Trong thời đại nào, háo danh cũng
trở thành một hiện tượng mà nhiều người theo đuổi nhưng cũng bị nhiều người chỉ
trích, lên án. Dù rằng, xã hội luôn phê phán bằng cách trực tiếp hay gián tiếp,
mạnh mẽ hay tế nhị căn bệnh di căn này nhưng xem ra nó đâu dễ dàng thuyên giảm,
lắm khi còn nhiễm nặng thêm. Thế thì, nhân tố nào làm chất liệu dinh dưỡng để
nuôi nó, làm cho nó không thể bớt đi mà lại tăng thêm. Phải chăng là xã hội
không có thuốc thích hợp cho ‘tật này’ hay là ngừơi ta không thích sử dụng hay
thậm chí dại gì sử dụng.
Vậy là, không phải là không có
thuốc mà là vì thuốc có mà những đứa con ‘nhõng nhẽo’ không thích uống và cha
mẹ chúng cũng không nỡ trách phạt chúng. Chỉ có những bạn bè chúng đôi khi vì
ganh tỵ, khó chịu hay thương hại mà lên tiếng thôi. Chất liệu nuôi dưỡng nó là
gì mà làm cho nó luôn lớn mạnh như thế và nó có tác hại gì đến môi trường xung
quanh chăng?!
Bản năng con người luôn đòi hỏi
thỏa mãn theo nhu cầu tự nhiên và xã hội của nó. Nhu cầu tự nhiên là cái có thể
thấy được và hạn lượng được. Vì nó hữu hình nên người ta có thể biết được mức
độ tối đa của nó. Ngược lại, nhu cầu mang tính xã hội lại là cái vô hình nên nó
không tính đếm được dù rằng người ta vẫn có thể nhận ra nó. Mà ai cũng biết, hễ
cái gì hư hư thật thật thì dễ làm người ta tham đắm vào nó. Huống chi cái hư hư
thật thật này lại làm cho con người có cảm giác hân hoan và bay bỗng thì tham
đắm là điều mấy ai tránh khỏi. Vậy thì háo danh làm người ta bay bỗng chăng?!
Câu trả lời chắc ai cũng có thể
đoán ra nhỉ! Vì rằng, có danh thì trước nhất và trên hết là được nhiều người
khen ngợi và ca tụng cơ mà. Nhiều người không màn đến danh ấy là thật hay giả,
là hữu ích hay là rỗng không, cứ hễ có danh thì nghiễm nhiên đòi hỏi phải được
ca ngợi, kính trọng. Cái áo khoác ‘danh’ có phép thuật như thế thì làm sao mà
không mê hoặc nhiều người nhất là trong một môi trường đa số thích khoác cái áo
ấy. Trừ phi họ là những người chân chính thì may ra không bị ma thuật ‘danh’ mê
ám.
Cái hấp dẫn cao hơn của danh là
nó mang lại lợi cho người mê nó. Cái lợi không phải chỉ là vật chất mà nó ẩn
hiện trong muôn hình vạn trạng. Cái lợi vật chất là dành cho những người thiếu
nó và cần nó, trong khi cái lợi khác thì cao cấp hơn, tế nhị hơn nên chỉ dành
cho những bậc dư ăn, dư mặc. Cái lợi ấy là được ăn trên ngồi trước, đi sau về
trước, đi đâu cũng tiền hô hậu ủng, và vô vàn hình thức khác. Cái lợi ấy không
chỉ người mang danh thừa hưởng mà trong nhiều trường hợp cả gia đình, dòng họ
cùng hưởng nữa chứ. Chính cái hấp lực ấy cũng góp phần tác động đến nhu cầu tìm
danh của không ít người trong xã hội.
Hình trạng của ‘sự háo danh’ biểu
hiện thế nào và có tác hại ra sao? Ta hãy quan sát những điều hiện thực xảy ra
trong xã hội được phơi bày trên các phương tiện truyền thông, hay thông qua các
hội nghị, đại hội, lễ nghi, và rất nhiều kênh khác nữa sẽ thấy bóng dáng của
nó. Đời xưa, người ta mua chức, mua quan để bóc lột thiên hạ thì đời nay cũng
không phải là hiếm thấy. Ngày xưa, người ta mua bằng cấp để khoe khoang thì
ngày nay nguời ta mua bằng cốt không phải để khoe khoang mà quan trọng là để
hợp thức hóa địa vị đang có hay tìm cơ hội thăng chức. Dẫu biết rằng đó là hành
vi bất chánh, nhưng có mấy người thắng được lương tâm, thắng được sự áp lực của
môi truờng xung quanh đầy khắc nghiệt. Sự khó khăn âu cũng tại môi trường!
Nhưng mà, bằng cấp chỉ là cơ hội
để có địa vị và chức tước. Bằng cấp cao chức tước sẽ càng nhiều. Rất nhiều người
có hàng chục chức danh, đọc cho hết cũng mất gần vài phút. Thì ra, họ xuất sắc
vô cùng. Vừa là chủ tịch tỉnh, vừa kiêm hiệu trưởng; vừa làm giáo sư, vừa là
nhà chính trị thiên tài? Bao chức tước họ sẵn sàng ôm ẵm hết, vì họ cho rằng
không ai đủ khả năng. Thế rồi, khi có họp hay lễ lộc gì đó, họ được mời đến dự
cho oai. Chức tước bao nhiêu cứ giới thiệu hết một lần, dẫu ai chờ ai đợi mặc
người ta. Khổ nỗi, có những chức không hề cần trong buổi họp hay buổi lễ, mà
sao phải bắt giới thiệu hoài cho tốn thời gian. Nhưng, nếu giới thiệu thiếu một
chức là bề trên sẽ tỏ ra giận dữ, nặng thì ra tay ngay, mà nhẹ thì sẽ bị khiển
trách, nhắc nhở lần sau xin chừa nhé. Vậy là, đố ai dám cắt ‘danh’ ông, thà
rằng (giới thiệu) dư dã hơn là bị la và bị mất chức nữa là khác.
Vậy đấy, hành trạng của ‘sự háo
danh’ ẩn hiện như thế. Như quy luật bất thành văn, nó nghiễm nhiên tồn tại, gây
tốn thời gian và công sức của bao người để chỉ vì ca ngợi cái ‘danh’ của một số
cá nhân. Mà sao xã hội bây giờ lại thích kính bạch, kính thưa dài dòng như thế.
Cái nội dung chính cần làm thì thường bị xem nhẹ qua loa, trong khi cái lễ nghi
phụ trợ thì đề cao quá mức. Đành rằng lễ nghi không thể thiếu nhưng đâu thể vì
thế mà lạm dụng quá liều. Ôi! biết nói làm sao, thói quen như vậy dễ gì bỏ ngay.
Vả lại, không tài thì được cái danh, chứ ai lại nỡ, lại đành tay không.
Tuy nhiên, điều quan trọng là
không nên nhầm lẫn và đánh đồng giữa ‘háo danh’ với ‘hữu danh’. Hữu danh là cái
mà người ta đổ mồ hôi nước mắt có được, là tài năng thực sự của người đó và
được cộng đồng xã hội trân trọng đề cử, tôn vinh. Nó không xuất phát từ bất cứ
ý niệm nào về chạy chức tước, địa vị, không vì tiếng khen lợi dưỡng…. Nó là kết
quả của một chuỗi nhân duyên tốt đẹp mà người ấy đã cống hiến và đóng góp. Sự
vinh danh những người như thế là một sự tôn vinh, khuyến khích học tập hơn là
sự khoe khoan, nịnh hót. Những người hữu danh như thế sẽ rất khiêm tốn và biết
làm gì với trách nhiệm mà xã hội trân trọng giao cho.
Cuộc sống thì muôn màu muôn vẻ,
vàng thau lẫn lộn. Chỉ có điều nên tịnh tâm sáng suốt, dùng kính trí tuệ của
mình để thấy rõ thật hư, để phân rõ trắng đen. Có như thế, dẫu vẫn còn trong
danh lợi, ta gắng lòng sống với đạo thánh nhân.