Cõi mơ và bên bờ mộng tưởng

Cõi mơ

Bạn thân mến,
Từ đâu ta đến
Chưa khóc chào đời;
Về đâu ta sẽ
Khi nhắm mắt rồi?

Vâng, một câu hỏi như thế nghe có vẻ ngây ngô và không liên quan gì đến thực tế của cuộc sống, bây giờ và ở đây. Nhưng chính câu hỏi này sẽ là bàn tay vàng khả dĩ đánh thức bạn và giúp bạn vượt qua những lao đao của mộng tưởng để trở về với thế giới bình yên nội tại vốn chưa từng sinh và chưa từng diệt. Lời mà Kinh Trái Tim muốn nói với bạn đó là: “cái bạn đang là” là một cõi mơ, vì tất cả không hề có một thực tính nào hết (tất cả hiện hữu được biểu thị là không); hay nói khác đi bạn và thế giới của bạn điều là hiện hữu của tương duyên mà thôi.

Ở đây, những gì trong mơ hẳn nhiên đều là phù du, giả tạm. Chúng không hề có thực. Như khi mắt bị nhậm, bạn thấy bông hoa xuất hiện giữa hư không; đến khi mắt hết nhậm, bạn không còn thấy nó nữa. Cũng vậy, cảnh trong mộng tuy là có thực, nhưng chỉ là thực của mộng; khi tỉnh giấc, mọi thứ trong mộng đều tan biến! Bản chất cuộc sống của chúng ta đều là như thế!

Hãy lấy một thí dụ. Khi chưa được sinh ra, bạn có tên hay không? Khi được sinh ra rồi, cái tên của bạn có phải là tất cả những gì thuộc về bạn, hay đơn thuần chỉ là một danh tính tạm thời đại diện cho bạn? Đi sâu hơn nữa, con người hiện tại bằng xương bằng thịt của bạn có phải là một bản thể bất biến, hay là nó luôn luôn biến đổi trong từng nhịp thở và nó sẽ bị hủy hoại sau một thời gian nhất định? Con người thực thụ của bạn đã là như thế huống gì là những tạo tác từ thân, miệng, và ý của bạn. Thế thì, “cái bạn đang là”, hay cái mà bạn cho là “cái tôi”, và “cái của tôi” đó há không phải là một cõi mơ ư! Vậy tại sao bạn phải ôm ấp một giấc mơ huyễn hoặc để rồi chơi vơi với những lụy phiền?

Suy nghiệm như thế nhằm để thấy rõ rằng: “Tất cả hiện hữu đều là cõi mơ.” Cho đến những ý niệm về sống, chết, nhiễm ô, trong sạch, thêm, bớt, vân vân đều là những giả định từ mộng tưởng; chúng là hiện thân của sự phân biệt và bám víu từ một tâm thức cuồng si mà thôi. Chỉ khi nào bạn vượt qua thế giới của phân biệt (nhị nguyên) này, thì khi đó bạn sẽ thực thụ bước vào một chân trời mới: hạnh phúc-thực tại, một thế giới mà ngôn ngữ của chúng ta trở nên không còn hiệu lực.

Vậy thì làm sao để thức tỉnh từ cõi mơ? Vâng, đó là câu hỏi tha thiết vô cùng mà chúng ta sẽ tự vấn khi một mình đối diện với chính mình. Để tỉnh thức, bạn không cần làm thêm một điều gì hết, việc duy nhất mà bạn cần thực tập đó là hãy nhìn thật lâu và thật sâu vào những gì đang sinh diệt chung quanh ta và trong chính con người của ta, và hãy thấy như thật rằng chúng chỉ là một cõi mơ, vậy thôi. Thực tập lâu ngày như thế bạn sẽ tự tạo cho mình một tâm hồn khoan dung vô hạn; nghĩa là bạn sẽ có khả năng rủ bỏ những gì không cần thiết cho cuộc sống của bạn, đó là những tâm lý buồn, giận, ganh, ghét, hơn, thua…Cho đến khi nào những tâm ái thủ đó được từ bỏ, trái tim từ bi của bạn sẽ bỗng dưng nở nụ trưng bày giữa biển khổ mênh mông. Và lúc đó, như thiên nga đã lìa ao hồ, bạn sẽ rong chơi tự tại ngay trên cuộc đời trần cấu này mà không cần phải chờ đợi đến một ngày nào đó sau khi đã hoàn tất những khát vọng.

Thử một lần tự hỏi: cho đến giờ phút này, bạn đã cầm chắc trong tay được cái gì giữa cuộc sống ngắn ngủi và không ngừng trôi chảy này? Thay vì một ngày nào đó bạn sẽ phải ra đi với những muộn phiền: được, mất, hơn, thua…, tại sao không bây giờ và ở đây sống thảnh thơi với hạnh phúc-thực tại, một hạnh phúc không bản ngã và nó chỉ hiện hữu bao lâu bạn còn sống, hiểu theo đúng nghĩa của từ này. Khi bị đắm chìm trong mộng mị, có nghĩa là bạn đã đánh mất sự sống của chính mình.

Bên bờ mộng tưởng

Dựa vào nền tảng nào để bạn có thể nhìn thấy rằng hiện hữu chỉ là một cõi mơ? Vâng, đấy là một câu hỏi then chốt, như chiếc chìa khóa vàng, để bạn mở cánh cửa ảo vọng-nghìn năm và bước vào thế giới thực tại, một thế giới ở bên kia bến bờ của mộng tưởng.

Kinh Trái Tim, như bạn thấy đó, đã dùng một chuỗi phủ định liên hồi, cũng còn gọi là phủ định của phủ định, để đánh tan mọi phân biệt về có, không, sinh, diệt, về thường, đoạn, khứ, lai, hay nói đơn giản là bất kỳ những bám víu và phân biệt nào, cho dù sự phân biệt và bám víu đó là sinh tử hay Niết bàn. Một cách thức phủ định như thế không ngoài mục đích xua tan mọi phân biệt cho đến những ý niệm về phân biệt để đưa bạn về với thế giới xả ly, vô niệm. Đấy là một thế giới “viễn ly điên đão mộng tưởng”, là suối nguồn thực tại, là bản thể uyên nguyên vốn không hề sinh diệt. Điều quan trọng mà bạn cần phải lưu ý đó là thế giới đó không phải là những gì chỉ có thể đạt được sau khi chết, mà trái lại, nó luôn luôn hiện hữu ở đây, ngay tại con người này và mảnh đất trần thế này.

Hãy lấy một thí dụ, khả tính nghe của bạn ba mươi năm trước đây— khi còn là một hài đồng—và bây giờ, tức là ba mươi năm sau, có khác nhau không? Không. Nó vẫn là như thế! Bạn có thể sử dụng cái khả tính nghe cũng như bị chi phối bởi nó theo nhiều cách khác nhau, nhưng cái khả tính đó từ bản chất nó không hề thay đổi. Hễ có tiếng động là khả tính nghe xuất hiện một cách tự nhiên không phân biệt. Cũng vậy, thân thể của bạn tuy già cỗi theo năm tháng và chuyển hóa theo luật vô thường, nhưng giác tính của bạn vẫn là như thế. Nên nhớ rằng, bạn có tuổi nhưng tâm hồn của bạn không có tuổi. Và do đó, bao lâu bạn còn giữ được sự hồn nhiên, hay nói khác hơn, lấy sự hồn nhiên làm nền tảng cho cuộc sống thì bấy lâu bạn vẫn trẻ thơ và vẫn là trẻ thơ. Bạn đừng bận tâm quá nhiều vào tuổi tác, vì bản chất của tuổi tác không gì khác hơn là sự chồng chất của vui, buồn trong kiếp người mà thôi, dẫu rằng người ta thường xem tuổi tác như một thứ kinh nghiệm quan trọng. Trong dòng thực tại của tâm, tuổi tác không hề có một ý nghĩa nào. Nhưng trong thế giới của mộng tưởng, tuổi tác quả thực là ấn tượng vì nó là sự nối kết những biến cố thăng trầm của đời người.

Nhưng làm sao để quay lại với tuổi thơ khi mà tóc của bạn đã đổi màu và da của bạn đã dần khô cứng và xếp lại từng nếp nhăn? Vâng, chúng ta cảm ơn Kinh Trái Tim vì đã cho ta một phép lạ nhiệm mầu, đó là con đường sống xả ly, không cố chấp và không bám víu, cho dù sự bám víu đó được đặt ra trên căn bản của khát vọng về một miền Niết bàn vĩnh cửu. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi cho rằng khát vọng về Niết bàn là điều mà con người hằng mong ước, vì Niết bàn trên nguyên tắc khác hẳn với thế giới sinh tử, vô thường kia mà? Một suy nghĩ như thế, vâng, nghe có vẻ hợp lý trong suy luận của bạn, nhưng dòng suy nghĩ đó rõ ràng vẫn cưu mang đâu đó những chiều kích của tâm phân biệt, nhị nguyên. Trong khi đó dòng thực tại đang mãi miết chảy không hề có bất kỳ khái niệm nào về sinh tử hay Niết bàn. Cũng như bản chất của rượu, nó không hề có đặc tính “say” mà do con người “say” đó thôi. Đó là lý do tại sao, Kinh Trái Tim dùng chuỗi phủ định liên hồi để kết thúc bằng một phán quyết rằng “không có gì để đạt được hết” (vô trí diệc vô đắc). Vì lẽ, mọi sự diễn ra trên con đường giác ngộ chẳng khác nào một ông già biến thành trẻ con khi ông ta quẳng hết gánh ưu phiền để nô đùa với chúng.

Cũng vậy, cho đến khi nào bạn thực sự chân thành sống xả ly, nghĩa là sống vượt lên trên mọi phân biệt héo hắt, thì lúc bấy giờ khả tính của giác ngộ sẽ thực thụ hiển bày. Và bấy giờ bạn là Phật và Phật chính là bạn. Hay nói theo ngôn ngữ của Bát nhã, huyễn mộng và Niết bàn không hai không khác (samsāram eva nirvānam). Vâng, điểm đến của Bát nhã là như thế. Ố kià! tâm bất sinh, nó ở bên kia bờ của mộng tưởng! Ngay bây giờ, bạn có thể đến đó bằng con đường xả ly, vô niệm.

Sóng về xóa dấu chân không
Bỗng dưng thuyền đã bên dòng chân như.
(Theo Văn hóa Phật Giáo số 43 ngà15/10/2007 Phật lịch 2551)
Previous Post
Next Post