học sinh thì việc dạy và học sẽ
thành công hơn. Giữa giáo viên và học sinh có sự nhẹ nhàng mà không phải căng
thẳng mệt mỏi.
Đạo đế là con đường mà trong đó
có những phương pháp đưa tới sự thư giãn. Yếu tố đầu tiên của hạnh phúc là biết
thư giãn để chấm dứt lo lắng, sợ hãi. Đứng về phương diện sinh học thì chính sự
căng thẳng tạo ra lo lắng, sợ hãi, bạo động và bệnh tật. Trong mình ta có tuyến
yên. Khi cảm thấy có tình trạng nguy hiểm thì tự nhiên tuyến yên sẽ tiết ra một
chất hoá học trong máu. Nội trong mấy giây sau chất hoá học đó đụng tới tuyến
thường thận và nhả ra chất adrenalin, chất này vào trong máu thì sẽ khiến trái
tim đập mạnh hơn để dồn máu tới hai chân, hai tay và đôi mắt để sẵn sàng đối
phó với tình trạng nguy hiểm. Đó là phản ứng hoặc chống cự, hoặc là bỏ chạy. Muốn
chống cự hay bỏ chạy đều cần dùng tới rất nhiều năng lượng và vì vậy các cơ
năng khác phải dừng lại hết.
Chất đó cũng khóa bộ máy tiêu hoá
lại và không cho làm việc nữa. Lúc này cơ thể tạo ra sự căng thẳng. Nếu sự căng
thẳng kéo dài thì nó sẽ làm hỏng bao tử và bộ phận tiêu hóa. Cho nên những
người nào hay lo sợ rất có hại cho bao tử. Một thí dụ khác là trong lúc chạy
đua thi đấu, trước khi người phát lệnh thổi còi cho bắt đầu cuộc thi chính là
giây phút trong cơ thể các vận động viên tiết ra chất adrenalin. Nếu giây phút
đó kéo dài quá lâu thì đương sự có thể sẽ chết.
Đôi khi trong đời sống hàng ngày
khi nghe tiếng điện thoại reo ta cũng lo. Có khi nhìn những tờ báo ta cũng thấy
lo vì không biết cổ phần đang lên hay đang xuống. Tuy không có những lo lắng
lớn hay nguy hiểm lớn xảy ra nhưng những lo lắng nhỏ trong đời sống hàng ngày
cũng làm cho chất adrenalin tiếp tục được tiết ra và nó cũng khoá bộ máy tiêu
hoá lại khiến ta bị căng thẳng. Những căng thẳng ấy dồn chứa mỗi ngày sẽ sinh
ra đủ thứ bệnh. Mỗi khi căng thẳng thì hành động trở nên thô tháo và lời nói
cộc cằn sẽ làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình, làm hư hoại tổ chức, bè bạn của ta. Do
đó phải nắm cho được phương pháp thư giãn để giải tỏa những căng thẳng.
Những lúc ngồi thiền, thiền hành
hay buông thư thì chất adrenalin không tiết ra. Buông thư toàn thân và nương
vào hơi thở có ý thức thì trong ta bắt đầu có sự thư giãn. Thở vào tôi ý thức
đây là hơi thở vào, thở vào tôi sung sướng được thở vào. Thở ra tôi ý thức về
thân thể tôi, thở ra tôi làm cho thân thể tôi thư giãn. Là một người thực tập,
chúng ta phải biết nuôi dưỡng sự thư giãn trong mỗi giây phút.
Khi làm việc với máy vi tính cũng
có thư giãn mà đọc sách cũng thư giãn, lúc nào cũng thư giãn hết. Khi đi, phải
đi sao cho có bình an mà không vội vàng như bị ma đuổi; khi ngồi thì phải ngồi
như đang ngồi trên một đóa sen. Trong lúc thư giãn thì nhịp đập của trái tim sẽ
chậm lại và hệ miễn dịch được tăng cường. Thư giãn không phải chỉ là vấn đề thể
chất và hình hài. Nếu trong tâm đang có điều bất an thì sự thư giãn rất khó
thực hiện được. Do đó phải tổ chức lại đời sống hàng ngày để đừng bị áp lực quá
nhiều đừng để lo lắng, buồn khổ. Muốn vậy thì phải quán chiếu cho sâu sắc.
Khi có bạo động tức là trong thân
thể không có sự buông thư. Khi ấy phải tập thở, tập đi để nhận diện và ôm ấp
những bạo động, giận hờn, bực bội trong mình. Nếu những tâm hành đó được ôm ấp
thì tự nhiên nó sẽ lắng dịu. Nền văn minh mới của chúng ta tạo ra rất nhiều
căng thẳng, cho nên sự thực tập của mình là làm lắng dịu thân tâm. Mà muốn thư
giãn thì phải thực hành những pháp môn cụ thể như buông thư, thiền hành, ngồi
thiền,… Cho nên nền đạo đức học hiện đại phải là đạo đức ứng dụng chứ không
phải là đạo đức lý thuyết. Phải biết rõ rằng muốn có thư giãn thì ta không nên
làm gì và nên làm gì.
Đạo đế được diễn đạt qua con
đường Bát chánh, trong đó có chánh kiến. Các vị tổ sư giải thích chánh kiến là
một cái thấy sâu sắc về Bốn sự thật. Nhưng trí óc con người thường hay đi kiếm
tìm sự thật của chân lý vạn hữu. Ta thường có ý muốn đi vào siêu hình học, thực
thể học. Khuynh hướng hay phóng tâm ra vũ trụ và đặt những câu hỏi như: Vũ trụ
này từ đâu mà có? Những nguyên lý cai quản vũ trụ là những nguyên lý nào? Bởi
có những câu hỏi này mà ta có siêu hình học và bản thể luận.
Đức Thế Tôn rất thực tế, Ngài nói
đừng phóng tâm ra vũ trụ bên ngoài mà hãy đưa tâm về với tình trạng đích thực
trong đó ta đang sống. Phải nhận diện nỗi khổ đang có mặt, tìm ra nguồn gốc của
khổ và phải tìm ra con đường thoát khổ. Rất là thực tế. Hai chân chấm đất.
Chánh kiến đức Thế Tôn nói ở đây không phải là kiến thức về vũ trụ vạn hữu mà
là về Bốn sự thật. Mình phải có cái thấy khá vững chãi về Bốn sự thật. Khi mới
học về Tứ diệu đế, mới nghe nói về Bốn sự thật, ta nói nó quá dễ, nhưng thật sự
thì ta chưa hiểu rõ về nó. Cách đây một năm có người hỏi tôi: “Thầy có hiểu hết
về Tứ diệu đế chưa?” Tôi trả lời: “Chưa, tôi chưa hiểu hết, tôi vẫn đang trên
con đường tìm hiểu”.
Muốn có được cái thấy sâu sắc đòi
hỏi chúng ta phải bỏ ra rất nhiều công phu tu tập. Phần lớn chúng ta chỉ nắm
được ý niệm về Bốn sự thật chứ chưa nắm được Bốn sự thật. Chúng ta không nắm
được bản chất của Bốn sự thật. Bốn sự thật tương tức với nhau, Sự thật này nằm
trong Sự thật kia. Không hiểu được khổ đế thì không hiểu được diệt đế, ngược
lại nếu không thấy được diệt đế thì không hiểu được khổ đế. Chánh kiến trước
hết là cái thấy sâu sắc về Bốn sự thật. Bốn sự thật tương tức với nhau, chúng
không thể có mặt độc lập, chúng liên hệ với nhau chặt chẽ cho đến nỗi không
thấy được cái này thì không thấy được cái kia.
Trong lĩnh vực trao truyền, khi
không thấy được ta thì sẽ không thấy được cha ta. Chưa thấy được cha ta là ai
thì sẽ không thấy được ta là ai. Khi thấy được sự tương tức của bốn sự thật thì
tự nhiên ta cũng sẽ thấy được sự tương tức của các pháp. Tương tức nghĩa là cái
này chính là cái kia, cái này nằm trong cái kia, không có cái này thì không có
cái kia. Không có sự thật nào có mặt riêng rẽ. Cái này cũng gọi là không. Thí
dụ như bông hoa: bông hoa do mặt trời, ánh nắng, đám mây, đất, phân bón, người
làm vườn… tạo nên. Cho nên bông hoa không có mặt riêng biệt, bông hoa đầy hết
tất cả vũ trụ. Bông hoa là vũ trụ, nó không thể có mặt riêng biệt được. Bốn sự
thật không thể có mặt một mình được. Nếu không có bùn thì sẽ không có sen. Nếu
như nhận Bốn sự thật là riêng biệt thì ta rất sai lầm.
Trong Kinh Bát Nhã nói “không
khổ, không tập, không diệt, không đạo”, Bốn sự thật là không. Bản chất của sự
thật này là bản chất của sự thật kia. Sự thật thứ nhất được làm bằng sự thật
thứ hai, thứ ba, và thứ tư. Lấy sự thật thứ hai, thứ ba, thứ tư ra thì không có
sự thật thứ nhất. Đó là tính tương tức của sự thật thứ nhất. Nếu thấy được Bốn
sự thật có liên hệ với nhau thì chúng mới đích thực là Bốn sự thật.
Dừng lại và buông thư
Pháp môn căn bản của Làng Mai là
phương pháp thở chánh niệm và phương pháp đi chánh niệm. Các vị giáo thọ của
Làng có nhiệm vụ nắm vững tình trạng tu tập của xóm mình và phải trao truyền
những thực tập căn bản này đến mọi thành viên trong xóm từ người xuất gia cho
tới tại gia. Nếu họ chưa biết thở, chưa biết đi trong chánh niệm, đồng nghĩa
với việc họ còn bị đói. Ai bỏ đói họ? Các vị giáo thọ dự phần lớn vào việc bỏ
đói các sư em và các thiền sinh tới với mình. Do vậy, các vị giáo thọ cần nắm
thật vững phương pháp thở, phương pháp đi. Ta không cần nói những bài pháp hùng
hồn. Sự thực tập vững chãi của ta chính là bài pháp sống động nhất. Nếu ta có
khả năng buông thư được, hạnh phúc được trong mỗi bước chân, mỗi hơi thở thì ta
sẽ là người đầu tiên được trị liệu và nuôi dưỡng.
Thiền, Dhyana, nghĩa là dừng lại
và làm cho buông thư. Sự dừng lại và buông thư được gọi là thiền chỉ. Trong sự
thực tập, nếu chưa có khả năng dừng lại và buông thư thì hành giả sẽ không thể
đi xa hơn được. Bởi vì nếu không thành công được trong thiền chỉ thì khó có thể
nhìn sâu (thiền quán) để thấy rõ bản chất của các hiện tượng.
Mỗi người đều sẵn có hạt giống
rong ruổi, tìm kiếm. Chúng ta không thể ở yên lâu được. Hạt giống này chúng ta
được tiếp nhận từ tổ tiên. Sở dĩ ta không dừng lại được bởi vì ta thiếu khả
năng buông thư. Những căng thẳng trong cơ thể bị dồn nén khiến cho yếu tố trầm
tĩnh của đời sống mất đi. Nếu thực tập vững vàng phương pháp thở và đi trong
chánh niệm thì ta sẽ dừng được sự chạy đua. Lúc ấy, sự buông thư và niềm an lạc
sẽ lập tức có mặt.
Ngồi thiền là cơ hội để thực tập
dừng lại hoàn toàn. Trong khi ngồi, chúng ta sử dụng hơi thở có ý thức để hỗ
trợ cho việc dừng lại ấy. Dừng lại được là bắt đầu có chủ quyền đối với thân và
tâm của chính mình. Ngồi thiền trước hết là dừng lại và buông thư. Nếu trong
khi ngồi mà phải đấu tranh, phải gồng mình và xem việc ngồi thiền như một lao
tác mệt nhọc thì đó chưa phải là cách ngồi thiền đúng. Khi ngồi, tư thế phải
thật thoải mái, lưng thẳng nhưng buông thư. Và sau đó mới bắt đầu theo dõi hơi
thở. Thở vào, tôi ý thức về toàn thân của tôi; thở ra, tôi buông thư toàn thân.
Ta phải đem cái tâm đi vào cái
thân. Cái tâm của ta chỗ nào cũng có cái thân hết, tức là tâm đầy trong thân.
Giống như việc ta ngâm đậu xanh với nước ấm vậy, đậu xanh được ngâm trong nước
ấm một hồi, nước sẽ thấm vào trong hạt đậu, hạt đậu sẽ nở ra gấp hai lần ban
đầu. Sở dĩ cái thân khô héo là bởi vì cái tâm không thấm được vào trong thân.
Nếu muốn cái thân được tươi mát, được thấm nhuận thì cần phải để cho tâm đi vào
trong thân. Lúc ấy, thân của ta sẽ trở thành một thực thể linh động chứ không
còn là một xác chết nữa vì tâm đã được thấm vào trong từng tế bào. Tức là cái
thân đầy cả cái tâm. Trong khi ngồi thiền, thiền hành, phải làm như thế nào để
thân của ta đầy tâm mà tâm cũng đầy thân. Khi thân và tâm hợp nhất, là khi ta
có được những giây phút sống sâu sắc.
Thiền là một phương pháp thực
tập, và nếu thực tập đúng thì hạnh phúc sẽ có liền tức khắc. Hạnh phúc này bắt
đầu từ sự dừng lại và buông thư. Không có sự dừng lại và buông thư, thì không
thể nào có hạnh phúc được. Hạnh phúc này được gọi là thiền duyệt. Thiền duyệt
tức là niềm vui do sự thực tập thiền đem lại. Và người tu phải lấy niềm an lạc
mà thiền tập đem lại làm thực phẩm hàng ngày (Thiền duyệt vi thực).
Trong nghi thức cúng ngọ có câu:
“Nhược phạn thực thời, đương nguyện chúng sinh, thiền duyệt vi thực, pháp hỷ
sung mãn”. (Khi ăn cơm, con nguyện cho chúng sinh nếm được niềm vui mà thiền
tập đem lại, hạnh phúc luôn tràn đầy). Mỗi lần ăn cơm, cúng ngọ, lúc nào ta
cũng nguyện cho tất cả chúng sinh đều hưởng được niềm vui của thiền tập nhưng
chính ta đã làm được chưa? Có khi ta đã để cho chính ta bị đói và để cho những
người bạn đến với ta cũng bị đói. Những người bạn tin tưởng vào ta, trông cậy
vào ta, nhất là khi ta là một vị giáo thọ, nhưng ta quên mất vai trò của chính
mình. Đôi khi ta bỏ đói đại chúng, bỏ đói các bạn đến với ta. Nếu ta bắt đầu
dừng lại và buông thư được, tức khắc ta sẽ có được hỷ lạc. Khi có được hỷ lạc,
ta mới bắt đầu quán chiếu vào lòng sự vật để thấy được bản chất của sự vật.
Chúng ta có thể thực tập theo
những hướng dẫn của đức Thế Tôn để dừng lại. Thở vào, con ý thức về hình hài
của con. Thở ra, con ý thức về toàn thể hình hài con. Lúc đó, cái tâm đi vào
cái thân và cái thân đi vào cái tâm. Tiếp tục thực tập như vậy, ta để cho tâm
thấm dần vào trong thân. Ta có thân đầy trong tâm và tâm cũng đầy trong thân.
Kế tiếp, nương vào hơi thở chánh niệm ta buông thư cả thân và tâm. Thở vào, con
buông thư thân thể con, tâm hồn con. Thở ra, con tiếp tục để cho tâm hồn con,
thân thể con được buông thư. Hãy cho ra ngoài hết tất cả những dồn nén, những
căng thẳng. Sự buông thư này sẽ mang lại sự trị liệu. Do vậy, khi đề cập đến
khổ hay gọi tên những nỗi khổ, ta đừng quên đề cập đến những căng thẳng trong
thân thể và tâm hồn. Bởi nó đích thực là một nỗi khổ và rất cần được chúng ta
quan tâm đến.
Chánh niệm là phép tu căn bản
Khi thực tập thiền hành, phải
thực tập như thế nào để dừng lại được trong khi đi. Đi như là đi chơi trong
Tịnh Độ mà không đi như bị ma đuổi. Buông thư được trên từng bước chân. Đường
dài, em bước như dạo chơi. Đường càng dài càng hay, vì ta có thể dạo chơi càng
nhiều. Mặc dù chưa là giáo thọ nhưng ta cũng không được bỏ đói các bạn thiền
sinh đến với ta, ta có bổn phận phải giúp họ. Vì mỗi ngày ta được hưởng thức ăn
của thiền tập nên khi có ai đến, phải hỏi: Các anh, các chị có đói không? Thực
phẩm đây! Tức là phương pháp giúp họ biết thở, biết đi, biết cười. Do vậy, khi
ngồi thiền, cho dù nửa giờ hay bốn mươi lăm phút, cũng phải biết tận dụng
khoảng thời gian ấy để nắm lấy chủ quyền, phải để cho thân tâm được buông thư, nghỉ
ngơi. Nếu không làm được như vậy thì ta đã phung phí một cách oan uổng nguồn
thời gian quý báu của chính mình.
Ở ngoài đời có thể bạn có rất
nhiều tiền, nhiều bạc, nhưng thời gian được ngồi yên thì rất hiếm. Được ngồi
yên là một cơ hội để nuôi dưỡng và trị liệu thân tâm. Nếu thực tập thiền chỉ
giỏi, tất nhiên ta sẽ có niệm và định. Niệm tức là sự chú tâm, biết rõ cái gì
đang xảy ra. Ví dụ, khi theo dõi hơi thở, thở vào ta biết rõ đây là hơi thở
vào, thở ra ta biết rõ đây là hơi thở ra. Đó gọi là chánh niệm về hơi thở. Khi
đang đi, ta biết ta đang đi mà không để cho đầu óc trôi dạt ở một phương nào.
Đó gọi là niệm bước chân. Còn khi uống trà mà biết là ta uống trà thì gọi là
niệm uống trà. Khi chải răng, ta biết là ta đang chải răng, chải cho có hạnh phúc,
chải cho buông thư thì gọi là niệm chải răng. Khi đi tiểu, đi cầu cũng vậy. Mọi
lúc mọi nơi đều là cơ hội cho ta thực tập chánh niệm. Chánh niệm là phép tu căn
bản, và nó cũng là nền tảng đạo đức của Phật giáo.
Trích sách “Con đã có đường đi”
Nguồn: deerparkmonastery.org