Hạnh phúc thường được định nghĩa
khi có sự có mặt của ai đó hoặc do người khác mang tới, hơn là hạnh phúc xuất
phát từ bên trong. Hạnh phúc vợ chồng có rất nhiều rủi ro, vì vẫn mang dáng vẻ
của tìm kiếm hạnh phúc từ người khác nên không được bền chắc lắm.
Sự bám víu vào năm uẩn nên người
bắt đầu có ý niệm về cái tôi, cho rằng có cái tôi riêng biệt, nên phân biệt
người và người khác. Do phân biệt nên tâm vọng động và vọng động nên không thấy
sự thống nhất giữa người này và người kia. Người có mặt vì người kia có mặt và
người kia có mặt vì mình có mặt, như cái này có vì cái kia có và cái kia có vì
cái này có. Tất cả chúng sinh đều có mặt trong nhau và nương vào nhau mà đi
tiếp.
Ngành xuất nhập khẩu không thể là
một ngành riêng biệt, không có “cái tôi” xuất nhập khẩu. Muốn xuất một lô hàng
thành công, nhà kinh doanh phải nương vào nhiều ngành khác nhau, như ngành ngân
hàng để làm thanh toán, ngành hàng hải để vận chuyển hàng hóa, ngành hải quan
để làm các thủ tục thông quan, nguồn cung cấp để cung ứng sản phẩm và rất nhiều
ngành khác nữa. Ngành xuất nhập khẩu không đơn độc và phải tìm kiếm các ngành
khác để có thể thành công. Một người làm ngoại thương và ngưng không làm ngoại
thương nữa, chuyển sang ngành khác thì sẽ không tìm kiếm các ngành khác để hoàn
thành chu trình kinh doanh. Không tìm kiếm thì các ngành kia không phải là
không tồn tại, các ngành vẫn biểu hiện và đóng góp vào chu trình kinh doanh nào
đang cần đến chúng.
Con người cần nhau nên con người
tìm kiếm nhau. Hai người trẻ sống thử vì muốn trải nghiệm đời sống gia đình,
chia sẻ kinh phí sinh hoạt, tìm hiểu lẫn nhau và muốn giảm thiểu sự cô đơn vì
xa gia đình. Khi đã thực sự cần nhau, họ sẽ thôi không sống thử mà sống thiệt
và khi không còn cần nhau thì họ chia tay. Các nhu cầu của bản thân được thỏa mãn
nhiều hơn là nhu cầu của đối tác, của người bạn hay của vị hôn phối. Nhiều
người yêu nhau đi đến hôn nhân, nhưng sau đó họ sống với nhau vì trách nhiệm
nhiều hơn và trách nhiệm ràng buộc con người sống chung với nhau. Sự thiếu hiểu
biết làm ý niệm về bản ngã gia tăng, cho rằng cái khổ hay cách người hành xử
không có liên quan gì đến người khác nên người có thể vung vãi hay gieo rắc khổ
đau cho người khác mà không biết.
Thế gian thường hay nói, “Đàn ông
yêu bằng mắt và phụ nữ yêu bằng tai”. Câu nói này chỉ hơi đúng thôi vì phụ nữ
vẫn có thể yêu bằng mắt và đàn ông vẫn có thể yêu bằng tai. Tình yêu gắn liền
với tình dục và thường thì tình yêu đến trước sẽ giúp cho tình dục lành mạnh
hơn. Tuy nhiên, cái gọi là tình yêu đến trước cũng chưa chính xác vì tình yêu
đến cũng là do sự thúc bách của tình dục. Bản năng tình dục đã có sẵn đó, nó
chỉ chờ tình yêu lên tiếng rồi đến lúc điều kiện thuận lợi, tình dục mới biểu
hiện. Khi bám víu vào thân xác như tâm nhìn thấy sắc đẹp thì sinh tâm dâm
cuồng. Người nam thì bám víu hình sắc nữ giới và người nữ thì bám víu hình sắc
nam giới. Ngay cả bản thân cũng có sự bám víu, như người có gương mặt hay thân
hình đẹp thì ưa thích bản thân, cho bản thân là người đẹp và tâm sinh ra sự tự
hào. Nếu không nhìn rõ sự thật, điều tự hào này sẽ dẫn đến khổ đau và bất mãn.
Người bị mắc cạn với lòng người do bị hoàn cảnh chi phối, hoàn cảnh của sắc,
của cái đẹp hào nhoáng bên ngoài. Do bám víu thân xác nên người luôn tìm kiếm
thân xác để được tái sinh.
Ý niệm về tái sinh nói đến vấn đề
về thân xác, mắc cạn với thân xác thì phải sống chung với nó. Thân xác trải qua
sinh, già, bệnh, chết nên kiếp người phải kinh qua bốn giai đoạn này. Thân
không bao giờ thường còn, đã sinh ra thì phải chết đi, nhưng trong kiếp sống
vẫn còn dính mắc vào thân xác thì sẽ được tái sinh trong thân xác. Tâm dễ
thương sẽ giúp cho thân xác dễ thương, tâm không dễ thương sẽ làm thân xác
không dễ thương biểu hiện. Điều này có thể hiểu, tâm người sẽ đi vào thân người
và tâm súc sinh sẽ đi vào thân súc sinh. Tình yêu chú trọng quá nhiều vào thân
xác thì cũng giãy chết như thân xác của nó.
Như kiểu tình dục một đêm, hai
thân thể không yêu nhau nhưng tìm kiếm sự thỏa mãn dục tình qua thân xác, cái
này gọi là tình dục trống không hay “empty sex”. Thân xác không được tôn trọng
thì tâm sẽ bệ rạc, vô minh lấp đầy tâm trí của người và người sẽ tiếp tục luân
hồi theo chiều hướng của sự bệ rạc đó. Do người cần thân xác nên người cứ đi
tìm kiếm nó và nếu người không cần thân xác nữa thì người sẽ thôi không tìm
kiếm nữa, cho dù có bày hình sắc tươi mát cách mấy, người vẫn ngồi yên bất
động. Muốn vượt thoát thân xác thì phải chấm dứt sự dính mắc vào thân xác.
Chúng ta vô minh vì chúng ta kẹt vào ý niệm cho rằng thân này là ta, ta là cái
thân này, sự thỏa mãn về thân này là ta và ta là sự thỏa mãn về cái thân này.
Chúng ta vô minh hơn nữa khi chúng ta kẹt vào ý niệm cho rằng tâm thức này là
ta, ta là tâm thức này, sự thỏa mãn về tâm thức này là ta và ta là sự thỏa mãn
về tâm thức này. Muốn chấm dứt vô minh, hãy buông bỏ ý niệm cái tôi về thân và
về tâm thức. Ban đầu là như vậy.
Theo Kinh Tăng Nhất Bộ
(Anguttaranikaya) đức Phật dạy một thầy tỳ kheo về việc chấm dứt dính mắc vào
thân xác như sau, “Này thầy Vaccagutta, Như Lai đã chấm dứt việc dính mắc vào
hình sắc này, gạt qua một bên hình sắc này, nhổ bỏ tận gốc rễ hình sắc này, làm
cho nó như một cây dừa không thể mọc lại được nữa, Như Lai không nhìn thân xác
bằng thân tướng này, bởi vì thân tướng này rất sâu thẳm, không thể thăm dò
được, nó mênh mông như đại dương vậy. Hình tướng này biến chuyển không lường,
không thể nắm bắt được, vì nó không có tự tính riêng biệt. Thân xác người đang
nương nhờ chỉ là một hợp tướng, mỗi ngày có hàng triệu tế bào chết đi và hàng
triệu tế bào sinh ra, nên cái thân của ngày hôm nay không còn là cái thân của
ngày hôm qua nữa. Yêu thương thân xác là sự mê đắm không bền vững, ôm cái thân
như ôm xác chết, ôm hàng triệu tế bào đang chết. Không thấy được điều này là vô
minh và người khổ trong hành trình vô minh”.
Tiếp theo, Phật lại dạy về việc
chấm dứt dính mắc vào tâm thức như sau, “Này thầy Vaccagutta, Như Lai đã chấm
dứt dính mắc vào tâm thức này, gạt qua một bên tâm thức này, nhổ bỏ tận gốc rễ
tâm thức này, làm cho nó như một cây dừa không thể mọc lại được nữa, Như Lai
không nhìn theo dạng tâm thức này nữa vì tâm thức này rất sâu thẳm, không thể
thăm dò được, nó mênh mông như đại dương vậy. Tâm chảy như dòng sông, trong
tích tắc tâm thay đổi nên tâm rất vô thường, tâm còn không nắm bắt được thì cái
gì gọi là tâm”.
Tình yêu cũng thay đổi, nhanh như
chong chóng, thương đó rồi ghét đó, buồn rồi lại vui, bên nhau rồi lại xa nhau.
Có anh chàng đến nhà người yêu, thấy người yêu thắp nhang lên bàn thờ Phật thì
khen, “Em đốt nhang gì mà thơm thế”. Hai năm sau, vợ chàng cũng thắp nhang mà
lần này chàng nói, “Đốt gì mà đốt hoài, làm đen cả trần nhà”. Vậy đó, khi chưa
chiếm hữu được tình yêu thì lựa lời mà khen, còn khi đã xong việc rồi thì lựa
lời mà chê. Tâm khó mà bất biến, huống chi là dòng đời. Dòng đời vạn biến âu
cũng là do tâm không yên được. Muốn khắc phục vô minh thì chỉ cần buông bỏ
những ý niệm khiến người khổ đau, ý niệm về tôi, về thân xác tôi, về tâm thức
tôi, về của tôi, về thỏa mãn tôi, về dính mắc và tất cả những ý niệm khác. Chấm
dứt được thì thôi không tìm kiếm, không chạy, không mua sắm các phương tiện để
nhằm thỏa mãn tôi nữa.
Mưa rơi lâu cách mấy cũng thôi
rơi. Mưa đến rồi đi. Mưa cũng vô thường như ánh nắng. Dù cái gì được cho là
vững bền như trời đất cũng chịu sự chi phối của vô thường. Địa cầu này cũng
không phương giữ gìn, không biết chắc khi nào nó tan rã. Trong các câu chuyện
cổ tích kết thúc có hậu, người ta thường thấy công chúa và hoàng tử cưới nhau
rồi họ sống hạnh phúc mãi về sau. Đúng là chỉ có trong chuyện cổ tích. Những
khổ đau trong tình yêu khiến người ta đặt ra câu chuyện cổ tích như một ước mơ
và nó không là thực tế. Tình yêu có thể đẹp và tươi thắm nhưng nếu không được
làm mới, không được đầu tư, không được tưới tẩm bởi những hạt giống chân thành
thì nó cũng sẽ úa tàn theo năm tháng, rồi tuổi già cũng đến, dù có nguyện đem
tình yêu sang kiếp sống tiếp theo thì phẩm chất tươi thắm ban đầu cũng không có
gì là chắc chắn.
Có người cho rằng sống mà không
yêu thương thì sống làm gì, sống mà không lập gia đình không sinh con đẻ cái,
không biết buồn không biết vui, không biết khổ đau, hạnh phúc thì thành ra vô
cảm hay sao. Cách đây vài tháng tôi có nghe sư cô Tâm Tâm giảng, “chúng ta yêu
thương nhau nhưng không từ bi và luyến ái là hàng giả của tình thương”. Cách mà
con người thương nhau là thứ tình cảm dính mắc, nó nhuốm màu của sự kỳ thị, của
phân biệt, nên người thương rất giỏi nhưng không từ bi lắm. Từ bi là không còn
kỳ thị trong tình thương, ai cũng thương và ai cũng đáng để cho tình thương của
người hướng tới.
Sự luyến ái chỉ có thể gây ra khổ
đau, dù người ráng sức chứng minh tình yêu đến một cô gái hay chàng trai, có
thể quay thành video clip để làm kỷ niệm, để người đời khen tặng, để lấy lòng
của người kia, nhưng thực chất đây không là tình thương, mà là tình yêu cá
nhân, nó muốn chứng minh sự riêng biệt, vẫn còn hạn hẹp trong vòng tay của cá
nhân. Thứ tình cảm này không thể mang đến sự giải thoát, ngược lại nó kết chặt
mối quan hệ với nhau, trả nợ rồi tạo nợ, nợ này đi đến nợ kia và những cái
duyên xoắn xuýt lấy nhau, tạo điều kiện tiếp tục gặp nhau và đến với nhau trong
tương lai. Muốn chấm dứt tạo duyên thì hãy chấm dứt sự luyến ái. Có thể vẫn còn
gặp nhau, sống bên nhau nhưng nếu một khi luyến ái chấm dứt, sự chia lìa sẽ
không khiến người khổ đau. Con người khổ đau trong chia lìa vì luyến ái quá mức
và chính luyến ái khiến người ra đi không đành lòng, nên người ở lại và người
ra đi tiếp tục tìm kiếm nhau.
Con trai lớn lên thì lấy vợ và
con gái lớn lên thì lấy chồng. Hạnh phúc thường được định nghĩa khi có sự có
mặt của ai đó hoặc do người khác mang tới, hơn là hạnh phúc xuất phát từ bên
trong. Hạnh phúc vợ chồng có rất nhiều rủi ro, vì vẫn mang dáng vẻ của tìm kiếm
hạnh phúc từ người khác nên không được bền chắc lắm. Số người cưới nhau rồi ly
dị ngày càng tăng và con người khổ vì chính những mối quan hệ do mình lựa chọn.
Ngày xưa, người ta đến với nhau vì sự lãng mạn, vì tình cảm chân thành và vì sự
rung động của hai trái tim, ngày nay, điều này vẫn còn nhưng len lỏi vào đó là
những tính toán về tài chính, về chỗ dựa, về áp lực xã hội, về sự thúc ép của
gia đình. Nàng thì muốn có một đấng tùng quân để dựa vào và chàng thì muốn có
một sự chăm sóc để dựa vào.
Chăm sóc tình yêu như chăm sóc
một cái cây. Nếu không tưới nước, bón phân, bỏ thì giờ tỉa cành thì cây không
thể lớn lên, không thể ra hoa và kết trái. Tình yêu cũng vậy, phải chăm sóc,
phải hỏi han, phải chia sẻ, phải chiều chuộng, phải lo toan thì tình yêu mới
lớn lên, bằng không tình yêu sẽ héo hon, sẽ lụi tàn và phút giây hiện tại không
còn đậm sâu như phút giây ban đầu. Vì thế tình yêu cần có sự làm mới, cần thời
gian, cần đầu tư và cung cấp cho tình yêu các điều kiện để tình yêu được sống
lâu hơn. Tình yêu đến thì tình yêu cũng sẽ đi vì vô thường không chừa một ai.
Dù tình yêu đi theo hôn nhân đến tuổi già và người gìa thì phải chết, phải xa
lìa, không gì có thể bên nhau mãi mãi. Khi chấp nhận yêu thương thì phải chấp
nhận những hạnh phúc và khổ đau do chính yêu thương mang lại.
Người thường hay đổ thừa cho
người kia là nguyên nhân của hạnh phúc hay khổ đau, nhưng nếu quán chiếu kỹ,
không ai có khả năng làm được điều đó nếu không có sự góp sức của người. Người
hạnh phúc vì người biết cách chế tác và gìn giữ hạnh phúc và người khổ đau vì
người cũng tài tình trong việc chế tác và làm phát khởi khổ đau. Nên tình yêu
đôi khi khiến người mệt lắm, nếu người kia thương người và ở mãi bên người thì
người thấy vui, bằng ngược lại người sẽ buồn, và người cứ phải làm mọi thứ để
níu giữ tình yêu, sợ rằng một ngày nào đó tình yêu sẽ vụt bay.
Người dị tính muốn cưới nhau và
ngày nay người đồng tính cũng đòi hỏi quyền cưới nhau. Tình yêu là đẹp theo
kiểu thế gian nếu hai trái tim chân thành tìm đến với nhau, nhưng người ta cưới
nhau vì cái gì? Hai người gặp nhau vì nhân duyên, như hợp nhãn, hợp tính tình,
hợp hoàn cảnh, và nhiều khi không hợp nhưng vẫn cưới nhau. Vô minh không phải
là điều để chê trách mà vô minh như là một lý giải được sử dụng để nói đến vì
sao con người có những khổ đau thực ra không đáng có. Ngày xưa cũng có người
đồng tính, nhưng không nhiều như bây giờ. Đồng tính hay dị tính cũng vậy thôi,
cũng có nhu cầu yêu thương, nhưng yêu thương nào mà luyến ái sâu dày thì người
tự xây cho mình hành trì của khổ đau. Khi luyến ái không được thỏa mãn, người
bị ngăn cản bởi gia đình, bởi xã hội và người khổ, khổ vì sự chia lìa và kỳ
thị.
Hôn nhân dị tính vẫn có sự kỳ
thị, như theo kiểu của mẹ chồng nàng dâu. Người mẹ kỳ thị con dâu vì cho rằng
cô đã cướp mất con trai của bà và cô dường như đang điều khiển con trai mà bà
mang nặng đẻ đau. Bà chỉ muốn con bà là của bà thôi, không muốn chia sẻ cho ai
nên ai đi vào cuộc đời của con bà là bà không chịu nổi. Tình yêu mẹ con này hết
sức sai lầm, nó mang dáng vẻ của sự ích kỷ, chiếm hữu và tranh chấp. Lại nữa,
có những tình yêu phải tìm kiếm hàng năm trời, đi qua nửa vòng trái đất, gặp
nhau và cưới nhau. Người đời ca ngợi tình yêu này là đẹp. Duyên tới rồi thì ở
xa cách mấy vẫn tìm thấy nhau, nhưng bằng con mắt cũng của “nhân duyên”, người
sẽ thấy vì nợ nhau mà tìm đến nhau, cái nợ đẩy đến cái duyên. Đây là nợ lớn, ở
xa nhau tít tận chân trời mà phải tìm cho ra bằng được. Con mắt thế gian cho đó
là tình yêu đẹp, nhưng con mắt nhân duyên cho đó là sự trả nợ và chúng ta có xu
hướng thích tạo nợ rồi trả nợ. Muốn chấm dứt nợ thì chỉ cần chấm dứt sự luyến
ái.
Anh thay đổi hay em thay đổi
Giữa dòng đời tất bật ngược xuôi
Trong phút chốc bỗng tìm thấy nụ cười
Trên đôi tay một tình thương tươi mới.
Vì nhân duyên ta tìm đến với nhau
Dưới mái nhà ta xây một nhịp cầu
Để mai này ta luôn được tiếp nối
Được thấy nhau trong muôn dặm đường dài.
Ta cho rằng tình yêu đẹp biết bao
Ta kiếm tìm trong muôn ngàn sóng gió
Thân tâm này cứ rày đây mai đó
Trong khốn khó ta cứ mãi nợ nhau.
Nguồn: Đàm
Linh Thất