Jean Baudrillard và Xã hội ảo

Jean Baudrillard (1929-2007) xã hội học người Pháp, đã có những nhận định sôi nổi về xã hội hiện đại. Dĩ nhiên xã hội mà Baudrillard bàn đến là xã hội tân tiến Âu Tây vào cuối thế kỷ thứ hai mươi, nhưng với sự hội nhập hoàn cầu hóa cũng là về những trạng thái tương lai hay đã có rồi ở xã hội của những quốc gia hậu tiến hay trên đà phát triển công nghệ kỹ thuật.

Để bàn tới những nhận định của Baudrillard, trước hết xin nhắc lại, trong triết học Hegel, con người và xã hội là những hiện thể mà chúng ta có khái niệm trong sự tổng quát của lý tính: Hiện Sinh, Hư Vô, Hiện thành (Being, Nothingness, Becoming); tức là những hiện thể khái niệm, hiện sinh đến từ hư vô, ở tận cùng trở về với hư vô, nhưng tồn tại sinh động và hiện thành, mà chúng ta nhận định những quy định hay những thuộc tính, nhưng chỉ có thể là hữu hạn, tự phủ định hay đúng hơn mang sẵn những mâu thuẫn để bị giải cấu (de-construction, trong cái nghĩa là phá giải để cấu tạo) hay tự giải cấu, qua lịch trình biện chứng pháp.

Trong sự hiện thành của xã hội theo Baudrillard, có bước ngoặt chính yếu: tiền hiện đại với hiện đại. Xã hội tiền hiện đại là xã hội thân bằng bộ lạc, trao hoán thực phẩm và công cụ, giao lưu tặng phẩm; một xã hội thần linh, tôn giáo. Xã hội hiện đại bắt đầu từ thời khai sáng (le siècle de lumières), để bây giờ chủ yếu là kỹ nghệ sản suất tư liệu thực dụng cho con người. Động cơ chính yếu của xã hội hiện đại là tư bản chủ nghĩa và khoa học kỹ thuật. Bước ngoặt đó là một sự thăng hoa. Lịch sử theo Hegel là lịch trình tiến triển của tinh thần nhân loại, vượt qua từng bước những mâu thuẫn bản thể để tới con người và xã hội ở giai tầng cao độ trên.                     

*********
Xã hội hiện đại bắt đầu bởi khai sáng (thế kỷ thứ XVII-XVIII), là duy lý và nhân bản chủ nghĩa. Chủ thể là con người, nhân bản tự do lý trí; con người lý giải và thiết lập xã hội, chinh phục thiên nhiên, đưa tất cả vào guồng máy sản xuất vật chất thực dụng vị lợi ích nhân sinh. Từ chế độ quân chủ phong kiến, qua quân chủ lập hiến rồi tới xã hội tự do dân chủ, là những bước tiến quá trình lịch sử theo triết học Hegel. Những quy định xã hội hữu hạn, với những mâu thuẫn, những đối lập phải giải cấu. Xã hội tự do dân chủ của thế kỷ thứ 19 là xã hội tư bản mà mâu thuẫn hiển nhiên là sự bất công xã hội, đối lập giữa tầng lớp tư sản với giai cấp lao động công nhân vô sản. Chủ nghĩa xã hội Marxit trên lý thuyết giải cấu mâu thuẫn đó bằng xã hội độc tài của giai cấp vô sản; dĩ nhiên xã hội Marxit hàm chứa những mâu thuẫn, hơn nữa với ý thức hệ hoang tưởng, phi lý tuyệt đối, nên càng đổ vỡ và phá sản, lý thuyết xụp đổ của xã hội cộng sản Đông Âu!

Duy lý và nhân bản chủ nghĩa, trong buổi đầu lạc quan về chủ thể con người. Tư bản chủ nghĩa, tự do dân chủ chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa Marxit…đều là những lý thuyết khai sáng duy tôn lý trí tinh thần nhân loại. Nhưng sự sa lầy của Marxit chủ nghĩa, cùng những mặt trái của tư bản chủ nghĩa, và những khuyết điểm của dân chủ tự do chủ nghĩa đưa tới tâm thức hậu hiên đại của thế kỷ thứ 20; những tư tưởng gia, những nghệ sĩ hậu hiện đại nhận định phải phản tư đối kháng và giải cấu cái thực trạng hiện hành của xã hội. Baudrillard thuộc về trào lưu tư tưởng này.

Theo trào lưu tư tưởng này (đặc biệt của trường phái Francfurt: T.Adorno, M.Hokkeimer…), Baudrillard thấy cần phải nhận ra cái không tưởng của mọi chủ nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội. Với sự xụp đổ của xã hội chủ nghĩa Marxit, dân chủ tự do phóng khoáng Âu Tây dù có khải hoàn hưng thịnh qua chiến tranh lạnh vẫn không phải là chủ nghĩa tối hậu của nhân loại. Cái xã hội hiện đại dân chủ tự do thật là tư bản chủ nghĩa, với những mâu thuẫn nội tại, thiết lập một nền văn hóa kỹ nghệ: khai sáng mà ngu muội quần chúng. “Công cuộc khai sáng, như chúng ta hiểu hiện đại, trong cái ý cao siêu nhất là sự triển khai lý tính con người, đặt con người lên địa vị chủ thể của sự vật, thật hiện thành rồi với những dự báo của ngày mạt thế” (T.Adorno). Nền văn hóa kỹ nghệ thị trường lợi nhuận, đẩy con người vào hầm u tối với nhu cầu vật chất luôn luôn khuếch trương vô thức, nông cạn thỏa mãn bằng những tư đồ ảo dụng. M.Heidegger với tâm thức rất hậu hiện đại cũng đã nói trước :“Xã hội như càng sán lạn, kinh tế tiền bạc càng ngày càng giàu thêm bằng những vật thừa vô dụng. Nhưng ai biết rằng quả báo đang chờ đợi, rồi sẽ bùng nổ trong tương lai; loài người sẽ chìm đắm trong đêm sâu tuyệt vọng, cái đêm sâu mà có lẽ chúng ta như đã dự báo rồi trong tiềm thức”.

(Xin đọc thêm: “Tâm thức Hậu Hiện Đại”, tiểu luận Ngô Văn Tao)

*********
Baudrillard chia sẻ những cảm nhận hậu hiện đại trên, nhưng hơn nữa với xã hội tâm lý học trình diễn những nhân tố của sự suy tàn xã hội. Theo Baudrillard, chúng ta đang sống một xã hội bội hiện thực (hyper-reality), thế giới ảo.

Mọi lý thuyết xã hội, chính trị, kinh tế đều không còn thích ứng; vấn đề nhân sinh xã hội không còn là vấn đề của đại ngôn (des grands récits). Tỉ như xã hội dân chủ tư bản chủ nghĩa và xã hội học Marxit coi động cơ của đời sống xã hội là cơ giới công nghệ sản xuất thực dụng và lợi nhuận, theo Baudrillard chính điều này chứng tỏ những chủ nghĩa trên đã lỗi thời. Xã hội nay chìm đắm dưới những tư đồ thừa thãi. Khoa học và kỹ nghệ thống trị xã hội con người. Việc sản xuất những vật liệu thực dụng không còn là vấn đề của xã hội. Với kinh tế thị trường, toàn bộ đầu óc khoa học kỹ thuật nay có trọng tâm là đưa quần chúng bội dụng và bội xài những tư đồ tiểu xảo lấp lánh ảo ảnh mang phù hiệu đến cho mỗi người. Chủ thể con người thoái hóa trước vật chất. Mỗi người tự tìm thấy trong muôn ngàn hàng hiệu những phù hiệu cho bản thân, những phù hiệu ảo ảnh như những huân chương tự ban cho nhau, treo đầy ngực của những hỏa đầu tự ngắm nhìn mình trong gương.

Xã hội đã đi quá độ trong lịch trình kỹ thuật hóa đời sống con người ở mọi trạng thái. Tỉ như chiếc đồng hồ đeo tay, không còn là một tư vật thực dụng, nhưng nay được sản xuất chiêu hàng với muôn ngàn hình dạng; người mua có thể mua hàng trăm cái, tìm ở nó những phù hiệu ảo tượng cho chính mình: giàu sang, kiêu sa, đãng tử, quá độ thời thượng…Chúng ta sống trong thế giới ảo, thế giới hình thức, ai cũng đóng một vai trò trình diễn, có sẵn những biểu tượng để khẳng định mình…Chìm đắm dưới những tư vật, chúng ta bị lôi cuốn bằng những phương tiện truyền bá cấp tiến, kỹ thuật siêu hạng, để bội thu và bội dụng, cùng lúc có ảo tưởng tự do, chủ thể cá nhân.

Lịch trình kỹ thuật hóa đặt lại vấn đề nhân sinh xã hội. Cần phải có một suy luận mới về kinh tế, về chính trị. Chủ nghĩa Marxít, trong cái cực đoan lý thuyết, không thể cải hóa, nên đối với xã hội hậu hiên đại bây giờ thật là một lý thuyết lỗi thời. Con người nay sống với kỹ thưật thông tin, tới tấp tín hiệu, thế giới của internet, của e-mail @, có những suy tư, những nhu cầu bội vật chất, bội hiện thực (hyper-materalist, hyper-realist). Những xu hướng nhân sinh, tưởng là qua phương tiện truyền thông có thể quy định, nhưng thật thêm lệch lạc, thêm bất xác định. Beaudrillard nhận định hơn bao giờ, xã hội học cần đến xã hội tâm lý học.

*********
Khoa học kỹ thuật cải thiện đời sống của chúng ta. Xã hội càng ngày càng giàu có, đồ vật thực dụng thừa thải. Sự giàu sang phù hợp với bản chất con người; chúng ta đâu có ra đời để làm việc như cái máy, suốt ngày ở đồng ruộng, ở xưởng máy làm những cử chỉ lập đi lập lại vô ý thức, mà động cơ kỹ thuật nay biết làm thay chúng ta. Sự hoang phí tiêu xài cũng là bản chất của con người. Nhưng vấn đề là đại chúng hóa sự dư rả đưa đến tâm thức phổ quát tiểu tư sản mới giàu (des nouveaux riches), bảo thủ trong căn hộ đầy tiện nghi, thừa thãi tiểu xảo bội dụng, bội thu. Con người ôm giữ những đồ vật, nay mang phù hiệu của cá nhân chủ nghĩa, biểu tượng ảo cho chính mình. Cái gì người ta thường nói: “the american dream”, ước mộng của người Mỹ, có một căn nhà, có đủ tiện nghi, có đủ mọi đồ thục dụng….Nhưng đâu biết, “ước mộng” đó chỉ làm con người không còn là chủ thể mà là nô lệ của vật chất. Sự hoang xài của quần chúng đây là sự bội phí và bội thu với những hàng hiệu, diễu bầy những biểu tượng ảo; nhưng thật sự hoang phí đó ẩn dụ một bản chất nhỏ bé, con người mất mọi triển vọng cao siêu (the loss of transcendence); hơn nữa, theo Baudrillard, con người mất bản chất tuyệt vời, bản chất dương khí mặt trời (the solar principle); với tiềm năng, sức mạnh lý trí của con người, con người phải hoang phí năng luợng như mặt trời để chiếu tỏa khắp nơi, trên đồng bạn, trên thiên nhiên loài vật, một cách vô tư không vì lợi nhuận không vì một đạo lý tự mãn tự tôn nào. Sự hoang phí nay của chúng ta qua những đồ vật tiểu xảo lại chỉ là sự hoang phí thỏa mãn tâm tư nói cho cùng của hư vô chủ nghĩa!

Những tư tưởng gia hậu hiện đại ở đầu thế kỷ 20 đã không chứng kiến sự đột phá của công nghệ số học thông tin, nhưng chính sự đột phá này thật đặt lại tất cả vấn đề xã hội chính trị, kinh tế, nhân sinh hiện đại. Nó là một động cơ cho sự hoàn cầu hóa, là phương tiện sáng lập những công ty kỹ nghệ, kinh tế thương mại khổng lồ, những sức mạnh không hình hài, không bộ mặt nhưng chi phối đời sống xã hội của cả loài người. Tuy nhiên, với sự chuyển tải cấp tốc thông tin, mang muôn ngàn tín điện đến cho mỗi người, tạo cho con người tự cảm, tự tin là có mặt trong sự hiện thành những quy luật của thế giới. Nhất là với sự thành lập những “blog, facebook, twitter” quần chúng có thể lập thành từng nhóm để chia sẻ, hỗ trợ nhau trong sự nhận định chỉ có thể hời hợi, bề ngoài, không chiều sâu, bình dân túy; và như thế chìm đắm trong những tín điện, chia sẻ nhau những ý tưởng nhậy cảm tức thời, con người sống trong thế giới ảo, mà bản chất không liên quan tới thế giới thật mà những quy định đặt ra bởi những bộ máy, tập đoàn người anh cả kỹ thuật. Theo Baudrillard chính đây là nhân tố cắt nghĩa sự phân liệt (schizophrenia) tâm thần của xã hội, sự thoái chí trong tiềm thức của con người đối phó với sức mạnh của hỏa tiễn, máy bay không người…

Không thể phủ nhận kỹ thuật số học thông tin đã cho khoa học gia, học giả điều kiện vô cùng thuận tiện tham khảo, thảo luận hợp tác trên những vấn đề khoa học, những vấn đề chuyên nghiệp. Một mặt khác phổ quát là giúp quần chúng tức khắc tiếp xúc những tác phẩm văn nghệ, nhưng chính ở lĩnh vực nghệ thuật -mà nghệ thuật hơn bao giờ hết phải là nền tảng tâm lý của con người trước sự khống chế của khoa học kỹ thuật- sự tiếp xúc qua tín học lại là một điều tiêu cực. Với tinh thần điện tử thông tin cấp tốc (internet), những tác phẩm thường đi đến quần chúng dưới hình thức sơ lược tổng kết, với đoạn trích ngắn gọn; đó là hình thức của “Reader’s digest” (Giản lược các truyện giúp độc giả), đã làm hại bao nhiêu người đọc, vì làm mất sự hồn nhiên, bất ngờ kinh ngạc để tìm hiểu thâm sâu và tự mình tiếp nhận và thông diễn giải tác phẩm của Tolstoy, của Balzac, hay của những đại văn hào khác. Hơn nữa, cũng trong tinh thần đại chúng hóa của số học thông tin, nhiều đoạn văn thơ, khúc nhạc, mẩu tranh hội họa được đưa ra như những mẫu từ, những nhịp khúc, những mẩu vẽ để mọi người có thể sửa đổi sao chép đúc kết thành một tác phẩm của mình. Ta không phủ nhận trong kiến trúc, xây cầu dựng tháp, sự góp nhặt sơ đồ kiến trúc cộng với phép tính kỷ hà học qua số học tín hiệu đã giúp xây dựng những công trình quá sức tưởng tượng của một người. Cũng như có những bức tuyên truyền ký họa bằng số học tín hiệu có giá trị thích ứng cho xã hội. Nhưng dù sao, những tác phẩm đó không có sự vật lộn của tâm tư chủ thể văn nghệ sĩ, bản chất là chủ thể đơn côi trong sóng gió của cuộc sống, nên nó có thể đẹp, có thể hoàn hảo, nhưng không có cái nhiệm mầu vô khả định tâm hồn nghệ sĩ; mà chính sự nhiệm mầu đó phải là tiêu chuẩn của những tác phẩm văn nghệ chân chính.

Kỹ nghệ thông tin (internet) cho phép đại quần chúng tiếp nhận tới tấp tin tức và hùa nhau phản ứng cập nhật tức thời. Nhưng chính kỹ thuật đó lại có mặt tiêu cực là tạo dựng sự xô bồ, sự a dua , cái hiện tượng của nắm tuyết lăn trên tuyết càng ngày càng lớn (effet de la boule de neige); đại quần chúng hùa theo nhau, dễ dàng bị lôi kéo vào trào lưu bình dân túy. Một tác phẩm văn nghệ, một ý tưởng chính trị, xã hội nông cạn lợi dụng được hay lêch lạc tình cờ nắm được cơ hội, có thể trở nên một sức mạnh đè bẹp mọi suy tư chân chính cá nhân của con người. “ Chuyện thằng bé biết la lên: Ô đức vua không mặc quần!” là một chuyện càng ngày càng hy hữu trước sức mạnh lớn lao, qua tín học thông tin tới tấp, của lễ hội cộng đồng hò vui hưởng ứng của ngàn ngàn người, của phong trào liên hoan tuyên dương bởi triệu triệu người. Chúng ta chắc chắn có thêm điều kiện để tự do nhận xét qua những thông tin cập nhật tới tấp của kỹ nghệ tín học; nhưng trong sự bội ứng dụng của kỹ nghệ thông tin, theo Baudrillard, chúng ta chìm đắm trong thế giới ảo, bội hiện thực, cái tự do mà chúng ta có ở đó cũng là tự do ảo, vì làm sao chúng ta mỗi người có thể giữ nguyên vẹn suy tư cá tính, nhân bản trước sự xô bồ, áp lực nông cạn không thể tránh được của đại quần chúng. Chính đại quần chúng này cũng chỉ là một hiện tượng ảo trong cái ảo vô cùng của thế giới ảo mà chúng ta thấy trên màn phim ảnh, trên máy truyền hình!

*********
Thế giới ảo bắt buộc phải như bong bóng để rồi bể vỡ! Heidegger, Adorno, Baudillard… đều cảm nhận vậy. Cảm nhận vậy, theo Baudillard, rất nhiều người cũng chia sẻ và chính vì vậy hân hoan khi thấy “Đế Quốc Mỹ”, tiền phong trong sự cấu tạo thế giới ảo, đang như càng ngày càng suy thoái, vì chính đó là biểu tượng cái suy thoái của toàn xã hội nhân sinh hiện đại. Nói một cách khác, như Heidegger, như Adorno đã nghĩ, chúng ta càng ngày càng thấy triệu chứng của sự đột phá tan vỡ nội tạng (an implosion) của xã hội.

Một sự kiện mà chúng ta trong tiềm thức đều hoảng sợ chờ đợi. Khoa học kỹ thuật triển khai không cùng, cơ giới càng ngày càng mãnh liệt để ta điên cuồng chinh phục thiên nhiên, để ta có thể giết hại lẫn nhau bằng vũ khí đủ sức mạnh tàn phá cả quả địa cầu. Cái đà phát triển không cách gì kìm giữ, thoát khỏi sự kiểm xoát của loài người; chúng ta đã chót mở cái hòm chứa Pandora, để con quỷ thoát rồi không còn cách gì bắt nó lại. Cũng như thế, kỹ thuật càng ngày càng đột phá trong sự chế tạo không ngừng đồ vật tiểu xảo cho trẻ con của cả thế giới thi nhau có cả đống đồ chơi, cho người lớn người già thi nhau có những đồ vật bội dụng, những đồ vật không cần thiết nhưng vì một lý lẽ hoang xài tiềm thức, mỗi người cũng phải chất đống. Chất đống rồi phế bỏ để cả địa cầu chìm đắm dưới những phế liệu. Do đấy, cùng với sự bội dụng năng lượng khoáng sản của trái đất, đưa đến cái hiểm họa sinh thái, mà trong cái đà phát triển ngoài tầm tay của loài người sẽ chỉ mang lại, cái hiểm họa sinh thái có nguy cơ tàn phá không chỉ xã hội nhân sinh mà chính sự sống còn của loài người trên trái đất.

Tuy nhiên cái điều Baudrillard nhấn mạnh chính là vấn đề nhân bản. Chúng ta đã bị phân liệt, không còn biết thế nào là chủ thể, khi khoa học kỹ thuật, phát triển qua lý trí của con người, lại đưa đến thế giới bội hiện thực khống chế bởi vật chất. Chúng ta mất mọi triển vọng cao siêu (the loss of transcendence), mất dương khí mặt trời (the solar principle), chúng ta thoái hóa, trở nên nhỏ bé, bị phân liệt bởi những hoàng quang ảo ảnh của minh tinh bề ngoài nông cạn bình dân túy, của vật chất, của sức mạnh máy móc, của robot điện tử. Với sự tới tấp tín hiệu, sự hò reo của màn ảnh của thư mạng, chúng ta không còn tâm trí để tĩnh lặng tự tìm tòi chậm rãi suy tư, bản chất chính yếu để hiện hành bản thân làm người. Nhưng Baudrillard không hoàn toàn bi cực, vẫn tin ở khả năng tự giải thoái của con người, một chủ thể cá biệt. Một tiếng nói dù đơn độc vẫn có thể là điểm dựng (le point d’appui) cho loài người của ngày mai. Cái gì làm cho mỗi người chúng ta tự ly khai ra khỏi cái xã hội hiện đại đang sa lầy, chính là biết phản kháng đảm nhận lấy vị chí chủ thể của bản thân. Phải không rơi vào cái dòng a dua, xô bồ, bình dân túy, phải không chìm đắm dưới đống đồ tư liệu sa hoa ảo ảnh, bội thu bội dụng, phải không thoái vị trước sức mạnh bạo lực máy móc cơ giới nhân tạo, chúng ta đảm nhận lại cương vị chủ thể của mình, chủ thể trưởng giả và quý phái!

Có lẽ trước hết là mãnh liệt khẳng định lại bản chất nguyên sơ tiền hiện đại; duy trì lễ độ bảo thủ, quả quyết tiếp cận với những biểu tượng linh thiêng tiền sử, tin rằng có đấng tối cao mà lý tính con người không bao giờ đạt thấu được. Có rất nhiều tư tưởng gia chỉ trích Baudrillard đã như thế tán đồng với “quá khích bảo căn đế” (fondamentalisme extrêmiste). Nhưng thật chủ thể trưởng giả và quý phái là biết sống trên vòng tầm thường đại chúng. Chỉ dùng những tư đồ cần thiết, hơn nữa luôn luôn ở bất cứ vật thể nào thu dụng tìm cho ra bàn tay sáng tạo không máy móc của nghệ sĩ; tránh xa sự rộn ràng mà trái lại không ngần ngại sống hàng ngày trong cô đơn tĩnh lặng, nhìn xung quanh với đôi mắt kiêu sa, sẵn sàng phản tư diễn giải phê bình hay tìm hiểu; đọc những tác phẩm văn học in thành sách quý bìa dầy, để nghiền ngẫm với đầu óc hồn nhiên chân thành nhưng chiết trung (éclectique); hy sinh tiền của để có tác phẩm nghệ thuật -cũng có thể một phần là để hỗ trợ nghệ sĩ trong hành trình sáng tác nhân bản- để treo trên tường và có cơ hội suy tư, tìm hiểu nghệ thuật dù rất có thể mấy tháng sau nhận ra một khía cạnh yếu kém nào nên rỡ tác phẩm xuống cất vào kho….Chủ thể trưởng giả và quý phái là luôn luôn giữ triển vọng hình nhi thượng cao siêu, là hồn nhiên rộng lượng đài các với dương khí của mặt trời.

*********
Xã hội Việt nam mới vừa bước vào thế giới hiện đại, khoa học kỹ thuật, công nghệ thi trường hoàn cầu hóa…Nên chúng ta chưa hẳn sống thế giới ảo bội thu bội dụng, bội hiện thực mà Baudrillard phản kháng. Chúng ta còn cảnh bà ba miền tây nam bộ của Nguyễn Ngọc Tư lang thang ngoài chợ làng với áo cánh trắng sờn tay sờn vai, còn bà mẹ răng đen nhai trầu bán hàng rong ngoài bắc; chúng ta còn những công nhân làm mười tiếng một ngày không đủ ăn, ở tụm năm tụm ba trong căn phòng 12 thước vuông, cuối năm không đủ tiền về quê thăm nhà….Nhưng tuy nhiên cao ốc chọc trời xây dựng khắp nơi, một tầng lớp trưởng giả mới giàu học làm sang hình thành phô trương diễu hành trong xã hội; cái thế giới ảo bội hiện thực âu tây hiện hình rồi, sẵn sàng đưa đại quần chúng sa lầy vào ảo tưởng. Khái niệm chiết trung, trưởng giả quý phái không phải là không cần thiết cho chủ thể nhân bản trong xã hội đang phát triển ở Việt nam chúng ta. Nhất là nữa, cái xã hội này trong giai đoạn lịch sử vàng thau lẫn lộn, đảng trị mờ ám, che đậy và dối trá, không bao giờ hết mỗi người chúng ta phải biết trong phòng kín làm “thằng bé biết kêu lên: Ôi! Lãnh tụ không mặc quần”; trưởng giả quý phái cũng là đức tính chủ thể can đảm tự nhận ra sự thật, trước cái a dua, cái xô bồ, cái hời hợt chỉ biết hưởng thụ bội thu và bội dụng mà khoa học kỹ thuật và kinh tế thị trường hiện đại đang lôi kéo đắm chìm dần đại quần chúng.

Previous Post
Next Post