Vực Thẳm Của Vô Nghĩa

Có lần một nhà báo hỏi Einstein tin có Thần không, nhà khoa học hỏi lại nhà báo: “Xin cho biết, ông quan niệm gì đàng sau chữ Thần?” Thần thánh có thể bất cứ là cái gì. Con người đã thờ lạy đủ thứ, như thờ người (ở nhiều chế độ), thờ vật (như trâu bò), có khi thờ cả cây cối. Đủ mọi thứ mê tín dị đoan đã và vẫn còn mê hoặc lòng người. Nhưng chỉ có loài người mới tin. Theo tôi nghĩ, tin vào thần linh là nét đặc thù của mọi nền văn hóa.

Xét về hình thức thì tự do của con người không có giới hạn nào hết, nếu có giới hạn thì đã không gọi là tự do, vậy là nó tuyệt đối, nhưng xét về nội dung thật sự mà tự do có trong thực tế chỉ là tương đối. Con người có những khát vọng tuyệt đối, như “lòng tham không đáy”, nhưng con người có những khả năng tương đối.

Có can đảm mới dám mở mắt nhìn thực tại bi đát. Thực tại là sự mẫu thuẫn giữa khát vọng vô cùng và khả năng hữu hạn nơi con người. Đó là điều vô nghĩa, vô lý. Con người ước mong được sung mãn, được trường cửu nhưng chỉ là phù vân và phù vân, tất cả là phù vân. Hạnh phúc, tiền tài, danh lợi, gia đình: Phù vân. Tuổi trẻ, khát vọng, cười đùa: Phù vân. Tương lai, nhân loại, khôn ngoan, thông thái: Phù vân. Tất cả như mây khói, tất cả là bèo bọt.

Không những thế, đã bèo bọt lại còn bèo bọt một cách ô trọc, độc ác. Đời người đã ngắn ngủi, lại còn thêm chém giết hận thù. Rồi người hiền không gặp lành, kẻ dữ lại vênh vang... Và dù hiền hay dữ thì cũng chết. Cái đinh là ở đó. Sinh thật ra đâu có khổ, khổ chỉ vì đã có sinh thì có diệt; lão đâm ra bệnh, khổ bởi vì bệnh là có thể chết và lão là phòng khách của tử. Tại sao, tại sao? Không có trả lời. Thật vô nghĩa.

Thế giới vô thường, chẳng có gì tồn tại mãi mãi. Hàn Mạc Tử: “Chỉ có trăng sao là bất biệt / Cái gì khác nữa thảy đi qua”. Nhưng ngày nay khoa học cho ta biết, trăng sao cũng chết. Những kim tự tháp rồi cũng tan biến như mọi kho tàng văn hóa của nhân loại. Rồi mặt trời sẽ thiêu hết khối hélium, trước đó trái đất nhỏ bé đã lạnh... Thà rằng không có không sao, nhưng đã có, dù chỉ là một ngọn cỏ, huống chi một nụ cười, một cuộc tình, một kiếp người. Chẳng lẽ chết là chấm dứt hết, phù vân vậy sao? Thử tưởng tượng một nghệ sĩ thiên tài cho ra đời những tác phẩm kiệt tác chỉ để phá hủy đi. Nếu theo cái nhìn duy vật như thế thì thật là vô lý quá, cuộc đời là một vực thẳm của vô nghĩa.

Người vô thần ngừng lại ở cái chết. Ngừng lại trước sự phi lý. Ngừng lại trước vực thẳm của một lỗ hổng vô tận. Lỗ hổng giữa khát vọng vô biên và khả năng hữu hạn. Vô thần ở đây là tin rằng, không có gì ngoài thế giới vô thường, không có gì gọi là trường sinh vĩnh cửu. Không có giải thoát cũng không có cứu độ. Chỉ có người với người giữa một thế giới câm lặng. Chẳng có gì bên trên, chẳng có gì bên dưới. Phía sau tăm tối, phía trước mù mịt. Bi quan?

Tất cả là dã tràng xe cát bể đông. Nhưng tại sao không thể vui sống như dã tràng? Tại sao xây những lâu đài tráng lệ bằng cát, trên cát cho thủy triều xóa đi? Cuộc đời người sao giống như dấu chân trên cát. Những dấu chân thay thế những dấu chân. Canh sẽ tàn, tiệc sẽ tan. Để nhường chỗ cho người khác, rồi lại người khác; cho tới lúc tất cả sẽ tiêu tan. Tìm trong thế giới phù vân mây khói này một niềm vui thoáng qua, đón nhận mỗi phút giây vụt bay như một cuộc trường sinh vĩnh cửu và trao cho đời chút hương hoa bèo bọt. Cũng là một cách sống. Dù đời vô nghĩa, con người vẫn có thể sống tình nghĩa với nhau, vẫn có thể tạo nên với cây cỏ và muôn loài một lễ hội phù du. Nếu em chỉ là ảo ảnh, ảo ảnh ấy thực sự đã làm tươi cả đời anh! Anh đội ơn ảo ảnh.

Nhưng vô thần kiểu này sao ta thấy gần gũi với hữu thần thế? Ngược lại, hữu thần thực sự có dám chắc là không hề bị vô thần ám ảnh không? Không ai hề phân vân trong lòng trước những khó hiểu của cuộc đời sao? Hơn nữa, vô thần và hữu thần tới một chiều sâu nào đó của tâm hồn, dường như không còn phân biệt nổi.

Cử chỉ ngừng lại trước vực thẳm của vô nghĩa này, có gì đó bi đát như một tiếng kêu. Sinh, lão, bệnh, tử: tựa như một tiếng kêu. Tiếng kêu thương. Thương mình, thương người. Tiếng kêu thương ấy gắn bó người với người, gắn bó người với toàn cõi thương đau.

Vô thần hay hữu thần; đời có nghĩa hay vô nghĩa; tiếng kêu của con người rơi vào yên lặng của vô tri hay được lắng nghe từ cõi cao xa. Tiếng kêu: “Cha!” “Mẹ!” có phải là phản ứng ấu trĩ của con người chưa trưởng thành, thiếu tự tại trước cuộc sống chết không? Hay đó lại là sức mạnh của con người:

- đủ sáng suốt để nhìn nhận những giới hạn của chính mình,
- đủ lạc quan để tin rằng, hy vọng không hão huyền,
- đủ khiêm tốn để đón nhận và phó thác?

Dù sao tiếng kêu phát lên tự đáy lòng vẫn là tiếng kêu thương. Trong tiếng kêu ấy, người gặp người.

Previous Post
Next Post