Vì sao khi xảy ra hỏa hoạn, việc mà hầu hết mọi người thường làm là chạy nháo nhào theo dòng người ồ ạt xô đẩy nhau cho dù không hề biết là họ đang đi đến đâu? Tất cả những phản ứng này gọi là hiệu ứng đám đông.
Hiệu ứng đám đông là một hành vi có thể thấy được ở bất cứ nơi đâu trong cuộc sống chúng ta. Đã có rất nhiều những nghiên cứu về vấn đề này và kết luận đó là một phản ứng tâm lý rất tự nhiên, không hề xấu. Thế nhưng, khi hiệu ứng này có thể giết chết một con người, đó không còn là chuyện nhỏ. Bạn đã bao giờ thực sự suy nghĩ về vấn đề này?
Năm 1993, Kevin Carter – phóng viên chụp ảnh cho một tờ nhật báo ở Nam Phi, đã đi đến vùng Sudan để thu thập tài liệu về phong trào nổi dậy ở địa phương này. Thế nhưng khi đến đây, chứng kiến cảnh đói khát và dịch bệnh ở nơi này, anh quyết định chuyển sang chụp ảnh dân thường – những người đang phải chịu đựng khổ sở cùng cực.
Một lần đang ngồi nghỉ chân, anh trông thấy một bé gái da đen thân thể gầy gò, đói khát gục xuống đất vì kiệt sức, sau lưng em là một con kền kền đang chờ đợi. Nó đợi em bé chết để ăn thịt, trong khi em bé thì đang cố lết đến một trại phân phát lương thực của Liên Hiệp Quốc gần đó. Kevin đã canh suốt 20 phút để lấy được cảnh con kền kền tung cánh nhằm gây được ấn tượng mạnh hơn nhưng không được. Thế là, anh đành chụp bức ảnh và đuổi con kền kền đi.
Lúc ấy, Kevin đã biết rằng bức ảnh của mình có thể gây ra một “quả bom” lớn nên anh về lại thành phố ngay và bán nó cho tạp chí New York Times. Bức ảnh được đăng lần đầu vào ngày 26-3-1993 và ngay lập tức khiến dư luận cực kỳ quan tâm. Hàng ngàn cuộc gọi của độc giả đổ về tòa soạn để hỏi về số phận của em bé ấy khiến tờ New York Times phải ra thêm một thông báo đặc biệt về vấn đề này, cho biết họ không rõ đứa trẻ ấy có chết hay không.
Bức ảnh tiếp tục được đăng tải trên rất nhiều báo và tạp chí trên khắp thế giới, trở thành biểu tượng cho những gì đen tối nhất, thống khổ nhất đang diễn ra tại Lục địa Đen và cũng mở ra một xu hướng khai thác những hình ảnh đau khổ và chết chóc, từ Liban đến Somali, từ Haiti đến Rwanda, Kosovo, và sau này là Irak… Kevin Carter trở thành một cái tên nổi tiếng. Tất cả dư luận lúc bấy giờ trên khắp thế giới đều dồn cả về anh và bức ảnh của anh. Ngày 23-5-1994, Kevin nhận được giải thưởng danh giá Pulitzer ở thể loại ảnh báo chí và cũng nhận được rất nhiều lời tán dương cho sự cống hiến của mình. Thế nhưng, 3 tháng sau, anh tự sát. Khi người ta nhìn lại cuộc đời của phóng viên trẻ này, tất cả đều không khỏi giật mình khi nhận ra được sức mạnh ghê gớm của dư luận.
Bởi vinh quang và đau khổ đã đến với Kevin gần như cùng một lúc. Khi anh nhận được giải thưởng cao quý nhất trong nghề của mình, cũng là lúc anh thực sự rơi vào căng thẳng, khủng hoảng và dằn vặt, khi người ta căn vặn anh vì sao lại không ra tay cứu đứa trẻ, vì sao có thể vô tâm chỉ đứng chụp hình và bỏ đi? Người ta điện thoại cho anh kể cả lúc nửa đêm chỉ để chửi bới anh là kẻ tàn nhẫn, vô lương tâm. Thậm chí có một bài báo còn viết về anh như sau: “Người chỉ chú trọng đến việc chụp được những khuôn hình chuẩn vô cảm trước sự khốn khổ của cô bé thì cũng là một loại động vật ăn thịt, một con kền kền khác trong bối cảnh ấy mà thôi”. Thêm vào đó, người bạn thân của anh – Ken Oosterbroek, bị bắn chết khi đang ghi lại cảnh bạo lực đường phố vào năm 1994 đã khiến Kevin thực sự suy sụp. Người ta thấy anh chết trong chiếc xe hơi đầy khí độc của mình, bên cạnh dòng sông anh vẫn thường chơi thuở bé.
Sau cái chết của anh, báo chí cũng như những người quan tâm cho rằng nên thông cảm cho Kevin Carter, bởi vào thời điểm ấy, cánh phóng viên tác nghiệp tại Sudan đều được cảnh báo rằng không nên tiếp xúc với người dân nơi đây để tránh lây lan dịch bệnh. Kevin Carter chỉ có thể làm được một việc là đuổi con kền kền đi. Tuy vậy, người phóng viên trẻ này cũng đã bao lần tự dằn vặt về điều ấy. Bạn bè của anh kể lại anh thường xuyên tâm sự với họ rằng anh ước gì mình có thể can thiệp và cứu đứa bé ấy. “Tôi bị ám ảnh bởi những ký ức về cái chết, về sự giận dữ và nỗi đau của những đứa trẻ đói khát hoặc bị thương…” – đó là những lời cuối cùng của anh trong lá thư tuyệt mệnh.
Lúc này, những người đã từng công kích và đả phá anh ngày xưa cũng lên tiếng. Họ cho rằng anh có lỗi một phần nào nhưng không đáng phải chết. Nhưng quan trọng là, rất nhiều người thú nhận, họ lên án anh chỉ vì dư luận xung quanh đang làm thế, họ chỉ quan tâm đến những lời quá khích về anh mà không thực sự tìm hiểu cặn kẽ câu chuyện. Đó chính là hiệu ứng đám đông, khi bạn tham gia vào một việc chỉ vì đám đông đang làm thế. Người ta cũng bắt đầu đề cao anh, bởi chính nhờ bức ảnh của anh mà cả thế giới bàng hoàng nhận ra một châu Phi đang đói khát và khổ cực đến thế nào và ra tay cứu giúp. Thế nên, anh có thể đã không cứu được đứa bé ấy nhưng không thể phủ nhận rằng anh đã gián tiếp cứu được biết bao mạng người. Kevin Carter thực sự có lỗi hay không – tùy vào đánh giá của từng người. Nhưng điều đáng quan tâm nhất đó là liệu tất cả chúng ta có thực sự còn muốn tham gia vào một cuộc chỉ trích, phê phán ai đó nếu biết được rằng một lời nói nhỏ bé của mình có thể khiến họ phải tìm đến cái chết?
. …
Hiệu ứng đám đông mà chúng ta đang đề cập là một hiện tượng tâm lý xã hội tồn tại trong mọi cộng đồng con người và mang đặc tính hai mặt: tích cực và tiêu cực. Chính nhờ có cái đặc điểm tâm lý xã hội này mà một cộng đồng người cụ thể (từ một nhóm nhỏ, đến một tổ chức, một khu vực dân cư, đến một quốc gia…) có thể thực hiện được nhiều điều lớn lao hay vĩ đại mà một vài người riêng lẻ không thể thực hiện được. Tuy nhiên, như trên đây vừa đề cập, hiệu ứng đám đông này cũng có thể “giết chết” một con người. Đó chính là sự thật!
Mạng Internet có sức mạnh “phù phép” đông đảo người nghe theo, tin theo và làm theo. Mặt khác, có rất nhiều người sẵn sở hữu “máu bài trừ” người khác (mặc dù có thể họ chẳng biết sự thật là gì) bằng cách truyền đi những thông điệp mang tính chất kích động và chống lại một ai đó (thường là những người nổi tiếng, hoặc ai đó nổi trội hơn mình…). Một đặc điểm khá đặc biệt của nhiều bạn trẻ hiện nay là cứ nghĩ rằng một cái comment thì cũng chỉ như “quả pháo chuột” chẳng gây thương tích gì cho ai, nhưng các bạn đã quên mất rằng rất nhiều quả pháo bé tí xíu đó tạo nên một “dây pháo khổng lồ” và có thể “giết chết” một người là điều bình thường.
Khi những thông điệp mang tính “bêu xấu” được truyền đi một cách có chủ đích, có hệ thống, và chuyên nghiệp thì vấn đề càng trở nên nguy hiểm hơn. Trong khi đó, từng cá nhân trong đám đông thường bị “lu mờ lý trí” hay “mê muội” như kiểu bị thôi miên và được dẫn dắt bởi một ai khác hoặc một ý tưởng không phải của mình.
Nói đơn giản thì là đừng nói điều mình không biết, đừng kể điều mình không thấy. Ông bà nói “quét nhà ra rác”, hễ bạn tìm điều tiêu cực thì bất kỳ ai cũng luôn có hàng tá điều tiêu cực để bạn thấy.
Còn nếu bạn đang là một “hot topic” hay một “đích bắn” của người khác thì điều tối quan trọng là sự bình tĩnh và tự tin. Một hiệu ứng đám đông đang nhắm vào ai đó cũng như một cơn lốc xoáy vậy, ai càng mất bình tĩnh, càng vùng vẫy giải thích, biện hộ… thì càng làm gia tăng nguy cơ “mất mạng". Yên lặng một cách tự tin và tôn trọng những lời bình phẩm của người khác. Đó là một thái độ khôn ngoan, điều này khác với sự chạy trốn. Hãy làm những việc như giải thích, đính chính, hay xin lỗi… sau khi cơn lốc xoáy đi qua, và bạn sẽ thấy vấn đề dường như cũng không đến nỗi quá kinh khủng như lúc đầu.
“Khó khăn lớn nhất là con người thường không suy nghĩ thấu đáo về bản thân mình, khi thì không biết suy xét xem họ đang hy sinh cái gì, khi thì chạy theo số đông” – Raph Waldo Emerson.
Một hành động của bạn cho dù rất nhỏ bé, nhưng khi nó đã có tương tác với cộng đồng, khi nó hòa mình vào vô số những hành động khác, hãy đủ tỉnh táo để ý thức được bản thân mình đang làm gì và sẽ có hệ quả ra sao.
Bài viết của KHÁNH LINH & NGÔ MINH UY