Khổ là một sự thực của cuộc sống
con người, nếu bạn không biết đùa chơi với nó là bạn đã mất đi rất nhiều cơ hội
để tiếp xúc và nhận diện sự thực, đồng thời bạn cũng đã mất đi rất nhiều cơ hội
để trưởng thành và hiểu được ý nghĩa đích thực của hạnh phúc.
Một nhạc sĩ nào đó đã hát: “Đường
trần gian đầy ải thương đau, ai chưa qua chưa phải là người”. Như vậy, theo
nhạc sĩ, con người đích thực phải là con người đã từng trải khổ đau và phải
trưởng thành ngay trong khổ đau. Nhưng sự khổ đau của con người dưới cách nhìn
của các Nhà Tôn Giáo là những thiên thần bị đọa.
Các Thiên thần vốn sống thênh
thang nơi cõi trời thơ mộng, bỗng theo hương, nên bị gió ngàn cuốn vào đồng
nội, chạm thanh sắc và xúc nếm vị trần, thoáng chốc gãy cánh và bị sà xuống nơi
cõi đời lận đận, đi giữa đường trần với những tháng ngày cát bụi gió bay, nên
sống và chết chỉ cách nhau trong một hơi thở; khổ và vui chập chùng theo nhau
trong từng ý niệm; rủi và may cùng gợn lên trong một dòng chảy đục trong, nụ cười
và tiếng khóc ẩn hiện thay nhau trên một vẻ mặt con người và thành công hay
thất bại của một đời người đã có ngay nơi dấu hiệu co duỗi của một bàn tay hay
nó có ngay nơi khởi điểm và sự chuyển động của mỗi bước chân đi!
Sống trong những sự thế thiên diễn
và bị động như vậy, con người làm sao có hạnh phúc, không có hạnh phúc tất
nhiên khổ đau có mặt, nên khổ đau là một sự thực của cuộc sống con người, bạn
làm sao mà có thể chối từ chúng. Bạn không chạm tráng với khổ đau, bạn sẽ không
bao giờ hiểu được giá trị đích thực của hạnh phúc là gì.
Bạn hãy thực tập đùa chơi với khổ
đau như ngày xưa Đức Phật đã từng đùa chơi với chúng. Tại Vườn Nai Đức Phật đã
nói với năm anh em Kiều Trần Như rằng:“ Đây là khổ. Đây là tập. Đây là diệt.
Đây là đạo. Đây là khổ nên biết. Đây là tập nên đoạn. Đây là diệt nên chứng.
Đây là đạo nên tu. Đây là khổ ta đã biết. Đây là tập ta đã đoạn. Đây là diệt ta
đã chứng. Đây là đạo ta đã tu”.
Đức Phật nói: “Đây là khổ”. Như
vậy, Ngài đã nắm trọn vẹn cái khổ như nắm trọn vẹn một trái cam trong lòng bàn
tay và thanh thản nhẹ nhàng đưa nó lên và xoay nó mọi chiều cho mọi người cùng
thấy. Không những Ngài chỉ nắm trọn vẹn mọi hình thái biểu hiện của khổ đau mà
còn nắm trọn vẹn bản chất và mọi đặc tính của nó nữa, để chỉ rõ cho những ai có
mắt thì có thể thấy, và những ai có trí thì ngay đó, có thể nhận ra mọi sự thực
của vấn đề.
Đức Phật nói: “Đây là khổ”, nghĩa
là Ngài muốn ta mở to đôi mắt ra để trực diện và đùa chơi vớùi khổ đau như đùa
chơi với những trẻ thơ, hoặc đùa chơi với trái cam trong lòng bàn tay, hay đùa
chơi với một chiếc bong bóng mà không phải nhắm đôi mắt lại, hay tránh né và
quay lưng với nó.
Đức Phật nói: “Đây là khổ”, nghĩa
là Ngài muốn ta mở to đôi mắt để nhìn và trực diện với nó như trực diện với
người yêu. Bởi lẽ trong mỗi chúng ta không bao giờ có cái yêu đơn thuần mà yêu
là do liên hệ. Liên hệ giữa bên nầy và bên kia; liên hệ giữa người nầy và người
kia; liên hệ giữa chủ thể và đối tượng; liên hệ giữa khát ái với âm thanh, sắc
tướng, mùi vị và xúc chạm; liên hệ đến những khát khao, tìm kiếm và đuổi bắt,
liên hệ với những ảnh tượng tồn đọng trong tâm thức đã biến thái, để trở thành
chủng tử nhân duyên không phải chỉ một đời, hai đời mà nhiều đời và sự liên hệ
ấy, không phải chỉ ở cõi nầy mà còn ở cõi kia; không phải chỉ ở thế giới nầy mà
còn ngay cả ở thế giới của bên kia nữa. Khi tình yêu trào dậy, ta mở to đôi mắt
để trực diện với người yêu như thế nào, thì khi khổ đau trổi dậy trong ta, ta
phải mở to đôi mắt để trực diện với những khổ đau trong ta, cũng đúng như thế
ấy. Ta mở to đôi mắt thấy rõ khổ đau không phải là để sợ hãi, không phải là để
tránh néù mà để thương và để đùa chơi với nó, và giúp nó cùng ta sánh vai để đi
lên.
Ta hãy nhìn sâu vào sự hiện hữu
của những nỗi khổ đau trong ta, để thấy rõ nó vốn không có tự tính, nó hiện hữu
cũng cần phải có điều kiện, hễ có điều kiện thích hợp với nó thì nó phát sinh
và tồn tại; nếu không có điều kiện thích hợp với nó thì tự nó ẩn diệt và tiêu
vong. Khổ đau là vô thường như bất cứ sự vô thường nào của mọi sự hiện hữu, vì
biết chắc như vậy, nên ta nhìn nó để mỉm cười và thương yêu.
Ta hãy nhìn sâu vào những nỗi khổ
đau ở trong ta, để ta có thể đồng cảm với những nỗi khổ đau của người khác, của
đồng loại và ngay cả mọi loài mà đừng bao giờ có những lời nói, có những hành
động hay có những ý nghĩ khiếm nhã đối với tất cả họ. Và ta mong rằng, trong
thế giới con người đừng ai khiếm nhã với ai, và trong thế giới của muôn loài
đừng có loài nào đối xử khiếm nhã với loài nào. Loài mạnh thì biết bảo vệ loài
yếu, người giàu thì biết giúp đỡ người nghèo, người trí thì biết tìm đủ mọi
cách để nâng đỡ kẻ ngu.
Bởi vậy, ta hãy mở to đôi mắt để
nhìn sâu vào trong lòng của mọi sự khổ đau để biết một cách chắc chắn rằng, khổ
đau là ở đây mà không phải ở nơi kia, biết vậy là ta đã có khả năng để đùa chơi
với nó mà chẳng có chút gì là sợ hãi.
Đức Phật nói: “Đây là tập”, tức
là những tập khởi của khổ đau. Như vậy, Đức Phật đã thấy, biết và nắm trọn vẹn
tất cả sự huân tập và lưu hiện của những chủng tử khổ đau. Ngài muốn ta không
phải chỉ nhìn những hình thái biểu hiện của khổ đau mà hãy mở to đôi mắt nhìn
sâu, nhìn xuyên suốt vào trong lòng của những khổ đau, để thấy rõ và ôm lấy
những hạt giống khổ đau đang huân tập và vận hành ở trong ta, để soi sáng,
thương yêu và chuyển hóa. Nếu ta không mở to đôi mắt nhìn sâu vào trong lòng
của khổ đau, thì làm sao ta có thể thấy rõ và ôm lấy những hạt giống khổ đau để
soi sáng, thương yêu và chuyển hóa, và nếu ta không chuyển hóa được những hạt
giống khổ đau trong lòng ta, thì làm sao ta có thể thoát ly được những tính
chất và mọi hình thái biểu hiện của nó, và thử hỏi ta chạy đường nào cho thoát khỏi?
Đức Phật nói: Đây là tập khởi của
những khổ đau, chứ không phải những tập khởi của khổ đau có từ nơi nào. Như vậy
là Ngài muốn chỉ cho ta thấy rằng, tập khởi của những khổ đau, nếu có mặt thì
chúng đang có mặt ở trong thân tâm nầy, chứ không phải ở nơi thân tâm nào khác.
Nghĩa là ở nơi thân tâm nầy có vô minh, có tham ái, có sân hận, có si mê, thì ở
nơi thân tâm nầy có những tập khởi của khổ đau, chứ không phải tập khởi của
những khổ đau nằm ở nơi thân tâm nào khác.
Ta hãy nhìn sâu vào tập khởi của
những khổ đau ở trong thân tâm ta, để ta ôm ấp, soi sáng và chuyển hóa. Ta có
khổ đau, vì trong ta có vô minh. Ta có khổ đau, vì trong ta có tham dục. Ta có
khổ đau, vì trong ta có những hạt giống giận hờn và trách móc. Ta có khổ đau và
thất vọng, vì trong ta có những tri giác sai lầm về một bản ngã cố hữu ở nơi
sắc thân, về một bản ngã cố hữu ở nơi mọi cảm giác, về một bản ngã cố hữu ở nơi
tri giác, về một bản ngã cố hữu ở nơi những chủng tử tâm hành và về một bản ngã
cố hữu ở tận chiều sâu của tâm thức. Và ta có khổ đau là do ta có những tri
giác sai lầm về một bản ngã cố hữu ở nơi tự thân, ở nơi con người, ở nơi mọi
chúng sanh và ở nơi mọi sinh mệnh. Ta có khổ đau và thất vọng, vì do vô minh và
tri giác trong ta đã vẽ ra cho ta một cái ta hư ảo. Không những hư ảo trong
hiện tại mà còn hư ảo ngay cả quá khứ và tương lai; không những vẽ ra sự hư ảo
ở nơi thế giới nầy mà còn vẽ ra cho ta những sự hư ảo ở tận nơi thế giới bên
kia. Ta khổ đau và thất vọng, vì tri giác sai lầm của ta đã tách ta ra khỏi thế
giới hòa điệu nhất như tuyệt đối, để khiến ta đuổi bắt một bản ngã ở trong thế
giới ảo tưởng, phù hư.
Ta hãy nhìn sâu vào những tập
khởi của những khổ đau trong ta, để thấy rõ chúng vốn không có tự tính, chúng
tập khởi cũng cần phải có những điều kiện thích ứng, nếu không có những điều
kiện thì chúng cũng không thể nào huân tập và khởi hiện. Chúng là vô thường như
bất cứ sự vô thường nào của mọi sự hiện hữu, vì biết chắc như vậy, nên ta ôm ấp
nó để mỉm cười và chuyển hóa.
Ta không những chỉ nhìn sâu vào
những tập khởi của khổ đau, mà còn nhìn sâu vào mọi hình thức huân tập và biểu
hiện của chúng, cũng như những cá tính và bản chất của chúng để thay chốt. Ta
thay chốt vô minh bằng tỉnh giác, tham ái bằng buông xả là tức khắc những tập
khởi của mọi khổ đau đều được chuyển hóa.
Mỗi khi vô minh và tham ái trong
tâm ta đã được thay chốt, thì vô biên phiền não trong ta cũng tùy theo đó mà
được tảo trừ.
Vậy, Đức Phật nói: “Đây là tập”
là Ngài muốn ta mở to đôi mắt không phải chỉ để nhìn trực diện mà nhìn sâu,
nhìn xuyên suốt mọi hình thái huân tập và biểu hiện của những chủng tử tạo nên
khổ đau, cũng như những cá tính và bản chất của chúng, để ôm ấp, mỉm cười, đùa
chơi và chuyển hóa.
Đức Phật nói: “Đây là diệt” là
Ngài muốn cho ta thấy rõ hạnh phúc và an lạc là ở đây, ở ngay nơi thân tâm nầy,
ở ngay nơi hiện thế và ở ngay nơi cuộc đời nầy. Ở ngay nơi thân tâm ta vắng bặt
hoàn toàn những tập khởi của khổ đau, thì hạnh phúc và an lạc đích thực có mặt.
Hạnh phúc và sự an lạc đích thực không phải là mọi hình sắc, âm thanh, hương
thơm, mùi vị, xúc chạm bên ngoài hay những ảnh tượng tồn đọng trong tâm thức
ta, mà ta phải biết đình chỉ những chủng tử vô minh và khát ái ở trong ta, vì
chúng là tác nhân, khiến ta đang bị vướng mắc vào những cái đó. Ta hạnh phúc là
ta sống giữa lục trần mà tâm ta không bị điều động bởi vô minh và không hề bị
vướng mắc bởi tham ái.
Đức Phật nói: “Đây là diệt” là
Ngài muốn ta mở to đôi mắt để thấy rõ, tập khởi của những khổ đau có mặt ở chỗ
nào thì ta phải dập tắt chúng ở chỗ đó. Chủng tử khổ đau đã bị diệt tận, thì
mọi hình thái khổ đau không còn biểu hiện, nên tự tính của diệt là vô sinh hay
Niết bàn.
Như vậy, Đức Phật nói: “Đây là
diệt” là Ngài muốn ta mở to đôi mắt để nhìn sâu vào những tập khởi của khổ đau,
để thấy rõ bản thể của chúng xưa nay vốn là tịch diệt để ta mỉm cười và thong
dong vui chơi trước muôn ngàn hiện tượng diệt sinh của vạn hữu.
Đức Phật nói: “Đây là đạo” là
Ngài muốn ta mở to đôi mắt để nhìn thấy đạo chính là đây, chính ngay ở nơi thân
tâm nầy, chính ngay ở nơi mỗi phút giây của sự sống trong ta, quanh ta và chính
ở ngay nơi cuộc đời nầy đây, chứ không phải ở bất cứ nơi nào xa lạ.
Chính ngay ở nơi mọi hình sắc,
mọi cảm giác, mọi tri giác, mọi chủng tử tâm hành, và mọi nhận thức mà thấy
đạo, thực nghiệm đạo và chứng nghiệm đạo và cũng chính từ đó mà giải thoát.
Chính ngay ở nơi sáu quan năng của nhận thức, sáu đối tượng của nhận thức và
ngay nơi sự biểu hiện của các nhận thức mà thấy đạo, thực nghiệm đạo, chứng
nghiệm đạo và thành tựu đạo giải thoát. Nói rõ hơn là ngay ở trong lòng của
những khổ đau, của những tập khởi của khổ đau mà thấy đạo, thực nghiệm đạo, chứng
đạo và thành tựu đạo giải thoát.
Đức Phật nói: “ Đây là đạo” là
Ngài muốn ta mở to đôi mắt để thấy rõ “đạo” ngay trong lòng của các pháp duyên
khởi, và cũng thấy rõ “diệt” ngay từ nơi các pháp duyên khởi ấy. Và Ngài nói
“Đây là đạo” là Ngài muốn ta mở to đôi mắt nhìn sâu vào tâm ta, để thấy rõ ngay
“đạo là bồ đề”. Tu đạo là hành bồ đề. Chứng đạo là chứng nhập bồ đề. Hành đạo
là chuyển tải hạt giống trí tuệ và từ bi đi vào cuộc đời, nhằm tạo mọi cơ duyên
để cho mọi người và mọi loài phát triển tâm bồ đề và chứng nhập tâm ấy một cách
toàn vẹn.
Như vậy, Đức Phật nói “Đây là
đạo” là Ngài muốn ta mở to đôi mắt để thấy, để biết khổ đau ở đâu thì những tập
khởi của những khổ đau ở đó; khổ đau và những tập khởi của khổ đau ở đâu, thì
đạo ở đó. Và đạo ở đâu thì chứng nghiệm tịch diệt và thể nhập Niết bàn, hạnh
phúc và an lạc ở đó.
Bởi vậy, bấy giờ tại Vườn Nai,
Đức Phật đã nói cho năm anh em Kiều Trần Như rằng: Đây là khổ; đây là tập; đây
là diệt; đây là đạo, là đã bao hàm trọn vẹn mọi ý nghĩa của cuộc sống con người
và đã giải quyết mọi vấn đề của con người một cách tích cực để thăng hoa.
Do đó, thăng hay trầm, khổ đau
hay hạnh phúc của cuộc sống con người, khi mà ta chưa biết rõ gốc rễ và ngọn
ngành của nó, thì nó khiến cho ta có nhiều nỗi băn khoăn và kinh hãi, nhưng khi
ta đã biết rõ mọi gốc rễ và ngọn ngành của chúng, thì những nỗi băn khoăn và
kinh hãi ngày ấy, sẽ biến làm mây lành che mát và tưới tẩm trần gian. Những
giận hờn và trách móc ngày hôm qua, nay đã trở thành nụ cuời an lạc ngay trong
từng phút giây của sự sống.
Vậy, ta xin chắp đôi tay búp sen
an trú hoàn toàn trong chánh niệm để cám ơn Đức Phật, cám ơn đời và cám ơn
những nỗi khổ đau một cách sâu xa!