Sự cuồng loạn trầm trọng trong
đời sống xã hội hiện nay là vì sự mất thăng bằng giữa các chế độ xã hội và mục
đích quốc tế. Thiên nhiên đã tạo cho nhiều chủng tộc những ngôn ngữ, tôn giáo
và truyền thống xã hội khác biệt, và đặt trước loài người nhiệm vụ kiến thiết
một nền trật tự trong thế giới nhân loại và tìm ra một lối sống nhờ đó những
chủng tộc khác nhau có thể chung sống hòa bình mà không dựa vào vũ lực để giải
quyết những bất đồng giữa họ. Thế giới không phải là một bãi chiến để các quốc
gia tranh giành xâu xé nhau mà là một nền cộng hòa của các dân tộc dị biệt hợp
tác với nhau trong một nỗ lực xây dựng để hoàn thành cái sứ mạng cao cả là đem
lại cuộc sống hòa bình và thịnh vượng cho tất cả mọi người.
Những điều kiện cần thiết cho sự
đoàn kết thế giới đã có sẵn; chỉ còn thiếu ý chí của loài người mà thôi. Những
trở ngại chia cách lớn như biển cả, núi rừng không còn hiệu lực gì nữa. Bằng
những phương tiện giao thông, vận tải hiện có, thế giới đã trở nên nhỏ bé. Khác
với tôn giáo và tập tục có tính cách địa phương, khoa học không chấp nhận những
biên giới chính trị hay xã hội, và nói một thứ tiếng mà tất cả các dân tộc đều
hiểu. Sự va chạm của con người “máy” đã phá vỡ thế giới tiền cơ giới gồm các
quốc gia hoàn toàn biệt lập. Cuộc cách mệnh kỹ nghệ đã ảnh hưởng đến các cơ cấu
kinh tế quá hoàn toàn đến nỗi chúng ta đã trở thành một xã hội thế giới với một
nền kinh tế thế giới đòi hỏi một trật tự thế giới. Khoa học khám phá những yếu
tố đồng nhất trong vũ trụ là nền tảng của đời sống nhân loại. Triết học hiển
bày một ý thức phổ biến đằng sau thiên nhiên và nhân loại. Còn tôn giáo hướng
con người đến những nỗ lực giải phóng tâm linh.
Trong những giai đoạn đầu của
cuộc tiến hóa, dĩ nhiên nhân loại còn sống trong những hoàn cảnh biệt lập, tư
tưởng cũng như tình cảm còn trong trạng thái lãnh đạm. Nhưng, khi quốc gia hình
thành thì con người cảm thấy cần phải có một trật tự xã hội và quyền lực trung
ương vững mạnh để giải quyết những cuộc tranh chấp và nội chiến giữa các bộ
lạc. Nhiều quốc gia đã đạt đến sự đoàn kết dân tộc, và chỉ cần đẩy mạnh tiến trình
ấy lên một bước nữa là có thể hoàn thành sự đoàn kết thế giới. Những cội rễ
loài người bám sâu hơn những sợi dây chủng tộc và quốc gia.
Trái đất của chúng ta không còn
chỗ cho chủ nghĩa ái quốc hẹp hòi. Bối cảnh lịch sử, những điều kiện khí hậu và
sự liên hồi đã biến đổi bộ mặt của các chủng tộc ngày nay. Chúng ta đều có
những tiến trình tinh thần, những phản ứng tình cảm và những ước muốn, những
yêu cầu căn bản như nhau. Trong cuốn Descent of Man (sự xuất hiện của loài
người), Darwin nhận xét: “Khi loài người tiến bộ về văn minh và các bộ lạc nhỏ
được kết cấu lại thành những cộng đồng lớn hơn thì cái lý lẽ giản dị nhất sẽ
cho mỗi cá nhân biết rằng anh ta phải mở rộng xã hội tính và tâm đồng tình của
anh ta cho tất cả mọi người trong cùng một quốc gia, mặc dù anh ta không hề
quen biết. Một khi đã đạt đến điểm đó rồi thì cái mà ngăn cản không cho anh ta
mở rộng tâm đồng tình cho người của tất cả các quốc gia và nhân loại chỉ là một
chướng ngại giả tạo mà thôi”. Darwin
sẽ rất kinh dị khi nghe người ta bàn đến sự độc tôn của chủng tộc và đề cao một
giống người như những đứa con yêu của Thượng Đế.
Sự thôi thúc của chủ nghĩa quốc
gia và những lý tưởng của nó vẫn còn ngự trị trong đầu óc của các dân tộc bất
luận chính kiến của họ là Quốc Xã, Cộng Sản, Phát Xít hay Dân Chủ, và như vậy,
những năng lực của con người đã bị tách ra khỏi con đường tiến hóa của chính
nhân loại để đi vào các ngõ hẹp. Chúng ta chỉ đoán nhận những người máu mủ ruột
thịt, hoặc những người, không nhiều thì ít, chúng ta có quen biết mà thôi. Một
thứ giáo dục sai lầm chúng ta tiếp nhận ngay từ thuở nhỏ đã biến chúng ta thành
nạn nhân “Nhiệt tình” của quốc gia. Chúng cho vũ lực, tính đê hèn và hành vi
man rợ hoàn toàn thông thường nếu chúng có liên hệ với chính nghĩa quốc gia.
Chữ nghĩa quốc gia không phải là
“thiên tính”. Nó là một tình cảm nhân tạo. Tình yêu quê hương, trung thành với
truyền thống địa phương không có nghĩa là thù nghịch với những người láng
giềng. Nếu ngày nay niềm tự hào quốc gia trở nên mãnh liệt thì đó chỉ chứng tỏ
bản tính con người có khả năng tự lừa dối một cách phi thường. Chữ nghĩa ái
quốc đã giết mất lòng kiến thành và nhiệt tình hợp lý. Những kẻ không may mắn
trong việc xâm chiếm đất đai phản đối sự phân chia trái đất một cách bất công.
Người Anh có một phần tư đất đai trên thế giới. Sau đó là người Pháp. Ngay cả
các nước nhỏ bé như Hà Lan, Bỉ và Bồ Đào Nha cũng có những thuộc địa lớn. Nước
Đức cần đất sống, để bành trướng và thống trị.
Sự cần đất sống đã trở thành động
cơ điều khiển các chính sách của các cường quốc đầy dã tâm tham vọng. Nếu ta
giả định rằng một dân tộc hùng mạnh nhất phải là bá chủ toàn cầu thì sự tàn
khốc bất nhân sẽ trở thành mục tiêu đeo đuổi. Khi một học giả Oxford hỏi Hitler về chính sách của ông ta,
Hitler đã chỉ trả lời vỏn vẹn trong một tiếng rất nồng nàn là: “Deutschlandl”
và Hitler đã đúng một trăm phần. Ông ta nói: “chúng ta hãy tàn ác! Nếu cứu được
nước Đức, chúng ta đã thể hiện một nghĩa cử cao đẹp nhất của thế giới. Chúng ta
hãy làm quấy! Nếu cứu được nước Đức, chúng ta đã diệt trừ một việc quấy lớn
nhất thế giới. Chúng ta hãy vô luân! Nếu cứu được nước Đức, chúng ta đã mở ra
con đường cho sự phục hồi đạo lý” [1].
Trong cuốn Mein Kampf [2], Hitler
nói: “Chính sách ngoại giao chỉ là một phương tiện để đạt mục đích, và mục đích
duy nhất được đeo đuổi là sự thuận lợi của chính dân tộc ta. Đó là mối quan tâm
độc nhất của chúng ta. Còn ngoài ra, chính trị, tôn giáo, nhân đạo v.v… phải
hoàn toàn gạt ra một bên để nhường chỗ cho sự quan tâm đó”. Toàn thể sự sống
con người phải phục tùng một mục đích duy nhất của hiệu lực quốc gia [3]. Một
phi công trẻ tuổi người Đức bị hỏa lực phòng không bắn hạ và được đưa đến một
căn nhà của người Pháp đã biến thành bệnh viện. Hắn bị thương gần chết. Viên y
sĩ ghé vào tai hắn và nói: “Cậu là một chiến sĩ và cậu có thể đối diện với cái
chết một cách can đảm. Cậu chỉ còn sống được một tiếng đồng hồ nữa thôi. Cậu có
muốn trối trăn gì cho gia đình cậu không?” Cậu bé lắc đầu. Viên y sĩ chỉ vào
những người đàn bà và trẻ con bị thương nằm gần đó đang rên la, rồi nói: “Giờ
đây cậu sắp đối diện với thượng đế, chắc cậu muốn bày tỏ sự ân hận về những
việc mà cậu đã làm, bây giờ cậu đã thấy kết quả của công việc cậu đã làm”. Viên
phi công hấp hối, trả lời: “Không. Tôi chỉ ân hận là không thể tiếp tục thi
hành những mệnh lệnh của Cha tôi, Hitler muôn năm!” và hắn tắt thở, Chủ nghĩa
Đức Quốc Xã là một phong trào quần chúng.
Khi Nga tham gia cuộc chiến hiện
tại, đông đảo quần chúng tại Mạc Tư Khoa
được nhắc đến với niềm hãnh diện, vì họ đang cầu nguyện cho sự thành công của
quân đội Nga và nguyền rủa Hitler như kẻ tử thù của tôn giáo. Cuộc chiến đấu
lúc này chính thức được miêu tả như “Thánh chiến cho tổ quốc Xô Viết và cho sự
giải phóng các dân tộc”. Không phải chỉ một dân tộc, mà cả thời đại, là quốc
gia. Với bộ máy trung ương tập quyền của
nhà nước, với những phương tiện kỹ thuật tiến bộ hiện đại, với sự truyên truyền
rộng rãi, và sự động viên của toàn thể dân chúng, cả thân thể, tinh thần và
linh hồn của họ đều bị ảnh hưởng. Nhà nước tuyệt đối và công lợi xã hội trở nên
đồng hóa. Quyền cá nhân về đời sống riêng tư bị phản đối, những đức tính tự
nhiên của con người như: tình yêu, tình thương biến mất. Chúng ta tựa hồ bị ma
lực nắm bắt, hạ con người xuống ngang hàng thú vật. Thần nhân biến thành vật
nhân.
Tính tham lam của những con thú
lớn buột chúng ta sống đời nỗ lực nhưng rỗng tuếch, tàn nhẫn, tầm thường nhỏ
nhen và thô bỉ. Nhân tính bị sự thống trị tiêu hủy. Đã qua nhiều thế kỷ sờ
soạng một cách kiên nhẫn và cố gắng không ngừng, con người mới biết được rằng
sự sống trong bản thân và trong những kẻ khác là thiêng liêng và vô giá. Mỗi cá
nhân đều có những nét ngời sáng đặc biệt mà chỉ có con người đủ nhạy cảm mới
nhận thấy. Ý muốn trở thành tốt là một bộ phận căn bản trong con người. Dù nó
có bị phủ kín, che đậy hay biến thể đến đâu đi nữa thì nó cũng không bị tiêu
diệt. Nó luôn luôn hiện diện và kẻ nào nhận ra nó sẽ có một phản ứng khoan dung
quảng đại. Tuy nhiên, nền trật tự xã hội trong một xã hội tư bản hiện tại,
truyền thống hiếu chiến và một thế giới chia thành nhiều phe kình địch nhau, sẽ
giết chết tinh thần con người.
Dưới những cấp độ khác nhau, các
quốc gia trên thế giới ngày nay đang bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa quốc gia cuồng
nhiệt đó, bởi ý chí mù quáng về quyền lực và bởi chủ nghĩa cơ hội theo phương
châm “Sống chết mặc bay”. Trong một thế giới như vậy, cái khuynh hướng tự nhiên
là bắt kẻ khác phải khuất phục. Đó là trường hợp quốc gia mình chống lại tất cả
quốc gia khác trong một cuộc tranh đấu không ngừng.
Thường thường thì cuộc tranh chấp
đó có tính cách ngoại giao, thương mãi, nhưng đôi khi nó biến thành vũ lực công
khai. Năng lực để bảo tồn sự thống nhất và lành mạnh của thế giới được biến
thành năng lực suy tôn một nhóm thiểu số, một giai cấp, chủng tộc hay một quốc
gia. Nhà nước trở thành một con quái vật khổng lồ và đời sống nội tâm của ta bị
khô cứng. Đời sống nội tâm của ta càng khô cứng bao nhiêu thì ta càng trở nên
hữu hiệu cho những tham vọng quốc gia bấy nhiêu.
Chúng ta không còn chiến đấu với
nội tâm nữa vì cuộc sống của ta đã được qui định một cách rất tinh tế do một bộ
máy độc ác khi hành động và tàn nhẫn với tất cả mọi sự chống đối. Nhà nước tự
nó biến thành cứu cánh, có quyền cơ-giới-hóa tinh thần ta và huấn luyện ta
thành những con ngựa đua [4].
Ta không nên lầm lẫn giữa tạm bợ
và vĩnh cửu. Ta đừng lầm lẫn nền trật tự hiện tại mà ta mong muốn với luật tắc
bất di bất dịch của vũ trụ. Niềm khác vọng tình thương và chân lý ăn sâu trong
bản tính con người đòi hỏi ta phải sống như những cá nhân tự do trong một thế
giới thân hữu. Vấn đề sống như những thân hữu, kiểm sát lấy quyền lực tự diệt
của ta, và dùng vào những tài nguyên thiên nhiên vào việc mưu cầu hạnh phúc
chung cho cả thế giới, tất cả đòi hỏi ở chúng ta một thế giới hòa bình, đòi hỏi
sự cởi mở của những giai cấp và các quốc gia có nhiều đặc quyền. Nếu chúng ta
là những người yêu nước chân chính thì mối quan tâm của chúng ta không phải là
địa phương, chủng tộc hay quốc gia, mà là nhân loại. Niềm khắc khoải đó sẽ là
tình yêu tự do cho tất cả, là độc lập, là hòa bình và hạnh phúc xã hội.
Chúng ta sẽ không chiến đấu cho
xứ sở chúng ta mà là cho nền văn minh, và bằng sự tổ chức hợp tác, khai thác
trên những tài nguyên trên hoàn cầu để mang lại lợi ích lớn lao nhất trong
tương lai cho cả loài người. Để đạt được mục đích ấy, ta cần sự giáo dục lại
tinh thần, cải tiến lòng tin và tư tưởng. Lý trí và ý chí của vũ trụ hoạt động
qua mỗi cá nhân mà có thể thực hiện được những năng lực của hoàn cảnh, thấy
trước sự hoạt động của chúng và có thể quy định chúng. Sự tiến hóa không còn là
một vận mệnh cố định. Dụng cụ của nó là tinh thần và ý chí con người. Một thế
hệ mới cần phải được huấn luyện theo những lý tưởng cao cả, của đời sống tâm
linh, của ý thức huynh đệ giữa loài người, của thương yêu và hòa bình.
CHIẾN TRANH VÀ TRẬT TỰ MỚI
Trong cuốn The Study of History
(Sử Học), Giáo sư Arnold Toynbee đã nhận xét những hoàn cảnh trong đó các nền
văn minh sinh trưởng và những điều kiện đưa đến sự suy đồi của chúng. Sự trưởng
thành và bành trướng của các nền văn minh không thể dựa trên sự độc tôn của
chủng tộc hay động tác tự nhiên của hoàn cảnh. Chúng là kết quả của sự điều hòa
các liên hệ giữa người và hoàn cảnh xung quanh, và tiến trình đó có tính chất
“Thách thức và đáp ứng”. Những hoàn cảnh biến đổi cấu thành sự thách thức đối
với xã hội và chính nhờ ở nỗ lực đáp ứng lại sự thách thức ấy mà văn minh tăng
trưởng. Sống có nghĩa là cố gắng không ngừng để thích ứng hoàn cảnh. Khi hoàn
cảnh biến đổi và sự đáp ứng thành công thì ta có tiến bộ; khi hoàn cảnh biến
đổi quá nhanh hay quá đột ngột khiến ta không thích ứng kịp thì ta sẽ bị tiêu
diệt. Chúng ta đừng tưởng rằng nhờ có trí lực hay biết làm chủ trái đất mà ta
thoát được những luật tắc tự nhiên chi phối mọi sinh vật. Trong trường hợp
những nền văn minh xưa kia, sự thách thức chỉ có tính chất vật chất ngoại tại,
ngược lại, vấn đề của những nền văn minh sau này thì phần chính là tinh thần
nội tại. Sự tiến bộ ngày nay không thể được đánh giá qua sự phát đạt về vật
chất hay kỹ thuật mà bằng những biến đổi sáng tạo ở lĩnh vực tinh thần và tâm
linh.
Tôn trọng những giá trị tinh
thần, yêu sự thật, lẽ phải và cái đẹp, yêu công bằng, chuộng tình thương, đồng
tình với những người bị áp bức và tin tưởng tình huynh đệ của con người, là
những đức tính sẽ cứu vãn nền văn minh hiện đại. Những kẻ tự tách khỏi cộng
đồng thế giới dưới danh nghĩa tôn giáo hay chủng tộc, quốc gia hay chính thể,
không những chẳng giúp ích gì mà còn làm hại cho sự tiến hóa của nhân loại.
Lịch sử đã ghi lại sự sụp đổ của nhiều nền văn minh đã không tự thích ứng được,
đã không sản xuất được những khối óc có đủ thông minh và tài ứng biến cần
thiết. Những người sáng suốt nhận thấy trong thời đại nguy hiểm này của thế
giới sự kết liễu không những một giai đoạn lịch sử mà còn là một gia đoạn tinh
thần của loài người và của mỗi cá nhân tự giác.
Con người chưa hẳn đã tiến hóa
đến tột đỉnh. Lịch sử sự sống trên trái đất đã bắt đầu từ hơn một nghìn triệu
năm. Mỗi thời kỳ địa chất đã xuất hiện những sinh vật có thể đại biểu cho một
hình thức sáng tạo cao nhất. Tuy nhiên, những hình thức của sự sống ấy đã được
thay thế bằng những hình thức khác. Giai đoạn tiến hóa tới sẽ không phải ở thể
chất mà ở tinh thần con người, ở sự hiểu biết rộng rãi và giác ngộ cá nhân, và
ở sự phát triển những đặc tính mới thích hợp với thời đại mới. Khi con người có
được ý thức triết học, hiểu biết một cách sâu xa về ý nghĩa toàn thể, khi ấy
đời sống xã hội sẽ trở nên thích đáng hơn và ảnh hưởng không những đến cá nhân
mà còn ảnh hưởng đến cả các quốc gia và các dân tộc. Chúng ta phải chiến đấu,
trước hết trong bản thân ta, rồi đến xã hội bên ngoài, để giành cho được một
nền trật tự mới.
Cuộc chiến tranh này không phải
là một cuộc xung đột giữa văn minh và dã man, vì mỗi người tham chiến đều quan
niệm là họ đang chiến đấu để bảo vệ nền văn minh. Nó không phải một cố gắng để
làm sống lại một quá khứ đã chết hay một nền văn minh què quặt đã quá suy đồi.
Nó là hành động cuối cùng sẽ mở đường cho một kỷ nguyên mới của thế giới cộng
đồng. Bởi vì chúng ta không chịu thay đổi hoặc thay đổi một cách chậm chạp nên
quan niệm mới buộc phải phát sinh tìm lối thoát bạo lực. Nếu thế giới cũ đã
phải chết trong bạo lực, trong tai họa, trong lầm than, trong khủng bố và hỗn
loạn, nếu nó đã sụp đổ và cuốn theo nó nhiều điều chân, thiện, mỹ, cuốn theo
bao nhiêu máu, nước mắt, sinh mạng và làm cho nhiều người phải quằn quại trong
tinh thần, là vì chúng ta đã không tự điều hòa được với thế giới mới mà trên
bản chất đã luôn luôn là bất khả phân, và hiện giờ đang trở dậy để trở thành
bất khả phân trên thực tế. Nếu chúng ta không tiến tới và không tự trút bỏ
những thành kiến chật hẹp thì một tai họa kinh khủng sẽ làm chúng ta bừng tỉnh
và giúp ta cởi bỏ và đập tan mọi hình thức cứng nhắc làm tê liệt những tình cảm
khoan dung và đồng tình quảng đại.
Tội ác không phải là một hiện
tượng ngẫu nhiên. Bạo động, áp bức và hận thù không phải là một dấu hiệu hỗn
loạn nhưng của một trật tự đạo đức. Luật tắc thiên nhiên vốn nhất trí, vốn tôn
trọng tình người và tình huynh đệ, nhưng khi luật tắc ấy bị chà đạp thì kết quả
sẽ hỗn loạn, thù hận và chiến tranh. Lịch sử có luận lý của nó và cho ta thấy
những rối loạn, vô trật tự là cần thiết để quét sạch những gì đã quá lạc hậu,
quá mòn rữa mà đã cản trở tiến bộ. Ngay bây giờ đây, khi mà thế giới, đứng về
phương diện vật chất, cơ hồ như bị tiêu hao bởi oán ghét, khi mà bạo lực, sợ hãi,
dối trá và tàn nhẫn tựa hồ như đời sống thực tế của đời sống nhân loại, thì
những lý tưởng cao cả của chân lý và tình thương vẫn cũng đang ngấm ngầm hoạt
động để tiêu diệt bạo ác và dối trá. Nếu ta không sáng suốt và can đảm để hoạt
động cho nền hòa bình và thống nhất thế giới thì thế giới này có thể chỉ sẽ là
môi trường hoạt động của quỷ sa-tăng đội lốt Thiên thần. Mặc dầu phải trải qua
giông tố, ta cứ nhìn về tương lai mà tin tưởng một cách chắc chắn là có một ý
thức sâu xa về tất cả sự hỗn độn và rối loạn này. Biết đâu qua những nỗi bi
thảm ấy, chúng ta lại không có một sự hiểu biết đầy đủ hơn về những giá trị
tinh thần mà sẽ đưa nhân loại lên một tầm mức cao hơn.
Chiến tranh không phải hoàn toàn
do một bọn điên rồ, cuồng tín, ích kỷ, tham lam, mà nó cũng là một cuộc chiến
đấu cho tinh thần nhân loại do những cá nhân trung thành, nhẫn nại, trông chờ
vào một cuộc sống mới và sự nghiệp hòa bình. Con người là kẻ phá hoại nhưng
đồng thời cũng là kẻ xây dựng. Thế giới khổ đau này rất có thể trở thành cảnh
cực lạc. Ngày ấy có thể là còn lâu mới đến, có thể là hàng chục năm hay hàng
thế kỷ. Vì sự trở thành một thế giới mới không phải dễ dàng, nhưng giá trị của
nhân loại cũng không phải cứ mãi mãi đi xuống. Trong mỗi chúng ta đều có một ý
thức tiềm tàng sự nhất trí của sự sống, sự nhất trí ấy làm cho lòng người cố
kết với nhau trong một niềm tin vững chắc của một nền trật tự tốt đẹp hơn. Đã
có một lúc niềm tin ấy yếu ớt và hy vọng đã trở nên lu mờ.
Nhưng thời kỳ đen tối ấy đã báo
trước một buổi sáng huy hoàng mang lại cho đời sống nhân loại một niềm hoan
lạc. Sự ngoan cố và đắc thắng tạm thời của một thiểu số không thể cản trở được
bước tiến của thời đại, không thể bóp chết được niềm hy vọng và có ý chí vươn
tới của toàn thể loài người. Có thể còn mất nhiều thế kỷ nữa, sự tiến bộ về đạo
đức mới khiến cho con người gội sạch được lòng vị kỷ hẹp hòi, ham chuộng quyền
thế, thú vui phi lý bằng cách đánh gục một kẻ thù, và khiến cho họ từ bỏ những
tiện nghi cần thiết, từ bỏ mọi đặc quyền cá nhân mà, chỉ bằng cách đó, họ mới
có thể đảm bảo cho xã hội chống lại mọi bất công, thối nát. Tuy nhiên, cuối
cùng, sự tiến hóa của thế giới sẽ thắng, bởi lẽ thế giới không phải nằm trong
tay của một thiểu số phản phúc bạo tàn. Sự kết liễu của một nền văn minh không
phải là sự kết liễu của lịch sử mà rất có thể là sự mở màn cho một thời đại
mới.
Tác Giả: S. Radhankrishnan
Việt dịch: HT. Thích Quảng Độ
dịch
Chú thích:
*Trích trong Chiến tranh và bất
bạo động của S. RADHANKRISHNAN.
[1] Xem cuốn The Deeper Causes of
the War (Những Nguyên Nhân Sâu Xa Hơn của Cuộc Chiến) của Gilbert Murray và
những người khác (1940), p.43.
[2] P. 686.
[3] Cp. Fichte: “Không có luật
pháp hay quyền hạn gì tồn tại giữa các quốc gia trừ quyền hành của kẻ mạnh. Một
dân tộc có khiếu về siêu hình có quyền hoàn thành vận mệnh của nó với tất cả
các phương tiện của quyền lực và sự thông minh” – Doctrine of the State:
“Những kế hoạch mơ hồ và vô nghĩa về sự bành
trướng của dân tộc Nhật Nhĩ Man chỉ là sự biểu hiện của một tình cảm thâm căn
cố đế cho rằng, nước Đức, với sức mạnh và sự tôn quý của mục đích quốc gia, với
nhiệt tình của chủ nghĩa ái quốc, với trình độ cao về khả năng và sự trong sạch
lương hảo của nền hành chính, với sự thành công của tất cả mọi ngành hoạt động,
với tính cách siêu việt về triết học, nghệ thuật và luân lý v.v… có quyền cho
lý tưởng quốc gia của người Đức là cao nhất” – Sir Eyre Crowe’s “Memorandum” of
January I, 1907.
[4] Cp. Mc Taggart: “Một tôn giáo
tự cột mình vào một phương tiện đã không vươn lên khỏi sự sùng bái mê tín. So
với sự sùng bái quốc gia, sự sùng bái động vật còn hợp lý và đáng được tán
thưởng. Một con bò mộng hay một con cá sấu có thể không có giá trị chân thật,
nhưng nó còn có chút ít, vì nó là một sinh vật. Quốc gia thì không có một chút
gì cả”.