Không thể nói hết về nhân quả vì
nhân quả là tất cả đời sống trước mắt, quá khứ và tương lai. Học hỏi nơi đời
sống là học hỏi nhân quả nơi đời sống. Sống là tác động lên hệ thống nhân quả
của cá nhân và xã hội theo chiều hướng tốt hơn, đúng hơn và đẹp hơn.
I. Cái gì quản lý con người?
“Nếu không có đấng sáng tạo chủ
quản tất cả, không có nguyên lý nào siêu vượt trên con người, thì mọi sự đều
được phép”.
Đó là chủ đề cuốn tiểu thuyết Tội
ác và Hình phạt của Dostoievsky, một trong những nhà văn lớn nhất của nhân
loại. Đây không phải là một vấn đề của riêng Dos, của riêng văn hoá Tây phương,
mà là vấn đề của nhân loại. Từ khi có loài người, con người đã tư duy về vấn đề
này và cùng với nó là vấn đề thiện ác, tốt xấu, vấn đề tội lỗi. Và ngày nào còn
làm người, chúng ta còn phải tư duy về vấn đề ấy để sống, để hoàn thiện cuộc
sống.
Mới đây, trong cuốn Cuộc Đại
Thiết Kế Vũ Trụ (The Grand Design, 2010), nhà vật lý lý thuyết Stephen Hawking
lý giải rằng không cần đến một Thượng đế để tạo ra vũ trụ. Vũ trụ tự tạo thành,
tự phát với những định luật vật lý của nó.
Nhưng vì là một nhà vật lý,
Hawking chỉ tìm hiểu nhân quả của vũ trụ vật lý mà không đi xa đến nhân quả của
vũ trụ tâm lý của con người.
Thế nên Hawking vẫn mắc vào trong
tấm lưới của Dos: Nếu không có một thượng đế cai quản thế giới thiện ác, tốt
xấu, thánh thiện và tội lỗi thì mọi sự đều được phép.
Nếu chỉ có những định luật vật lý
thì thế giới con người sẽ hỗn loạn, cá lớn nuốt cá bé, không có trật tự, không
có đạo đức, không có tội lỗi.
Nếu không có cái gì nữa ngoài
những định luật vật lý thì con người chẳng biết làm sao sống. Pháp luật biết
dựa vào đâu? Và dù có pháp luật từ đời thượng cổ, mấy ngàn năm phát triển, tinh
chế pháp luật, tội ác có chấm dứt đâu, nhà tù có dẹp bớt đâu.
Pháp luật không đủ cho cuộc sống
con người.
Nhưng sống là lựa chọn. Lực chọn
thái độ trước đời sống. Mặc dù chưa biết “nguyên lý siêu vượt trên con người”
ấy là cái gì, chúng ta cũng phải lựa chọn. Để sống. Nói chưa thể biết “có
nguyên lý nào vượt trên con người”, vì con người là gì, chúng ta cũng chưa biết
rõ.
Về mặt vật chất, vật lý học chưa
có một lý thuyết thống nhất, nghĩa là chúng ta chưa hiểu rõ về các hạt tạo
thành thân thể của mình. về mặt tâm thức, chúng ta chỉ biết vài phần trong cái
“phần cứng” của não và hệ thần kinh.
Còn “phần mềm”, ý nghĩa là gì,
vận hành ra sao, có tác động thế nào, trí nhớ nằm ở đâu, khi thân thể vật lý
tan rã, có còn một tâm thức nào không. Chúng ta không biết.
Nhưng bằng lý tính chúng ta có
thể lựa chọn cái gì hợp lý hơn, cho phép an tâm hơn đế sống. Trong vấn đề trên,
lịch sử Tây phương đã có hai sự lựa chọn đối nghịch nhau .
- Sự lựa chọn thứ nhất: Có một
Thượng đế hình dạng và trí óc giống như con người đã tạo ra vũ trụ và con
người, và Thượng đế là “đấng quan phòng” chăm sóc, điều khiển, thưởng phạt công
cuộc sáng tạo đó.Thượng đế (God, Dieu) là vị Thần đầu tiên và vĩ đại nhất, sáng
tạo và chăm lo mọi sự.
Chính người Tây phương đã phản
bác: nếu Thượng đế tạo ra vũ trụ và chúng ta, thì không thể nào giải thích được
sự bất bình đẳng trong số phận con người và tại sao có sự xấu ác trong thế
giới.
Nếu Thượng đế tạo ra vũ trụ và
chúng ta, thì sự xấu tốt do chúng ta làm ra trong một đời này không thuộc về
trách nhiệm của chúng ta. Sinh ra tôi đã như vậy rồi mà.
Nếu Thượng đế thưởng phạt tôi thì
là bất công: tôi không có trách nhiệm gì về thân tâm của tôi vì thân tâm tôi
không do tôi mà có. Có rấy nhiều cái “khó xử” mà chúng ta không thể kể hết ở
đây.
Nếu quy tất cả mọi sự về cho
Thượng đế thì chẳng giải thích gì được cho cuộc đời cả mà chỉ thấy sự không
công bằng. Con người là kẻ “bị” sống chứ không có tự do và bình đẳng. Đây là
khuyết điểm của thuyết định mệnh, thuyết “ mệnh trời”, thuyết “vĩnh cửu như
vậy”,mà Phật giáo gọi là “thường kiến”.
- Sự lựa chọn thứ hai: ngoài con
người, không có cái gì siêu việt cả, thế nên mọi sự đều được phép. Đây là các
thuyết hiện sinh vô thần, duy vật vô thần, và thuyết “ không trung tâm, không
nền tảng” của nhiều nhà hậu hiện đại. Ở trên là một vũ trụ có trật tự, nhưng là
một vũ trị tất định và không công bằng, không bình đẳng.
Ở đây là một vũ trụ không có trật
tự và tuỳ tiện ngẫu nhiên. Không còn cách gì cứu chữa nổi một con người hay một
xã hội khi nó nghĩ rằng: “Cứ làm đại đi, chết là hết thôi mà”. Nói theo Tây
phương, đây là chủ nghĩa hư vô. Nói theo Phật giáo, đây là “đoạn kiến”.
Chủ nghĩa vĩnh cửu thường kiến và
chủ nghĩa hư vô đoạn kiến, có Thượng đế và bác bỏ Thượng đế, vẫn là cuộc vật
lộn trong ý thức của nền văn minh Tây phương cho đến hiện đại. Chỉ riêng việc
tin có Thượng đế, nhưng Thượng đế nào, Thượng đế của tôi khác Thượng đế của
anh, cũng đủ gây ra ở Tây phương những chiến tranh tôn giáo kéo dài đến tận hôm
nay.
Đông phương và rành mạch nhất,
hợp lý nhất là Phật giáo, thì lựa chọn giải pháp thứ ba: Tất cả vũ trụ vật lý
và tâm lý đều theo định luật nhân quả, từ nhân quả sinh (duyên sinh), hiện hữu
theo nhân quả và tiêu diệt theo nhân quả.
Từ nhân quả, có nghiệp báo và từ
nghiệp báo phải có đời sau, dù ở trong hình thức khác chưa hẳn là con người, để
lãnh thọ nghiệp báo đó.
Nói rõ hơn, một hành động là nhân
trong cuộc sống hiện tại có thể chưa gặp đủ duyên để trổ quả thì vẫn duy trì
nghiệp lực của nó để khi gặp đủ duyên sẽ tạo thành kết quả ở những kiếp sống
tiếp theo, trong vòng luân hồi nghiệp báo.
Chẳng hạn ném một hòn đá xuyên
qua một tấm màn giấy. Chúng ta không thấy biết gì về bên kia, nhưng chắc chắn
hòn đá vẫn tiếp tục chuyển động vì sức mạnh của hành động (nghiệp lực) vẫn còn
đó.
Có thể nói đây là sự lựa chọn
Trung đạo: con người có tự do, nhưng phải chịu trách nhiệm về hành động của
mình. Không đổ thừa cho một Thượng đế, cũng không phủ nhận kết quả của tất cả
việc mình đã làm.
Với sự để ý quan sát nhân quả
nghiệp báo, dần dần chúng ta sẽ tin và thấy lờ mờ định luật nhân quả, điều mà
chỉ có môt bậc Giác Ngộ mới thấy biết hoàn toàn (Tri tam thế nghiệp báo trí lực
: trí huệ biết được nhân quả nghiệp báo của quá khứ, hiện tại, vị lai; một
trong Mười Lực của một Đức Phật ).
Nói theo khoa học,và theo duyên
sanh của Phật giáo, không có một kết quả nào mà không có những nguyên nhân. Cái
gì tôi có ngày hôm nay, hạnh phúc hay bất hạnh, thoải mái dễ dàng hay nhiều khó
khăn rtắc trở… phải có những nguyên nhân trước đó, có thể rât lâu xa trước đó,
chẳng qua là chúng ta không có đủ sức thấy qua những tấm màn ngăn cách mỗi đời.
Tôi không thể trách ông trờ,
không thể trách hoàn cảnh và người khác, và cũng không thể cho đó là may rủi
ngẫu nhiên. Nếu tôi muốn dòng nhân quả của tôi tốt hơn, thì trong lúc này tôi
phải giao những nhân tốt. Hiện tại luôn luôn phơi mở những cơ hội cho tôi gieo
nhân tốt.
Chúng ta cũng cần để ý những điểm
sau.
Thứ nhất, thân với tâm là một thể
thống nhất. Cái gì, hành động gì,thân làm tâm cũng phải chịu hậu quả. Cái gì
tâm làm (ý nghĩ của tâm) thân cũng phải chịu hậu quả.
Thứ hai là một nhân được gây ra
không chỉ ảnh hưởng lên người làm nó, mà còn ảnh hưởng đến người và môi trường
chung quanh. Biệt nghiệp (hành động cá nhân) luôn luôn cộng sinh và cộng thông
với cộng nghiệp của xã hội. Thế nên Phật giao nói đến chánh báo đi liền với y
báo. Y báo là quả báo về hoàn cảnh, môi trường chung quanh mà mình được hưởng.
Thứ ba là trong mức độ con người
bình thường hiện giờ của chúng ta, làm cái gì thì chính chúng ta là người được
hưởng quả báo của hành động ấy trước tiên và gần như trọn vẹn. Thế nên làm cái
gì cho người khác chính là làm cho mình.
Chúng ta làm một việc thiện cho
ai đó tức là chúng ta đang gởi vào ngân hàng nhân quả nghiệp báo một tài sản
phước đức cho mình.
Cũng vì lý do này mà Phật giáo
nói rằng khi cho ai cái gì thì chúng ta cần biết ơn người đó, vì có họ mà ta
mới tích góp thêm được một điều phước thiện. Thứ tư là thái độ, trạng thái tâm
thức lúc hành động là quyết định: làm với mục đích gì, tâm lúc ấy mở rộng hay
thu hẹp…mà kết quả phước đức là lớn hay nhỏ.
Với định luật nhân quả, chúng ta
có chìa khoá để giải đáp và hành động cho mọi vấn đề của cuộc sống. Nhận thức
và hành động theo nhân quả là chúng ta quản lý cuộc đời mình cũng như xã hội
theo một cách bền vững và tiến bộ tốt đẹp.
Chúng ta thấy định luật nhân quả
là nền tảng của Phật giáo. Năm giới của con người dựa trên định luật nhân quả.
Con đường tự hoàn thiện cho đến giác ngộ cũng dựa trên nhân quả.
Ngay chữ “con đường” đã là nhân
quả. Đó là tiến trình tâm linh để đi đến những quả vị giải thoát cho đến Phật
quả giác ngộ. Phát Bồ đề tâm nguyện, hành Bồ đề tâm hạnh, là nhân, thì sẽ có
ngày đạt đến Bồ đề( giác ngộ) là quả.
Tâm thức là một dòng nhân quả
tương tục. Chuyển hoá tâm thức là chuyển hoá nhân quả của dòng tâm thức đó. Thế
nên, nếu một người không tin và không sống theo định luật nhân quả thì chắc
chắn người ấy không phải là phật tử.
II. Những ích lợi của việc tin và sống theo định luật nhân quả
1. Chủ động, tích cực, tự tin.
Cuộc đời chúng ta hiện tại là sự biểu lộ ra thành quả của những nhân tốt xấu
trong quá khứ, thế nên muốn tiến bộ, muốn tương lai tốt đẹp thìan gy trong
hiệnt ại chúng ta phải gieo trồng những nhân tốt. Chúng ta không thẻ đổlo õi,
đổ thừa cho hoàn cảnh, cho thần thánh, cho người khác. Anh đã gieo thì anh phải
gặt. Và anh mốn gặt thứ gì thì hãy gieo thứ ấy.
Sự lạc quan, yêu quý đời sống,
quý trọng thời gian là do tin và sống theo nhân quả. Tương lai không phải là mơ
ước viển vông, tương lai nằm trong những việc làm( hành động tốt xấu, nghĩa là
nghiệp tốt xấu) ngay trong giây phút này của tôi.
Tin nhân quả làm chúng ta an tâm.
Sự hợp lý, trật tự, ý nghĩa của một cuộc đời là do nhận thức được và sống theo
nhân quả. Và mọi lộn xộn, thậm chí hỗn loạn của đời sống một cá nhân hay của xã
hội đều là do thiếu nhận thức về nhân quả và không sống theo nhân quả.
2. Tự do và bình đẳng. Với định
luật nhân quả, tôi bình đẳng với mọi chúng sanh trong sự thăng tiến của tôi. Đó
là sự bình đẳng tuyệt đối: không ai ăn gian, hối lộ, làm đồ giả, nịnh nọt, bợ
đỡ đối với nhân quả được.
Nhân quả khiến tôi bình đẳng
trước mọi cơ hội để tiến bộ, cả vật chất lần tinh thần. Nhân quả làm tôi trở
thành nhà điêu khắc, kiến trúc sư cho cuộc đời và là người kế thừa duy nhất mọi
hành động tốt xấu của tôi. Đây là sự tự do tôi có được.Tự do chọn lựa, tự do
hành động và tự do xây dựng cuộc đời tôi.
Nếu tôi nhận ra mọi sự trong cuộc
đời này đều có thể chuyển hoá thành một nhân tốt cho tôi, thì tự do của tôi ở
khắp tất cả, quyền lực của tôi ở khắp tất cả. Đó là sự lạc quan, niềm vui hướng
thượng của người tin nhân quả. Một thí dụ: thấy một cục đá trên đường đi có thể
làm ngã té, tôi liệng nó vào lề. Như thế là chỉ một cục đá tầm thường tôi đã
chuyển hoá thành một nhân tốt cho hệ thống nhân quả- tức là cuộc đời- của tôi.
3. Không lo sợ. “Không có điều gì
có thể xảy ra với mình, nếu nơi mình không có điều đó”. Đây là một phát ngôn
khôn ngoan của Phật giáo. Không có quả nào có thể xảy ra với tôi, nếu tôi không
có nhân cho quả đó. Người Phật tử sống cuộc đời không lo sợ như thế. Còn nếu
có( quả xấu ấy) xảy ra thì sao? Thì hãy ráng chịu đựng, nhẫn nhục bởi vì mình
đã có nhân cho quả ấy và nay nhân đang trổ thành quả. Đầu ra tệ thế này bở vì
đầu vô đã từng bết lắm. Trách ai nữa, ngoài mình? Và hãy rút kinh nghiệm và nếu
muốn không gặp mặt điều đó nữa thì chớ gieo nhân về điều đó nữa.
4. Nhân quả đem đến ràng buộc
nhưng nhân quả cũng đem đến giải thoát. Mười hai duyên sanh, từ vô minh cho đến
lão tử là tiến trình nhân quả. Mười hai duyên sanh ấy là sợ dây xích mười hai
khoen trói buộc ta trong đời này và nó sẽ còn tiếp tục trói buộc ta những đời
sau nữa. Chúng ta cũng chỉ biết hki phá bỏ, chặt đứt được trọn vẹn một khoen
thì toàn bộ sợi dây sẽ đứt. Vì trong một khoen đã chứ đựng hình thể và năng lực
của những khoen truwocs và tác động trực tiếp đến những khoen sau.
Theo Phật giáo, mười hai duyên
sanh hay mười hai khoen nhân quả ấy có thể chặt đứt bằng trí tuệ soi chiếu thấy
sự không có tự tánh của tất cả các pháp. Như thế chúng ta có thể siêu vượt,
giải thoát khỏi tiến trình nhân quả.
Nhân quả là sự thật tương đối. Không
nhân quả là sự thật tuyệt đối. Tiến trình đi từ sự thật tương đối “có nhân quả”
đến sự thật tuyệt đối “vượt khỏi nhân quả” là tiến trình giải thoát.
5. Lòng bi. Ai cũng có lòng bi tự
nhiên. Có lẽ lòng bị là một đặc điểm phân biệt con người với những sinh vật
khác. Chắc hẳn lòng bi càng lớn thì cuộc đời chúng ta càng phát triển, càng
được nâng cao, càng có giá trị, bởi vì lòng bi là sự rộng lớn của tâm. Ai cũng
có lòng bi, lòng thương cảm khi thấy người khác đang bị đè chìm dưới gánh nặng
nghiệp quả của họ. Cũng chính nhân quả làm cho lòng bi thêm sâu sắc, hiệu quả.
Vì chúng ta không chỉ nhìn thấy
hiện tượng đã trổ thành quả bên ngoài, mà chúng ta còn tìm hiểu để nhìn thấy và
đoạn trừ, chuyển hoá những nhân đã tạo ra quả hiện tại của một người hay một
tập thể.
Chẳng hạn, thấy một người không
có bữa ăn, chúng tac ho họ tiền, nhưng rồi y chỉ uống rượu, gây thêm những hậu
quả tai hại thì sao? Sự giúp đỡ đích thực là cắt đứt, chuyển hoá nguyên nhân
gây ra hậy quả này. Sự giúp đỡ đích thực phải dựa trên nhân quả.
Chúng ta thấy Bốn Chân Lý Cao Cả
dựa trên nhân quả. Có hiện tượng khổ, đau là những nguyên nhân sâu hơn của khổ,
hạnh phúc khi thoát khổ là thế nào, và những phương pháp đường lối để giải
quyết được vấn nạn này. Thương xót không phải là thương xót lai rai, qua loa,
cho đúng phép. Thương xót thật sự là thấy được khổ nơi người khác và chuyển hoá
những nguyên nhân của khổ nơi người khác.
Chúng ta thường hào hứng với
những cuộc đổi đời, những cuộc cách mạng. Nhưng cuộc cách mạng đích thực, sâu
sắc và hiệu quả bền vững là thay đổi, chuyển hoá hệ thống nhân quả của một
người hay một tập thể. Không có cuộc cách mạng nào thực sự hơn, lớn lao hơn và
hiệu quả bền vững hơn sự sửa đổi hệ thống nhân quả của một người. Giúp đỡ đích
thực là giúp đỡ người khác chuyển hoá hệ thống nhân quả đang vận hành của họ.
III. Kết luận
Không thể nói hết về nhân quả vì
nhân quả là tất cả đời sống trước mắt, quá khứ và tương lai. Học hỏi nơi đời
sống là học hỏi nhân quả nơi đời sống. Sống là tác động lên hệ thống nhân quả
của cá nhân và xã hội theo chiều hướng tốt hơn, đúng hơn và đẹp hơn.