Có lẽ ai cũng từng tự hỏi rằng mình sinh ra làm gì? Anh làm được gì ở trên đời này, liệu 300 năm nữa có còn ai nhớ anh đã tồn tại trên đời này không? Thế giới có 7 tỷ người, liệu anh có biết được một danh nhân ở một nước châu Phi xa xôi không? Chắc chắn là không, mặc dù họ rất nổi tiếng ở nước họ. Liệu anh có biết Newton , Pushkin là ai không? Biết. Nhưng biết gì về người ta? Chỉ một cái tên mà thôi. Có ai biết người ta đã yêu, đã sống, đã suy nghĩ như thế nào không? Có ai bảo là biết về con người đó không? Chắc không ai trả lời được ngoài một số nhà nghiên cứu, mà cũng chưa chắc đã hiểu hết.
Suy cho cùng mọi thứ chỉ là hư vô. Danh tiếng ư? Chả để làm gì. Tiền tài ư? Cũng là vô nghĩa. Quyền lực ư? Có giữ mãi được không? Bản thân trái đất này cùng loài người sau vài tỷ năm nữa có còn tồn tại không? Không. Bản thân vũ trụ chứa hàng tỷ, hàng tỷ hành tinh có sự sống như trái đất này tồn tại mãi mãi không? Không. Vậy tại sao anh lại muốn lưu tên mình lại làm gì? Muốn có quyền lực làm gì? Muốn tiền tài vật chất nhiều để làm gì? Khi anh chết đi, có còn giữ được gì không? Có còn mang được gì không, hay là anh sẽ luyến tiếc và ân hận vì đã có lúc vì tiền bạc, quyền lực mà đã đạp người khác xuống, gây không ít đau khổ cho đối thủ của mình.
Vậy ta sinh ra ở trên đời để làm gì? Tại sao chúng ta phải chịu bao nhiêu nỗi khổ mà một kiếp người phải chịu đựng? Sinh, lão, bệnh, tử! Ai chả đã từng lo lắng đến thắt lòng khi người thân của mình bị đau đớn, khi mạng sống của họ bị đe doạ, khi cảm nhận thấy sự mong manh của kiếp người, khi đối mặt với sự sợ hãi của bất ổn tương lai. Ai mà chả phải trải qua những lo nghĩ về tiền bạc, về tình yêu, về bạn bè. Tại sao ta cứ phải căng mình lên mà phấn đấu, mà đấu tranh mà vượt qua đau khổ và trở ngại? Vậy cốt lõi của việc ta sinh ra và sống ở trên đời là gì?
Nếu theo những lập luận mà theo tôi là lãng mạn thì: là để sống, đấu tranh và tìm kiếm hạnh phúc cho mình và cho những người mình thương yêu. Thế đấy chưa bàn đến việc hạnh phúc đó đấu tranh đó hay tình yêu cũng không tồn tại mãi.
Thử hỏi hạnh phúc là gì? Phải chăng con người không phải là những người có voi đòi tiên ư? Khi có một, lại muốn có hai? Có hai lại đòi có ba? Đúng vậy, đó là tất yếu của cuộc sống mà cũng là động lực phát triển của xã hội. Nhưng nếu tham lam quá thì mãi mãi là nô lệ cho chính mình. Hạnh phúc khi đó chỉ là trăng trên đáy nước, không bao giờ có được.
Nếu tìm được mục đích thực sự của cuộc sống thì những nghệ thuật sống trên mới thật sự là có ý nghĩa chứ, có phải là như vậy chăng?