Đúng thế đấy. Một hôm nhận được thư của một độc giả không quen biết: “Trước kia tôi cũng từng viết nhiều bài đầy khắc khoải như cô, nhưng bây giờ đã già rồi, lửa đã tắt, không viết được nữa…” Hay lần khác, cũng vì “văn chương chữ nghĩa” một người muốn gặp khi biết tôi đang ở nơi đó, và tôi đồng ý. Ông mang đến cho tôi một bó hoa rất to, không biết cầm thế nào và sau đó không biết để đâu? Chắc tôi đã làm ông thất vọng vì sự “xa cách lãnh đạm” không “thi ca” chút nào của tôi, khi tôi đề nghị chỉ xưng hô” anh, tôi, chị” và …thế thôi: gặp nhau trên mail… Nhưng chắc chắn tôi đã bị ghét, không nhiều thì ít, khi một lần từ chối không”chấp bút cùng nhau” với một người cầm bút khác.
Cái gì xảy ra vậy? Mày lại mắc bệnh tự kiêu tự phụ tự thỏa mãn của những kẻ hay dây dưa vói chữ nghĩa chăng? Không, chỉ vì một buổi “tự dưng” nhận ra mình chán sự quanh quẩn trong những quan hệ người, cứ quay vòng tròn lẫn nhau và vì nhau. Đúng thế, có chạy đi đằng giời cũng không thoát khỏi mặt đất này, nhưng…chán. Vì đời sống đột nhiên trở nên trần trụi, cứ muốn diễn ra, cứ lộ nguyên hình trên một mặt phẳng, trong một cái khung, cùng một lúc, và rõ mồm một chỉ có ngần ấy …
Tôi nhớ tới một bộ phim đã từng làm tôi rất kinh ngạc: như trên một sa bàn, hay đơn giản hơn, như trên một sân khấu, cùng lúc tất cả các nhân vật xuất hiện và tất cả mọi người cùng lúc làm những việc họ muốn. Chỗ này ăn, chỗ kia đánh nhau, chỗ nọ nhảy múa hát, chỗ ấy cày cuốc, chỗ đó yêu đương…Có một thời gian, tôi nhớ mình đã rất ”khoái chí” vì cái cách đặt vấn đề “hợp lý” đến như vậy, để tuốt lên mặt mâm trình bày, có gì ghê gớm đâu mà phải dấu giếm hoặc quan trọng hóa, nhân cách hóa, lý tưởng hóa?
Nhưng nỗi buồn, dấu đi đâu những nỗi buồn hả con người? tôi dám chắc rằng ai cũng có những nỗi buồn như tôi thuở ấy. Nó chỉ chấm dứt từ khi tôi gặp bác Hamvas Béla. Đúng thế, khi bác chỉ cho tôi: trái đất đã bị cắt đôi, con người đã bị cắt đôi, chỉ biết về một nửa bản thân mình, bởi thế giới bên kia, mặt vô hình của sự sống đã bị “đánh cắp”.
Tên trộm nào làm điều đó vậy? Tên trộm duy nhất chính là ta, là con người, là chính mình, trong lúc quẩn quanh với miếng ăn hàng ngày, đã tưởng đời người sinh ra chỉ để vật lộn kiếm miếng ăn để sinh sôi nảy nở và chết đi vô nghĩa. Và những nỗi buồn đọng le lói không chịu tắt trong mỗi con người đã cứu sống nó. Con người đi tìm sự vắng thiếu của mình.
Tất cả những ai hiểu ra điều này, bỗng một ngày trở nên lãnh đạm. Không phải vì nó đã hóa đá vô cảm trơ trơ, mà đơn giản chỉ vì nó bắt đầu tĩnh trí, định trí. Và muốn thoát ra khỏi sự quanh quẩn “dàn hàng ngang” mà tiến trong cõi người. Nó trở nên xa lạ, xa cách, xa xôi, sa sầm, xa lắc…với trước hết chính mình.
Mọi cụ thể đột nhiên biến mất. Có thể tìm thấy gì trên mặt đại dương mênh mông vô tận, vô ích mắt đăm đăm? có thể gọi tên được chăng cảm giác tràn ngập một hình bóng, tính tình, giọng nói…vô hình trong tâm tưởng, khi nhớ đến một người, khi không hiểu tại sao, một ngày bỗng hình bóng ấy choáng ngợp cả tâm trí, trong từng khắc giờ trôi nhanh của ta? Cái gì vậy, cảm giác này? Đấy là ai? Sao con người suốt đời cứ mắc vào linh cảm đi tìm ai?
Trôi dạt, chỉ khả năng trôi dạt phù hợp với cảm giác này, có lẽ thế nên người ta lưu lạc tứ phương, chỉ lưu vong - hiện trạng phổ biến hôm nay của thực tại người chứa chấp toàn bộ các tầng, các thang bậc tình cảm của mỗi kiếp sống, có phải thế không?
Tôi nhớ mình đã gặm nhấm rất lâu rất nhiều ngộ nhận. Đi từ lầm lẫn tìm kiếm này đến lầm lẫn tìm kiếm khác, mỗi lần dừng chân, lại thổn thức sống rất lâu trong góc hẹp đó, của một giới hạn cụ thể, rồi lại bỏ đi, cứ miên man, cứ lần hồi như thế…
Trong từng giây phút sống cụ thể hay chỉ trong hiển hiện tâm tưởng cũng thế thôi bạn ơi. Chừng nào ta chưa vượt hẳn lên, cao hơn hẳn hiện tại, cứ như đã chắp cánh bay cao vút lên trời xanh như đôi cánh chim, vượt cao quá những ngọn cây cao nhất, và lẫn vào những tầng mây thăm thẳm của bầu trời vô tận…
Để đôi khi thầm thì tự hỏi mình: Ta đã dứt được một chút tình mặt đất? hay chỉ mở rộng hơn tấm lòng ôm ấp toàn bộ trời đất? Không biết!
Ôi, ta đang đón chờ gì sẽ đến với linh hồn ngơ ngác hôm nay đây?
Xem thêm: Xã hội học của sự cô đơn