Chấp thủ năm uẩn là do cái nhìn
ngã tưởng mà có. Cái nhìn ngã tưởng này là nguyên nhân chính của các phản ứng
tâm lý của con người đối với các sự vật. Khi nhìn vẻ đẹp của các 'sắc' thì
‘tham tâm’ của người nhìn khởi lên; khi nhìn vẻ xấu xí của các sắc thì ‘sân
tâm’ của người nhìn khởi lên; khi nhìn các sắc thông thường thì ‘si tâm’ hiện
diện. Các tâm tham, tâm sân và tâm si ấy là nguyên nhân của các phiền não tức
thời.
Tương tự, khi một người nghĩ về
các hiện hữu, tư duy ấy được hiểu như là cái nhìn sự vật của người ấy: cái nhìn
đó do tư duy của người nhìn mà có, và ảnh hưởng rất mạnh tâm thức người nhìn.
Hãy thử quan sát một người bị một cú đấm vào mặt, người ấy cảm thấy đau đớn về
mặt vật lý trong chừng một phút, nhưng tư duy của anh ta về cú đấm có thể khiến
anh ta đau đớn hơn nhiều về mặt tâm lý. Trong trường hợp người bạn đời bội phản
anh ta, đau khổ về mặt tình cảm còn nhiều hơn thế nữa. Như thế, đối với anh ta,
chế ngự cái nhìn sự vật của tự thân sẽ tốt đẹp hơn nhiều so với sự chế ngự các
phản ứng tâm lý của tự thân. Kinh nghiệm quý giá đó đã được Ðức Phật dạy nhiều
lần, đặc biệt ở kinh 'Tứ niệm xứ'.
Kinh này đòi hỏi hành giả thực
hành và chỉ quan sát hơi thở ra vào, quan sát các cảm thọ, các tâm lý và các
pháp (hay Năm thủ uẩn, Năm triền cái và Bảy giác chi). Với sự thở vào thở ra,
do quan sát và theo dõi chúng nhiều lần, hành giả sẽ thấy trực tiếp cái gọi là
'thở vào, thở ra' chỉ là sự vận hành của tâm niệm, phổi và dòng không khí; nó
là rỗng không. Hành giả cũng sẽ thấy trực tiếp cái gọi là con người chỉ là các
quá trình tâm lý và vật lý nối kết nhau; không có một thực thể gọi là 'ta',
'của ta' hay 'tự ngã của ta: tất cả là rỗng không. Thấy thế, hành giả trở nên
rời khỏi lòng tham ái đối với chúng và chứng nghiệm được sự tịnh lạc của tâm dù
cho con người có bất cứ khái niệm nào về con người như thật là gì.
Với cảm thọ, do quan sát và theo
dõi các cảm thọ nhiều lần, hành giả sẽ thấy tương tự: cái gọi là cảm thọ cũng
chỉ là các quá trình tâm lý và vật lý: nó là vô ngã. Không có gì gọi là 'ta',
'của ta' hay 'tự ngã của ta' hiện hữu cả. Thấy thế, hành giả trở nên nhàm chán
các cảm thọ và giải thoát khỏi cảm thọ: tâm hành giả bấy giờ an trú vào hỷ, lạc
và sự an tịnh, dù có hay không có mặt các câu hỏi hạnh phúc là gì? Và có hay
không có các câu trả lời cho các câu hỏi ấy.
Với các tâm niệm, do quan sát và
theo dõi các tâm niệm khởi lên trong tâm nhiều lần, hành giả sẽ thấy rõ ràng
cái gọi là tâm đánh giá sự vật và tạo ra các giá trị của vạn hữu chỉ là do các
duyên mà sinh, nó trống rỗng. Nếu sự thở vào, thở ra ngưng hoạt động vì bất cứ
lý do nào, các tâm niệm sẽ biến mất, và sự sống của một người với những giấc mơ
yêu dấu của người ấy trở thành vô nghĩa. Nhận chân như thế, hành giả sẽ không
còn ham muốn gì nữa: ưu não sẽ diệt đi và tâm an tịnh sẽ khởi lên, dù cho con
người có quan điểm nào về cuộc sống: nó là hư vô hay không hư vô v.v...
Với các pháp, hành giả với tâm an
tịnh phân tích chúng và sẽ thấy rõ 'Không tánh' của chúng: tự các pháp nói lên
sự thật vô ngã, vô thường, và khổ đau của chúng. Thấy vậy với trí tuệ, hành giả
trở nên ly tham đối với các hiện hữu, và bắt đầu bước đi đoạn trừ 'mười Kiết
sử' đã chứng đắc tuệ giải pháp.
Sự thực hành cái nhìn trí tuệ nói
trên gọi là 'thiền quán' (vipassana): có nghĩa là thấy các hiện hữu trực tiếp
bằng trực giác, hay chứng đắc, thắng tri hoặc tuệ tri.
Cái nhìn thiền quán ấy có thể
được huấn luyện theo một cách khác nữa rằng:
'Hãy nhìn đời như bọt nước
Hãy nhìn đời như huyễn cảnh,
Người nhìn đời như thế,
Sẽ thoát khỏi tầm mắt thần chết'. (Dhp. 170).
Hoặc:
'Ai thấy thân này như bọt nước
Và thấy nó vô tự tình như cảnh huyễn
Sẽ bẻ gãy mũi tên hoa của ác Ma
Thần chết sẽ không bao giờ gặp. (Dhp. 46)
Hai bài kệ Pháp Cú trên bao hàm
các ý nghĩa tương tự rằng:
* Cái nhìn vạn hữu là mỏng manh,
vô thường và vô ngã sẽ giúp hành giả làm lắng dịu dần cơn lửa hừng của dục vọng
cho đến khi dập tắt nó hoàn toàn.
* Cái nhìn thân thể của mình theo
cách tương tự, hành giả sẽ bừng ngộ rằng không có gì gọi là 'ta', 'của ta' hay
'tự ngã của ta' hiện hữu cả, và sẽ không còn ham muốn một hiện hữu nào.
Cái nhìn sự vật ấy đi cùng với
trí tuệ sẽ bẻ gãy sự vận hành của vô minh dẫn dắt vào sinh tử: đây là ý nghĩa
của 'thoát khỏi tầm mắt thần chết' hay 'thần chết sẽ không bao giờ bắt gặp'.
Cái nhìn ấy cần được thực hiện mỗi ngày không gián đoạn, như Đức Phật đã dạy:
'... Hãy xem, có hạng người an
trú và thấy rõ vô thường trong các pháp hữu vi, tưởng vô thường, giác tĩnh vô
thường trong tất cả mọi lúc, liên tục, không gián đoạn, với tâm biết rõ vô
thường, với tuệ thể nhập vô thường; do đoạn trừ các lậu hoặc, vị ấy thể nhập và
an trú vô lậu tâm giải thoát...; Này các Tỷ Kheo, đây là hạng thứ nhất đáng
được cung kính, cúng dường. Có hạng người an trú và thấy rõ khổ đau trong các
pháp hữu vi...; Này các Tỷ Kheo, đây là hạng người thứ nhất đáng được cung kính
cúng dường'.
Ca ngợi con người thấy rõ khổ
đau, vô thường, vô ngã trong mọi hiện hữu do các duyên mà sinh là ca ngợi cái
nhìn sự vật của người ấy, cái nhìn đoạn trừ được mọi khổ đau: đó chính là cái
nhìn trí tuệ thấy sự vật như thật.
Ngay nơi hiện tại và tại đây, mọi
người đều hoàn toàn tự do làm chủ cái nhìn sự vật của mình, làm chủ con tàu
chạy đến ga an lạc và hạnh phúc. Chính cái nhìn trí tuệ kia là những gì mà nhân
loại mong chờ, bởi vì cái nhìn ấy chỉ rõ sự thật cuộc đời, hạnh phúc của con
người và đưa ra ánh sáng tất cả các bí mật của cuộc sống.
Tuy thế, với người phàm thế, cái
nhìn của họ luôn luôn bị Năm triền cái (trạo cử, hôn trầm, dục, sân, nghi) và
nhiều ác tâm như ngã mạn, ganh tị, giận dữ, sầu ưu v.v... ngăn che, những thứ
vốn bị chế ngự bởi ngã tư và ngã tưởng. Ở cấp độ tâm thức này, hành giả cần
huấn luyện cái nhìn 'đơn thuần' (bare attention), cái nhìn chỉ thấy sự vật như
sự vật đang hiện ra mà không có sự can thiệp nào của tâm lý.
Ở cấp độ tâm thức cao hơn, cái
nhìn của người phàm thế cùng hoạt động với các thiền tâm và trí tuệ, nên cái
nhìn của người ấy bấy giờ được gọi là cái nhìn của tuệ giác, tuệ quán hay trí
tuệ, có thể thấy rõ sự thật của con người và cuộc đời mà không vướng mắc gì đến
bất cứ một khái niệm nào về Nhân Tính hay về Thực tại.
Thế nên, ở đây nổi bật lên rằng
vấn đề là thấy như thật các hiện hữu qua trí tuệ thay vì đi tìm bất cứ một lý
thuyết Nhân Tính nào, hay một khái niệm thực tại nào.
HH/Thích
chơn Thiện